Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:26 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 29 » «Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết» !
9:02 PM
«Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết» !
Nguyễn Văn Trần

* Thử nhìn lại chánh sách đoàn kết của Cộng sản Hà-Nội qua thể nghiệm máu và nước mắt


* Lech Walesa: « Ðoàn kết phải có tự do ».


Trên thế giới cho đến nay, có lẽ phải nói chỉ có Cộng sản kêu gọi Ðoàn kết nhiều hơn ai hết. Ðối với Cộng sản Hà-Nội, Ðoàn kết trở thành một thứ quốc sách thật sự giúp họ xuất hiện và tồn tại. Ngày nay, trong Nghị Quyết 36 do Bộ Chính trị đảng cộng sản Hà-nội ban hành, Ðoàn kết lại được một lần nữa đưa lên hàng quốc sách « Ðại đoàn kết toàn dân ». Lần này, Đoàn kết thật sự nhắm vào mục tiêu chính xác là khối người Việt hải ngoại để kêu gọi họ « đoàn kết với dân tộc », thật ra là đoàn kết với đảng cộng sản, vì người Việt hải ngoại được Hà-Nội nhìn nhận là « một bộ phận của dân tộc không thể tách rời ». Và có đoàn kết được với người Việt hải ngoại thì đảng cộng sản và Nhà nước Hà-Nội mới thật sự đạt được mục tiêu cuối cùng là làm chủ trọn vẹn đất nước Việt nam.


Hồ Chí Minh trước kia đưa ra khẩu hiệu mà ngày nay đảng cộng sản lấy làm bài học về tư tưởng hồ chí minh « Ðoàn kết, Ðoàn kết, Ðại đoàn kết » gồm ba vế ứng nghiệm vào lịch sử đoàn kết của người cộng sản chủ trương ở Việt-Nam suốt trong thời gian dài từ đầu thập niên 40. Chúng ta sẽ lần lượt điểm lại những chánh sách Ðoàn kết của cộng sản áp dụng ở Việt-Nam để thấy đó thật sự là chánh sách đoàn kết hay chỉ là chánh sách chia rẽ vô cùng thâm độc của cộng sản ?


Đoàn kết là cỗ máy nghiền khổng lồ


Trước đây đã có bao nhiêu người Việt-Nam yêu nước đã hưởng ứng chánh sách đoàn kết của cộng sản Hà-Nội ? Họ đã hưởng ứng bằng sự thể nghiệm cay đắng, uất hờn, bằng nước mắt của tủi nhục và uất hận. Máu và lệ đã viết nên những trang sử đoàn kết của cộng sản áp dụng trên đất nước Việt-Nam qua từng giai đoạn khác nhau, dưới những danh xưng khác nhau như Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc, và ngày nay Nghị Quyết 36 của Chánh trị bộ.


Nước mắt và máu đổ ra chừng đó trên khắp đất nước vẫn chưa đủ để giúp những người Việt-Nam yêu nước chơn chánh ngày nay học được bài học đoàn kết của người cộng sản Hà-Nội hay sao ?


Từng lớp người Việt ái quốc trước đây, ái quốc nhưng không chấp nhận cộng sản, đã ngã gục dưới « lưỡi mã tấu đoàn kết » của cộng sản vẫn chưa đủ để phơi bày mặt thật của đoàn kết và bản chất vận động quần chúng của cộng sản hay sao ?


Ðến lúc nào thì đông đảo người Việt Nam yêu nước nhưng không cộng sản mới ý thức được rằng, chánh sách đoàn kết của cộng sản là một « cỗ máy nghiền khổng lồ », chiều dài là lịch sử dân tộc, chiều rộng là đất nước Việt-Nam, sẽ nghiền nát tất cả những ai không được đảng cộng sản thừa nhận là nhân dân, tức là đối tượng để được đảng cộng sản đoàn kết ?


Chủ thuyết cộng sản xâm nhập vào đất nước Việt-Nam nầy không còn là một trào lưu tư tưởng như những trào lưu tư tưởng khác mà người Việt-Nam có quyền thâu nhận, hấp thụ nó hay gạt bỏ nó, đãi lọc nó theo qui luật tự nhiên đối với sinh hoạt văn-hóa. Bởi nó đã hiện thân tiên phong bằng một lực lượng quân sự núp dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc, rồi bằng một chánh quyền với cả một bộ máy công an khổng lồ kèm kẹp, đàn áp, tiêu diệt tất cả cái gì cử động mà không phải là nó.


Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt-Nam từ trước 1945 đến nay, vấn đề đoàn kết cần phải được đặt lại trên cơ sở mà theo đó, những hoạt động thực hiện đoàn kết có phù hợp mục tiêu đã đề ra khi kêu gọi toàn dân đoàn kết hay không ? Trả lời câu hỏi nầy, đơn giản nhứt có lẽ là nên tìm hiểu các Mặt Trận của Cộng sản thành lập từ trước 1945 thì sẽ thấy ý nghĩa Ðoàn kết hiển lộ rõ ràng.


Mặt Trận Việt Minh


Người cộng sản khi thành lập một Mặt trận thường căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện của một giai đoạn lịch sử đòi hỏi. Mỗi giai đoạn có nhiệm vụ và mục tiêu của giai đoạn. Mặt trận Việt Minh ra đời tại Quảng-Tây tháng 5-1941 với bức thư hiệu triệu công bố ngày 8 tháng 9 năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, vào lúc ở Việt-Nam, Nhựt đã đánh đổ thực dân Pháp và kết nạp Việt-Nam vào hệ thống chiến tranh chống Ðồng Minh của Nhựt. Việt Minh hay Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh đã nói lên rõ ràng cái ý nghĩa của mặt trận với những nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử lúc ấy. Trong « Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh », « Việt Nam Độc Lập » là nhiệm vụ giải phóng quốc gia dành độc lập ; còn « Ðồng Minh » là nhiệm vụ quốc tế của Mặt trận tham gia chống phát-xít, và chống phát-xít trên đất Việt nam .


Thật ra, trong tình hình Việt-Nam năm 1941, nhiệm vụ chống phát-xít Nhựt cũng đã đồng nghĩa với nhiệm vụ giải phóng dân tộc bởi phát-xít Nhựt đã thay thế thực dân Pháp chiếm lấy Việt Nam rồi. Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường đứng về phía Ðồng Minh chống lại Ðức-Ý-Nhựt để tránh phải nói rõ ra sự phụ thuộc mật thiết đồng chí vô sản quốc tế với Nga, và mặt khác, mong vận động sự yểm trợ của Ðồng Minh mà Nga là thành viên. Nhưng đứng về phía Ðồng Minh để chống phát-xít mà lại không có Quốc gia thì chủ lực đâu mà chống phát-xít ? Cho nên trong chủ trương của Mặt Trận Việt Minh, ngay lúc đầu đáng lẽ ra chỉ nên đặt vấn đề giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp là chủ yếu, Hồ Chí Minh lại đặt vấn đề chống phát-xít là ưu tiên vì muốn làm nhiệm vụ quốc tế phục vụ đường lối chánh trị Nga xô. Hồ Chí Minh như vậy đã chủ trương bước xéo qua quốc gia dân tộc mà đi ra quốc tế, nên khi Hồ Chí Minh kêu gọi giải phóng dân tộc dành độc lập là để nhằm lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân mà thôi. Chính tinh thần “vì quốc tế » là ưu tiên, trên quốc gia dân tộc, ngày nay được Đảng Cộng sản Hà nội thừa kế chấp nhận nhượng đất và biển cho Trung quốc, để giữ Đảng và chánh quyền theo phe xã hội chủ nghĩa.


Giải phóng dân tộc đáng lẽ ra phải là một nhiệm vụ duy nhứt và thiêng-liêng nhứt của người dân mất nước, thì đối với Cộng sản Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc chỉ là điều kiện, là cơ hội để cướp chánh quyền nhằm mục đích sau cùng là thực hiện chế độ cộng sản, phục vụ mục tiêu chiến lược của Đệ III Quốc tế. Điều này hoàn toàn đi ngược lại nguyện vọng đích thực của toàn dân là chống thực dân Pháp và phát-xít Nhựt để dành lại chủ quyền quốc gia. Và người dân đã thực sự đổ xương máu cho mục đích cao cả nầy. Do đó, Mặt Trận Việt Minh từ trong chủ trương có sẵn bản chất chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc.


Tuy nhiên, đối với dân chúng Việt-Nam vào những năm 40 vừa bừng tỉnh thoát khỏi ách thực dân, Mặt Trận Việt Minh hay bất kỳ một tổ chức nào đáp ứng được nguyện vọng độc lập, tự do của dân chúng thì đều có thể tập hợp đông đảo các từng lớp xã hội. Lúc ấy, một lời nói « ái quốc » đã làm rung động nhiều người. Tiếng « tự do », « độc lập » trở thành một sức mạnh phi thường. Bởi vì lòng yêu nước của dân chúng từ lâu nay bị đè nén, nay có cơ hội bộc lộ thì hành động lập tức trở thành nhu cầu của mọi người.


Không ai cần thắc mắc, đắn đo, mọi người cần hành động. Phải hành động để đem lại độc lập, tự do ! Lòng mọi người hân hoan. Với những điều kiện tâm lý xã hội ấy, các tổ chức chánh trị, các đảng phái công khai hoạt động. Mặt Trận Việt Minh liền đứng ra vận dụng lòng yêu nước bồng bột và sức đấu tranh của toàn dân đang vươn lên, hướng sức đấu tranh ấy vào mục tiêu của Mặt Trận khác hẳn với nguyện vọng đích thực của toàn dân.


Nguyện vọng của toàn dân là nhằm mục tiêu duy nhứt giải phóng dân tộc dành độc lập. Còn Việt Minh lại tách nhiệm vụ giải phóng dân tộc làm hai nhiệm vụ Quốc gia và Quốc tế, mà Quốc tế là quan trọng hơn : «Cục diện quốc tế biến chuyển mau lẹ. Cuộc chiến tranh dân chủ chống phát xít quốc tế, do Liên xô cầm đầu đã tới mức cao độ. Mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và Phát-xít Nhựt ở Đông Dương ngày càng gay gắt. Do đó, chánh sách đảng Cộng sản cũng phải chuyển hướng kịp thời » ( Trần huy Liệu : « Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam », Hà-Nội ). Và Trần huy Liệu còn nói rõ hơn : « Việt Minh, tìm cách liên lạc với phe dân chủ và đem những khả năng giúp đỡ quân Đồng Minh đánh Nhựt ở Đông Dương ». Đồng thời Hồ Chí Minh nhận tiền và vũ khí của Pháp nói để đánh Phát-xít nhưng thực tế là phát triển đảng cộng sản và chống lại các đảng phái quốc gia, với lời giải thích lấy được « Vì Việt Nam dưới gót phát-xít Nhựt cũng như Pháp dưới gót Quốc xả Đức » !


Do đó với những sự thật không chối cãi được về cái nhiệm vụ quốc tế, Mặt Trận Việt Minh trong chánh sách đoàn kết đã làm cho nhiều người Việt Nam yêu nước thật tình và sáng suốt lần lần phải xa lánh Việt Minh. Từ 1941 đến ngày cướp chánh quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945, Mặt Trận Việt Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết. Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi đoàn kết : « muốn đánh Pháp, Nhựt, ta chỉ cần một điều : toàn dân đoàn kết » ( Võ văn Kiệt nhắc lại, Báo Tuổi Trẻ 8/05 ) Trong bài báo trên, Võ văn Kiệt còn nói thêm : « không chỉ có dân, mà cả vua nhà Nguyễn » cũng hưởng ứng. Thật vậy, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị để «làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ ».


Trước quốc tế, triều đình nhà Nguyễn đã ký những Hiệp ước năm 1862, 1884 đặt quốc gia Việt-Nam dưới quyền bảo hộ của Pháp. Tháng 3/1945, chủ quyền Pháp trên đất Việt Nam bị Nhựt lật đổ, Bảo Đại có thể tuyên bố xóa bỏ các Hiệp ước cũ và khôi phục lại quyền độc lập quốc gia, thực hiện sự liên tục pháp lý quốc gia. Tháng 5/1945, Việt Minh cướp chánh quyền, lẽ ra đã phải duy trì tính liên tục pháp lý ấy để căn cứ vào nền tảng đó mà kêu gọi quốc tế thừa nhận Việt-Nam độc lập, đồng thời đoàn kết toàn dân. Chẳng những không lợi dụng cơ hội thuận lợi này mà thu hồi chủ quyền quốc gia và đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh buộc Vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho Hồ Chí Minh (ấn kiếm đã không nộp cho Việt Minh nay hãy còn được cất giữ ) và ngày 11-9-1945, đảng cộng sản Đông Dương, rồi Bộ Trưởng Thông Tin Tuyên Truyền Trần Huy Liệu, tuyên bố rõ mục tiêu của Mặt Trận Việt Minh theo đuổi : « Mặt Trận Việt Minh là do Đảng cộng sản Đông Dương lảnh đạo ». Thế là Hồ Chí Minh và Trần Huy Liệu đã mặc nhiên phản lại tinh thần đoàn kết được ghi trong chiếu thoái vị mà Trần Huy Liệu đã cam kết thực hiện khi tiếp nhận bản văn nầy từ tay Bảo Đại! Mất hết sự ủng hộ từ quốc tế đến quốc gia, Hồ Chí Minh bèn mời Vua Bảo Đại làm « Cố vấn tối cao cho Chánh phủ Cách mạng». Nhưng giá trị liên tục pháp lý ở Vua Bảo Đại không còn nữa.


Để giải quyết cái khó trước mắt, Hồ Chí Minh xoay qua kêu gọi Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp trong Nam gồm có Đảng Quốc Gia Độc Lập, Thanh Niên Tiền Phong, Cao-Đài, Phật Giáo Hòa-Hảo, Việt Nam Phục Quốc Hội, Đệ Tứ, Liên Đoàn Công Chức, sát nhập vào với Mặt Trận Việt Minh. Một Ủy Ban Nam Bộ được thành lập gồm 9 ủy viên trong đó có 7 Ủy viên là cộng sản. Sự kết hợp này giúp Việt Minh nắm được Chánh quyền Nam bộ để Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo có đủ tư thế tiếp xúc với Cédile, Đại tá Pháp, sửa soạn kế hoạch cho Pháp trở lại Nam bộ.


Âm mưu đi với Pháp bị tố cáo. Không cần phải che dấu chủ trương theo cộng sản dưới chiêu bài đoàn kết nữa, Việt Minh liền ra tay ám sát Hồ văn Ngà, tiêu diệt Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài và tất cả những người không đi với Việt Minh. Cuộc kháng chiến Nam bộ bùng nổ. Toàn dân đứng lên chống Pháp thì Việt Minh một mình tiến hành chiến dịch loại trừ các phần tử Quốc gia không theo Việt Minh để độc quyền lãnh dạo kháng chiến và thỏa hiệp với Pháp, nhưng thỏa hiệp không thành bởi De Gaulle muốn trở lại Đông Dương để giữ cho Pháp địa vị Đế quốc, trong lúc đó cao trào chống Pháp của dân chúng trong Nam quá mạnh. Việt Minh vì quyền lợi của đảng Cộng sản đành phải tham gia kháng chiến.


Ở miền Bắc, Việt Minh nắm trọn Chánh quyền. Chánh phủ liên hiệp chấp nhận thỏa hiệp để Pháp đổ bộ lên Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định… Khi Hồ Chí Minh ký hiệp ước 6-3-1946, các đoàn thể và lực lượng võ trang trong Nam phản ứng mạnh, không thi hành ngưng chiến: « Đ.m ! Chưa có độc lập mà ngưng chiến cái gì ? » - Bảy Viễn tức giận nói . Trong lúc đó, ở miền Bắc, cộng sản hợp tác với Pháp đi tuần ti ễu trên đường phố Hà Nội, Hải Phòng lùng bắt những ai còn tiếp tục chống Pháp. Việt Minh cùng với Pháp mở những cuộc hành quân tận Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang để tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng.


Hồ Chí Minh trước kia, trong Phong Trào Đông Du, cũng đã từng hợp tác với Pháp, bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp lấy tiền tổ chức đảng cộng sản và sau đó mật báo cho Pháp ở Hồng-Kông để chận bắt tại biên giới Việt-Nam tất cả thanh niên qua Nhựt hoặc qua Tàu theo học Trường Hoàng Phố trở về, nếu họ không chịu gia nhập đảng cộng sản. Hồ Chí Minh chủ trương tiêu diệt các đảng phái, các lực lượng yêu nước thật tình mà không theo cộng sản ngay từ lúc ông ta chưa trở về Việt Nam. Khi kháng chiến bùng nổ, lệnh tản cư ban hành, ở Hà nội một số lớn Tự vệ thành ở lại hăng say chiến đấu chống Pháp đều bị cộng sản âm thầm sát hại hoặc thông báo cho Pháp nơi ẩn núp hoặc đường di chuyển để Pháp tiêu diệt.


Việt Minh chẳng những phá hoại đoàn kết dân tộc như đã hiệu triệu « toàn dân đoàn kết chống Pháp » mà còn trắng trợn phản bội lại công cuộc kháng chiến của toàn dân, tức phản bội Tổ quốc để chỉ nhằm phục vụ quyền lợi cộng sản Đệ III Quốc tế là trên hết. Mặt Trận Việt Minh lúc bấy giờ được đông đảo người Việt hưởng ứng, vì lầm tưởng Việt Minh theo đuổi đường lối và chánh trị đấu tranh để giải phóng dân tộc. Nhưng mục đích thật sự của Việt Minh là cộng sản nên mới di hại cho đất nước như ngày nay.


Mặt Trận Liên Việt


Mặt trận Việt Minh chỉ là một tập hợp lực lượng dân chúng để giúp cướp Chánh quyền, không thể làm hậu thuẫn mang tính đại biểu quần chúng để giúp Hồ Chí Minh quan hệ với ngoại quốc nên Hồ Chí Minh phải cần một tập hợp khác. Do đó, ngày 27 tháng 8 năm 1946, Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam ra đời, gọi tắt là Mặt Trận Liên Việt. Mặt Trận Liên Hiệp Quốc dân được giải thích là để tập hợp rộng rãi hơn các đoàn thể xã hội kể cả không chánh trị, chỉ nhằm một mục tiêu chung duy nhứt là độc-lập và dân-chủ cho Việt-Nam. Mặt Trận Liên Việt không tập hợp các đảng phái chánh trị như Mặt Trận Việt Minh trước kia.


Về mặt lãnh đạo, Mặt Trận Liên Việt không đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng Cộng sản. Ban lãnh đạo Mặt Trận Liên Việt dưới hình thức Ủy Ban từ hạ tầng cơ sở đến trung ương chỉ gồm những cá nhơn trong đó có những cá nhơn đảng viên cộng sản mà không nhơn danh cộng sản. Nhờ khéo léo che dấu bộ mặt thật cộng sản, Mặt Trận Liên Việt khá thành công trong việc tập hợp quần chúng, kể cả những người đã rời bỏ Mặt Trận Việt Minh trước đây. Mặt Trận Liên Việt đặt dưới quyền Chủ tịch danh dự là Hồ Chí Minh, Chủ tịch thiệt thọ là cụ Huỳnh thúc Kháng, nên được xem như là một tổ chức quốc gia thật sự có nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, trong khi đó, Mặt Trận Việt Minh lại công khai do đảng Cộng sản lãnh đạo và có nhiệm vụ tập hợp các đảng phái chánh trị để cướp Chánh quyền.


Những người cộng sản thì vẫn thấy tham gia Mặt Trận Việt Minh có ý nghĩa hơn vì ít ra cũng do Đảng Cộng sản lãnh đạo và có thành tích cướp được Chánh quyền, chớ Mặt Trận Liên Việt thì mới ra đời, chưa lập được một thành tích nào hết. Trước tình hình đó, Mặt Trận Liên Việt chưa thay thế được Mặt Trận Việt Minh nên Mặt Trận Việt Minh chưa giải tán.


Sự duy trì hai Mặt Trận song hành vẫn có lợi cho Cộng sản về mặt đoàn kết. Mặt Trận Việt Minh tập hợp các đảng phái chánh trị. Còn Mặt Trận Liên Việt tập hợp tầng lớp quần chúng phi chánh trị. Cả hai đều thật sự đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản để làm hậu thuẫn yểm trợ Chánh quyền cộng sản vừa mới ra đời. Vận dụng đoàn kết, Mặt Trận Việt Minh từ trước tìm mọi cách tiêu diệt các đảng phái chánh trị quốc gia không cộng sản đứng trong Mặt Trận. Mặt Trận Liên Việt ra đời tiếp theo để thi hành nhiệm vụ tiêu diệt các thành phần dân chúng xét thấy không thể giác ngộ cách mạng vô sản được.


Nhìn kỹ tình hình đất nước lúc bấy giờ, người ta sẽ thấy vai trò đích thực của Việt Minh và Liên Việt là bước đầu đoàn kết các đảng phái chánh trị không Cộng sản trong Mặt Trận giải phóng dân tộc dành độc lập để ra tay tiêu diệt các đảng phái ấy, tức tiêu diệt lực lượng chủ lực quốc gia chống thực dân Pháp, kế tiếp nhắm thẳng vào quần chúng, thẳng tay loại trừ tất cả những ai không theo cộng sản.


Chuẩn bị giải tán Mặt Trận Việt Minh, Cộng sản chuyển cán bộ đảng viên qua hoạt động trong Mặt Trận Liên Việt. Công tác của họ là đi sâu vào quần chúng để đoàn ngũ hóa quần chúng bằng mọi thủ đoạn như chiêu dụ, thuyết phục, hăm dọa và bạo lực.


Mặt Trận Liên Việt gồm đủ thành phần xã hội, có cả những người không tham gia một hoạt động chánh trị nào hết. Mặt Trận chỉ cần họ lên tiếng hoan nghênh, ủng hộ, đóng góp tiền bạc theo chỉ thị của Ban lãnh đạo. Do đó, Mặt Trận Liên Việt có vẻ vô hại, không nguy hiểm nên quần chúng gia nhập để khỏi bị để ý là không hợp tác với Cách mạng. Nhưng vô tình, dân chúng giúp cho Mặt Trận Liên Việt mượn sức mạnh quần chúng để đàn áp quần chúng qua những chiến dịch phổ biến chánh sách ta/địch, bạn/thù.


Đến tháng 3 năm 1951, đảng Lao Động chánh thức xuất hiện để lãnh đạo, Chánh phủ cách mạng được củng cố nhờ ở cán bộ đông đảo và được huấn luyện nhuần nhuyển về giai cấp đấu tranh, khủng bố, đàn áp. Trong phe cộng sản, Trung Cộng vừa thắng thế và thiết lập chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ nước Tàu. Biên giới hai nước thông thương. Tình hình thuận lợi cho phía cộng sản ở Việt-Nam hơn.


Những điều kiện chủ quan và khách quan đã cho phép Cộng sản Hà-Nội từ nay công khai hoạt động không sợ phản ứng bất lợi trong dân chúng. Hơn nữa, Đại Hôi Đồng Liên Hiệp Quốc Gia, tức toàn thể dân chúng, đã hợp thức hóa sự ra đời của Đảng Lao Động để lãnh đạo Cách mạng Việt-Nam, theo lời giải thích chánh thức : « Đảng Lao Động Việt nam trong hiện tại kháng chiến, trên những thành tích đấu tranh, trên ý thức giác ngộ, xứng đáng đóng vai trò lãnh đạo các giai cấp». Và cũng từ đây, danh từ « Giai cấp » được phổ biến rộng rãi trong quần chúng như một bài học mới về lý tưởng đấu tranh. Rồi vấn đề « giai cấp » lại được đưa sâu vào Mặt Trận Liên Việt để nâng Mặt Trận Liên Việt trở thành Mặt Trận của các « giai cấp ». Nhiệm vụ đoàn kết của Mặt Trận Liên Việt giờ đây là « đoàn kết các giai cấp ». Phương thức đoàn kết các giai cấp là « điều giải hợp lý quyền lợi giữa các giai cấp » như Trường Chinh giải thích.


Mà muốn được đoàn kết, người dân phải giác ngộ giai cấp, tức phải trở thành người Cộng sản chuyên chính, bởi chỉ có người Cộng sản, đảng viên đảng Lao động, mới đại diện quyền lợi của giai cấp lao động Việt-Nam. Mà quyền lợi của giai cấp lao động là quyền lợi dân tộc! Khi Mặt Trận Liên Việt làm nhiệm vụ đoàn kết, áp dụng lý thuyết « điều giải hợp lý quyền lợi của các giai cấp », nhìn vào thực tế, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa thật của lý thuyết ấy là hướng dẫn cán bộ đảng viên biết chọn lựa đi với ai, loại bỏ ai, vào lúc nào, với tội gì, bằng cách nào. Việc làm nầy phải hợp lý để kịp thời giải thích trấn an quần chúng và đàn áp những ai phản ứng mạnh.


Chủ trương đoàn kết của Mặt Trận Liên Việt vừa được áp dụng thì chẳng bao lâu sau đó, đảng Lao Động đưa ra một chánh sách mới tiếp theo « phóng tay phát động phong trào quần chúng đấu tranh ». Quần chúng trong cuộc đấu tranh này sẽ được phân định ai là bạn, ai là thù để làm xuất hiện những đối tượng đấu tranh. Phân định xong, đối tượng đã rõ, phải qui định phương pháp, kế hoạch như « đột phá nhứt điểm khai thông toàn diện, bố trí đấu trường… ».


Khi chánh sách đoàn kết của Mặt Trận Liên Việt diễn ra, máu đã đổ, thì người dân nhìn thấy đó không gì khác hơn là một cuộc « nội chiến » do Chánh quyền cộng sản đẩy những người vô sản cộng sản chém giết những người vô sản Việt Nam khác không cộng sản. Nói nội chiến vì những người lãnh đạo cuộc chém giết này là Chánh quyền Hồ Chí Minh, với cả bộ máy võ trang hùng hậu, mở những cuộc công kích thẳng vào phía quần chúng bị xem như là lực lượng đối nghịch phải tiêu diệt để dành phần thắng về mình. Nhưng thật ra, nói cho đúng hơn thì đó chỉ là một cuộc chém giết đại qui mô một chiều. Quần chúng vô sản, tức phe đối nghịch, chết đi rồi mà vẫn chưa hiểu tại sao mình chết vì lời van xin, cầu khẩn chưa kịp thốt ra.


Để giải thích tại sao có chiến dịch «quần chúng đấu tranh », cộng sản liền cho giáo dục quần chúng lòng căm thù giai cấp. Căm thù là tiêu chuẩn đo lường tinh thần chiến đấu. Những lời chửi rủa kẻ khác là đưa căm thù vào thực tế đấu tranh. Chửi rủa những kẻ từng được kính trọng, yêu thương là thay đổi mới quan hệ xã-hội, gia-đình. Chửi rủa khơi dậy tính độc ác sẵn có ở trong con người để dẫn đến những hành động tàn bạo. Thậm chí, trong chánh trị ngoại giao ngày nay, người ta vẫn còn nghe người Cộng sản Hà-Nội gọi « thằng Mỹ, thằng Pháp » và ông « Trung quốc, Ông Liên xô ».


Trong chánh sách đoàn kết của cộng sản, địch phải chết trước, thù chết sau đó và bạn được chết sau cùng. Đến khi có một biến cố chánh trị xảy ra trong nội bộ đảng hoặc trong phe cộng sản thì một cuộc thanh lọc hàng ngũ sẽ diễn ra để ta lại giết ta. Trường hợp gần đây và những nạn nhơn vẫn chưa được thanh thỏa, đó là vụ « xét lại chống đảng » hồi năm 1962 ở Hà-Nội và cả vụ « Nhân Dân Giai Phẩm », « cải cách ruộng đất » .


Tưởng nên nhớ trong chánh sách « đoàn kết » của Mặt Trận Liên Việt, những thành tích kháng chiến, những đóng góp hay hy sinh cho kháng chiến, đều không được xem xét trong sự phân định thành phần quần chúng. Bởi ai hiểu cuộc kháng chiến là để dành độc lập cho đân tộc là sai : « Kháng chiến là giai cấp đấu tranh trên một hình thức cao rộng », lời Trường Chinh giải thích. Chánh sách « đoàn kết » của Cộng sản Hà nội được một lần nữa thực hiện sâu rộng trên miền Bắc khi họ dành được phân nửa đất nước nhờ xương máu của toàn dân. Trong giai đoạn này, Hồ Chí Minh thi hành rập khuôn theo Trung cộng, không cần ý thức sự khác biệt hoàn toàn về tình hình xã-hội Việt-Nam với Trung quốc. Thế là cuộc Cải Cách Ruộng Đất bắt đầu. Đoàn kết được đề ra là nhằm phản đế, quần chúng đấu tranh là phản phong.


Phản đế mà không phản phong, nghĩa là chống đế quốc thực dân dành độc lập dân tộc mà không tiến hành giai cấp đấu tranh, là không ý thức được vấn đề một cách trọn vẹn vì còn bị chi phối hoặc ảnh hưởng tinh thần quốc gia hẹp hòi, tình cảm tiểu tư sản, lãng mạn. Thế là vấn đề phản đế được thống nhứt vào vấn đề phản phong làm một. Chánh sách tiêu diệt quần chúng vô sản không cộng sản được lồng vào chánh sách đoàn kết. Mà đoàn kết là để tiêu diệt.


Cuộc « Cải Cách Ruộng Đất » ở Miền Bắc đầu thập niên 50, tiếp theo là « sửa sai » đã giúp Hồ chí Minh tiêu diệt không dưới năm trăm ngàn (500.000) nông dân vô tội*. Suốt thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, ở trong Miền Nam cán bộ đảng viên cộng sản từ Bắc gởi vào xâm nhập hàng ngũ kháng chiến Nam bộ để thanh toán những người không chịu gia nhập đảng cộng sản. Riêng Trần văn Giàu, vâng lệnh Hồ Chí Minh, một mình đã giết đến 2500 trí thức Miền Nam để tiêu diệt thành phần có khả năng lãnh đạo kháng chiến không theo cộng sản (Hồi ký của Trịnh Hưng Ngẫu tự xuất bản tại Sài gòn, năm 1973 theo đó, ông Trần văn Giàu thú nhận với ông Trịnh Hưng Ngẫu tại Bangkok, ngày 13/03/1946 ) . Còn biết bao nhiêu người nữa, ở Miền Nam, vì sợ không giữ đoàn kết thì mất độc lập nên không nỡ sớm tách ra khỏi Việt Minh. Lại còn những người không muốn bỏ về thành phải bị mang tiếng Việt gian nên ở lại với kháng chiến. Tất cả những người này lần lượt bị chết vào tay cộng sản hết cả .


Nhiệm vụ của Mặt Trận Việt minh là đoàn kết các đảng phái chánh trị để tiêu diệt chỉ còn lại đảng Cộng sản. Mặt Trận Liên Việt kế tiếp đoàn kết các thành phần xã hội khác như các hội hè, các cá nhơn, trí thức, tư sản, nông dân, công nhơn,… để lần lượt tiêu diệt theo quan niệm giai cấp đấu tranh, chỉ còn lại một thành phần là giai cấp lao động vô sản cộng sản . Đúng ra chỉ còn lại những người theo cộng sản. Qua những đợt đoàn kết này, đảng cộng sản trưởng thành, lớn mạnh và tồn tại đến ngày nay.


Mặt Trận Tổ Quốc


Mặt Trận Tổ Quốc được thành lập do quyết nghị của Đại Hội Đồng Mặt Trận Liên Việt họp phiên bất thường vào tháng 9 năm 1955 tại Hà Nội. Sự ra đời của Mặt Trận Tổ Quốc là sự giải thể của Mặt Trận Liên Việt cũng như trước đây sự ra đời của Mặt Trận Liên Việt là sự sửa soạn giải thể Mặt Trận Việt Minh. Xin nhắc lại Mặt Trận Việt Minh là để đoàn kết các đảng phái. Mà đảng phái chỉ là những tập hợp một số quần chúng nên nhỏ hơn giai cấp. Mặt Trận Liên Việt đoàn kết các giai cấp, mà giai cấp vẫn còn nhỏ hơn toàn dân. Mặt Trận Tổ Quốc là một tập hợp đoàn kết toàn thể quốc dân.


Thật ra, Mặt Trận nào cũng tuyên bố là tập hợp hay đoàn kết toàn dân. Nhưng trong quá trình tranh đấu, mỗi giai đoạn có những mục tiêu hoàn cảnh khác nhau. Nên toàn dân cũng vì thế có ý nghĩa khác nhau. Từ 1941 đến 1950, các đảng phái đại diện cho toàn dân; từ 1950 đến 1954, các giai cấp thay mặt cho toàn dân , từ 1955 trở đi, khi mà các đảng phái và các giai cấp không phải « vô sản không cộng sản » bị triệt tiêu một phần lớn, thì toàn dân trở thành không ai khác hơn là « mỗi người dân »! Giờ đây, vì đã tiếp thu Chánh quyền trên một nửa nước qua Hiệp định Genève 54, Mặt Trận Tổ Quốc do đảng Lao Động chánh thức và công khai lãnh đạo.


Cái trình tự Việt Minh – Liên Việt - Tổ Quốc thể hiện những bước đi của đảng cộng sản Hà nội từ bí mật ra công khai trước quốc dân, tiến lên chánh trường quốc tế tại Hội nghị Genève về ngưng chiến với Pháp. Các Mặt Trận Việt Minh – Liên Việt - Tổ Quốc là quá trình trưởng thành của đảng cộng sản được nuôi dưỡng bằng xương máu của các đảng phái ái quốc, các thành phần quốc dân vì đất nước mà không cộng sản. Và đó cũng là quá trình chánh sách đoàn kết của Cộng sản để đi đến mục tiêu cuối cùng « đồng hóa đảng với dân tộc là một ». Cái thảm hại mà Mặt Trận Tổ Quốc hứa hẹn mang đến cho dân tộc Việt Nam nằm trong ý nghĩa đó.


Giờ đây dưới cái danh nghĩa Mặt Trận Tổ Quốc hiền lành, đảng Cộng sản lãnh đạo một mặt trận đoàn kết trên các mặt xã-hội, văn-hóa, kinh-tế, tôn-giáo, chánh-trị,… để thâm nhập vào tận từng suy nghĩ, ước mơ riêng tư của mỗi người. Có tập hợp mới xâm nhập được vào dân chúng để kiểm soát dân chúng và để dễ bề tiêu diệt những thành phần không thể giữ lại. Trong quá trình thực hiện đoàn kết, thế lực đảng phái nào còn mạnh thì Mặt Trận tỏ ra hòa hưỡn cho đến khi tiêu diệt được hết các đảng phái. Những thành phần xã hội không theo cộng sản, có ý chống lại chánh sách đoàn kết của đảng thì được « điều giải hợp lý quyền lợi các giai cấp » cho đến khi thanh toán hết các giai cấp ấy.


Nguyên tắc đoàn kết của Mặt Trận Tổ Quốc là quyền lợi tổ quốc được đồng hóa với quyền lợi của đảng cộng sản nên nguyện vọng của toàn dân không còn nữa, mà được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản. Con đường thực hiện nguyên tắc đoàn kết ấy dĩ nhiên là con đường tiêu diệt mọi ý thức dân tộc, mọi nguyện vọng đích thực của quốc dân, loại trừ mọi phần tử không theo chủ nghĩa cộng sản, mọi sinh hoạt kinh-tế, chánh-trị, văn-hóa, tôn-giáo không phục vụ chế độ cộng sản. Cái ý nghĩa đoàn kết trong Mặt Trận Tổ Quốc sau cùng chỉ là sự tận dụng những năng lực xã hội để thực hiện và duy trì chế độ cộng sản.


Hỡi những người đã chết oan uổng với Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt theo tiếng gọi đoàn kết và không thể chết một lần thứ hai nữa, hãy sống lại để gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc để đáp lại tiếng gọi thiết tha « hòa bình », « đoàn kết », « xây dựng »,…Hãy sống lại gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc để nói lên những lời nói của máu và nước mắt, của nhục nhã, tù đày, của tra tấn, đấu tố, của cực hình, của tập trung cải tạo,… để làm sống lại những trang sử đoàn kết của đảng cộng sản Hồ Chí Minh !


Hỡi những oan hồn đau thương này hãy về đây, tập hợp trong Mặt Trận Tổ Quốc để giúp cho những người Việt Nam chưa được chết có đủ sáng suốt nhìn tận bộ mặt thật của Mặt Trận đoàn kết của cộng sản ! Ngày nay, Mặt Trận Tổ Quốc vẫn còn tồn tại để tiếp tục chánh sách « đại đoàn kết toàn dân » của đảng cộng sản Hà nội.


Thực tế thì Mặt Trận Tổ Quốc can thiệp một cách thô bạo vào đời sống xã hội, làm đảo lộn hoặc thủ tiêu những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong tôn giáo, Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức công an làm tu sĩ. Cơ sở tôn giáo thì Mặt Trận Tổ Quốc biến làm nơi thăm viếng du lịch. Về chánh trị, Mặt Trận Tổ Quốc thay mặt nhơn dân giới thiệu đảng viên ứng cử, loại bỏ những ứng cử viên tỏ ra không tốt đối với đảng và hướng dẫn cử tri bỏ phiếu đúng những người đã được đảng chọn !


Nghị Quyết 36


Trước sau, từ Mặt Trận Việt Minh đến Mặt Trận Tổ Quốc đều là những tổ chức cực kỳ phản động làm công cụ cho đảng cộng sản phản động để tiêu diệt những thành phần dân tộc không chấp nhận cộng sản mà hệ quả là sự khủng hoảng trầm trọng của đất nước ngày nay.


Phá hoại trong nước chưa đủ, đảng cộng sản, năm 2004, còn ban hành Nghị Quyết 36 nhằm « đoàn kết người Việt hải ngoại » để thâu phục người Việt hải ngoại về với đảng cộng sản. Lần này, « lưỡi mã tấu đoàn kết » được đảng trao qua tay Ban Việt Kiều Trung Ương đảng.


Hỡi người Việt hải ngoại ! Hãy rửa cổ sạch sẽ để đón nhận «lưỡi mã tấu đoàn kết » nếu muốn hưởng ứng lời kêu gọi « đại đoàn kết dân tộc » của Nghị Quyết 36 !


Chánh sách đoàn kết của cộng sản Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm qua trên đất Việt vẫn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chúng ta hãy nhìn thực tế : Cộng sản và cả Hồ Chí Minh, lúc chưa chết, có bao giờ thấy họ nhận sai lầm trong những vụ chém giết người dân vô tội sống dưới chế độ do họ cai trị đâu ? Từ vụ Cải Cách Ruộng Đất, Cải tạo Công Thương nghiệp, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại Chống đảng ở Miền Bắc, đến Cải tạo Tập trung, Vùng Kinh tế Mới, đánh Tư sản Mại bản, đẩy dân ra biển thu vàng, phá chùa chiền, đình miếu, nghĩa trang ở Miền Nam sau 30-04-1975, đảng cộng sản và Nhà nước Hà nội chưa có một lời nhận lỗi hay xin lỗi nhân dân. Những chánh sách phản động này còn được tăng cường bằng những thứ luật pháp ác ôn như Nghị Quyết của Thường vụ Quốc-Hội số 41 ban hành tháng 6 năm 1961 cho phép bắt giam người dân không cần xét xử, và Nghị định 31CP cho phép địa phương giam giữ người dân vô thời hạn.


Đoàn kết chỉ có được trên cơ sở một nền dân chủ dân bản.


Bởi đoàn kết thật sự phải có tự do!

Category: Chính trị | Views: 969 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 63
Khách: 63
Thành Viên: 0