Thứ Năm, 2024-03-28, 7:27 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 3 » Nói gì về sự giả dối trong giáo dục?
2:01 PM
Nói gì về sự giả dối trong giáo dục?

03/12/2008 13:03 (GMT + 7)
Trước những câu hỏi trong lĩnh vực giáo dục: Sự giả dối tồn tại như thế nào? Bạn đã bao giờ giả dối? Và làm thế nào để tránh khỏi sự giả dối? - Tuần Việt Nam ghi nhận những ý kiến của độc giả.

>> Thư 20/11, Bộ trưởng giáo dục lo lắng về sự giả dối

“Sự giả dối” tồn tại như thế nào?


Hoàng Xuân Tùng – Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tôi thấy rằng có lẽ chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý “thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly” nên vẫn kéo dài tình trạng báo cáo thành tích ảo.

Qua đó các con số tổng kết được chủ động dựng lên dựa trên một thực tế không tương xứng, nhất là trong bối cảnh thi đua lập thành tích cho phong trào nào đó. Chính vì thế, có lẽ việc phát động các phong trào thi đua cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giả dối.

Tôi đã có một năm thi không đỗ đại học. Có lẽ cũng là do nguyên nhân của căn bệnh thành tích. Các thầy cô giáo không đánh giá thực chất học lực của học sinh. Chính vì thế, tôi đã ảo tưởng lực học của chính mình thông qua điểm số, do đó khi không đỗ đại học thì tôi đã cảm thấy rất hụt hẫng và thất vọng. Mong rằng, việc đánh giá năng lực học sinh sẽ thực chất hơn, đặc biệt là đối với học sinh lớp 12.


Đinh Hải Ninh – Giáo viên trường THPT Chũ – Lục Ngạn – Bắc Giang

Hiện nay, các giáo viên đi dự giờ nhau đôi khi cũng chỉ vì hình thức, có giảng dở thì cũng không dám có ý kiến gì, vẫn nhận xét tốt vì nể mặt đồng nghiệp.

Hay đó là chuyện soạn giáo án ở một số trường, hầu như soạn chỉ mang tính chất hình thức mà không hề kiểm tra đánh giá chất lượng giáo án hoặc công tác kiểm tra không được tiến hành thường xuyên.




Vũ Lan Phương – Sinh viên Đại học Răng Hàm Mặt

Tôi thấy có một thực tế cần phải cảnh báo, đó là tình trạng mọc ra như nấm của các trường đại học. Số lượng chỉ đánh giá một cách giả dối trình độ đào tạo của các trường đại học. Cơ sở vật chất thì thiếu, sinh viên phải học nhờ hết chỗ nọ lại chỗ kia, trình độ giảng viên kém, thậm chí có những trường chỉ có vài tiến sĩ, thạc sĩ và thậm chí cả cử nhân, còn không tính đến chuyện đi thuê bằng…

Không ít người học ra rồi thì đến đánh máy một văn bản word cũng không nên hồn, trình độ A Ngoại ngữ cũng chẳng phát âm nổi. Điều đó thật đáng buồn!

Vấn đề xin việc của ngành sư phạm hiện nay cũng là một biểu hiện của sự giả dối. Muốn xin vào các trường hầu hết đều phải có mối quan hệ nào đó chứ không đơn thuần là chuyện xin dựa theo trình độ, năng lực thực sự của người giáo viên.


Đỗ Ngọc Thúy – giáo viên trường THPT Nguyễn Siêu – Hà Nội

Một số trường vào đầu năm học, mỗi giáo viên phải đề ra mục tiêu cho mình. Nhưng mục tiêu đã đặt ra là nhất định phải được như thế, nếu không thì  là “do giáo viên không hoàn thành tốt nhiệm vụ”, mà đâu có ai muốn mất danh hiệu GV dạy giỏi, chiến sỹ thi đua hay tiền thưởng?

Thay vì “không hoàn thành nhiệm vụ”, thì các GV sẽ “hoàn thành nhiệm vụ” là một tỷ lệ HS giỏi, khá, trung bình như đã đề ra. Nhiệm vụ chỉ là một bản báo cáo thành tích thôi mà!




Mai Mạnh Tam – sinh viên Đại học Y Hà Nội

Hiện nay có phương pháp học sinh đánh giá giáo viên, xét theo một khía cạnh nào đó thì nó nhằm đánh giá thực chất giáo viên, nhưng ở một khía cạnh khác nó sẽ là căn nguyên của sự giả dối.

Đối với những học sinh khá, giỏi thì không sao, các em sẽ có cái nhìn thực chất năng lực của thầy cô giáo, nhưng đối với số học sinh kém hơn và cá biệt một chút thì đôi khi chúng chỉ căn cứ vào thiện cảm với giáo viên.

Chính vì thế, nếu quá nghiêm khắc sẽ dễ bị học sinh “ghét” mà đánh giá thấp, do đó không ít giáo viên vì thế mà phải “lấy lòng” học sinh bằng cách này hay cách khác.

Bạn đã bao giờ “buộc phải giả dối”?

Đinh Hải Ninh: Đã nhiều bản thân tôi cũng bị cuốn theo trào lưu và trong trường hợp đó không thể làm khác được bởi tất cả mọi người cùng như thế, làm khác sẽ bị tập thể đào thải và cô lập, sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Như tôi đã nói, đó là chuyện vì nể mặt mà sau mỗi lần dự giờ luôn  phải đánh giá đồng nghiệp tốt.

Vũ Lan Phương: Dĩ nhiên là có rồi, tôi không thể là con người cá biệt trong một tập thể được. Và một mình trong tập thể đôi khi là quá nhỏ nên không thể thay đổi được gì.

Hoàng Xuân Tùng: Tôi nghĩ rằng ai cũng sẽ có những lúc bị đẩy vào tình trạng “buộc phải giả dối” một đôi lần. Ví dụ như chuyện viết một chiếc bản kiểm điểm do một vài lần sai phạm cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi chứ không khơi dậy được tinh thần tự ý thức của học sinh, sinh viên.

Đỗ Thị Ngọc Thúy: Nhìn chung, là một con người của tập thể, do đó đôi khi tôi cũng như bao nhiêu người khác mà thôi. Lý do một phần là do vai trò của cá nhân trong tập thể còn quá mờ nhạt và không có tiếng nói quyết định (số đông luôn chiến thắng), nữa là do tính chủ động của bản thân không cao nên đã làm cho có “phong trào”, đặc biệt khi tôi còn là học sinh.

Mai Mạnh Tam: Hầu hết, cuộc sống là sự thích nghi nên tôi nghĩ việc đó là không thể tránh khỏi. Điều gì cớ lợi hơn thì nên làm, chình vì thế chúng ta không dại gì mà đấu tranh một mình với đám đông cả. Chúng ta không phải là cả xã hội nên tôi cũng đã rất nhiều lần trở thành đám đông và hòa vào đám đông.

Mỗi cá nhân cần làm gì để tránh khỏi sự giả dối trong giáo dục?
Ảnh chỉ có tính chất minh họa: blog Tny

Để tránh khỏi sự giả dối...

Đinh Hải Ninh: Mong muốn của riêng tôi đó là cần trung thực thừa nhận những tồn tại, những khiếm khuyết trong ngành. Điều này đòi hỏi có sự thay đổi tư duy trong toàn ngành từ trên xuống dưới. Không nên đặt ra chỉ tiêu hay đánh giá các trường và giáo viên theo chuẩn này hoặc chuẩn kia. Và cũng đừng học theo nước khác, vì giáo dục của chúng ta rất đặc thù, còn thiếu thốn nhiều chứ không như các nước đã phát triển.

Vũ Lan Phương: Tôi nghĩ rằng ý kiến của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng về vấn đề giáo dục là ý kiến của một người rất tâm huyết. Nhưng Bộ trưởng cũng nên chỉ ra cho chúng tôi biết những biểu hiện và phương pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng giả dối này. Có chỉ ra cụ thể mới có thể tìm ra cách giải quyết được. Tuy nhiên, tôi cũng xin đề nghị tăng cường sự quan tâm đến hệ thống giáo dục trung học và dạy nghề để tránh đẩy nước ta vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Đỗ Ngọc Thúy: Hãy thẳng thắn, đó là điều tôi muốn nói. Nếu có một ai đó không thẳng thắn thì có lẽ chúng ta còn bị cuốn trong vòng tròn luẩn quẩn này mà không bao giờ tìm được lối ra. Và đó cũng chính là nguyên nhân mà trong vài năm gần đây mặc dù Bộ trưởng đã rất tâm huyết, các ban ngành đã rất quyết liệt nhưng vẫn chưa thực sự có được hiệu quả như mong muốn.

Hoàng Xuân Tùng: Đừng nên đề ra phong trào thi đua thế này hay thế kia, và cũng đừng đặt ra chỉ tiêu thế này hay thế khác, đó chính là mong muốn của tôi để giảm tình trạng thiếu trung thực trong ngành giáo dục.

Mai Mạnh Tam: Trên thực tế thì dù căn bệnh này có bị mổ xẻ lên án như thế nào đi nữa thì ta cũng không thể phủ nhận được rằng Việt Nam vẫn có rất nhiều học sinh giỏi. Vậy có chăng để công việc học tập được nâng cao tôi nghĩ rằng hãy chú trọng việc dạy học sinh cách tư duy và học chủ động sáng tạo không nên đi theo những khuôn mẫu có sẵn trên nền tảng kiến thức chuẩn.

  • Hà Nguyễn (thực hiện)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 803 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0