Thứ Bảy, 2024-11-23, 3:30 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 5 » Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp
6:06 PM
Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp

01- WILLIAM J. DUIKER và HO CHI MINH, A LIFE

Tuần báo Far Eastern Economic Review (Kinh Tế Viễn Đông) số ra ngày 8-8-2002 bị hạn chế phổ biến tại Hà Nội vì đăng một bài có tựa đề Các nhà kiểm duyệt bàn cãi về tiểu sử ông Hồ. Sự việc này đã dẫn tới lời qua tiếng lại giữa hãng thông tấn Reuters và phát ngôn viên ngoại giao Phan Thúy Thanh của Hànội. Chung quy chỉ vì tác phẩm Ho Chi Minh, a life (1) của William J. Duiker mà một số người tại Hà Nội có ý định dịch ra tiếng Việt.

Ngoài lời tán tụng của một số sử gia Mỹ nổi tiếng như Douglas Pike, Marilyn Young, tờ Washington Post đã nhận định tác phẩm của William J. Duiker "có lẽ đầy đủ và có uy tín nhất từ trước đến nay" trong các sách nói về Hồ Chí Minh. Stanley Karnow, nhà báo lão thành trở thành sử gia tên tuổi với cuốn Vietnam, a history cũng viết "Người ta đã viết nhiều về Hồ Chí Minh, nhưng chưa có cuốn nào bằng (equals) cuốn của W.J.Duiker". Chữ bằng ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: Hay, hấp dẫn, nhiều chi tiết mới hoặc nhiều trang nhất. Quả tình cho tới nay chưa có cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh nào nhiều trang như cuốn này: 700 trang khổ lớn.

Để hoàn thành tác phẩm, Duiker đã dành 20 năm cho việc đọc và gặp gỡ những tác giả đi trước, những nhân chứng, những người cầm bút ở Mỹ, Úc, Âu châu, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... Ông nêu ra hàng loạt tên tuổi, trong đó phần lớn là viên chức các cơ quan tại Hà Nội như Viện Mác Lênin, Viện Sử Học, Đại Học Hà Nội và những nhân vật Cộng Sản Việt Nam mà ông gọi là các học giả và nhà nghiên cứu thường quan tâm tới Hồ Chí Minh hay tới cuộc cách mạng Việt Nam. Một số người còn được ông nêu đích danh như Nguyễn Huy Hoàn ở Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh, Trần Thanh, bốn nhà sử học Phùng Hữu Phu, Lê Mậu Hân, Phạm Xanh, Phạm công Tùng cùng các nhân vật Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ, Đỗ Quang Hưng, Ngô Phương Ba, Văn Tạo, Trần Hữu Đính, kể cả Lưu Doãn Hùynh thuộc Viện Liên Lạc Quốc Tế của Cộng Sản Việt Nam .... Cuối lời Tựa, tác giả "tha thiết mãi mãi cám ơn Yvone (2) tỏ ra kiên nhẫn chịu đựng ông Hồ, người đã trở thành gần như một thành viên của gia đình"…

Những lời trên cho thấy tác giả chẳng những sống với nhân vật của mình mà còn lôi cuốn cả vợ con chia xẻ tình cảm của mình đối với ông Hồ. Rõ ràng phải cảm phục ông Hồ lắm, tác giả mới có thể kết thúc tác phẩm như sau: "Bất kể cuối cùng người đời phán xét về di sản của ông để lại cho dân tộc mình ra sao, ông Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ những anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ"(3).

Duiker trách nhà cầm quyền Paris và Washington "đã bỏ lỡ cơ hội không nắm tay Hồ Chí Minh khi ông này giơ tay cho họ bắt, để đến nỗi đem lại hậu quả thảm khốc cho nhân dân Việt Nam và cho cả thế giới."(4) Theo Duiker, chính tổng thống Truman chịu phần lớn trách nhiệm về tình hình Việt Nam do hành vi năm 1945 bác bỏ lá thư của Hồ Chí Minh xin Hoa Kỳ ủng hộ khi ông mới chân ướt chân ráo về nước. Tác giả nhìn lại thời điểm này qua tường trình, báo cáo của mấy nhân vật trung cấp Hoa Kỳ có dịp tiếp xúc với Hồ Chí Minh những năm 45-46 như Archimedes Patti, Charles Fenn vốn là những người ngay thẳng, không có kinh nghiệm về cung cách ứng xử của ông Hồ.

Thực ra, cũng khó quyết đoán là Duiker quá tin ở những tài liệu trên để nghĩ như thế hay ông đã dùng những tài liệu trên như điểm tựa cho ý nghĩ vốn có của mình mà người đọc có thể lượng trước qua sự cảm phục đối với nhân vật Hồ Chí Minh.

Khi xây dựng tác phẩm, Duiker đã được tài trợ để qua Việt Nam, qua Liên Xô thu góp tài liệu, đồng thời lại có sẵn tài liệu của nhiều tác giả đi trước. Khối tài liệu mà ông sử dụng hết sức dồi dào và đa dạng vì bao gồm từ tài liệu chính thống tới tài liệu đả phá do ông tham khảo ở một vài tác giả chống Cộng. Khi phân tích tài liệu, Duiker luôn tỏ ra vô tư bằng cách nêu lên nhiều giả thuyết trái ngược, nhưng phần lớn kết luận của ông bao giờ cũng ngả theo tài liệu chính thống trước các nghi vấn đang gây tranh cãi.
Chẳng hạn trong nghi vấn về vụ nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu bị Pháp bắt, Duiker đưa ra rất nhiều lời biện bạch để cho rằng chính cụ Nguyễn Thượng Huyền, một người thân tín của cụ Phan, đã báo cho Pháp bắt cụ Phan chứ không phải Lâm Đức Thụ là kẻ cộng tác mật thiết với Hồ Chí Minh như sử gia Phạm Văn Sơn hay tác giả Hoàng Văn Chí và nhiều tác giả khác đã viết. Riêng tác giả Việt Thường, một nhà báo cộng sản hoạt động cho đến 1976 tại miền Bắc đã quả quyết người âm mưu bán đứng cụ Phan chính là Hồ Chí Minh. Khi nói về nghi vấn này, Duiker cũng không nhắc tới cái chết của Lâm Đức Thụ mà theo một số tác giả là do Hồ Chí Minh chủ trương để giữ bí mật việc ông ta có dính vào vụ báo cho Pháp bắt cụ Phan, mặc dù Duiker từng nhắc tới mối liên hệ khăng khít giữa Lâm Đức Thụ và Hồ Chí Minh (5).

Karnow khen Duiker đã giải mật (demystifies) về nhân vật Hồ Chí Minh, làm cho các huyền thoại, các bí ẩn được sáng tỏ. Nhưng chính Duiker lại viết ở cuối đoạn mở đầu : "Ngồi trên tòa cao của đền thánh dành cho các anh hùng cách mạng, Hồ Chí Minh hẳn sẽ thích thú biết rằng, ít nhất qua cuốn tiểu sử này, cái dáng dấp huyền bí bao quanh ông vẫn còn nguyên vẹn (remains intact)."(6)

Có thể hiểu đó là lời thú nhận sự bất lực trong việc giải tỏa các nghi vấn về tiểu sử Hồ Chí Minh và cũng có thể hiểu đó lời khẳng định thái độ tôn trọng đối với nhân vật nên cố ý giữ sự nguyên vẹn cho những huyền thoại đã có. Theo dõi những trang sách, người đọc khó bác bỏ cách hiểu thứ hai qua nhiều trường hợp lãng quên của tác giả trước một số sự việc.

Ở đoạn viết về tương quan giữa Hồ Chí Minh với Mikail Borodin, Duiker lập lại nguyên vẹn tài liệu của Hồng Hà (7) với nhiều chi tiết hơn từ việc hai người ở chung tại khách sạn Lux Mạc Tư Khoa tháng 12.1923 và thường trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh tới việc được cử sang Trung Hoa với tư cách phụ tá và thông dịch cho Borodin lúc đó là Trưởng Phái Bộ Liên Xô bên cạnh chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Quảng Đông và cuối cùng cũng kết luận y hệt Hồng Hà: "Chỉ riêng vợ chồng Borodin biết căn cước thực của ông"(8).

Nhưng chính Hồ Chí Minh dưới bút hiệu Trần Dân Tiên đã kể khác hẳn về tương quan với Borodin. Ông Hồ kể rằng lúc đó ông qua Trung Quốc để tìm đường về nước với mục đích truyền bá lý tưởng bình đẳng, tự do, bác ái học được ở Pháp. Tại Trung Quốc, ông phải đi bán báo và thuốc lá để kiếm sống nên nhân đó mới đọc thấy lời quảng cáo tìm thông ngôn và đã đến xin việc với Borodin. Trần Dân Tiên là một trong 5 bút hiệu của Hồ Chí Minh nên lời kể trên chính là lời tự kể. Duiker đã tới Việt Nam sưu tầm đủ loại tài liệu về Hồ Chí Minh chắc chắn không thể bỏ qua tập tự truyện của Hồ Chí Minh. Tuy vậy, Duiker coi như không hề có cuốn sách của Trần Dân Tiên (9). Tại sao?

Có thể cho rằng Duiker đã gạt cuốn sách sang bên chỉ đơn giản là do thấy những lời kể trong đó sai với sự thực chăng? Cách giải thích này e khó hợp lý khi lời kể sai sự thực kia chính là lời tự kể của nhân vật đang được nhận dạng. Hơn nữa, mỗi lời kể sai về sự thực bản thân của bất kỳ ai đều phải có hậu ý và trong trường hợp Hồ Chí Minh, hậu ý đó không thể dễ dàng bỏ qua, nhất là đối với một sử gia đang làm công việc tìm hiểu về con người và cuộc sống của chính Hồ Chí Minh.

Nghi vấn thứ nhất cần được giải đáp là lý do khiến Hồ Chí Minh kể sai như thế. Hồ Chí Minh chỉ muốn vẽ ra một cảnh gian khổ để tự đề cao hay muốn che giấu vai trò đảng viên Cộng Sản Quốc Tế ? Ý nghĩa của dụng ý đề cao hoặc che giấu đó là gì?

Nghi vấn thứ hai là công việc thực sự của Hồ Chí Minh lúc đó tại Trung Hoa. Hồ Chí Minh là phụ tá cho Borodin với nhiệm vụ phát triển ảnh hưởng Đệ Tam Quốc Tế qua Trung Hoa và Đông Nam Á hay đúng như Hồ Chí Minh kể là chỉ muốn đem tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của Cách Mạng Dân Quyền Pháp về truyền bá tại Việt Nam? Ngay cả khi tin tưởng tuyệt đối các tài liệu của Liên Xô và tác phẩm của Hồng Hà cũng không thể không xét đến lời kể của chính Hồ Chí Minh dù đã được ông che giấu dưới một cái tên khác.

Nghi vấn thứ ba nằm trong thời điểm Hồ Chí Minh đưa ra lời kể trên. Đó là năm 1948, sau khi xuất hiện ý hướng xoay chiều của người Pháp trong cuộc chiến Việt Nam và vấn đề chống Cộng đã được đặt lại trong dư luận ở nhiều nơi, kể cả vùng Pháp chiếm đóng lẫn vùng kháng chiến. Tình thế lúc đó đã dẫn tới việc Hồ Chí Minh phải che mờ các khuôn mặt cộng sản quá khích như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng ... bằng tấm màn cải tổ chính phủ hồi tháng 7.1947 với sự trình diện một số nhân vật tên tuổi cũ hoặc không lộ rõ màu sắc cộng sản như Phan Kế Toại, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám... Cuốn sách của Hồ Chí Minh có tương quan với tình hình trên không và ý nghĩa tương quan đó ra sao? Trong khuôn khổ nghi vấn này cũng không thể bỏ qua tiết lộ của Pierre Brocheux, tác giả cuốn Ho Chi Minh, cho biết ngay từ đầu năm 1948, Hồ Chí Minh đã có bản dịch tiếng Pháp của cuốn sách và trao cho một nhân viên Cộng Sản Việt Nam tại Miến Điện để dịch ra tiếng Anh cùng các thứ tiếng khác. Như vậy, khi nhận dạng Hồ Chí Minh, không thể bỏ qua cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch do mức độ quan trọng của cuốn sách theo đánh giá của chính ông ta.

Ngoài những nghi vấn về hậu ý khi viết sách, sự hiện diện của cuốn sách cũng là một nghi vấn cần xét về nhân cách của người viết. Một người viết hồi ký kể sai về một sự việc luôn bị nhìn là kẻ bất khả tín thì một người cố tình giấu mặt để tô vẽ mình bằng những huyền thoại tự tạo chứng minh rằng mình có một cuộc sống vô cùng thánh thiện, mình đã được toàn dân tôn xưng là anh hùng cứu nước, được toàn dân coi là cha già dân tộc cần nhận dạng ra sao?

Có lẽ lời giải thích hợp lý nhất về việc Duiker bỏ qua cuốn sách kia chỉ có thể dựa trên phát biểu của chính tác giả là ít nhất qua cuốn tiểu sử này, cái dáng dấp huyền bí bao quanh ông vẫn còn nguyên vẹn. Duiker không muốn phá vỡ các huyền thoại mà Hồ Chí Minh đã tự dựng lên về mình nên mới coi như không có cuốn sách. Bởi vì, nếu đưa cuốn sách ra mổ xẻ để đối chiếu với thực tế, hoặc chỉ để đối chiếu với một số tài liệu khác, thì hình ảnh thực của Hồ Chí Minh khó có thể giúp ông Hồ chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ những anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ như lời diễn tả của Duiker.

Thực ra, Duiker không chỉ tránh chạm tới các huyền thoại xuất phát từ lời kể của chính Hồ Chí Minh mà còn góp thêm huyền thoại qua cuốn sách dày cộm của mình.

Khi nói về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh, Duiker viết: "Mẹ Cung (Hồ) cũng có chút ít kiến thức văn chương Việt Nam và thường ru con ngủ bằng hát ca dao hay ngâm những vần thơ trích trong truyện Kiều cổ điển, một truyện tình thương tâm của cặp tình nhân vướng vào mạng lưới luân lý cổ truyền."
Nói về bà của Hồ Chí Minh, Duiker viết: "Đến đêm, bà của Cung, trước khi đặt cháu lên võng thường đọc cho bé nghe chuyện những bậc anh hùng. Cung thông minh và tò mò nên nhanh chóng hấp thụ kiến thức".(10)

Duiker còn kể chuyện ông Cử Sắc, thân phụ Hồ Chí Minh, đã từ chối không nhận tiệc khao để đem phân phát thịt trâu cho dân nghèo và thường kể cho con nghe về những thần thoại, những bậc anh hùng Việt Nam trong quá khứ. (11)

Tác giả cũng đưa cả ông thợ rèn hàng xóm ra để chứng tỏ cậu bé Cung đã được tiêm nhiễm tinh thần dân tộc từ nhỏ như thế nào. Qua sự diễn tả của tác giả, ông thợ rèn này đã kể cho Cung nghe về mọi chuyện tranh đấu trong lịch sử Việt Nam từ chuyện Lê Lợi, chuyện Mai Thúc Loan, chuyện Phan Đình Phùng tới phong trào Cần Vương... (12)

Điểm tựa cho sự bác bỏ hay nhìn nhận những diễn tả trên hết sức mơ hồ kể cả trong trường hợp tác giả nêu nổi bằng chứng cụ thể cho cái nếp sinh hoạt thơ ấu của cậu bé Cung là như thế và ông thợ rèn hàng xóm là một người rất thông hiểu về lịch sử Việt Nam. Vì ngay trong trường hợp này vẫn không có gì xác nhận cậu bé đã được ru ngủ bằng những vần thơ Kiều, được nghe kể mọi chuyện về Lê Lợi, về Mai Thúc Loan ... và xác nhận cậu bé đã nhanh chóng hấp thụ kiến thức. Dù muốn dù không, vẫn phải nhìn nhận diễn tả trên chỉ phản ảnh quan niệm quen thuộc về ảnh hưởng tác động vào xu hướng tinh thần của con người để dựa trên bối cảnh chung của xã hội nông thôn Việt Nam cuối thế kỷ 19 mường tượng ra vài cảnh sống coi như tiêu biểu của nhân vật. Nói một cách khác, tính chất tưởng tượng đã thay thế tính chất sử liệu trong diễn tả này.

Nhưng, chuyện mẹ ru con ngủ bằng ca dao và truyện Kiều, chuyện bà kể cho cháu nghe về các anh hùng dân tộc, chuyện bố cõng con trên đường vừa đi vừa kể về các thần thoại và các nhân vật lịch sử Việt Nam, chuyện ông thợ rèn hàng xóm hun đúc lòng yêu nước của cậu bé bằng sự nhắc lại những cuộc khởi nghĩa, những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vv… lại được Duiker gom thành tiền đề cho lời xác quyết về nhiệt tình yêu nước của Nguyễn Tất Thành khi Thành lên đường vào mùa hè 1911 để ra đi tìm phương cứu nước.(13) Và, để giữ vững xác quyết này, Duiker đã đưa ra một giải thích hoàn toàn chủ quan trước nghi vấn đang được đặt ra về lá đơn đề ngày 15.9.1911 của Hồ Chí Minh xin được nhập học trường thuộc địa như một học sinh nội trú với mong mỏi sẽ trở nên hữu ích cho nước Pháp... Nhiều tác giả coi lá đơn này như chứng cớ cho thấy Hồ Chí Minh không hề nghĩ đến chuyện đấu tranh vào lúc đó nhưng Duiker quả quyết ý định thực sự của Nguyễn Tất Thành khi viết lá đơn trước hết là để giấu kín ý đồ cứu nước của mình và kế đó chỉ là để có cơ hội học hỏi thêm (14). Nếu sự việc chỉ đơn giản như vậy và còn biểu hiện tính thận trọng, tính cầu tiến rất đáng nêu gương cho giới trẻ thì tại sao Hồ Chí Minh giấu kín việc viết lá đơn và đảng Cộng Sản Việt Nam cũng coi như không có lá đơn, kể cả khi được lôi ra khỏi Thư Khố Paris đầu thập niên 1980?

Theo Duiker, ngoài nhiệt tâm yêu nước, Hồ Chí Minh còn có một nhãn quan chính trị rất sắc bén mà chứng cớ cụ thể là đã chê nhà cách mạng Phan Bội Châu, không thèm nhận lời mời tham gia phong trào Đông Du từ trước khi cụ Phan về nước, năm 1904.(15) Giả dụ lời mời được đưa ra vào năm 1904 thì lúc đó Hồ Chí Minh đang là nhân vật như thế nào? Tiểu sử Hồ Chí Minh ghi ông sinh năm 1890 còn thông hành của ông khi từ Pháp qua Nga ghi năm sinh là1895. Vậy năm 1904, Hồ Chí Minh chỉ là cậu bé mới 9 tuổi hoặc tối đa 14 tuổi. Một cậu bé ở cỡ tuổi đó đã có đức tính gì và đóng góp gì để nhận được lời mời tham gia cách mạng và có thể tin nổi rằng cậu bé đó đủ nhận thức bác bỏ đường lối hoạt động của một phong trào đấu tranh chăng? Thực ra, câu trả lời nằm sẵn ở ngay cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh đã viết "ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công Hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng". Lời mô tả này nhắm cho thời kỳ trước khi Hồ Chí Minh qua Mỹ tức là thời gian mà Hồ Chí Minh đã ngoài 20 tuổi. Một chàng trai ngoài 20 tuổi vẫn chưa biết thế nào là chính đảng, thế nào là bãi công có thể là hậu thân của cậu bé chỉ mới trên dưới 10 tuổi đã biết phán xét, và phán xét sắc bén, đường lối đấu tranh của những nhà cách mạng tiền bối chăng? Nếu không muốn nhìn tới cuốn sách của Hồ Chí Minh thì Duiker vẫn không thể không biết một câu tương tự do chính mình đã trích dẫn là Hồ Chí Minh sau này đã nói với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong rằng cho tới khi viếng thăm Hoa Kỳ khoảng 1913, ông chẳng biết gì về chính trị (16).

Sự mâu thuẫn và bỏ sót rõ rệt nhất của Duiker còn nhiều hơn trong những trang nói về cuộc sống tình cảm riêng của Hồ Chí Minh. Về khía cạnh này, Duiker có khá nhiều tài liệu nhưng có vẻ không lưu tâm. Duiker nhắc tên một loạt các người vợ, các người tình của Hồ Chí Minh như Nguyễn Thị Minh Khai, Tăng Tuyết Minh, Đỗ Thị Lạc, Nồng Thị Xuân, Nguyễn Thị Phương Mai... một cô ở Pháp, vài cô ở Nga và cả chuyện ông Hồ nhờ một cán bộ cao cấp Trung Cộng giới thiệu cho một cô gái trẻ để hưởng tuổi già... theo lối nhìn dành cho những chi tiết lặt vặt và vui vui trong cuộc đời của một lãnh tụ. Có thể đây là lối nhìn mà chính Duiker đã có nhưng cũng có thể đây là chủ đích định hướng nhận dạng đối tượng mà tác giả muốn có nơi người đọc.

Dù thuộc trường hợp nào thì cách diễn tả của Duiker cũng bị vướng mắc khá nhiều.

Chỉ nhìn riêng trường hợp Nguyễn Thị Minh Khai đã thấy rõ những vướng mắc đó. Duiker tỏ ra có khá nhiều tài liệu. Duiker biết Nguyễn Thị Minh Khai là chị của Nguyễn Thị Minh Giang, vợ Võ Nguyên Giáp. Duiker biết liên hệ tình cảm giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh Khai là một bí ẩn rắc rối nhất trong đời ông Hồ. Duiker biết bút hiệu T.Lan của ông Hồ chính là viết tắt tên Trần Thái Lan, một tên khác của Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng Duiker không bàn tới chi tiết cuộc tình bí ẩn này mà chỉ đưa ra những danh xưng rất dễ gây lúng túng cho người đọc. Chẳng hạn khi Duiker gọi Minh Khai là "vợ Quốc", khi gọi là "vợ cũ", khi gọi là "vợ Lê Hồng Phong" và Duiker còn ghi rõ Lê Hồng Phong chính thức kết hôn với Minh Khai tại Liên Xô (17).

Sự việc này cho thấy Duiker đã coi nhẹ vấn đề tới mức không thèm nhìn vào tờ giá thú của Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai được tìm thấy trong văn khố mật của Liên Xô hoặc Duiker chỉ dựa theo tài liệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (18) để giữ vẹn màu sắc thần thánh cho Hồ Chí Minh. Trong trường hợp sau, việc ông dùng danh xưng "vợ cũ của Quốc" để gọi Nguyễn Thị Minh Khai không hẳn là do cẩu thả mà chính là cố ý tạo sẵn lời giải thích cho bất kỳ thắc mắc nào có thể nẩy ra về cuộc tình bí ẩn trên. Người thắc mắc sẽ tự tìm cho mình lời giải thích rằng Nguyễn Thị Minh Khai là "vợ cũ" của Hồ Chí Minh vì đã chia tay với nhau, sau đó mới trở thành vợ Lê Hồng Phong. Cách giải thích này có thể giúp thay đổi hẳn cái nhìn về phẩm cách của Hồ Chí Minh so với tình tiết thực của mối tình tay ba qua ghi nhận của nhiều tác giả mà Duiker đã bỏ qua.

Theo những tình tiết này thì Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai từng hứa hôn từ khi qua Trung Quốc làm việc tại Đông Phương Bộ Quốc Tế Cộng Sản năm 1930. Năm 1931, Minh Khai bị mật thám Pháp bắt giữ cho tới năm 1934 mới được thả. Đây là lúc Lê Hồng Phong và Minh Khai được chọn làm đại biểu tham dự Đại Hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 7 tại Mạc Tư Khoa. Lê Hồng Phong lên đường trước, còn Minh Khai ở lại thụ huấn với Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc tham gia Đại Hội. Thời gian ngắn ngủi này dẫn tới việc Minh Khai có thai với Hồ Chí Minh và khi hai người tới Mạc Tư Khoa đã có sự can thiệp của tổ chức Đảng ở đây để Hồ Chí Minh và Minh Khai chính thức thành hôn. Do đó mới có bản giá thú lưu trữ tại Văn Khố Mật của Liên Xô.

Theo bộ sách 10 tập của Cộng Sản Việt Nam, Hồ Chí Minh Biên Niên Tiểu Sử, thì 3 đại biểu của Đông Phương Bộ Quốc Tế Cộng Sản tham gia Đại Hội Quốc Tế Thanh Niên lần 6 khai mạc tại trụ sở công đoàn Liên Xô, Mạc Tư Khoa ngày 25.9.1935 là Hồ Chí Minh, Minh Khai và Tú Hưu (tức Hoàng Văn Nọn). Tài liệu ghi rõ tên trong Đảng của Hồ Chí Minh lúc đó là Teng Man Huon, còn tên trong Đại Hội là Lin. Không có tài liệu nào của Cộng Sản nói về sự có mặït của Lê Hồng Phong bên cạnh Hồ Chí Minh hay Nguyễn Thị Minh Khai tại Nga vào thời gian này. Khi Nguyễn Thị Minh Khai về nước năm 1936, Hồ Chí Minh cũng xin về nhưng chuyến đi bị hủy bỏ nên mãi cuối năm 1938, Hồ Chí Minh mới về tới Quế Lâm, làm việc tại Văn Phòng Bát Lộ Quân dưới cái tên mới là Hồ Quang, cấp bậc Thiếu Tá. Không có tài liệu nào cho biết thêm về tương quan giữa Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài những tài liệu của Đảng nói về việc Nguyễn Thị Minh Khai có một người con gái và tất nhiên nói đó là con của Lê Hồng Phong. Lê Hồng Phong bị bắt năm 1938 tại Chợ Lớn sau khi chia tay với Hồ Chí Minh tại Hong Kong để về nước. Cuộc gặp gỡ giữa Lê Hồng Phong và Hồ Chí Minh diễn ra hết sức bí mật nên việc bị bắt của Lê Hồng Phong cũng thành một nghi vấn là có thể do bàn tay hãm hại của ông Hồ vì ông vẫn biết Lê Hồng Phong chưa nguôi thù hận về câu chuyện tình với Minh Khai nên ra tay trừ khử.

Trong tác phẩm của mình, Duiker có ghi Hồ Chí Minh từng bị Hà Huy Tập, một đảng viên cùng đợt với Lê Hồng Phong, tố cáo với Quốc Tế Cộng Sản về việc Hồ Chí Minh đã gây ra tai họa cả trăm đảng viên bị sát hại.(19) Tuy nhiên, Duiker không đả động tới nghi vấn về vụ bị bắt của Lê Hồng Phong, dù chỉ đề cập để bác bỏ.

Thực ra, Duiker bỏ qua rất nhiều nghi vấn và sự việc trong cuộc đời tình cảm của Hồ Chí Minh bằng lối kể lửng lơ. Qua cuốn sách của Duiker, người đọc không hiểu diễn biến cuộc sống vợ chồng của Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh ra sao, không nắm vững hết tương quan tình cảm giữa Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai thế nào, không biết gì về cái kết cục bi thảm dành cho Nồng Thị Xuân cùng số phận tất cả những người tình khác... Dường như Duiker chỉ đề cập tới khía cạnh này để chứng tỏ đã đọc nhiều, biết nhiều và nhất là không thể tránh né để chứng tỏ cái nhìn vô tư của một sử gia. Duiker đã chọn một cách đề cập có cân nhắc để không gây tác hại cho cái nhìn vốn có của mình dành cho nhân vật được ngưỡng mộ. Dù vậy việc phổ biến cuốn sách bằng tiếng Việt vẫn gặp rắc rối vào tháng 8.2002 như đã ghi ở đầu chương.

Nhưng ngay cả những người ngăn cản việc phổ biến tác phẩm của Duiker tại Hà Nội chắc chắn cũng phải nhìn nhận Duiker đã góp phần rất tích cực cho việc đánh giá cao tinh thần yêu nước và tài ngoại giao của Hồ Chí Minh. Tương tự một số tác giả khác có cảm tình với Hồ Chí Minh, Duiker xác quyết ông Hồ là người yêu nước thương dân, người hiền hậu khoan dung và những tàn hại mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu đều do thủ hạ lộng quyền, tiêu biểu là nhóm Lê Duẩn, gây ra.

Theo Duiker, Lê Duẩn là người không chấp nhận đường lối ôn hòa được Liên Xô cổ võ giữa thập niên 1950 và đã được ghi vào nghị quyết của Đảng, vì Duẩn tin theo chủ thuyết Mao Trạch Đông, chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực là điều mà Hồ Chí Minh không tán thành. Duiker không trưng dẫn một tài liệu nào làm điểm tựa cho lập luận này nhưng rõ ràng là một biện bạch rất cần thiết cho lối nhìn đã có về Hồ Chí Minh thể hiện từ hình ảnh những cảnh đời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung qua sự tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành tới hành vi của Tổng Thống Mỹ Truman năm 1945 từ chối ủng hộ Hồ Chí Minh mà Duiker gọi là sai lầm. Theo diễn tả của Duiker, Hồ Chí Minh luôn là người thánh thiện, nhiệt tình với dân với nước nhưng luôn bị lâm cảnh gánh chịu tai tiếng về những thảm họa. Cuộc chiến Việt Nam 1945-1954 là do Tổng Thống Truman gián tiếp gây nên bởi bác bỏ đề nghị xin ủng hộ của Hồ Chí Minh và cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 là do chủ trương của Lê Duẩn.

Nhưng chính Duiker lại tỏ ra tự mâu thuẫn khi ghi nhận rằng Hồ Chí Minh là người ủng hộ việc bổ nhiệm Lê Duẩn vào chức bí thư thứ nhất tức là chức vụ có quyền cao nhất trong Đảng với lý do để có thể an tâm rằng kẻ kế vị ông sẽ dành ưu tiên cao cho vấn đề thống nhất đất nước.(20)

Với ghi nhận này, khó thể nghĩ Hồ Chí Minh chống lại chủ trương dùng bạo lực của Lê Duẫn và không chia xẻ trách nhiệm về những thảm cảnh sau này của đất nước.

Hai điểm nhấn mạnh khác của Duiker trong bức chân dung Hồ Chí Minh là tinh thần quốc gia và tính khoan hòa nhân ái.

Tinh thần quốc gia của Hồ Chí Minh là điều được Duiker nhắc liên tục từ đầu tới cuối tác phẩm qua hình dạng một người yêu nước và tranh đấu vì chủ nghĩa dân tộc. Cho nên Duiker cho rằng Hồ Chí Minh không phải là người theo đường lối Cộng Sản Quốc Tế và khẳng định Hồ Chí Minh chỉ muốn làm vừa lòng Stalin khi nhắn với Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam rằng phải tuyệt đối tuân theo chính sách mặt trận thống nhất đã được thông qua tại Đại Hội 7 Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản chứ không thực sự muốn thi hành các điểm đã nêu, trong đó có điểm 4 mà Hồ Chí Minh đã nhắc lại như sau: "Chúng ta không thể nhượng bộ điều gì cho nhóm Tờ-Rốt-Kít. Chúng ta phải làm tất cả mọi việc có thể được để lột mặt nạ của chúng là những con chó của Phát Xít và tiêu diệt chúng về chính trị." (21)

Song song với lời bào chữa được đưa ra, Duiker lại ghi về mối tương quan và các hoạt động của Hồ Chí Minh trong thời gian ở Trung Hoa luôn nằm trong tầm chi phối của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Những nhân vật liên hệ với Hồ Chí Minh là Manuilsky, Joseph Ducroux có bí danh Serge Lefrank, Hilaire Noulens ... đều là người của Đệ Tam Quốc Tế và hoạt động của Hồ Chí Minh đều do Đệ Tam Quốc Tế chỉ thị. Duiker còn nêu các tài liệu cho biết Hồ Chí Minh đã được Đệ Tam Quốc Tế cấp phương tiện tiền nong cũng như việc thành lập các Đảng Cộng Sản Đông Dương và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được Đệ Tam Quốc Tế hướng dẫn ra sao. Có thể bảo mối tương quan và các hoạt động đó cũng chỉ là một cách lấy lòng Stalin chăng?

Vả lại, chính Duiker đã cho biết Hồ Chí Minh hết sức yêu kính và trung thành với Lênin và còn trích dẫn một bài viết của ông Hồ trên tờ Sự Thật (Pravda) của Liên Xô số ra ngày 27-1-1924 với lời kết như sau: "Khi còn sống, người là cha, là thày, là đồng chí và cố vấn của chúng ta. Nay người là ngôi sao dẫn đường đưa tới cách mạng xã hội. Lênin sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Người bất tử."

Đi xa hơn, Duiker còn trích dẫn phát biểu của một đảng viên Cộng Sản Pháp rất thân với Hồ Chí Minh nhưng về sau bỏ Đảng, từng gọi Hồ Chí Minh là "Staliniste" , một người theo chủ nghĩa Staline thuần thành. (22)

Như thế, Hồ Chí Minh không chỉ bị Cộng Sản chi phối do nhận nhiệm vụ, nhận tiền trợ cấp để hoạt động cho những mục tiêu của Đệ Tam Quốc Tế mà bản thân Hồ Chí Minh đã tự nguyện đi theo con đường của Đệ Tam Quốc Tế vì lòng tin tuyệt đối dành cho các lãnh tụ tổ chức này. Những tài liệu trích dẫn trên là những trở lực khó vượt qua để khoác cho Hồ Chí Minh bộ áo người quốc gia yêu nước, dù mức độ ước mong của Duiker lớn tới cỡ nào.

Khía cạnh khác của Hồ Chí Minh mà Duiker đề cao là tính khoan hòa, lòng nhân hậu và sự thấu triệt về phương thức đấu tranh. Theo Duiker, Hồ Chí Minh là người chịu ảnh hưởng luân lý Khổng Mạnh nên luôn chú trọng các tiêu chuẩn đạo đức như cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân thành phục thiện, cầu học cầu tiến, lễ độ khiêm cung và trên hết là khoan hòa độ lượng... Tất nhiên Duiker không có dịp trực diện với Hồ Chí Minh mà chỉ ghi theo một số nhân chứng nào đó và qua suy diễn. Trên thực tế, nếu có những nhân chứng đã kể Hồ Chí Minh có các đức tính trên thì cũng không thiếu nhân chứng xác nhận Hồ Chí Minh là kẻ đại gian đại ác và như thế vấn đề lại trở thành tranh cãi. Cách duy nhất mà người nhận dạng Hồ Chí Minh phải chọn chính là nhìn thẳng vào những gì liên hệ tới cuộc sống và hoạt động đã được ghi lại. Trước mắt Duiker đã có những thảm cảnh lịch sử Việt Nam từ 1945, có những nạn nhân của chính sách cải cách ruộng đất, có những người Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế bị Hồ Chí Minh gọi là những con chó của Phát Xít và ra lệnh tiêu diệt... Trước mắt Duiker chắc chắn cũng có những tài liệu cho biết ngày 28-12-1967, Hồ Chí Minh đã họp Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng quyết định mở đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam và tháng 3-1968, trong khi toàn miền Nam chìm trong máu lửa tóc tang, Hồ Chí Minh đã hào hứng sáng tác 2 bài thơ "Vô Đề" được Đảng lưu lại như di sản quý báu:

I

Đã lâu chưa làm bài thơ nào
Đến nay thử làm xem ra sao
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy,
Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao

II

Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa Xuân. (23)

Một người lấy cảnh chết chóc đau khổ của đồng bào mình làm nguồn hứng sáng tác thơ, trong khi chính người đó từng tuyên bố với báo chí "gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi" (24) liệu có thể là con người nhân ái và trung thực, chân thành không?

Duiker còn có thể nhìn lại điều chính mình đã đưa ra để xác định tầm thấu triệt phương thức đấu tranh của Hồ Chí Minh qua sự việc cuốn Con Đường Kách Mệnh của Hồ Chí Minh gần như giống hệt cuốn Kinh Bổn của Người Cách Mạng của Sergey Nechayev. Theo Duiker, Nechayev nhấn mạnh đến vai trò của người làm cách mạng chẳng khác gì một dụng cụ mù quáng của mục tiêu cách mạng. Anh ta phải tàn nhẫn, nham hiểm như Machiavel, trong khi cổ võ cho mục đích cách mạng. Anh ta phải tỏ ra tuyệt đối phục tùng đảng của anh ta. và sẵn sàng từ bỏ mọi liên hệ bạn bè và gia đình. Cũng phải sẵn sàng hy sinh những tiêu chuẩn đạo lý đã được nhìn nhận một cách phổ quát, để có thể nói dối, ăn gian vì lợi ích cách mạng….Nói chung cuốn sách đã được Lênin tán thưởng và trở thành thánh kinh của nhóm đa số (quá khích) của ông.(25)

Nechayev từng được Lênin coi như một thứ siêu Machiavel. Khi đã thấy Hồ Chí Minh giống hệt Nechayev ắt không thể kết luận khác được rằng Hồ Chí Minh là một con người chỉ sống và hành sử bằng thủ đoạn mà thôi. Trong trường hợp này, diễn tả Hồ Chí Minh bằng hình ảnh một người mang nặng ảnh hưởng luân lý Khổng Mạnh chỉ có thể hiểu là quá mù mịt về Khổng học hoặc cố tình thay trắng bằng đen. Hơn nữa, chính Duiker đã bảo Hồ Chí Minh là đệ tử thuần thành của cả Lênin lẫn Stalin thì dựa vào đâu để nói được rằng Hồ Chí Minh là con người khoan dung, nhân ái, khi chính những người Cộng Sản Liên Xô đã triệt hạ tượng đài của các nhân vật này, coi Lênin là kẻ gian xảo và gọi Stalin bằng biệt danh tên đồ tể.

Phải nhìn nhận rằng W.J.Duiker đã đưa ra một tác phẩm đồ sộ hơn hẳn những tác giả trước ông với rất nhiều chi tiết về Hồ Chí Minh. Ông đọc nhiều, có một khối tài liệu phong phú nên còn giúp cho người đọc hiểu thêm cả những hoàn cảnh và những nhân vật xoay quanh đối tượng của mình. Dù chỉ viết về tiểu sử Hồ Chí Minh, Duiker đã dựng lại nhiều khung cảnh chiến tranh Việt Nam cũng như tình hình thế giới sau Đệ Nhị thế chiến, tình hình nội bộ Liên Xô cùng với mối quan hệ Liên Xô–Đức Quốc Xã, cuộc hôn phối cưỡng ép Quốc–Cộng Trung Hoa trong thời gian kháng Nhật và một số hoạt động đảng phái tại Việt Nam.

Ưu điểm của Duiker là cố phân tích tới từng chi tiết của mọi vấn đề. Nhưng có lẽ ưu điểm này đã là một phần nguyên do đưa tác giả tới nhiều điểm tự mâu thuẫn khi gặp các chi tiết quá phức tạp vượt khỏi tầm xác định. Ưu điểm này cũng khiến lộ rõ những cố tình tránh né của tác giả trước nhiều chi tiết được bỏ qua.

Phần khác, theo chúng tôi, tác giả có vẻ bị chi phối bởi định kiến về con người Hồ Chí Minh nên không chịu đặt cuộc chiến mà ông Hồ chủ trương vào đúng bối cảnh chiến tranh ý thức hệ cộng sản hay đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Duiker đã nhắc đến đề cương của Lênin về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thuộc địa và ghi nhận việc Lênin hô hào liên kết với các giai cấp phi vô sản để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc trong một quốc gia chỉ là chiến thuật giai đoạn và có điều kiện. Nhưng Duiker lại không chịu nhìn sâu vào chiến lược sách lược toàn bộ cuộc đấu tranh đó để xác định vai trò của Hồ Chí Minh với tính chất chủ yếu là lệ thuộc vào Liên Xô.

Chính vì thế, Duiker đã không đếm xỉa đến nỗi đau khổ cùng cực của nhân dân Việt Nam với tính cách nạn nhân trực tiếp trong quá trình theo đuổi lý tưởng của Hồ Chí Minh cũng như không nhận ra những lời lẽ đầu môi chót lưỡi và thủ đọan xảo trá của một chính trị gia tham tàn, mặc dù trong chương IX, tác giả đã viết: Môn học chính mà ông Hồ dậy các học viên đàn em cuả ông là tuyên truyền. (26) và nhắc đến cái tên trung đội võ trang tuyên truyền giải phóng quân được đặt cho đạo quân bé nhỏ đầu tiên của Võ Nguyên Giáp khi mới thành lập.

Có thể bảo tất cả cuộc chiến Việt Nam nằm gọn trong 2 chữ tuyên truyền theo các nguyên tắc đấu tranh của Lênin dưới ảnh hưởng tinh thần vô luân Nechayev mà Hồ Chí Minh tín phục và tuân thủ. Nếu không do cố ý bởi sự chi phối bởi một định kiến thì chỉ có thể nói là đã hoàn toàn lạc hướng khi đề cập tới vai trò Hồ Chí Minh trong cuộc chiến Việt Nam mà không nhìn thẳng vào tính chất này.

Trong trường hợp nhìn tác phẩm của Duiker ở khía cạnh lạc hướng, có thể giải thích là trong quá trình thu góp tài liệu, Duiker chỉ tiếp xúc giới hạn với những khuôn mặt khoa bảng thuộc các cơ quan Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và chỉ đọc những tác phẩm chính thống tức là những tác phẩm đã được nhào nặn, được đo lường rất kỹ về từng chi tiết trước khi phổ biến. Trong giới hạn này, vóc dáng của lãnh tụ luôn luôn là vóc dáng được tô điểm vì hình thành từ cái nhìn của thủ hạ và gay gắt hơn là cái nhìn đã được uốn nắn. Trên thực tế, cái nhìn từ phía quần chúng, thậm chí từ phía nạn nhân, có thể có một giá trị đóng góp tích cực hơn do tính trung thực vì vừa phản ảnh tâm tư của đám đông vừa chưa bị uốn nắn. Suốt nửa thế kỷ qua, con người và sự nghiệp Hồ Chí Minh đã được nhiều thế hệ dân chúng Việt Nam đánh giá qua không ít những mẩu chuyện cười, những vần "thơ ghế đá" ... và đây là nguồn tài liệu mà Duiker đã bỏ qua. Tư cách sử gia của tác giả Hồ Chí Minh, a life rõ ràng bị hạn chế trong cái nhìn chăm chú vào mặt được chiếu sáng của tấm huy chương, trong khi tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó.

Chúng tôi nghĩ rằng sự việc xảy ra vào tháng 8-2002 về việc phổ biến cuốn sách tại Việt Nam có thể đã gợi nhắc tác giả về một ý nghĩ nào đó. Duiker nghĩ sao khi những người Cộng Sản Việt Nam đặt thẳng vấn đề phải cắt bỏ một số chi tiết trong cuốn sách mới được phép phổ biến tại Việt Nam? Trong lá thư gửi cho nhà xuất bản Hyperion Books, New York , nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia tại Hà Nội đã ghi rõ cần bỏ đi một vài đoạn không phù hợp với những thông tin hiện có trong hồ sơ của chúng

Date: Mardi 2 Décembre 2008, 23h16

(melinh dán)
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 914 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0