December 22, 2008 . Mấy
ngày nay, dư luận xôn xao về vụ án ở Kiên Lương, Kiên Giang, báo chí
Nhà nước thông tin một kiểu, truyền thông bên ngoài thông tin một kiểu,
còn sự thật như thế nào chỉ có người trong cuộc mới biết. Đưa tin kiểu báo chí Nhà nước Theo Tiền Phong ngày 19/12/2008
thì sáng 17/12, tại ấp T4, xã Vĩnh Phú (Kiên Lương, Kiên Giang) diễn ra
cuộc cưỡng chế đất và khoảng 200 người dân đã quyết liệt chống lại. “Hai
chiến sỹ công an Nguyễn Văn Hoàng và Phạm Văn Phái bị nứt, gãy sống mũi
do bị ném đá. Anh Nguyễn Tân Xuyên bị thương nặng vùng cánh tay, vai,
lưng với nhiều vết bầm tím do bị đánh. Tất cả đang phải nằm viện điều
trị”. “Hai
chiếc ghe chở lực lượng cưỡng chế bị nhấn chìm, nhiều người trong đoàn
cưỡng chế bị ném đá, bị đánh. Một cán bộ thi hành án huyện Kiên Lương
bị những người chống đối bắt giữ và cởi hết quần áo. Phóng viên truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng bị đánh khi có mặt tác nghiệp. Những người chống cưỡng chế còn bắt giữ 3 cán bộ, một con chó nghiệp vụ để đòi thả 2 người dân vừa bị bắt… Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phải chỉ đạo dừng ngay việc cưỡng chế. Ông
Huỳnh Văn Tam, Trưởng Thi hành án tỉnh Kiên Giang cho biết: “Việc cưỡng
chế thực hiện theo 6 bản án của TAND tỉnh Kiên Giang tuyên từ năm 2006.
Nội
dung các bản án buộc 7 hộ dân trả lại 30 ha đất nông nghiệp cho các đơn
vị và cá nhân ở TP Rạch Giá và huyện Châu Thành (Kiên Giang) mà các hộ
dân thuê để trồng lúa từ năm 2003”. Đây là những người dân địa phương
không có đất sản xuất”. Tuổi Trẻ ngày 19/12/2008
cũng có bài nội dung giống như Tiền Phong, nhưng chỉ cho biết có cán bộ
bị thương và chó bị bắt, không nói rõ họ tên cán bộ bị thương là ai. Các
báo khác cũng đưa tin tương tự. Tất cả báo chí trong nước đưa tin có
một điểm giống nhau là nêu thiệt hại của phía cán bộ Nhà nước, lời phát
biểu của cán bộ Nhà nước, phía người dân không có ý kiến nào và cũng
không có thiệt hại gì. Nguồn
tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kiên Lương (Kiên Giang)
cho biết chiều 19-12 cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án chống
người thi hành công vụ xảy ra tại ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Kiên Lương.
(Tuổi Trẻ ngày 20/12/2008). Đưa tin kiểu “báo chí tự do” Trong khi đó, một người dân địa phương là bà Huỳnh Thị Ba trả lời phỏng vấn RFA cho
biết rất rõ ràng nguyên nhân vụ việc, diễn biến cuộc cưỡng chế, hành
động của phía cán bộ với dân thế nào, dân đối phó lại cán bộ ra sao, họ
tên, địa chỉ, tổng số người dân bị thương trong cuộc xô xát với đoàn
cưỡng chế, ý kiến của dân hiện nay muốn gì ở Nhà nước: “đúng
8 giờ sáng ngày 17/12/2008 đội thi hành án cưỡng chế của huyện Kim
Lương, đông khoảng 125 người gồm cán bộ và công an đã đến để cưỡng
chiếm hai hộ Lê Thị Hiến và Phạm Tỷ ở tổ 8 ấp Tây Tư, xã Vĩnh Phú,
huyện Kiên Lương, Kiên Giang”. “Số
đất này của nhân dân chúng tôi là 1064 hộ. Chúng tôi đã mua lại đất
hoang của trung đoàn 34, quân khu 9. Chúng tôi mua đất hoang này đã 12
năm rồi, cán bộ nhà nước đã động viên dân khai khẩn đất hoang để khai
thác làm lúa.” “Cán
bộ đi cưỡng chế, dùng súng bắn vào dân chúng tôi, rồi dùng trái cay
quăng vào dân chúng tôi, rồi dùng chó bẹc-rê để phụ tấn công chúng tôi,
cưỡng bức chúng tôi quá nhiều, rồi dùng dây điện để đánh dân chúng tôi. Cuối
cùng đội cưỡng chế đã bắn 9 người dân chúng tôi bị thương. Bà Nguyễn
Thị Ba 63 tuổi, bị thương ở bắp chuối trái rất là nặng. Ông Đào Văn
Thành bị thương ở bắp chuối phải rất nặng, em Kỳ khoảng chừng 30 tuổi
bị thương ở bắp tay phải, em Đạt, rách cần cổ và bị toác lỗ tai lên
chừng một tấc. Họ còn dùng roi điện oánh hai người bị té xỉu. Sau
đó đội cưỡng chế bắt đầu đội cưỡng chó để rượt cắn nhân dân chúng tôi,
do đó khi chúng tôi dùng lửa xăng phụt lên thì rượt chạy đi. Có ông phó
thi hành án cởi áo công an của ổng, ổng nhẩy xuống sông ổng lặn, dân
tôi mới bắt được. Công an chạy đi bỏ lại lá chắn. Họ bắt đi ba người
chúng tôi, chúng tôi sợ bắt đi nữa, dùng lửa rượt họ, thì họ chạy bỏ ba
người này lại và chúng tôi mở còng cho họ và giữ còng. Dân
chúng tôi vì miếng cơm và vì bị uy hiếp tinh thần nên chúng tôi mới
chống lại. Chúng tôi rất biết về luật, biết đánh người là sẽ gây thương
tích. Rất nhiều cán bộ sau khi công an bỏ chạy, đã đầu hàng nói rằng do
cấp trên chỉ đạo, thành ra tụi tôi thương, không đánh cán bộ. Ông phó
thi hành án làm giấy cam kết là không vô cưỡng chế lấy đất của dân
chúng tôi nữa, nên chúng tôi cho họ ra về và trả lại con chó. Hôm
nay là theo giấy thông báo khống chế thi hành án kinh Tây Năm, hôm qua
là kinh Tư hôm nay là kinh Năm, dân hôm nay cũng tập trung lại như ngày
hôm qua, và cũng thủ tinh thần như ngày hôm qua.” Một người dân khác là ông Thành (ở ấp Tây Năm) nói rằng có 2 người dân bị thương rất nặng đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Châu Đốc. Ông Lê Mỹ Đức- Một người dân ở phường An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang thì nói: Hôm
rồi lực lượng công an xuống cưỡng chế, dùng roi điện tấn công 3 người
đàn bà, trong đó có một bà 77 tuổi bị xỉu, phải đưa đi bệnh viện. Đây
là hành động đàn áp quá đáng vì người dân chúng tôi chỉ yêu cầu chính
quyền và ban quản lý dự án thực hiện cho đúng pháp luật và luật đất
đai. Nhưng họ không làm việc gì hết. Chúng
tôi chỉ yêu cầu là nếu chúng tôi sai thì họ lập biên bản rằng đòan
cưỡng chế cưỡng chế các ông các bà vi phạm chống lệnh gì đó… Cứ lập
biên bản để sau này chúng tôi còn khiếu kiện. Nhưng
họ đem lực lượng công an đến hành động như vậy là bậy. Thứ hai là dùng
roi điện tấn công phụ nữ 70-80 tuổi thì quá tàn nhẫn. Chúng tôi phản
đối quyết liệt. Những
thửa đất này chúng tôi canh tác tới thế hệ thứ ba rồi, cũng từ 60 tới
100 năm rồi. Bây giờ chính quyền sở tại và ban quản lý dự án này, họ
liều mạng, liều lĩnh. Trong khi chúng tôi chưa nhận tiền bồi thường mà
họ lại thực biện việc cưỡng chế. Riêng
việc chúng tôi chưa nhận tiền không phải vì vấn đề đắt hay rẻ; nếu các
anh làm đúng pháp luật thì chúng tôi giá nào cũng phải nhận. Đó là, thứ
nhất, nhà nước lấy đất chúng tôi phải có quyết định thu hồi đất; thứ
hai, thu đất vào thời điểm nào thì tính giá của thời điểm đó. Họ thu
đất ngày hôm nay mà tính giá 12 năm về trước thì lam sao chịu nổi? Hiện
nay giới cầm quyền chồng chéo ở “dự án lấn biển”, nhưng thực ra chẳng
có lấn biển gì hết, mà việc này, báo giới đã phỏng vấn họ, hỏi rằng anh
lấn biển hay lấn đất của dân, thì họ không trả lời được. Tôi
cam kết rằng những lời tôi nói vừa rồi là đúng sự thật. Nếu thủ tướng
có hỏi tôi, tôi cũng yêu cầu ông xuống đây xem đất này là đất “lấn
biển” hay đất thuộc cả trăm năm nay? Nếu
chính phủ và tỉnh Kiên Giang không giải quyết vấn đề thỏa đáng, đúng
theo luật đất đai, thì chúng tôi tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Họ có thể
che đây, khỏa lấp tất cả những việc làm sai trái của họ. Nhưng tôi nói
rằng 47 hộ dân oan này, còn một người cuối cùng cũng khiếu kiện cho
bằng được”.(RFA ngày 19/12/2008). Các trang mạng khác đưa lên cả video lẫn audio phát biểu của người dân (xem link bên dưới). * * * Sau
khi đọc hết các thông tin trên thì ai cũng thấy rõ ràng là giữa báo chí
Nhà nước và “báo chí tự do” đã thông tin không giống nhau. Báo chí Nhà
nước chỉ tường thuật theo một phía là cán bộ Nhà nước đúng, cán bộ Nhà
nước, chó của Nhà nước bị dân “ăn hiếp”, Nhà nước bị thiệt hại, cán bộ
Nhà nước bị thương, lãnh đạo lực lượng cưỡng chế ta thán dân, v.v… và
v.v…, còn người dân thì không ai có ý kiến gì cả và tất cả đếu rất là
“mạnh phẻ”. “Báo chí tự do” phỏng vấn trực tiếp người dân, và những
người được phỏng vấn tường thuật lại sự việc rất rõ ràng, chi tiết,
không che giấu việc họ đã “dùng vũ lực” với cán bộ, cũng như nêu rõ
thiệt hại người dân phải gánh chịu, mong muốn của họ đối với Chính phủ. Báo
chí trong nước luôn ghi rõ trên trang nhất dòng chữ đây là “tiếng nói
của nhân dân” nhưng thực tế người dân lại không được nói câu nào. Trong
một cuộc xô xát giữa người dân và lực lượng cưỡng chế được trang bị đầy
đủ công cụ hỗ trợ lẫn chó nghiệp vụ mà chỉ có cán bộ cưỡng chế bị
thương, còn dân không bị gì cả thì đó là chuyện hết sức lạ đời. Giữa
hai luồng thông tin khác nhau, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tin
lời dân hơn tin lời báo Nhà nước. Đọc sách Thánh hiền, các Ngài vẫn dạy rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (民為貴, 社稷次之, 君為輕)
là đạo lý đơn giản, lâu đời nhưng không lạc hậu, mà bất cứ quốc gia
nào, dân tộc nào, quân vương nào, chính quyền nào muốn tồn tại, muốn
vững mạnh, muốn được dân ủng hộ cũng đều bắt buộc phải tuân theo. Có lẽ
trên bước đường “hành nghề”, cái đạo lý làm người bình thường ấy đã bị
các vị “báo Nhà nước” làm rơi rụng mất hết rồi? Đau hơn, báo chí Nhà
nước dành chổ tường thuật rõ cả về con chó của Nhà nước, còn dân bị
thương tích thì không có dòng nào, làm cho tôi thấy đắng ngắt trong
lòng với cảm nghĩ rằng: Với họ (báo Nhà nước), sức khỏe, tính mạng
người dân không quan trọng bằng con chó? . Tạ Phong Tần ___________
|