Duncan Mavin – Giang chuyển ngữ
Việt
Nam đã được coi như lãnh địa của con cọp kế tiếp của châu Á. Chín muồi
cho sự phát triển, mở cửa cho thương mại, và với một dân số trẻ trung
đầy kỳ vọng cho đất nước bắt chước được phép lạ kinh tế của người láng
giềng khổng lồ Trung Quốc.
Đã có những chỉ dấu ban đầu của sự
giàu sang– các cửa hàng thời trang Tây Phương như Louis Vuitton và
Burberry chẳng hạn – đổ dồn đến các đô thị và các nhà đầu tư và ngân
hàng phương Tây cũng bị thu hút.
Nhưng bất kỳ một du khách nào
đến thành phố Hồ Chí Minh, xưa kia là Sài Gòn, đều thấy rằng Việt Nam
còn xa lắm mới đạt đến một nền kinh tế hiện đại.
Đến 10 giờ
khuya, đường phố tối om và không một ai lai vãng, các cửa hàng đóng
chặt cửa và trong các cao ốc chỉ có rất ít ngọn đèn được thắp sáng, do
kết quả của cuộc vận động tiết kiệm năng lượng của nhà cầm quyền. Phi
trường ở thành phố Hồ Chí Minh thì gần như hoang vắng, và ở trung tâm
thành phố chỉ còn vài chiếc xe đang chạy trên đường phố, mặc dầu đây là
thành phố của 7 triệu con người – gấp ba lần thành phố Toronto.
Các
số liệu kinh tế của Việt Nam gần đây cũng ảm đạm không kém, khi mà sự
lạc quan quá trớn đã nhường chỗ cho một cái nhìn thực tế hơn về tương
lai đất nước.
Thị trường chứng khoán hoạt động tồi tệ nhất trong
khu vực châu Á trong năm nay, với chỉ dấu chuẩn tuột giảm 67%. Giá địa
ốc ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả
nước, cũng bị mất giá.
“Chúng tôi đang gặp phải nhiều thách
đố nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nhân lực và nâng
cấp hạ tầng cơ sở khi đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới.” Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cảnh cáo.
Hồi
đầu năm, gia tăng vật giá là mối quan tâm chính của Việt Nam, đến mức
28% vào tháng Tám. Mức độ tăng giá giảm nhẹ còn 24.2% vào tháng 11, và
bây giờ thì tốc độ phát triển lại là vấn để lớn. Việt Nam bán 1/5 hàng
xuất khẩu sang Hoa Kỳ, và cũng như các con cọp châu Á láng giềng, cả
nước sẽ phải chịu đựng nếu sự suy thoái toàn cầu kéo dài và cản trở đầu
tư ngoại quốc và hạn chế sự tiêu thụ hàng xuất khẩu giá rẻ ở các nước
phát triển.
“Một
sự suy thoái toàn cầu trầm trọng hơn nữa – nhất là ở các nước có nền
kinh tế tiên tiến, nơi nhận một lượng lớn trong tổng số xuất khẩu của
Việt Nam và nơi gởi tiền về Việt Nam – sẽ có ảnh hướng cụ thể với Việt
Nam,” phụ tá giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế(IMF) cho vùng châu Á và Thái Bình Dương Shogo Ishii nói tuần này ở Hà Nội.
Trong
một cố gắng để kích thích nền kinh tế đang ngưng trệ, Ngân Hàng Nhà
Nước của Việt Nam, trong suốt nửa đầu của năm 2008 đã nâng lãi xuất,
nay lại cắt lãi xuất chuẩn 4 lần kể từ cuối tháng Mười. Dầu vậy tốc độ
phát triển cuả tổng sản lượng sẽ chậm lại từ 8% trong năm 2007 xuống
còn 5% trong năm nay và 4% cho năm 2009, theo công ty môi giới CLSA.
“Sự thâm thủng ngân sách hiện nay đang tiến gần tới con số xấu là 19% của tổng sản lượng cả nước trong năm nay,” chuyên viên phân tích của CLSA Anthony Nafte nói trong một báo cáo. Ông nói thêm: "Viet Nam còn cả một đường dài trước mặt để ra khỏi khủng hoảng.”
Trong
những tháng đầu của năm 2008 , nhiều người lạc quan đã sẵn lòng làm ngơ
trước những vấn đề nhức nhối của nền kinh tế đang trưởng thành của Việt
Nam.
Trở lại khoảng tháng Tư, Goldman Sachs tái xác nhận “con hổ
tương lai của châu Á đang hình thành một đoạn nhấn mạnh trong một báo
cáo nói rằng tổng sản lượng của Việt Nam sẽ gia tăng ở mức độ 8% trong
vòng 14 năm tới.
“Chúng tôi chia xẻ mối quan tâm về những rủi
ro, kể cả sự gia tăng giá cả đột xuất gần đây, và những thách đố về
chính sách tài chính và tiền tệ,” bản báo cáo của Goldman Sachs ghi nhận. “Tuy
nhiên, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về sự phát triển kinh tế
của Việt Nam nếu để ý đến hướng đi đổi mới một cách vững chắc cho đến
lúc này.”
Quả thực, nước cộng sản này, bắt đầu theo con
đường kinh tế tự do vào giữa những năm 1980, gần đây đã bắt đầu có
những bước tiến vượt bực, nhất là sau khi được nhận vào Tổ Chức Thương
Mại Thế Giới năm ngoái.
Nhất là Việt Nam có nhiều lao động rẻ và
bắt đầu sử dụng nguồn nhân lực này đúng lúc mà các hãng xưởng ở Trung
Quốc bị tác động bởi những luật lệ lao động mới gây tốn kém làm cho khả
năng cạnh tranh kém đi nhiều.
Khi các nhà đầu tư từ các quốc gia
giàu đến gõ cửa, Việt Nam chứng kiến tiền đầu tư ngoại quốc đổ vào gia
tăng. Nước này trở thành nước nhận được nhiều giao kèo của các quỹ
chứng khoán tư ở Đông Nam Á trong năm 2007 và nửa đầu của 2008, theo
một báo cáo của công ty tư vấn Deloitte. Gần 1/3 các thoả thuận của các
quỹ chứng khoán tư ở Đông Nam Á trong khoảng thời gian đó là ở Việt Nam.
Nhưng
đó chỉ là một phần của câu chuyện, và Việt Nam chắc chắn cũng có những
vấn đề của nó, ngay cả trước khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lộ
nguyên hình sau đó trong năm.
Khoảng cách giữa giàu nghèo càng
ngày càng lớn dần, cũng như là sự khan hiếm lớn lao các nhân công lành
nghề trong nhiều lãnh vực. “Nếu mức độ lành nghề ở châu Âu là 100% thì
ở Việt Nam là 30%,” Matthias Duehn nói, ông là một luật sư người Đức
làm việc cho DFDL Mekong ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tham nhũng là
một vấn đề nhức nhối nữa, được xếp hạng là vấn đề quan trọng thứ hai
của Việt Nam, qua thăm dò các nhà đầu tư nước ngoài trong bảng thăm dò
ý kiến mới nhất của ban thu thập tin tức của tờ Economist. Để đo lường
mối quan tâm của quốc tế về vấn đề này, chúng ta hãy theo dõi việc Nhật
Bản đã đóng băng quỹ cho vay dành cho Hà Nội, nước này đã cam kết cho
Việt Nam vay 1.1 tỷ đô la với lãi xuất thấp để phát triển, trừ khi nhà
cầm quyền có những bước tiến “có ý nghĩa” trong việc tận diệt tham
nhũng trong những chương trình liên quan đến những dự án công cộng.
Hơn
hết, Việt Nam thiếu thốn các cơ sở hạ tầng đề hấp dẫn nhiều nhà sản
xuất từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và các vùng có giá sản xuất rẻ
khác ở châu Á đến xây dựng nhà máy tại đây.
Một thành viên của
một quỹ chúng khoán tư ở Hồng Kông gần đây viếng thăm Việt Nam với đầy
kỳ vọng, khi trở về mang tâm trạng là sẽ còn hàng thập kỷ nữa trước khi
nước này có thế sẵn sàng để cạnh tranh với khu vực sản xuất ở phía Nam
Trung Quốc.
Đường quốc lộ chính giữa Sài Gòn và Hà Nội – Khoảng
chừng hơn 1110 kilo mét – thì hẹp và không bằng phẳng. Không có tuyến
xe điện ngầm hay hệ thống chuyên chở công cộng đáng nói ở thành phố Hồ
Chí Minh, nơi mà đường phố kẹt cứng với các xe gắn máy phun khói ô
nhiễm , và hệ thống xe lửa thì không nhất quán. Mặc dầu có nhiều dầu
hỏa, nhưng Việt Nam lại không có nhà máy lọc dầu – nhà máy đầu tiên
được dự trù mở cửa vào sang năm- vì vậy Việt Nam là nước nhập cảng xăng
đầu trong khi cả nước lại có rất nhiều mỏ dầu.
Nhà cầm quyền
Việt Nam gần đây công bố sẽ chi tiêu 2.2 tỷ đô la để nâng cấp hệ thống
đường thủy vào năm 2020. Nhưng cho đến giờ các hải cảng của Việt Nam
đều không đủ sâu để cho các tàu hàng lớn có khả năng vận chuyển toàn
cầu có thể cấp bến.
“Anh có thể có nhiều nhân công rẻ để làm
giầy thể thao nhưng điều này chẳng quý báu gì nếu anh không có các hải
cảng đủ sâu để có thể chở giày ra khỏi nước,” ông Duehn nói.
Hệ
thống bán lẻ lớn như Carrefour và Wal-mart chưa mở các cửa hàng ở Việt
Nam, một chỉ dấu cho thấy nước này bị các nước châu Á khác bỏ khá xa.
Mặc dầu một số báo cáo gần đây có nói khác đi, một phát ngôn viên của
Wal-mart nói với tờ Financial Post công ty khổng lồ này của Hoa Kỳ
không có kế hoạch đặc biệt nào để vào Việt Nam. Công ty bán lẻ khổng lồ
này có hơn 200 cửa hàng ở Trung Quốc.
Ngoài
ra người ta không thể xếp hạng Việt Nam vào chỉ số Big Mac – một cách
xếp hạng đơn giản để so sánh giá sinh hoạt của hai địa phương dựa trên
giá bánh mì kẹp thịt của McDonalds’. Hệ thống thực phẩm ăn nhanh có mặt
ở khắp nơi trên thế giới này lại chưa đến Việt Nam. Người ta cũng không
thể gặp gỡ trò chuyện ở Starbucks bởi vì hệ thống cửa hàng cà phê này
không có đến một cửa tiệm ở Việt Nam, trong khi thậm chí cho đến tận
năm ngoái hệ thống này vẫn còn một cửa tiệm ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh –
Cho dù cà phê Trung Nguyên, một hệ thống tiệm cà phê nội địa phát triển
bởi một người Mỹ gốc Việt là David Thái, bắt chước cũng khá giống.
Đối
với những người lạc quan về Việt Nam, điều này lại là cơ hội. Các công
ty bán lẻ, kể cả các công ty bán lẻ của Canada, “phải vô cùng chú tâm
đến Việt Nam,” ông Thomas Delahaye nói, ông là giám đốc về Việt Nam cho
nhóm tư vấn chiến lược Secor của Canada.
"Dân chúng có đủ
tiền để mua xe gắn máy, truyền hình và có thể gởi con học ở trường dạy
bằng tiếng Anh. Năm năm trước, chuyện này không thể có được,” ông nói thêm.
Thực
vậy, điều thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại quốc là tiềm năng của nước
này. Đặc biệt là Việt Nam có thống kê nhân khẩu thuận lợi nhất trên
hành tinh. Nước này có 85 triệu dân, ba phần tư chưa đến 35 tuổi. Tuổi
trung bình chỉ có 25. Mỗi năm có 1 triệu trẻ em được sinh ra và 1 triệu
dân đến tuổi gia nhập lực lượng lao động. Trình độ giáo dục, khả năng
biết đọc biết viết và khả năng nói tiếng Anh đều ở mức độ cao. Và ít
ra, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thu nhập bình quân đầu người
hàng năm đã vượt qua 1000 đô la. – con số kỳ diệu này thường được dùng
để ghi nhận những bước đầu tiên để trở thành một xã hội tiêu thụ hiện
đại.
Một điểm thuận lợi nữa cho Việt Nam là nước nầy hưởng được
sự ổn định tương đối về chính trị, những biến động ở Thái Lan càng làm
nổi bật điều này. Mặc dù tham nhũng tràn lan, nhiều điều đáng quan tâm
về tự do báo chí và nguyên tắc pháp trị, Việt Nam cũng chứng tỏ là cởi
mở cho đầu tư ngoại quốc trong những năm gần đây – Sản lượng xuất nhập
khẩu cộng lại bằng 160% tổng sản lượng quốc gia.
Thực vậy, các nhà lãnh đạo kinh doanh của phương Tây đã xếp hạng Việt Nam như là nước “cung
cấp rộng rãi nhất các cơ hội (so với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á)
trong hầu hết các lãnh vực trong vòng ba năm tới, từ các mặt hàng tiêu
dùng và y tế cho đến công nghệ thông tin,” theo bảng thăm dò của ban thu thập tin tức của tờ Economist.
Để
đo lường sự tiến bộ của nước này bằng một cách khác, ông Delahaye chỉ
ra lãnh vực tư vấn mà ông đang hoạt động. Những công ty tư vấn quốc tế
cỡ lớn như Bain, McKinsey và Boston Consulting Group chưa thành lập cơ
sở thường trực ở Việt Nam, ông nói. Với quá nhiều vấn đề trong kinh
doanh cần phải giải quyết, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ đến
nơi đây.
Nguồn:
(1) Vietnam far from a modern economy. Financial Post, by Duncan Mavin, 12 December 2008