Trần Bình Nam
Một cán bộ cộng
sản cao cấp, ông Nguyễn Thành Thơ vừa viết cuốn hồi ký “Cuối Đời Nhớ Lại” để đọc
giữa bạn bè và đồng chí của ông ở trong nước. Cuốn hồi ký này có thể cũng cùng
số phận với nhiều tác phẩm của các cựu cán bộ, đảng viên cộng sản khác, không
được phép in thành sách phổ biến rộng rãi mà chỉ được phép “photo copy” gởi
chuyền tay nhau một cách hạn chế.
Hồi Ký “Cuối Đời
Nhớ Lại” viết xong ngày 6 tháng 5 năm 2003, và ông Nguyễn Thành Thơ đã mang đến
dự tang lễ của một người cán bộ từng hoạt động với ông vừa quá cố và vái tặng
trước linh cửu bạn như một kỷ niệm để cùng nhớ lại một thời đã qua. Do một sự
tình cờ tôi đọc được tập hồi ký của ông Nguyễn Thành Thơ .
Trong
tập Hồi ký ông Nguyễn Thành Thơ cho biết tổ tiên ông sống tại Nghệ An vào thế kỷ
18. Ông tổ mấy đời trước đi lính Tây Sơn phục vụ trong đoàn quân của bà Bùi Thị
Xuân. Trong trận đánh cuối cùng với vua Gia Long đầu năm 1802, quân Tây Sơn tan
vỡ, bà Bùi Thị Xuân bị bắt (1), ông chạy về quê bế một đứa con trai 10 tuổi
xuống thuyền trốn vào Nam để tránh việc trả thù của vua Gia Long. Ông không tái
giá, ở vậy nuôi con, và người con đã tạo ra dòng họ “Nguyễn Thành” tại đồng bằng
sông Cửu Long .
Ông Nguyễn Thành Thơ sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Xuân, huyện La ghì,
tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là Nguyễn Ngươn Hanh sinh năm 1863, có nho học và làm
nghề thuốc Bắc. Ông Hanh tham gia phong trào chống Pháp từ khi Pháp vừa đặt xong
nền đô hộ tại Việt Nam. Năm 62 tuổi mới sinh ra ông Thơ với bà vợ thứ hai
Nguyễn Thị Phước. Ông Nguyễn Ngươn Hanh bị Pháp cầm tù và chết tại Côn Đảo năm
1942 thọ 79 tuổi.
Tập hồi ký này
khác với các tập hồi ký khác ở chỗ, ông Nguyễn Thành Thơ tham gia cuộc tranh đấu
chống Pháp giành độc lập lúc mới 14 tuổi cùng với các sĩ phu yêu nước khác trong
đó có thân phụ ông. Trong quá trình tranh đấu, thân sinh ông tham gia đảng cộng
sản, nên ông cũng tham gia đảng cộng sản. Ông không tham gia Đảng cộng sản vì mê
thuyết Mác Xít. Ông chỉ muốn theo chân thân phụ chống Pháp. Ông thoát ly gia
đình trước cuộc cách mạng 1945 khi tuổi chưa đầy 20. Ông kinh qua cuộc đấu
tranh chống Pháp cho đến khi ký hiệp định Geneve (năm ông 29 tuổi) chia đôi đất
nước. Ông được Đảng cộng sản bố trí ở lại, không tập kết ra Bắc, và tiếp tục
tham gia cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang chiếm miền Nam do Hà Nội chỉ đạo.
Ông Nguyễn Thành
Thơ đóng góp và chứng kiến cuộc đại thắng của Đảng cộng sản năm 1975, sau đó
trong đại hội 4 Đảng cộng sản (1976) ông trở thành Ủy viên TW Đảng. Ông có tất
cả ưu thế và điều kiện để leo lên những chức vụ cao hơn trong Đảng và trong
guồng máy cầm quyền. Nhưng vốn là một người còn lương tri thấy những đường lối
sai lầm của Đảng mà việc trước mắt sau năm 1975 là quyết định xóa bỏ nền kinh tế
thị trường tại miền Nam Việt Nam và có đủ can đảm cùng với các cán bộ gắn bó với
miền Nam khác như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng tỏ ý bất đồng với
chính sách này và ông bị loại ra khỏi TW Đảng kể từ đại hội 5 năm 1981. Ông từng
chống lại chính sách kỳ thị đệ tam, đệ tứ, chính sách đối đãi với đảng viên Đại
Việt của những năm 1945 khi công cuộc chống Pháp bùng nỗ, chống lại những sa đọa
của cán bộ an ninh, chống chính sách đối với đồng bào gốc Miên tại các tỉnh miền
Nam.
Nhưng đó là những
chuyện nhỏ. Chuyện lớn là ông từng chống lại chính sách xóa bỏ nền kinh tế cá
thể tại miền Nam năm 1976 (tuy đồng ý về thống nhất chính trị Bắc Nam). Ông
chống chính sách hợp tác xã nông nghiệp mà ông biết sẽ làm cho nông dân mất hứng
thú sản xuất, và ông chống chính sách ngăn sông cách chợ mà ông biết sẽ làm cho
dân đói.
Tuy nhiên, nhờ
công lao và sự trung thành với Đảng ông Nguyễn Thành Thơ không bị loại ra khỏi
các chức vụ dưới cấp TW Đảng và ông đã tiếp tay với Nguyễn Văn Linh, Võ Văn
Kiệt và sự ủng hộ ngầm của Trường Chinh thúc đẩy quyết định “đổi mới” kinh tế
tại Đại hội 6 năm 1986. Tại đại hội này Nguyễn Văn Linh đắc cử Tổng Bí thư thay
thế Trường Chinh.
Ông Nguyễn Thành Thơ nghỉ hưu năm 1992 lúc ông 67 tuổi. Ông được cấp
30 mẫu tây đất tại huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương trồng cây ăn trái và lấy gỗ và
nhờ đó có một đời sống vật chất sung túc.
Ông không phải là một người chống Đảng.
Nét đặc biệt của ông Nguyễn Thành Thơ là ngay thẳng không biết xu
nịnh, lại hay nói không thuận chiều với những chính sách giáo điều của Đảng nên
cấp trên không ưa ông. Họ không cất nhắc ông lên các chức vụ then chốt của đảng
nhưng không ghét ông vì ông là một người trung thành, đơn giản và được sự kính
mến che chở của bạn bè trong Đảng bộ miền Nam và không đe dọa quyền lực một ai.
Cán bộ cao cấp gốc miền Nam đồng thời với ông như Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng
rất quý nể ông vì tính tình phóng khoáng hết lòng sống chết với bạn bè đồng chí.
Ông Nguyễn Thành Thơ là người dám làm những việc ngoài đường lối của đảng, nhưng
luôn luôn chứng tỏ mình là một đảng viên trung thành có thể chết vì đảng.
Kết thúc sự nghiệp của ông không có gì để ca ngợi, ngoại trừ những
dòng chữ trong tập hồi ký “Cuối Đời Nhớ Lại” vô tình cho chúng ta thấy một số sự
kiện có tính lịch sử. Ông Nguyễn Thành Thơ từng giữ những chức vụ quan trọng,
và từng có dịp tiếp xúc với tất cả các lãnh tụ như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Trường
Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp … nên những mẫu chuyện ông kể lại trong hồi
ký hé mở cho chúng ta thấy cá tính của những con người từng nắm vận mệnh nước
Việt Nam và giúp chiếu rọi ánh sáng vào những vấn đề lớn khác như Hà Nội nghĩ gì
về Hiệp Định Geneve năm 1954, cuộc tấn công của Bắc Kinh qua biên giới Việt Nam
năm 1979 … Và từ đó lý giải tại sao đất nước Việt Nam đang trải qua hoàn cảnh
hôm nay.
Trong thời gian
ông lãnh nhiệm vụ lãnh đạo địch vận, ông từng là người chỉ huy tướng Dương Văn
Nhựt được gởi từ miền Bắc vào Nam để tiếp xúc với tướng Dương Văn Minh. Sự việc
ông kể lại công tác này (nếu ông Nguyễn Thành Thơ ghi lại chính xác) có thể giúp
cho các nhà viết sử về sau nghiên cứu một nghi vấn quan trọng.
Sau đây là vài trích dẫn:
Lê Duẫn
và hiệp định Geneve:
Năm 1954 hiệp định Geneve vừa ký xong đảng cộng sản gởi Lê Duẫn vào Nam để lãnh
đạo đảng bộ miền Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử hay cuộc nổi dậy. Ông
Nguyễn Thành Thơ ghi lại buổi học tập do Lê Duẫn chủ tọa:
“Học lớp chính trị do anh Lê Duẫn giảng “Hiệp định Geneve và đấu tranh thi hành
hiệp định Geneve” trong đó có những ý quan trọng như: Ta không tán thành ký kết
Hiệp định Geneve, do Trung quốc, Liên xô ép. Mỹ sẽ trở thành kẻ xâm lược chính.
Đảng bí mật, tổ chức quần chúng bán công khai và công khai. Cảnh giác chiến
tranh, do đó phải giấu một số quân và vũ khí …”
(“Cuối Đời
Nhớ Lại” trang 83)
Quản lý
nhân sự thoát ly:
Nhân sự thoát ly bị cắt dứt hoàn toàn với gia đình để tránh việc trốn về với gia
đình sau khi thấy được mặt thật của Đảng. Ai bỏ trốn sẽ bị bắn bỏ. Ông Nguyễn
Thành Thơ thuật lại chuyện một cán bộ văn nghệ nữ đã tự sát vì bị bao vây. Cô ta
ắt là đã gởi nhiều thư thăm hỏi gia đình không được cơ quan chuyển:
“Có nữ đồng chí tên là Nhị Hà khỏang 30 tuổi, người Bến Tre, xinh đẹp, đi tập
kết, được đi học Liên xô về đạo diễn, về miền Tây là cán bộ đạo diễn ở cơ quan
văn nghệ Khu. Dự họp, mặc quần áo bà ba củn cởn của thiếu nữ càng thêm xinh đẹp,
giờ giải lao lên ca hát phục vụ, được cuộc họp vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Một
hôm khoảng 10 giờ đêm, có một cán bộ đến báo, đêm vừa rồi cơ quan văn nghệ Khu
có cuộc họp liên hoan, có một cán bộ cởi nịt súng máng lên vách. Nhị Hà gỡ lấy
súng, lên đạn rồi nói ‘Xin từ giả anh chị em, tôi chết’ Các học trò diễn viên
khóc mướt, nói không ra lời, tất cả đều lấn vào tranh thủ giựt súng. Nhị Hà chỉa
súng vào màng tang nói ‘Các anh chị em ngồi yên để tôi sống thêm một lúc nữa,
còn tìm cách giựt súng tôi sẽ nổ súng chết ngay’. Anh chị em hỏi ‘Vì sao muốn
chết’ Nhị Hà nói: ‘Tôi có chồng gởi thơ cho chồng không biết bao nhiêu lần vẫn
không thăm tôi, vẫn không thơ trả lời. Tôi còn mẹ, nhờ người đi rước nhiều lần
vẫn không gặp tôi … Trong hoàn cảnh cô đơn nhớ chồng con, cha mẹ anh em không tả
nổi, không có tương lai sum họp chỉ muốn chết thôi. Nếu anh chị em thương tôi
chôn tôi bên ngoài một góc nghĩa trang nào đó để tôi luôn gặp người qua lại chào
mừng, chung quanh mộ trồng bông mười giờ là loại hoa tôi ưa thích nhất’. Nói
xong bóp cò, súng rớt, đưa đi quân y, nửa đường tắt thở”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 119)
Về cải
cách ruộng đất:
Cho đến nay người ta tưởng cuộc cải cách ruộng đất giết chết phú nông và địa chủ
chỉ diễn ra tại miền Bắc khoảng năm 1953, 1954 thôi. Sự thật những nhà lãnh đạo
giáo điều của Đảng đã ra lệnh cải cách ruộng đất tại miền Nam vào năm 1964, 1965
khi cộng sản đã kiểm soát được một phần lớn đồng bằng sông Cửu Long theo mô thức
đấu tố đã làm tại miền Bắc. Lệnh này cho thấy cuộc cải cách ruộng đất tại miền
Bắc giết oan biết bao nhiêu nông dân, sau đó cải sửa, Hồ Chí Minh khóc nhận sai
lầm chỉ là một màn kịch. Tuy nhiên các cán bộ miền Nam thấy tình hình đất đai và
quan hệ giữa địa chủ và nông dân ở miền Nam không có gì giống với điều kiện ở
miền Bắc như chỉ thị mô tả và đã tỏ ý không hăng hái thi hành.
Ông Nguyễn Thành
Thơ thuật lại rằng, khoảng năm 1964 khi đang công tác tại đồng bằng sông Cửu
Long ông được gọi về trình diện Cục R (2). Tại R ông được lệnh về tổ chức “Phát
động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để”. Nghe giải
thích cả ngày ông vẫn không thông, và sau khi cho điều tra thực trạng ông không
thấy có địa chủ theo tiêu chuẩn ngoài Bắc hay tại Trung quốc, và cũng không có
nông dân bị hiếp đáp để đứng ra tố khổ như ngoài Bắc. Hỏi ý Nguyễn Chí Thanh lúc
đó chỉ huy Cục R, Nguyễn Chí Thanh cũng mù mờ không quyết, sau đó điện ra Bắc
hỏi Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh bảo không làm được thì ngưng lại (“Cuối Đời Nhớ
Lại” trang 120, 121).
Về
chính sách giết nhầm hơn bỏ sót:
Ông Nguyễn Thành Thơ kể rằng trong thời gian xâm lăng miền Nam, công an cộng sản
được lệnh “thà giết lầm hơn bỏ sót”. Ông viết:
“Ban an ninh khu có trại giam kể là tử tội, ở xã thuộc huyện Thanh Tri – Sóc
Trăng có chỉ thị cho ban cai quản trại giam, khi địch đánh vào trại giam, phải
xử tử ngay không để dịch giải thoát”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 122).
Ở một đoạn khác ông Nguyễn Thành Thơ viết rằng khi ông mang vấn đề
này ra kiểm điểm và hỏi chủ trương như vậy có sai trái gì không thì một cán bộ
an ninh tên là Ba Hương giải thích:
“Xưa nay làm công tác an ninh thường có quan điểm thà giết lầm chứ không thả
lầm” (“Cuối
Đời Nhớ Lại” trang 123)
Phê
phán nội bộ về tấn công Mậu Thân:
Cuộc tấn công Mậu Thân 1968 trên toàn quốc Đảng cộng sản xem như một thắng lợi
lớn, nhưng sự thật cuộc tổng tấn công đã thất bại khắp nơi, và tổn thất nhân
mạng về phía cộng sản rất nặng nề vì chiến thuật địa phương lủng củng thiếu
thống nhất. Thuật lại việc phê phán nội bộ sau trận Mậu Thân ông Nguyễn Thành
Thơ ghi nhận ba đợt tấn công theo chỉ thị của cục R đều thất bại. Phần ông bị
phê bình. Ông viết trong bản kiểm điểm:
“Tấn công đợt 1, Khu ủy ai cũng nói “a thần phù” và vỗ đít, không chủ động. Đợt
2 trong tình hình địch cảnh giác phòng thủ chặt ta tấn công sẽ bị đỡ ngực nên
nhiều đồng chí đều có ý kiến chuyển hướng tấn công, chủ yếu vào nơi địch sơ hở
và ta có chuẩn bị. Khuyết điểm tinh thần tấn công của tôi theo chỉ đạo trên là
bế tắc, không tìm được chỗ yếu của địch và nghiên cứu cách tần công địch không
đỡ được. Do tấn công vào điểm trong đợt 2 ta bị tiêu hao nhiều quá, ai cũng thắc
mắc. Trong cuộc hội nghị Khu ủy thống nhất củng cố ba thứ quân và chuyển hướng
tấn công không đúng chỉ đạo bên trên.”
(“Cuối Đời Nhớ
Lại”, trang 136)
Vì những lẽ trên
ông Nguyễn Thành Thơ nói ông không thể làm theo chỉ thị vì sẽ có nhiều tổn thất.
Nhưng trong bản kiểm điểm ông nhận lỗi như cấp trên muốn. Ông viết:
“Trong chấp hành chỉ đạo tấn công dứt điểm đô thị, tôi có khuyết điểm cầu an
tiêu cực tấn công, không dứt điểm được các mục tiêu đô thị ở Khu 3”
(“Cuối Đời
Nhớ Lại”, trang 136)
Địch
vận tướng Dương Văn Minh
: Một tiết lộ có giá trị lịch sử nhất là nỗ lực vận động (từ năm 1963 đến năm
1968) sự hợp tác của tướng Dương Văn Minh bất thành do chính ông Nguyễn Thành
Thơ thực hiện (thời gian 1968 làm Trưởng ban Binh vận R, một chức vụ chỉ giao
cho cấp Ủy viên TW đảng) theo lệnh của Phạm Hùng. Hà Nội đã đưa tướng Dương Văn
Nhựt (em của tướng Dương Văn Minh) từ miền Bắc vào tiếp xúc với Dương Văn Minh,
và tướng Dương Văn Minh đều thông báo cho tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết nội
dung các cuộc tiếp xúc này.
Năm 1968, sau trận
Mậu Thân và Hoa Kỳ đang xuống thang chiến tranh. Tại bộ chỉ huy Trung ương cục R
Phạm Hùng làm việc với Nguyễn Thành Thơ. Nguyễn Thành Thơ ghi:
“Anh Phạm Hùng bàn ‘Mỹ xuống thang chiến tranh, nội bộ ngụy sẽ mâu thuẫn chia rẽ
lật đổ nhau, anh tổ chức tranh thủ Dương Văn Minh lợi dụng thời cơ để chiếm địa
vị trong ngụy quyền để thực hiện hòa hợp dân tộc, chấm dứt chiến tranh’. Trung
ương cục có điện kêu Dương Văn Nhựt (vốn là tướng trong hàng ngủ cộng sản, em
ruột tướng Dương Văn Minh) cộng tác với tôi thực hiện.”
“Dương Văn Nhựt đến làm việc với tôi. Trước nhứt tôi hỏi Dương Văn Nhựt ‘quá
trình qua Dương Văn Minh đối với ta có biểu lộ cảm tình gì không’. Nhựt trình
bày ‘Thời Ngô Đình Điệm, Dương Văn Minh đảo chánh Diệm, đảng có kêu tôi gặp
Minh, bảo với Minh khi làm tổng thống thì bãi bỏ ấp chiến lược đi. Minh trả lời
‘sẽ bãi bỏ ấp chiến lược nhưng chùa Phật, Thiên chúa được dựng lên theo gom dân
lập ấp chiến lược vẫn giữ. Khi ta tấn công Mậu Thân Đảng bảo tôi (Dương Văn
Nhựt) đến gặp Minh. Tôi đến nhà Minh, biết Minh đi Thụy Sĩ tôi lên ngay máy bay
đi Thụy Sĩ, biết Minh về Thái Lan, tôi theo về Thái Lan, gặp được Minh tôi nói:
‘Ông Nguyễn Hữu Thọ mời Minh về tham gia Mặt Trận Giải Phóng và Chính Quyền liên
hiệp’ Minh nói : ‘không biết làm chính trị, việc đó dành cho ông Thọ’ . Tôi
(Nguyễn Thành Thơ) nói với Nhựt ‘Như vậy Minh là một nhân vật trung gian, có
quan điểm trung gian, theo địch vẫn có cảm tình với ta, vậy Nhựt đi làm việc với
Minh là đi tranh thủ Minh lợi dụng tình hình, để giành địa vị trong ngụy quyền,
hiệp thương với ta thực hiện hòa hợp’. Nhựt nói ‘Yêu cầu như thế ta tranh thủ
hướng dẫn Minh giành quyền rất dễ, tôi tin Minh sẽ hăng hái làm theo’
“Khi Nhựt về báo cáo ‘Đến nhà Minh gặp mẹ tôi, mẹ tôi ôm tôi khóc, tôi cũng
khóc, thấy vợ chồng Minh rất xúc động. Vợ Minh lo ăn nghỉ cho tôi rất chu đáo,
con Minh vui mừng vì có người chú trong hàng ngũ cách mang. Tiếp theo, khi nào
Minh rãnh rỗi, tôi nói chuyện với Minh nhiều chủ đề để xiết vô chủ đề tranh thủ
Minh, nói hướng dẫn của ta thêm thuận lợi. Minh chỉ hỏi để hiểu rõ thêm ý của
ta, không thấy phản ứng gì’.
“Đến ngày chót Minh tổ chức chiếu bóng cho gia đình xem. Minh ngồi trên xe, tôi
ngồi một bên, một người Mỹ ngồi một bên, người Mỹ luôn lén nhìn tôi. Sau đó Minh
cho xe đưa tôi về Tây Ninh. Theo tôi (Dương Văn Nhựt) nhận xét, Minh ngồi gữa
coi chiếu bóng, có một người Mỹ ở bên, để ngầm cho tôi biết, Minh giành chức vụ
trong chính quyền ngụy để thương lượng với ta được một trường phái Mỹ ủng hộ .
“Tôi (Nguyễn Thành Thơ) báo cáo anh Phạm Hùng …, anh Phạm Hùng nói đại ý:
‘Ta đoán Mỹ sẽ xuống thang chiến tranh, ta hoạt động mạnh, ngụy suy yếu sẽ đẻ ra
lủng củng. Minh nghe lời ta có thể đạt được mong muốn. Kể từ nay cắt đứt liên
lạc để tránh lộ liễu, chuyện có quá trình, có đi sẽ đến. Trả Dương Văn Nhựt về
Bắc”
“Cuộc vận động theo Nhựt nói lại, đến 30-4-1975, Phòng chính trị Bộ Tư Lệnh cấm
không được nói cho ai biết, nên Nhựt không dám hé môi”
(“Cuối Đời
Nhớ Lại” trang 139, 140)
Chiến
tranh Việt Trung 1979:
Khoảng cuối năm 1978 khi tình hình biên giới Việt-Kampuchia và Việt –Trung căng
thẳng, quân lính Kampuchia thường vượt biên giới cướp của và giết người mà Việt
Nam không có đối sách gì. Trong một dịp Tổng Bí thư Lê Duẫn đi thăm huyện Cần
Giờ tháp tùng bởi Huyện ủy và 30 cán bộ cao cấp khác, Nguyễn Thành Thơ ghi:
“Lê Duẫn nói ‘Các anh có gì hỏi tôi giải đáp’ . Anh em phấn khởi rộ lên ‘Xin hỏi
K nó quấy rối biên giới ta, tàn sát cướp phá rất dã man điên cuồng, sao ta đối
phó rất lôi thôi, chúng tôi khó hiểu’. Anh Lê Duãn trả lời ‘Các đồng chí hỏi
đúng là một tình hình cả nước đều quan tâm, chúng tôi đau đầu lắm ngủ không
được, không phải là vấn đề Khmer đỏ, vấn đề Pôn Pốt mà là vấn đề ai đằng sau
Khmer đỏ, Pôn Pốt. Lần này ta có đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi,
nhưng ta đánh nó, Trung quốc đánh ta thôi, nhưng ta không chiếm K, Trung quốc
cũng không chiếm ta.”
(“Cuối Đời Nhìn Lại” trang 159)
Ý kiến
của cán bộ cao cấp miền Nam về thống nhất đất nước:
Nội bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam có ý kiến khác biệt về cách thống nhất
đất nước, thống nhất chính trị mà không thống nhất kinh tế hay thống nhất cả
chính trị và kinh tế . Ông Nguyễn Thành Thơ viết như sau về các cuộc thảo luận ở
cấp cao:
“Lần đầu tiên dự cuộc họp cán bộ hội nghị toàn quốc tại trường công an thành phố
tại Thủ Đức, do anh Lê Duẫn chủ trì, trong cuộc họp tôi nhớ các anh nói về
thống nhất đất nước, vấn đề tôi nhớ mãi là anh Linh (Nguyễn Văn Linh) phát biểu
‘Thống nhất đất nước, tiến hành ngay thống nhất lãnh thổ, thống nhứt Đảng, đoàn
thể, Mặt trận, Nhà nước, thống nhứt quân đội … Nhưng đề nghị khoan thống nhứt
kinh tế, để nó được phát triển như nó có, ta xem ưu khuyết, cái gì phát huy, cái
gì bỏ đi .”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 160)
Trong một cuộc họp sau đó tại Hà Nội do Trường Chinh chủ trì, ông
Nguyễn Thành Thơ ghi rằng một số cán bộ miền Bắc phê bình:
“Có một số cán bộ Đảng viên (ám chỉ cán bộ miền Nam) không muốn thống nhứt đất
nước để hưởng thụ”. Ngày nghỉ họp, anh Bạch Đằng (Trần Bạch Đằng) đến gặp tôi
kéo tôi đi nói: ‘Tôi anh đến gặp anh Sáu Thọ’ (Lê Đức Thọ). Đến nhà anh Sáu Thọ
anh vui vẻ tiếp, anh Bạch Đằng nói: ‘Tôi không tán thành cuộc họp lần này, Trung
ương có nhận xét một số Đảng viên không muốn thống nhứt đất nước, chúng tôi tán
thành thống nhứt tất cả, chỉ có một điểm kinh tế để như nó có, lại nhận xét
chúng tôi không muốn thống nhứt, lại nói chúng tôi để hưởng thụ . Chúng tôi lo
là lo nền kinh tế suy sụp đời sống nhân dân khó khăn, nếu nói đó là để hưởng thụ
thì nhân dân được hưởng thụ, còn thống nhứt để dân nghèo thì chính trị đất nước
thế nào’ Anh Sáu Thọ nói ‘Kinh tế là nền tảng, không thống nhứt kinh tế, tất cả
các vấn đề khác thống nhứt không có nghĩa gì.’ Hai anh cải với nhau rất gay gắt
đến mức đứng lên ngồi xuống quơ tay. Tôi ngồi rất lo …”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 160)
Đói do
thống nhứt kinh tế, ngăn sông cấm chợ:
Trong thời gian
1976, 1977 dù một số cán bộ miền Nam như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng chống
thống nhứt kinh tế, nhưng Lê Đức Thọ là người nắm thực quyền chủ trương thống
nhứt toàn diện, nên những ủy viên cao cấp khác như Lê Duẫn, Trường Chinh cũng để
cho trôi qua (có thể sợ chống thống nhứt kinh tế là đi ngược với chủ thuyết và
bị chụp mũ là xét lại). Cả nước sau đó rơi vào đói rách. Ông Nguyễn Thành Thơ kể
lại một hoạt cảnh đói:
“Một hôm khoảng 6 giờ tối, chồng thiếu tướng, vợ bác sĩ, trong lúc tôi Bí thư
Chính ủy khu miền Tây, chị là người chăm lo sức khỏe cho tôi, rất ơn nghĩa, đá
cửa rào nhà tôi kêu “Mười Khẩn, gạo đâu ăn?” (Mười Khẩn là một trong những bí
danh của ông Nguyễn Thành Thơ). Tôi chạy ra mở cửa, trước thái độ đói giận, tôi
vô nhà vác bao gạo mới được cấp đem ra để trên xe, xe rồ chạy về không có lời
chào hỏi đến như đi”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 164)
Một hoạt cảnh khác
không kém phần sống động. Nguyễn Thành Thơ ghi:
“Hai anh em con tôi, sau những ngày ăn bo bo, khoai bắp, vừa có gạo nấu nồi
cháo, em vào bếp múc tô cháo ăn, anh vô bếp thếy em ăn, anh cúi xuống hỏi ‘Mầy
ăn gì?’ Người em lấy mặt che tô cháo, anh nắm lỗ tai dỡ lên ‘Mầy ăn cháo gạo
không chờ ai ăn’, liền đẩy đầu em xuống tô cháo, mặt đầy cháo, em ngóc đầu dậy
lấy tô cháo vụt vào mặt anh, trúng mé mắt máu ra lai láng, vợ tôi vội chở đến
bệnh viện Gia Định cầm máu may lại.”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang164, 165) .
Vai trò
của Trường Chinh trong cuộc đổi mới năm 1986:
Chưa có tài liệu nào cho thấy vai trò của Trường Chinh trong quyết định “đổi
mới”. Nhưng dựa vào Hồi ký của ông Nguyễn Thành Thơ có lẽ Trường Chinh đã có một
vai trò tích cực. Nguyễn Thành Thơ viết:
“Lúc đó (năm 1986) tình hình, anh Ba Duẫn mất, anh Trường Chinh được TW Đảng
giao nhiệm vụ Tổng Bí thư. Anh vào Sài Gòn được Thành ủy đưa xuống một số cơ sở
sản xuất, thấy sản xuất phát triển, lao động có việc làm, hàng hóa tiêu dùng
không thiếu, không khí sắp hàng mua hàng đi kiếm hàng không còn . Anh nói với
anh em “Đi lên xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo, theo đường lối quần chúng, thực
tế thực tiễn, dân tộc và thời đại.” Rồi khen anh Linh là con người thực tế,
thực tiễn, không duy ý chí, về Hà Nội làm việc, sau đó quyết định đề bạt anh
Linh làm Thường trực Ban bí thư .”
(“Cuối Đời Nhớ Lại” trang 192).
Nhờ sự cất nhắc và ủng hộ của Trường Chinh Nguyễn Văn Linh đã đắc cử
Tổng Bí thư tại đại hội 6 của Đảng trong năm 1986 và cầm đầu cuộc “đổi mới” cứu
Việt Nam ra khỏi nạn đói.
Cuốn Hồi Ký “Cuối Đời Nhớ Lại” của ông Nguyễn Thành Thơ cho thấy, do
đấu tranh nội bộ và áp lực của tình hình thế giới Đảng cộng sản Việt Nam đã
quyết định “đổi mới” chính sách kinh tế, và qua đó cởi bỏ được một trong hai cái
gông họ máng lên đầu dân tộc Việt. Cái gông còn lại là cái “gông chính trị”, cái
Điều 4 của bản Hiến Pháp quái ác hiện hành.
Chừng nào thì Đảng cộng sản Việt Nam tháo gỡ
cái gông còn lại để dân tộc có đầy đủ tự do thong dong tiến bước?
Trần Bình Nam
Jan., 17,
2009
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
(1)
Xem Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn trang 573
(2)
“R” là Trung ương cục miền Nam, bộ phận lãnh đạo cuộc chiến tại miền Nam
của Hà Nội, thường đóng bên kia biên giới Cam Bốt người cộng sản gọi là K
|