Thứ Hai, 2024-12-23, 10:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 7 » Quyền lực nhân dân
8:15 AM
Quyền lực nhân dân

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ, khiến những đồn đoán về một hội nghị giữa nhiệm kỳ của đảng cầm quyền để giải quyết mâu thuẫn nội bộ có thể trở thành sự thật trong ít ngày tới. Nếu điều đó xảy ra, đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng luôn khẳng định vai trò Cầm quyền ở Việt Nam sẽ phải đương đầu với phán xét của Nhân dân. Quyền lực nhân dân không chỉ quyết định giải pháp đảng cầm quyền lựa chọn để vượt qua khủng hoảng kinh tế hiện nay, quyền lực đó sẽ còn lựa chọn tương lai phát triển của Việt Nam.

Tiếng vọng của lịch sử
 
Theo thông lệ, đảng cầm quyền sẽ tiến hành họp hội nghị trung ương 7, nhưng nền kinh tế Việt Nam từ vị thế ngôi sao đang lên đã tụt dốc nghiêm trọng mà nguyên nhân sâu xa không ngoài yếu tố phân chia quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền. Hình ảnh ngôi sao đang lên của Việt Nam có gì đó khiến người ta liên tưởng đến sự thăng tiến của ông Nguyễn Tấn Dũng. Từ một viên chức địa phương ở Miền Nam, ông Dũng gia nhập hàng ngũ cao cấp của đảng cầm quyền giữa thập kỷ 90 thế kỷ 20, với vị trí thứ trưởng Bộ Nội Vụ nay là Bộ Công An. Nếu theo cơ cấu, ông Dũng sẽ trúng ủy viên bộ chính trị và trở thành Bộ trưởng Bộ Nội Vụ sau Đại hội đảng lần thứ VIII, nhưng ông Dũng bất ngờ trúng ủy viên thường trực bộ chính trị, gia nhập vào đội ngũ năm nhân vật cao cấp nhất của chế độ.


Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 diễn ra, trên bề nổi Việt Nam gần như không hề hấn gì. Thực tế, hoàn toàn khác xa, nền kinh tế Việt Nam trước đó đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với động lực số một là luồng vốn đầu tư nước ngoài "đổ vào" nhiều nhất trong lịch sử, với gần 8 tỷ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 1996. Khủng hoảng đến, đa số những cam kết đầu tư hoặc dự án đang triển khai bị dừng lại vô thời hạn, nền kinh tế Việt Nam tụt dốc thảm hại, đẩy thế hệ 7X đối diện với thách thức Thất nghiệt hàng loạt, điều chưa bao giờ xảy ra kể từ đầu những năm 90.  
 

Trước những khó khăn chồng chất như vậy, đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng cầm quyền vào năm 1997, bộ ba Mười - Anh - Kiệt đã thống nhất cùng lùi lại phía sau cho thế hệ "trẻ hơn" lên đứng mũi chịu sào. Đó cũng là thời điểm ông Dũng "ngồi" vào ghế thống đốc ngân hàng nhà nước dù thực tế điều hành ngân hàng là Phó thống đốc Lê Đức Thúy. Rồi ông Dũng được bổ nhiệm vào vị trí phó thủ tướng thường trực, bắt đầu lộ trình học việc gần một thập kỷ, để sau này trở thành người được lựa chọn đứng đầu một thế hệ lãnh đạo mới của đảng cầm quyền. Mặc dù, trên danh nghĩa bộ ba Mười - Anh - Kiệt đã lùi vào hậu trường, những dấu ấn của bộ ba vẫn bao trùm đảng cầm quyền, đặc biệt là cặp bài trùng Mười - Anh.

Nếu không có khủng hoảng tài chính 1997, rất khó để khẳng định phe tư tưởng - sức mạnh sẽ lên ngôi. Đáng tiếc là khủng hoảng đến, làm ký ức thời chiến lại hiện về giúp cặp bài trùng Mười - Anh khẳng định ảnh hưởng, quyết định con đường phát triển của đất nước. Dấu ấn lớn nhất về đối ngoại mà bộ đôi này để lại không ngoài việc làm chậm quá trình bang giao Việt - Mỹ, khi quyết định "chưa ký" Hiệp định thương mại Việt - Mỹ ở thời điểm năm 1999. Đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu. Điều mà sau đó, Việt Nam phải trả giá đắt bằng những lợi thế mà người "anh em" Trung Quốc có được khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới ( WTO), bằng những nỗ lực đến cùng cực để vào WTO cùng các điều kiện mở cửa thị trường có phần quá sức chịu đựng của nền kinh tế và hệ thống chính trị Việt Nam.

Đại hội X của đảng cầm quyền là sự thắng thế phần nào của lực lượng cấp tiến, mở đường để ông Dũng ngồi vào ghế thủ tướng và thực hiện khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Đáng tiếc, một lần nữa, ông Dũng và lực lượng cấp tiến không thống nhất được quyền lực trong đảng cầm quyền, thể hiện rõ nhất tại Hội nghị trung ương 5, ông Dũng lobby để mình được chọn ê kíp song các thế lực ở hậu trường vẫn giữ được vài quân bài trọng yếu, mặt khác, họ còn thành công khi kéo nhân vật trung dung về phe mình. Kết quả là, ông Dũng không nắm được lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế là khu vực tài chính - ngân hàng, dù thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu là đệ tử ruột của ông, ông lại nóng vội "khai sinh" cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng, đồng thời đe dọa tương lai chính trị của ông Dũng trong những ngày tới.

Thời bình hay thời chiến?
 
Càng gần đến ngày đảng cầm quyền họp, tình hình kinh tế càng xấu thì biến cố đột ngột xuất hiện, ông Kiệt, một nhân vật trong bộ ba quyền lực ngày nào, ra đi. Từ khi lùi vào hậu trường ông Kiệt trở thành thủ lĩnh của phe cấp tiến trong đảng với chủ trương dân chủ hóa đất nước trong yên bình, ông Kiệt nhanh chóng tạo được ảnh hưởng với thế hệ kế tục trong đảng cũng như nhiều tầng lớp ngoài xã hội.
 
 

Sự ra đi của ông Kiệt ban đầu khiến dư luận e ngại phe bảo thủ hơn vì với "vũ khí" chính là tư tưởng - sức mạnh phe bảo thủ sẽ nhân cơ hội lật ngược thế cờ, thống nhất quyền lực trong đảng cầm quyền về một mối. May thay, sự ra đi của ông lại trở thành "tang lễ chính trị" ghi nhận thành quả của đường lối đổi mới về kinh tế đã cứu thoát một dân tộc trước hiểm họa đói nghèo và loạn lạc, về xã hội, tiếng nói của giới tri thức đã được thừa nhận nhiều hơn. Điều này lý giải, tại sao giới báo chí thông tin dày đặc về ông, người dân bất kể thành phần tiếc thương ông?


 
Thử hỏi, Việt Nam đang ở thời bình hay ở thời chiến? Mà một bộ phận trong đảng cầm quyền vẫn muốn mượn bàn tay của lực lượng sức mạnh phục vụ cho những toan tính quyền lực của mình.
 
Lực lượng được coi là thành trì của chế độ, bao gồm tư tưởng, công an và quân đội thực ra không "mạnh" như chế độ ra sức tuyên truyền, nếu không muốn nói, đó là những thùng thuốc súng có thể "nổ" bất kỳ thời điểm nào.
 
Đất nước đã bước vào thời bình mấy chục năm rồi, tại sao cứ phải "áp đặt" một hệ tư tưởng cho toàn xã hội? Vì nền tảng để một quốc gia giàu - mạnh chính là phát huy cao độ các nguồn lực, trong khi đó nguồn lực lớn nhất của Việt Nam bây giờ không phải là tài nguyên thiên nhiên, không phải là rừng vàng biển bạc, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam chính là khả năng sáng tạo của 85 triệu dân. Đặc biệt là 70% trong số đó, thế hệ thanh niên, những người may mắn được tiếp cận nền kinh tế tri thức.
 
Không chỉ sáng tạo để phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo dựng những tư tưởng được thời đại chấp nhận, thì không lẽ gì cứ phải "chung thân" theo kiểu đối phó với tư tưởng của một ai đó. Cho dù, tư tưởng đó, được thừa nhận hay áp đặt là nền tảng cho những thành công trong quá khứ của dân tộc, thì nó không bảo đảm sẽ thành công mãi mãi.
 
Thật khó chấp nhận, khi đất nước khó khăn như hiện nay, đảng cầm quyền kêu gọi nhân dân tiết kiệm, thì một phần tài sản quốc gia lại đương nhiên bị sử dụng lãng phí trong việc tuyên truyền về một hình tượng thánh nhân. Nếu đã là thánh nhân, đã đi vào dân gian, liệu có cần tuyên truyền, tô son trát phấn? Chẳng nhẽ không tô son trát phấn thì các thánh nhân trong lịch sử bị nhân dân quên lãng sao?
 
Đất nước đã bước vào thời bình mấy chục năm, nhẽ ra phải có những chính sách thu hút chất xám phát triển kinh tế dân sinh, qua đó, tạo nguồn lực lâu dài duy trì tiềm lực quân sự quốc gia, nhằm đập tan mọi âm mưu bá quyền. Thì đảng cầm quyền lại "ưu ái" thu hút nhân lực cho các lực lượng công an, quân đội, cùng với đó là nhiều đặc quyền đặc lợi, khiến ngân sách quốc gia luôn phải gánh quá sức các chi phí an ninh - quốc phòng. Một quốc gia nhỏ bé, người dân hiền hòa, vậy mà lực lượng công an có quân số khoảng 100.000 người, còn các lực lượng vũ trang thì gấp khoảng 10 lần con số trên.
 
Đáng buồn thay, tư duy thế tục của thời chiến vẫn được duy trì trong 2 lực lượng này cũng như hệ thống công quyền. Tức là, đương nhiên sẽ có một tỷ lệ vài chục phần trăm cho con em trong ngành khi tuyển dụng đầu vào. Thử hỏi, với Quota như vậy, tiêu cực - tham nhũng không hoành hoành mới lạ, điều đương nhiên tiếp theo là cơ hội thăng tiến với những người "thân cô thế cô" trong hệ thống chẳng khác nào trúng số độc đắc, bộ máy cứ thế phình lên, to ra, dù nhiệm kỳ nào, đại hội nào cũng ngùn ngụt khí thế quyết tâm Cải cách hành chính.
 
Số anh em không trong diện quota, dù giỏi giang đến mấy, nhiệt huyết đến mấy, trong sáng đến mấy, thì "ở trong chăn mới biết chăn nó dận" số ít có cá tính thì quyết định làm lại thì cũng bỏ lỡ một phần tuổi trẻ, còn đa phần để môi trường đồng hóa, trở thành những công chức điển hình của chế độ. Thật đau lòng và đáng tiếc khi một nguồn lực chất xám của đất nước cứ "le lói" và "tắt dần" như thế.

Những "mảng tối" như vậy, sẽ không bao giờ được thừa nhận trước dư luận chính là hiểm họa với đất nước. Bởi như một qui luật bất thành văn đến man rợ: trước nhân dân chỉ có một hình ảnh duy nhất về lực lượng an ninh - quốc phòng, đó là lực lượng tinh nhuệ, sẵn sàng bảo vệ đảng và chế độ. Là lực lượng luôn chiến thắng trong mọi hoàn cảnh, mọi kẻ thù.
 
Sẽ ra sao, khi những tư tưởng như thế này "quên" nhiệm vụ bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân và bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, để tính cao thấp cùng những danh lợi tối thượng của quyền lực?
 
Đó là khi nhân dân, những "ông chủ" nuôi sống hệ thống "không được quyền biết" nhiều tỷ đô la mỹ ngân sách dùng cho an ninh - quốc phòng những năm qua được chi như thế nào? Giúp hiện đại hóa lực lượng an ninh - quốc phòng đến đâu? Đã qua rồi cái thời "đóng cửa bảo nhau" để "dọa" dân đó là Bí mật quốc gia, công bố không có lợi, nhất là khi tình trạng tham nhũng lan tràn như hiện nay thì đòi hỏi Minh bạch là không thể chối cãi.
 
Đất nước đã thời bình mấy chục năm, lòng người đã khác. Vì vậy, những toan tính dùng tư tưởng và sức mạnh để quản trị đất nước đã lỗi thời, hãy tỉnh táo trước khi quá muộn.

Không có "Ngụy" chỉ có "đồng bào"
 
Trong nỗ lực "giải độc" cho chế độ, trước niềm tin bị lung lay dữ dội của giới đầu tư quốc tế, tất cả các nhân vật chóp bu của chế độ đã phải "ra trận", dù là tổng bí thư Nông Đức Mạnh, thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Đến thời điểm này, chưa thể đánh giá nỗ lực "giải độc" thành công đến đâu, ngoài những cái bắt tay, những lời động viên - khích lệ, mang nặng phong cách ngoại giao. Vì các "đối tác" cũng đang thập diện mai phục, chờ xem đảng cầm quyền "nói chuyện" nội bộ thế nào?
 
Từ khi thực hiện đường lối kinh tế "mở", đảng cầm quyền đã nỗ lực rất nhiều trong việc đáp ứng các yêu cầu của giới đầu tư quốc tế, giúp Việt Nam thu được những thành quả đáng khích lệ về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Nhưng để qua đó kết luận rằng Việt Nam đã bình đẳng trong hợp tác với bạn bè năm châu, thì chỉ là tự ru ngủ mình. Bằng chứng là, khi vừa "hớn hở" vươn ra biển lớn, Việt Nam đã lâm nạn, đảng cầm quyền theo thông lệ cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ - giúp đỡ của "đối tác" song đáp lại chỉ là "hứa".
 
 

Thực tế đó khẳng định luận điểm không chế chối cãi : Trước khi hy vọng được người ngoài cứu, hãy tự cứu lấy mình.
 

 
Mà giải pháp cứu mình tốt nhất không ngoài huy động tối cao các nguồn lực dân tộc. Là thực hiện triệt để Cải cách về Kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Cải cách bây giờ là Mệnh lệnh, là không phải bàn cãi. Bất kỳ thế lực nào cản trở tiến trình cải cách chính là phản bội lợi ích dân tộc.
 
Điều này lý giải vì sao, cộng đồng quốc tế và đa phần nhân dân Việt Nam mong muốn ông Dũng tiếp tục tồn tại để đi tiếp con đường dở dang. Và chí ít ông Dũng cũng khát khao hoàn thiện trách nhiệm, ông đã đúng, khi bằng mọi thu xếp chuyến thăm Hòa Kỳ, đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, như một nỗ lực "ghi điểm" với giới đầu tư quốc tế cũng như số đông đảng viên trẻ, trước khi đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp.

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, ông Dũng đã biết mình, biết người khi vô cùng cầu thị trong cuộc tiếp kiến với "thầy phù thủy" Alan Greenspan. Chứng tỏ, nếu ông tiếp tục được tạo cơ hội, đứng đầu chính phủ Việt Nam, ông biết mình phải làm gì? Một động thái khác, cũng chứng tỏ ông Dũng xứng đáng được trao cơ hội, là hoạt động gặp gỡ bà con kiều bào, với trách nhiệm hòa giải - hòa hợp dân tộc, đang chờ đợi ông, sau khi ông kêu gọi "Bà con hãy hướng về quê hương, bằng mọi đường, mọi nẻo. Quê hương là vĩnh hằng, trong khi quá khứ đã là lịch sử, cần gác lại".


 
Đúng! Dù nỗi đau trong lòng dân tộc còn rất lớn thì người Việt Nam dù ở đâu, chính kiến nào, cũng chỉ có một mong mỏi: Sớm thống nhất lòng người sau khi đã thống nhất về địa lý.
 
Chỉ khi đó, sức mạnh Đại Việt mới trở thành hiện thực, mới sánh ngang các cường quốc năm châu.
 
Nhưng chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, trong khi kiều bào vẫn nặng lòng với đất mẹ, đóng góp sức mình cho sự thay da đổi thịt của Việt Nam thì đảng cầm quyền vẫn công khai chia cắt lòng người. Chỉ với từ "Ngụy" trong lịch sử, trong sách giáo khoa dạy cho các thế hệ mai sau, trong nhiều văn bản chính thức và các hoạt động "kỉ niệm" hoành tráng đã gợi lại tất cả những gì đau thương nhất của dân tộc. Đã đến lúc xóa bỏ "Ngụy", trên toàn cõi này, giữa người Việt với người Việt chỉ có hai từ thân thương, là "đồng bào".
 
Đó là trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, yêu cầu đảng cầm quyền phải thực hiện ngay.
 
Nhiều người sẽ cho rằng, hội nghị giữa nhiệm kỳ hay hội nghị trung ương, ai đi ai ở, là chuyện nội bộ của đảng cầm quyền. Điều này không hề sai. Nhưng một đảng để dũng cảm nhận vai trò cầm quyền thì đảng đó phải có trách nhiệm lèo lái đất nước đến phồn vinh - giàu mạnh. Trái lại, sẽ không phải làn sóng bỏ nước ra đi của người dân những năm 80 thế kỷ 20 đầy tăm tối, mà chính đảng phải lùi bước để nhân dân thực hiện sứ mệnh của mình. 
 
Phạm Hùng Vỹ

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 732 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0