Phạm Duy Hiển
Tại
cuộc hội thảo do Liên Hiệp các Hội Khoa Học Kỹ
Thuật VN tổ chức mới đây, ý kiến các nhà khoa học không đồng tình với
việc xây
dựng cùng lúc 4 lò phản ứng hạt nhân đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư
luận.
Ngay sau đó đã có ý kiến phản bác lại từ phía một số cơ quan chức năng.Báo
Tiền Phong
đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Duy
Hiển – nhà khoa học hàng đầu của ngành hạt nhân Việt Nam, người từng
giữ trọng
trách chỉ huy xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tuy
nhiên có thể do khuôn khổ tờ báo, bài
được đăng đã bị cắt khoảng 1/3 so với bài gốc.
Diễn Đàn xin cám ơn GS Phạm Duy
Hiển đã vui lòng cho phép đăng lại
toàn bài này.
PV. Nghe
những ý
kiến phản bác đó, GS nghĩ gì?
Trước hết, tôi muốn bình luận ý
kiến của một chuyên gia Nhật Bản đến Viện NCHN Đà Lạt dự hội thảo và
được đưa
lên VTV1 gần đây. Ông ta nói nước Nhật vận hành hơn 50 lò phản ứng rất
an toàn,
do đó các bạn VN nên nhanh chóng xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN),
không có
gì phải lo lắng.
Sự thực, hơn mười năm gần đây Nhật
Bản đã giữ kỷ lục thế giới về các tai nạn ĐHN, khiến những ai chống đối
ĐHN
càng tin rằng họ có lý (may quá, không có tôi trong số này!). Đó là
những sự cố
lò nơ trôn nhanh Monju (1995) khiến phương hướng năng lượng sống còn,
nhưng rất
tốn kém này của nước Nhật phải bị đình chỉ; tai nạn xảy ra ở nhà máy xử
lý
nhiên liệu Tokaimura năm 1999 do những sai sót hết sức ngớ ngẩn đã làm
chết hai
kỹ thuật viên, 600 người bị chiếu xạ, 320.000 người dân địa phương được
yêu cầu
không ra khỏi nhà; vụ bịa đặt số
liệu kiểm tra
nghiêm trọng ở tập đoàn TEPCO bị phác giác (2003) khiến 17 lò phản ứng
với tổng
công suất lên đến 16 nghìn mê ga oát của tập đoàn này phải đóng cửa
nhiều tháng
trời v.v...
Nhân đây tôi xin nói rằng một số
công ty nước ngoài muốn bán nhà máy cho ta đã không ngần ngại dụ dỗ và
tuyên
truyền một chiều trong các hội thảo khoa học, triển lãm, tổ chức hàng
trăm lượt
người đi tham quan nhà máy ĐHN như những khách VIP. Mắt thấy tai nghe
để ủng hộ
ĐHN là việc nên làm, nhưng lạm dụng chuyện này để bán nhà máy mà không
đả động
gì đến thực trang an toàn nhà máy ĐHN và trình độ còn thấp của chúng ta
là rất
nguy hiểm.
GS Phạm Duy
Hiển
PV. Và họ đã thành công?
Đúng thế, đến thăm nhà máy ĐHN, tai
bạn không nghe một tiếng động, mũi bạn không thấy bốc mùi, khói đen kịt
không
thoát ra từ ống khói như nhà máy điện chạy than thông thường. Trái lại,
mắt bạn
bị choáng ngợp bởi các thiết bi hiện đại, sáng choang. Nhưng bạn không
thể nào
hình dung được sức “công phá” ghê gớm của hàng tỷ cu ri chất phóng xạ
bị nhốt
bên trong khối bê tông kia một khi con “quỷ dữ đó sổng chuồng”. Chỉ cần
vài cu
ri trong số hàng tỷ cu ri đó cũng đủ chết người.
Đây chính là câu chuyện an toàn
từng làm cho dân chúng ở nhiều nước tiên tiến “nói không” với ĐHN, làm
cho ĐHN
dẫm chân tại chỗ trong nhiều thập kỷ liền. Nước nào làm ĐHN cũng phải
tính đến
chuyện này như vấn đề sống còn của cả dân tộc. Cho nên rất dễ hiểu khi
thấy
Phần Lan, nước châu Âu độc nhất đang xây lò phản ứng, lại phải chịu bỏ
tiền ra
mua lò đắt nhất của Pháp vì mục tiêu an toàn trên hết. Chưa hết, họ
đang trễ
tiến độ đến gần hai năm cũng chính vì để bảo đảm an toàn.
Mà ĐHN có an toàn hay không đâu
phải là chuyện thuần túy kỹ thuật như các công ty thường ve vãn. Đây là
vấn đề
con người, cụ thể là trình độ chuyên gia, quản lý, thực thi luật pháp
và hạ
tầng cơ sở. Tất cả những tai nạn hạt nhân đến nay đều do con người gây
ra.
Người ta cố tình lờ đi những chuyện
này cốt sao VN sớm ra quyết định làm ĐHN, xây một lúc càng nhiều lò
càng tốt.
Mục tiêu trước mắt của họ là bán được nhà máy, sau đó ... sẽ tính tiếp!
PV. Xin GS nói rõ hơn tính
tiếp
là thế nào?
Sẽ tốt đẹp nếu ta có đủ người am
hiểu, làm chủ được công nghệ phức tạp, lại có hệ thống luật pháp nghiêm
minh,
biết quản lý theo công nghiệp hiện đại. Song chúng ta đang thiếu tất cả
những
thứ đó. Giả sử nếu năm 2009 Quốc Hội quyết định xây nhà máy ĐHN thì năm
2010
các chuyên gia sẽ phải vào cuộc để quyết định những việc hệ trọng ở tầm
chuyên
môn sâu nhằm khởi động dự án, như chọn công nghệ, ra bài thầu, xét
duyệt các
phương án thiết kế và xem xét chu đáo tác động đến môi trường của rất
nhiều
hạng mục công trình. Ai làm việc này? Có thể kể đến một số anh em có
kinh
nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nhưng chưa thể nói đây là
các
chuyên gia ĐHN, vả lại số người này cũng không thấm vào đâu. Vậy phải
phó thác
những quyết định lớn cho người nước ngoài chăng?
Cái
nữa mà chúng
ta thiếu, và đáng sợ, là tính kỷ luật và chấp hành quy trình quy phạm
công
nghiệp. Nhìn quang cảnh giao thông hỗn loạn trên đường phố ta sẽ liên
tưởng
ngay đến ĐHN. Nhà máy ĐHN không thể là một ốc đảo bình yên trong một
môi trường
mà entropy và tính hỗn độn ngày một gia tăng như hiện nay. Trong hoàn
cảnh đó,
rất cần những người quản lý nghiêm túc, có hiểu biết, không được hớ
hênh và chủ
quan. Cấp trên của họ lại càng như vậy. Cho nên, những phát ngôn gần
đây của
một số người thuộc cơ quan chức năng khiến cho công chúng hết sức lo
ngại. Có
thể họ có thiện ý tuyên truyền cho ĐHN, nhưng hóa ra gậy ông lại đập
lưng ông.
Các công ty nước ngoài rất hiểu
tình trạng này của chúng ta. Họ tin rằng đằng nào ta cũng phải trông
chờ vào sự
điều khiển của họ trong mọi khâu sau này. Kịch bản tương lai là thế đó!
Rồi
biết đâu nhà máy ĐHN sẽ trở thành một thứ con tin trong tay họ.
PV. Vậy không thể nói nhà máy
ĐHN chẳng khác gì nhà máy điện chạy than thông thường, chỉ một bên được
đốt
bằng than, bên kia bằng hạt nhân?
Tôi nghĩ, khi nghe những ý kiến
kiểu này, người nào chưa “sợ” ĐHN, ắt phải “sợ”, ai đã “sợ” rồi chắc
phải ...
khiếp! Bởi ĐHN nằm trong tay những người chỉ cưỡi ngựa xem hoa rồi xem
trời
bằng vung. Tôi không tin rằng những người hoạch định chính sách ở cấp
cao sẽ
nghe theo họ.
PV. Vậy đào tạo nhân lực trình
độ chuyên gia bằng cách nào?
Đào tạo người vận hành thì dễ, vài
năm là xong, thậm chí dễ ợt theo cách nói của một vị quan chức mới đây[i].
Đào tạo chuyên gia mới khó. Các cơ sở đào tạo trong nước hiện không đủ
điều
kiện, vì ĐHN không thể dạy chay, mà ngay cả người dạy chay cũng thiếu.
Chúng ta
chỉ dạy cho thoát nạn “mũ chữ hạt nhân” thôi. Đầu vào lại rất thiếu,
lớp trẻ có
năng lực không thích vào ngành này. Dù sao, vẫn cứ phải tổ chức lại và
nâng cấp
các cơ sở hạt nhân ở trường và viện để đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho lâu
dài.
Nhìn ra nước ngoài, tôi cũng không
hy vọng họ sẵn lòng đào tạo chuyên gia, nhất là trao các hiểu biết công
nghệ về
ĐHN cho ta. Vậy chỉ còn cách là tập hợp những người ưu tú nhất hiện có
và tổ
chức tự đào tạo qua công việc. Cho nên, tôi kiên trì ý kiến trước
mắt chỉ
xây dựng một lò 1000 mê ga oát, lấy đó làm trường đào tạo, xây dựng và
thử
thách cơ sở hạ tầng của chúng ta, đặc
biệt là hệ thống quản lý và thực thi pháp luật an toàn hạt nhân.
Thành công của dự án này không chỉ là đưa một lò phản ứng vào vận hành,
mà
chính là qua đó đặt những nền tảng ban đầu cho cả quá trình phát triển
ĐHN sau
này. Nghĩ mãi, tôi không thấy cách nào khác. Đốt cháy giai đoạn, hậu
quả khôn
lường!
PV. Nhưng có người lại bảo xây
luôn bốn lò cũng tốn từng ấy người và xác suất xảy ra sự cố cũng chẳng
khác gì
xây một lò mà lại kinh tế hơn?[ii]
Chao ôi! Không biết vị này du nhập
thứ triết lý kỳ quặc này từ đâu mà cho rằng xây bốn lò cũng tốn từng ấy
người
và xác suất xảy ra sự cố cũng giống như xây một lò. Còn kinh tế hơn,
thì có
thể, nhưng chỉ có lợi cho bên bán thiết bị thôi. Mà tiêu chí của chúng
ta là an
toàn cho dân chúng hay kinh tế? Nếu có một quyết định nào đó sai lầm
trong khi
xây đồng thời bốn lò thì “quay đầu” lại bằng cách nào? Có tốn kém hơn
không?
PV. Lại có ý kiến cải chính
rằng
bốn lò sẽ xây gối đầu nhau chứ đâu cùng một lúc?
Thế này nhé, muốn 2020 có ĐHN ngay
từ 2013 ta phải động thổ lò thứ nhất, đến 2017-18 phải động thổ lò thứ
tư. Vậy
từ đó trở đi không phải xây đồng thời bốn lò là gì? Chuyện hiển nhiên
vậy mà
một số người vẫn thích chơi trò tù mù!
PV.
GS nhấn mạnh đến vấn đề an
toàn hạt nhân. Để minh họa, GS có thể kể lại một vài trải nghiệm đối
với lò
phản ứng Đà Lạt (LPUĐL) mà GS từng chỉ huy xây dựng và vận hành?
Theo
kế hoạch, LPUĐL phải được nạp
nhiên liệu vào ngày 20/10/1993 để kịp khởi động vật lý trước ngày
1/11/1993
chào mừng 5 năm ký kết hiệp ước hữu nghị Việt Xô và cách mạng tháng
Mười Nga
(7/11). Cả phía ta và bạn đều yêu cầu vậy. Vào ngày 20, tôi quyết định
dùng một
chiếc xe che bằng chì chống tia phóng xạ để leo xuống đáy lò xem xét
tình trạng
dưới đó. Tôi thấy dưới đáp lò nước quá bẩn, nếu cho thêm nước cất hai
lần vào
cho đầy thùng (20 m3), e rằng các thanh nhiên liệu có thể sớm bị dỉ và
thủng,
gây ra dò dỉ chất phóng xạ. Tôi quyết định không thể nạp nhiên liệu khi
chưa
làm sạch đáy lò trước sự phản đối của các bạn Liên Xô, sợ không kịp
tiến độ.
Tôi cũng tổ chức họp để thuyết phục các đồng nghệp VN.
Cũng
theo kế hoạch, sau ngày nghỉ
lễ cách mạng tháng Mười (7/11), các chuyên gia Liên Xô sẽ cùng với phía
ta khởi
động năng lượng và đưa lò vào vận hành ổn định trước cuối tháng 12, sau
đó họ
sẽ về nước ăn Tết. Ngày 10, trước khi vào việc, tôi yêu cầu rút một
thanh nhiên
liệu từ dưới lò lên xem xét (lúc này thanh nhiên liệu chỉ nhiễm xạ rất
ít). Mọi
người bàng hoàng khi thấy vỏ thanh nhiên liệu vốn sáng loáng trước khi
nạp vào
lò, bây giờ trở nên xám xịt, không rõ vì sao. Tôi quyết định dừng mọi
kế hoạch
lại để nghiên cứu xem chuyện gì đã xảy ra, cử trưởng đoàn chuyên gia về
nước
mang theo một thanh nhiên liệu giả và một lít nước lò để các nhà khoa
học Liên
Xô tham khảo. Đồng thời đề nghị nhà nước bỏ tiền ra ký hợp đồng gia hạn
đoàn
chuyên gia Liên Xô thêm ba tháng nữa. Các bạn Liên Xô bắt buộc phải
chấp nhận
quyết định của tôi mặc dù rất buồn vì không được về nước đoàn tụ gia
đình trong
dịp năm mới.
Nhiều
người bảo tôi bướng, làm phật
ý cấp trên và mất lòng các bạn Liên Xô. Nhưng trong hơn 25 năm qua,
chưa bao
giờ tôi ân hận về các quyết định đó. An toàn là trên hết. Nếu không có
những
quyết định đó, chắc gì LPUĐL làm việc ngon lành cho đến tận bây giờ.
Xin cảm ơn ông
Phạm Duy Hiển
Phỏng vấn do Mỹ Hằng thực hiện
[i] Theo ông Nguyễn
Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
KHCN&MT của Quốc hội, “chúng ta có đủ năng lực để làm việc đó
[quản lý, vận
hành một nhà máy điện hạt nhân] và để đào tạo một đội ngũ vận hành
những vấn đề
này cần thời gian khoảng 32 tháng”. Xin miễn bình về cái khẳng định
chắc nịch của ông tiến sĩ chăn nuôi này. Xem Tiền
Phong ngày 18.10.2008.
[ii] Đó là ý kiến của
ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng
lượng (Bộ Công Thương) phát biểu trên báo Tiền
Phong ngày 19.10.2008. Ông vụ trưởng của bộ Công thương này
chắc quen bán chạp phô ?
(các chú thích là của Diễn Đàn)
|