Thứ Bảy, 2024-11-23, 6:14 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 5 » Người trưởng thành mới làm nổi “Chuẩn 5 Tuổi”
4:50 AM
Người trưởng thành mới làm nổi “Chuẩn 5 Tuổi”
2009-03-04

Dự thảo bộ “chuẩn” phát triển cho trẻ 5 tuổi mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đưa ra gần đây được dư luận cho là hết sức phức tạp, hết sức chi tiết, mà cũng hết sức phản khoa học, thiếu cơ sở, và, một số khía cạnh “vô hình chung biến vấn đề mang tính nhân văn thành máy móc phi nhân bản.”

Photo courtesy of VietNamNet

"Không dùng chuẩn để xếp loại trẻ". (Ảnh minh họa: Bảo Anh)

Tiêu chuẩn cho người lớn?

Một blogger viết trên blog của tác giả: nếu một trẻ 5 tuổi, đáp ứng được tất cả 125 chỉ số của 29 chuẩn nêu trong bộ chuẩn, đứa trẻ ấy nhất thiết phải là một… người lớn!

Thử nêu ra một vài yêu cầu có trong bộ chuẩn dành cho em bé 5 tuổi:

“Nói được khả năng và sở thích của người khác; biết thay đổi hành vi và thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh; Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình (về sở thích, nhu cầu, những khiếm khuyết về cơ thể...); Nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng; Biết điều chỉnh giọng nói (giọng điệu và tốc độ) phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.”

Chưa hết, ở những độ tuổi khác, các em cũng phải trải qua những yêu cầu mang tính tiêu chuẩn khác. Chẳng hạn:

Trẻ 3 - 4 tuổi phải quan tâm đến cảnh đẹp, lễ hội của quê hương, đất nước.

Trẻ 5 - 6 tuổi cần biết kính yêu những người có công với quê hương, đất nước và quan tâm đến di tích lịch sử.

Trẻ 4 -5 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, lăng Bác Hồ; thích và thuộc một số bài hát, bài thơ về Bác Hồ.

Trẻ 5 - 6 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, chỗ ở, nơi làm việc của Bác Hồ, biết một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ.

Phản ứng của người dân

Do đó, đặt ra những con số cụ thể là vô hình chung biến vấn đề mang tính nhân văn thành máy móc phi nhân bản.

TS Nguyễn Văn Tuấn

“Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành “chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi.” Nhưng ngay sau khi ban hành, những chuẩn và chỉ tiêu này đã gây ra nhiều phản ứng không mấy tích cực. Trong hàng trăm ý kiến phản biện, phần lớn tập trung vào những sự mâu thuẫn, trùng hợp, thiếu hợp lí, và tính phi thực tế của bộ chuẩn. Có người thậm chí còn cho rằng một số chuẩn rất ngô nghê (như trẻ phải biết mình là trai hay gái)! Tuy nhiên, ngoài những vấn đề trên, bộ chuẩn này còn có nhiều vấn đề mang tính nguyên lí và khoa học cần phải được thảo luận để đi đến một bộ chuẩn hoàn chỉnh và mang tính khả thi cao hơn.”

Đó là lời mở đầu bài viết mà tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn để trên blog riêng của ông. Tưởng cũng nên nhắc lại, tiến sĩ Tuấn, thuộc viện Garvan, Australia, là người từng đưa ra những phản biện liên quan đến một bộ “chuẩn” khác dành cho người lớn, là bộ chuẩn “ngực lép chân dài” mà Bộ Y Tế ban hành cho người lái xe.

Tiến sĩ Tuấn viết trong blog của ông, là có một số nguyên lý, mà với tư cách một người cha, ông cho rằng không thể thiếu. Các nguyên lý ấy bao gồm: (1) tất cả trẻ cần tích cực tìm hiểu thế giới chung quanh mình, tiếp thu kiến thức và phát triển những kĩ năng giải quyết vấn đề; (2) trẻ tiếp thu kiến thức và giá trị đạo đức qua tương tác với cha mẹ, bà con quyến thuộc, thầy cô, láng giềng, và qua khám phá môi trường xã hội; (3) khuyến khích trẻ làm việc theo nhóm, có những mối liên hệ hợp tác với bạn cùng lứa tuổi; (4) ghi nhận rằng trẻ có quyền biểu lộ những khác biệt cá nhân trong quá trình phát triển; và (5) gia đình và cha mẹ là những người thầy cô quan trọng nhất.

Xa rời thực tế

Ông nói, là có vẻ “phần lớn các chuẩn và chỉ tiêu Bộ GD-ĐT đề ra bám sát các nguyên lí trên đây, nhưng cũng có chỉ tiêu còn xa rời với thực tế. Có lẽ chính vì thế bộ chuẩn rất cứng nhắc.”

“Thực tế xã hội cho thấy một số trẻ có thể vượt trội, nhưng cũng có một số trẻ chưa đạt được, những chuẩn này. Cũng như nhiều người trong xã hội có những kĩ năng khác nhau và có thể đóng góp cho phát triển xã hội, và vì thế cần ghi nhận rằng những khác biệt về kĩ năng và kiến thức giữa trẻ là hoàn toàn tự nhiên. Do đó, đặt ra những con số cụ thể là vô hình chung biến vấn đề mang tính nhân văn thành máy móc phi nhân bản.”

Phản ứng của báo chí

Báo chí trong nước, bằng nhiều cách, và dưới nhiều hình thức khác nhau, đã có nhiều bài viết thể hiện sự mỉa mai đối với các tiêu chuẩn mà Bộ Giáo Dục đặt ra cho trẻ em. Chẳng hạn, tờ Dân Trí trong bài viết “Những Khám Phá ‘Hài Hước’ Về Chuẩn Trẻ Lên 5” đã tổng hợp “những tiếng cười lao xao” như sau:

Tiến Sĩ Nguyễn Công Khanh trả lời báo điện tử VietNamNet về tiêu chí trẻ em “không chửi bậy” như sau:

“Không nên đưa các tiêu chí quá cụ thể như “không chửi bậy” vì đặc điểm của trẻ là tập nhiễm, bắt chước. Người lớn có ai chưa khi nào nói bậy nên việc đưa vào là không phù hợp!”

Về tiêu chí “thích thú với sách,” hiệu trưởng trường mầm non Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, trả lời VietNamNet:

Thể hiện sự thích thú với sách, tìm kiếm sách để xem, yêu cầu người khác đọc cho nghe, thích đọc theo người lớn, tham gia đọc sách với bạn,” là không tưởng. Ở nông thôn, vùng sâu, xa, làm gì có sách để tìm kiếm, lấy đâu ra người đọc cho bé?

HT trường mầm non Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

“Chỉ số “Thể hiện sự thích thú với sách, tìm kiếm sách để xem, yêu cầu người khác đọc cho nghe, thích đọc theo người lớn, tham gia đọc sách với bạn,” là không tưởng. Ở nông thôn, vùng sâu, xa, làm gì có sách để tìm kiếm, lấy đâu ra người đọc cho bé?”

Từ những tiêu chuẩn có tính cách ép buộc như thế, tiến sĩ tâm lý Trương Bích Hà nói với báo Tuổi Trẻ, là coi chừng lại có “làn sóng các bậc cha mẹ đưa con vào các lò … “luyện chuẩn.”

“Trong giáo dục không nên có một công thức chung cho mọi đứa trẻ. Càng không nên đưa ra những chuẩn kiểu như “thích cái này hay thích cái khác.” Nếu chúng ta ép trẻ phải đạt được một chuẩn như chúng ta mong muốn, bắt trẻ phải yêu động vật, thích thiên nhiên, trong khi chúng không muốn thế, có nghĩa chúng ta đã bắt trẻ học cách đối phó, cách nói dối từ tấm bé.”

Thiếu cơ sở khoa học

Nay, quay trở lại với các ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn. Theo lời nhà khoa học này, thì mọi “chính sách hay qui định nào có ảnh hưởng đến một phần lớn cộng đồng cần phải dựa vào bằng chứng khoa học. Không nên đặt ra những con số cứng nhắc mà không có cơ sở khoa học rõ ràng.”

Tiến sĩ Tuấn đặt câu hỏi: đâu là bằng chứng khoa học để mà, dựa trên đó, Bộ Giáo Dục Đào Tạo “đưa ra những chỉ tiêu cứng nhắc theo hình thức “cân đo đong đếm?””

Mà đúng là những con số “cân đong đo đếm” thật, chẳng hạn: “trẻ phải có độ bật xa tối thiểu 50 cm bằng hai chân, hay nhảy cò cò được ít nhất là 5 bước, đi giật lùi được ít nhất 5 m, v.v...”

Tiến sĩ Tuấn tự hỏi: vậy nếu một trẻ chỉ bật xa … 49 cm tức là không đạt chuẩn? và dựa vào tiêu chí gì để nói là đạt hay không đạt chuẩn. Đây là những câu hỏi mang tính khoa học nhưng có ảnh hưởng đến nhiều trẻ.

Ông viết:

… coi chừng lại có “làn sóng các bậc cha mẹ đưa con vào các lò … “luyện chuẩn.

TS tâm lý Trương Bích Hà

“Bộ Giáo Dục – Đào Tạo cho biết họ xây dựng bộ chuẩn dựa trên khảo sát 700 trẻ ở các vùng, miền khác nhau. Nhưng chúng ta không thấy kết quả của khảo sát này được công bố trên một tập san khoa học nào, hay được đề cập trên báo chí. Theo tôi, để nâng cao tính minh bạch, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo nên công bố chi tiết về phương pháp nghiên cứu, kết quả ra sao, với số liệu cụ thể, để công chúng và các chuyên gia trong ngành có thể thẩm định.”

Và sau cùng, tác giả Nguyễn Văn Tuấn đặt ra một tình huống “hậu chuẩn,” tức là đánh giá và ghi nhận kết quả sau khi khảo sát trẻ em 5 tuổi. Đây có lẽ là điều rất ít người nhắc tới, nhưng có thể là hành động để lại hậu quả lâu dài, tác động mạnh lên tâm lý mà một đứa bé có thể phải mang theo cả cuộc đời. Vấn đề là: có được phép ghi kết quả đánh giá vào hồ sơ trẻ em hay không?

Dự thảo của Bộ Giáo Dục Đào Tạo ghi rõ: “Kết quả đánh giá được giáo viên ghi lại trong hồ sơ cá nhân trẻ.” Tiến sĩ Tuấn không đồng tình. Ông viết, là “cần phải xem xét lại điểm này” vì “chuẩn không phải là chương trình giảng dạy giáo khoa, nên không ai đưa vào hồ sơ cá nhân hay hồ sơ học tập của trẻ. Việc này cần phải xem lại, vì Bộ Giáo Dục – Đào Tạo không có ý định gieo vào trẻ một tâm lý “thất bại” khi hồ sơ của trẻ bị đánh giá chưa đạt.”

Vừa rồi là những ghi nhận từ các blog cá nhân cũng như báo chí Việt Nam liên quan đến Dự thảo bộ “chuẩn” phát triển cho trẻ 5 tuổi mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đưa ra gần đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau. Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 877 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 34
Khách: 34
Thành Viên: 0