11 Tháng 12 2008 - Cập nhật 15h13 GMT
nguồn: BBC
|
|
Hai nước nói tôn trọng lẫn nhau và cùng cam kết hợp
tác nhiều mặt |
Trong số các tham luận về quan hệ Việt - Mỹ tại hội thảo
Việt Nam học 2008, bài của tiến sĩ Hà Mỹ Hương, Học viện Chính trị - Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh, được xem là thẳng thắn, phản ánh khá rõ suy nghĩ hiện nay
của nhiều người trong chính giới Việt Nam.
Chuyến thăm
Washington của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng tháng Sáu 2008 đã đưa "quan hệ đối tác
xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
và cùng có lợi".
Nhưng tác giả nói
trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao vẫn "tiềm ẩn những nhân tố gây căng thẳng,
chủ yếu do sự khác biệt chế độ chính trị và do phía Mỹ thường sử dụng các chiêu
bài dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo làm nguyên cớ và phương tiện để can
thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm 'chuyển hoá' Việt Nam".
Bà nhận xét: "Trong
sâu xa mặt đấu tranh với Mỹ của Việt Nam trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao
lớn hơn mặt hợp tác."
Không lạ khi kinh
tế - thương mại là lĩnh vực mà hai nước thoải mái nhất. Từ hơn 10 năm nay (1997
- 2008), Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ với kim ngạch ngày càng tăng, nhất là
từ sau khi BTA có hiệu lực (10/12/2001).
Kể từ khi BTA được
ký kết đến nay, quan hệ thương mại hai nước đã tăng 8 lần.
Tuy vậy, ngay cả
trong kinh tế, quan hệ Việt - Mỹ cũng gặp "khó khăn, trở ngại chủ quan và khách
quan nhất định".
Mỹ chỉ “đang xem
xét tích cực”, chứ chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Mỹ có vốn tài trợ
ODA lớn nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ nằm trong số 10 nhà tài trợ ODA lớn
nhất ở Việt Nam.
Quan hệ đặc
biệt
Trong mắt Việt
Nam, mối giao hảo với Mỹ có "khá nhiều nét đặc thù so với các quan hệ song
phương khác".
Cuộc chiến 30 năm
trước dù đã lùi vào quá khứ, nhưng "hậu quả và những di chứng mà cuộc chiến
tranh này để lại không thể không ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Mỹ".
Tác giả nhấn mạnh:
"Tính chất vừa hợp tác, vừa đấu tranh (của Việt Nam) hay kiềm chế (của Mỹ) trong
quan hệ Việt - Mỹ nổi rõ hơn so với các quan hệ song phương của Việt Nam với các
nước lớn khác."
"Về chính trị - tư
tưởng, đây là quan hệ giữa hai nhà nước dân tộc có mục tiêu chiến lược đối kháng
nhau: Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội,
còn mục tiêu chiến lược của Mỹ là chuyển hoá các nước còn khác biệt về thể chế
chính trị với Mỹ vào quỹ đạo của Mỹ, đi theo hệ giá trị của Mỹ nói riêng, hệ giá
trị, hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa nói chung."
Trong danh sách và
thứ bậc quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, quan hệ với Mỹ là "mối quan tâm
lớn nhất và quan trọng nhất xét theo cả hai mặt: thuận lợi và khó khăn, thời cơ
và nguy cơ".
Dự báo triển
vọng
Bà Hà Mỹ Hương dự
đoán quan hệ hai nước sẽ vận động theo hướng là "đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp
tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Nhưng bà nói tính
chất trên chỉ mới là "cam kết hay quyết tâm của lãnh đạo hai nước Việt - Mỹ hiện
nay, chứ chưa phải là hiện thực".
"Đối với Việt Nam,
Mỹ sẽ tiếp tục vừa là đối tượng mà Việt Nam phải đấu tranh, trước hết trên lĩnh
vực chính trị - tư tưởng, vừa là đối tác hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trước hết
là kinh tế - thương mại."
|
|
Chính giới Việt Nam lo ngại về 'diễn biến hòa bình' |
"Song có thể dự
báo về tổng thể, xu hướng vận động của quan hệ Việt - Mỹ trong vài thập niên tới
là hướng tới xây dựng một khung quan hệ ổn định dựa trên cơ sở những lợi ích
song trùng, vì điều này đáp ứng mong muốn của cả hai bên, có lợi cho cả hai bên."
Tác giả khuyến
nghị chính phủ "xem việc thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ
và các nước lớn khác là một trong những định hướng chiến lược đối ngoại hàng đầu
của đất nước".
"Tuy nhiên, cũng
cần hết sức tỉnh táo rằng quá đề cao những lợi ích mà Việt Nam có được từ quan
hệ với Mỹ, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, là một sai lầm và ảo
tưởng."
"Do vậy, Việt Nam
vừa phải coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ, vừa phải tăng
cường hơn nữa ngoại giao đa phương, đồng thời cố gắng tìm mọi cách tạo lập, củng
cố và nâng cao vai trò, vị thế của mình trong các quan hệ song phương khác,
trong các tổ chức hợp tác, liên kết quốc tế lớn nhỏ, trước hết là trong ASEAN."
Tác giả kêu gọi
giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn
thường "không ổn định, thường diễn biến phức tạp, khó dự báo".
|