Thứ Ba, 2024-11-05, 8:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Blog, câu chuyện bên bàn cà phê được mang lên Net!
11:10 AM
Blog, câu chuyện bên bàn cà phê được mang lên Net!
2008-12-04

Quản lý blog đang là vấn đề gây nhiều lúng túng cho giới chức hữu trách Việt Nam.

Lúng túng đầu tiên liên quan đến định nghĩa: blog, nó là cái gì vậy? Lúng túng thứ hai liên quan đến chức năng: blog được dùng để làm gì? và lúng túng thứ ba liên quan đến nội dung: người ta có thể viết gì trên blog?

Chẳng hạn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, ngày 27 tháng 11, nhận định: “blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ [Việt Nam] khó xác định.”

Cũng trong ngày ấy, ông thứ trưởng định nghĩa, và sau đó kết luận luôn, rằng “đã là nhật ký cá nhân, thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là cho người thân đọc.”

Trước đó không lâu, cũng chính vị thứ trưởng này phát biểu, rằng blog có nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội thì “không thể gọi là blog.”

blog là gì?

Có thể thấy, mọi chuyện bắt đầu từ định nghĩa, rằng blog là Nhật Ký Cá Nhân. Chính định nghĩa này đưa đến suy luận: nhật ký cá nhân thì không nói chuyện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Suy luận này đưa đến một câu hỏi khác: có thật là chuyện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vấn đề không mang tính cá nhân? Nếu quả thật là như vậy, thì chuyện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mang tính gì?

Lấy ví dụ, một người chạy xe máy, buổi sáng đổ xăng, thấy giá xăng tăng 1 ngàn đồng 1 lít. Buổi trưa về nhà, người này lên blog, phàn nàn chuyện giá xăng. Liệu câu chuyện giá xăng có mang tính kinh tế không?

Và liệu chuyện người này phải móc túi của mình, lấy thêm 1 ngàn đồng của mình, trả cho tiền xăng chạy xe của mình, có phải là thông tin cá nhân không? Hay thử đặt tình huống ngược lại, trong đó xăng giảm giá 1 ngàn. Người viết blog viết rằng nhờ quyết định của chính phủ mà giá xăng giảm, liệu người này có vi phạm định nghĩa thông tin cá nhân không?

Một blogger khá nổi tiếng tại California, Hoa Kỳ, là ông Vũ Quí Hạo Nhiên, nói rằng có thể một số giới chức Việt Nam hiểu mơ hồ về khái niệm blog, thậm chí có thể không biết cách mở một blog, lại là người đưa ra qui định sử dụng blog:

“Đây là những người hiểu mơ hồ về cái gọi là blog. Rất tiếc trong năm qua, có nhiều báo dịch chữ blog là Nhật Ký Cá Nhân nên những người, chẳng hạn ông Đỗ Quý Doãn, cứ theo đó mà hiểu. Còn bây giờ mà nhờ ông Doãn mở dùm cho một cái blog, tôi nghĩ ông ấy cũng bó tay.”

Có thể, cách nói của blogger Hạo Nhiên là cách nói thậm xưng, nhiều người tin rằng, một thứ trưởng của một Bộ có thẩm quyền quản lý blog thì không thể không mở được một trang mà ông ấy gọi là Nhật Ký Cá Nhân.

Vì tất cả mọi chuyện bắt đầu từ định nghĩa, có lẽ chúng ta cần tìm cho ra một định nghĩa về hình thức thông tin này. Thử tìm hiểu trên Wikipedia. Tự điển đại chúng này viết, rằng blog, chữ viết tắt của “web log,” là một website, thường được cập nhật và duy trì bởi 1 cá nhân, bằng cách liên tục và thường xuyên cho vào website này những nhận định, những mô tả sự kiện, hoặc các chất liệu khác, như những hình ảnh và đoạn phim video ngắn.

Xét về thể loại, thì Wikipedia phân blog ra thành nhiều loại; bao gồm blog cá nhân, blog thương mại, blog hỏi đáp, blog mang tính truyền thông, blog phân loại theo thiết bị sử dụng, và blog phân loại nội dung (chẳng hạn chính trị, du lịch, thời trang, giáo dục, âm nhạc, luật pháp, vân vân).

Vì sao phải quản lý?

Chiếu theo những thông tin này, có thể thấy, blog là một khái niệm rộng, hơn là một định nghĩa hẹp và cứng. Vậy thì, nếu blog có thể nói về chính trị, du lịch, giáo dục, luật pháp, vân vân, thì vấn đề thông tin cá nhân được hiểu như thế nào?

Trong bài báo ngày 28 tháng 11 của VietNamNet, website này đưa ra dẫn chứng về một trang blog cá nhân, tự trang trí để chào mừng một ngày lễ của Việt Nam. Nền của toàn bộ trang blog này là một lá cờ đỏ sao vàng. Liệu trang blog này có vi phạm những định nghĩa về mặt nội dung không?

Một blogger tên là Tạ Phong Tần từng đưa ra nhận định về sự phân biệt giữa thông tin cá nhân và thông tin báo chí:

“Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.”

Việt Nam gần đây ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc sử dụng blog nói riêng và Internet nói chung.

Hồi đầu tháng 10, Việt Nam cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông và có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”

Trước đó, Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Nghị Định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam. Nghị định này liệt kê một số hành vi bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Ngày 27 tháng 11 vừa qua, Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây Dựng Thông Tư Về Hoạt Động Cung Cấp Thông Tin Trên Blog” và ngụ ý sẽ có một thông tư riêng, qui định các hoạt động liên quan đến blog.

Phản ứng của giới blogger

Chắc chắn, giới blogger phải có ý kiến về những qui định có thể được ban hành nay mai, liên quan trực tiếp đến họ. Trên blog của tác giả Vàng Anh, độc giả, và cả thính giả, có thể đọc và nghe rất nhiều ý kiến phân tích liên quan đến việc quản lý blog.

Trước hết, một blogger viết rằng, giới blogger lấy làm tiếc vì không được góp ý kiến về nội dung văn bản quy phạm:

“Một điều rất đáng tiếc là trong khi một số văn bản pháp luật được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên các diễn đàn chuyên ngành liên quan (như trường hợp Luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp) thì các blogger Việt (số lượng lên đến hàng triệu người) - là những người có liên quan và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của thông tư - lại không hề nắm được cũng như không được góp ý kiến về nội dung văn bản quy phạm sẽ ban hành.”

Tiếp theo, cũng trên blog này, tác giả đưa ra 2 điều mà anh cho là “tự mâu thuẫn.” Một trong 2 mâu thuẫn ấy liên quan đến câu hỏi: ai có quyền sở hữu báo chí?

“Nhà nước cho phép blog phát triển thành trang thông tin điện tử (theo như định nghĩa ở điều 3) và buộc blogger phải tuân thủ các quy định liên quan, trước tiên là luật Báo chí. Như vậy, nhà nước thừa nhận sự tồn tại của loại hình báo chí tư khi đưa blog vào phạm vi điều chỉnh của luật Báo chí. Thế nhưng, nhà nước Việt Nam hiện nay chưa cho phép tư nhân làm báo.”

Blogger Hạo Nhiên, chủ trang blog Bolsavik nói rằng, vấn đề tại Việt Nam là trong khi chính quyền kiểm soát báo chí, thì ngược lại, không ai trong chính quyền công khai thừa nhận rằng báo chí Việt Nam bị kiểm soát cả. Và sự im lặng hiểu ngầm này bắt đầu rơi vào thế lúng túng khi loại hình blog ra đời.

“Họ lúng túng, không biết làm sao. Nếu gọi blog là báo chí để kiểm soát, thì chẳng khác gì thú thật chúng tôi kiểm soát báo chí. Còn nếu không kiểm soát thì chắc chắn họ không chấp nhận. Thành ra, họ bị kẹt giữa 2 làn đạn; một bên là nhu cầu của một chính quyền muốn kiểm soát thông tin, bên kia là nhu cầu của một chính quyền đang hội nhập quốc tế không dám thú nhận với mọi người rằng chúng tôi kiểm soát thông tin.”

Blogger Hạo Nhiên là chủ trang blog có tên Bolsavik với âm đọc gây khó chịu cho nhiều người. Một số nhật báo và tuần báo tiếng Anh tại miền Nam California đã từng giới thiệu trang web này là nơi mà những ai muốn biết chuyện của cộng đồng Việt Nam ở Mỹ thì nên vào đọc. Anh lý giải về cách đặt tên blog của mình.

Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

“Blog của tôi tên là Bolsavik.com. Bolsa là tên con đường chạy qua khu người Việt Nam đông nhất hải ngoại, là đường Bolsa. Bolsavik viết theo tiếng Nga là “người Bolsa.” Tôi chọn tên này vì nghe ngồ ngộ, giống Bolshevik tức là tiếng dùng để chỉ người Cộng Sản mặc dầu chữ tiếng Nga chỉ có nghĩa đơn giản là Người Của Phía Đa Số. Ngày xưa người Cộng Sản tự xưng mình là người của đa số, có đa số hay không thì không biết nhưng bây giờ người ta quen người ta gọi là “bọn Bonshevik.”

Có một điều ít người nhắc đến, đó là hình thức sử dụng blog đã có từ trước khi tên gọi blog ra đời. Tự điển đại chúng Wikipedia nói năm 1993, tiến sĩ Glen Barry làm cho riêng mình một loại hình tương tự blog, mang tính chính trị, có tên là “Văn Khố Lưu Trữ Bảo Tồn Rừng của Gaia” (Gaia’s Forest Conservation Archives). Mục đích của hình thức văn khố “ảo” này nhằm kêu gọi bảo vệ rừng và đến nay vẫn còn tồn tại.

Tên gọi blog thì mãi đến năm 1999 mới ra đời, và có nguồn gốc từ chữ “weblog” được phát kiến năm 1997.

-------------------

Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ một số blog và blogger liên quan đến những văn bản đang và sẽ được ban hành nhằm quản lý loại hình blog.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.

Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 767 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 554
Khách: 554
Thành Viên: 0