Thứ Ba, 2024-11-05, 8:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 7 » Vụ Vedan: kiện hay không là tùy thuộc nhà nước (phần 1)
7:44 PM
Vụ Vedan: kiện hay không là tùy thuộc nhà nước (phần 1)
2009-03-07

Vụ công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn nước sông Thị Vải do xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông trong hơn 10 năm, cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong về khía cạnh pháp lý.

Photo courtesy Vietnamnet

Chất thải từ công ty Vedan ra sông Thị Vải

Điều đáng nói, theo nhận định của giới quan sát, là có vẻ vấn đề này sẽ chẳng bao giờ được giải quyết, cho dầu có đến hàng ngàn đơn kiện của nông dân được đệ nộp tại tòa. Đâu là khúc mắc của tiến trình pháp lý? Nhà Nước có trách nhiệm ra sao? Và người nông dân có quyền như thế nào? Chúng tôi xin trình bày cuộc phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với tiến sĩ, luật sư Nguyễn Vân Nam, một người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, về vấn đề này.

Nói cách khác, Nhà Nước phải có trách nhiệm khởi kiện và trừng phạt những ai làm tổn thất, gây mất mát, hay tối thiểu là giới hạn quyền của chủ sở hữu đối với đất đai, tài nguyên và môi trường.

LS Nguyễn Vân Nam

Cuộc phỏng vấn được chia thành 2 phần. Xin theo dõi phần thứ nhất, và bắt đầu với câu hỏi liên quan đến chủ thể có quyền, hoặc trách nhiệm, trong việc khởi kiện công ty Vedan. Về điều này, luật sư Nguyễn Vân Nam nhận định.

Trách nhiệm và uy tín của nhà nước VN

LS Nguyễn Vân Nam: Vụ Vedan được công luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Nhưng, càng quan tâm, người ta càng cảm thấy bất ngờ. Lý do là: cách xử lý tại Việt Nam rất khác thường; xử lý kéo dài và dường như là không thể kết luận được.

Có 2 chủ thể khởi kiện chính. Chủ thế quan trọng nhất mà tôi chưa thấy Việt Nam nhắc đến, đó là Nhà Nước. Ở Việt Nam, sở hữu đất đai, tài nguyên, môi trường là sở hữu toàn dân, không phải là sở hữu tư nhân. Nhưng, tại Việt Nam, chỉ có một người đại diện hợp pháp và duy nhất của sở hữu chủ, đó là Nhà Nước. Vì vậy, Nhà Nước có trách nhiệm bảo vệ sở hữu ấy của toàn dân. Nói cách khác, Nhà Nước phải có trách nhiệm khởi kiện và trừng phạt những ai làm tổn thất, gây mất mát, hay tối thiểu là giới hạn quyền của chủ sở hữu đối với đất đai, tài nguyên và môi trường.

Thiện Giao: Vậy, hậu quả sẽ là gì nếu Nhà Nước không khởi kiện?

LS Nguyễn Vân Nam: Hãy nêu một vài hậu quả nhãn tiền.

Trước hết là sự ảnh hưởng đến uy tín của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chúng ta luôn luôn tuyên bố, đây là Nhà Nước “của dân, do dân, vì dân,” nhưng không bảo vệ được người dân. Quốc tế nhìn vào Nhà Nước này với những đánh giá như vậy.

Chúng ta luôn luôn tuyên bố, đây là Nhà Nước “của dân, do dân, vì dân,” nhưng không bảo vệ được người dân.

LS Nguyễn Vân Nam

Thứ hai, dư luận quốc tế có thể sẽ đặt câu hỏi: vậy thì quan niệm về một Nhà Nước pháp quyền tại Việt Nam là gì? Nếu như Hiến Pháp đã nói rõ: Nhà Nước là đại diện hợp pháp và duy nhất của chủ sở hữu; nếu như Hiến Pháp đã nói rõ: nhiệm vụ của Nhà Nước là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, mà Nhà Nước này không bảo vệ, vậy thì người ta sẽ đặt câu hỏi: quan niệm của Việt Nam về một Nhà Nước pháp quyền là gì?

Hệ quả đầu tư

Thiện Giao: Những hệ quả về mặt đầu tư thì sao?

LS Nguyễn Vân Nam: Có 2 hướng diễn giải.

Những nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn vào Việt Nam và đánh giá môi trường đầu tư. Nhà đầu tư nào có công nghệ không cao, không thể tồn tại ở những nước phát triển hay công nghiệp mới, hay muốn tiến nhanh vào thời đại công nghiệp mới vốn đặt tiêu chuẩn môi trường lên hàng đầu, họ sẽ mang công nghệ của họ vào Việt Nam thông qua kinh nghiệm của vụ Vedan.

Mặt khác, những nhà đầu tư thực sự có công nghệ mới, họ sẽ không muốn đầu tư vào Việt Nam. Lý do: khi sản phẩm của họ được làm từ một nước không chú trọng vào môi trường, thì sản phẩm của họ khi bán trên thị trường các nước phát triển sẽ bị tẩy chay. Họ sẽ không thể cạnh tranh, và vì thế những nhà đầu tư lớn sẽ không vào Việt Nam.

Vai trò Hội Nông dân

Thiện Giao: Báo chí Việt Nam cho biết, có khoảng 7 ngàn đơn kiện của nông dân. Nhưng các đơn kiện này đều phải đi qua Hội Nông Dân. Xin hỏi ông, vai trò của Hội Nông Dân trong vấn đề này là gì?

Lý do: khi sản phẩm của họ được làm từ một nước không chú trọng vào môi trường, thì sản phẩm của họ khi bán trên thị trường các nước phát triển sẽ bị tẩy chay.

LS Nguyễn Vân Nam

LS Nguyễn Vân Nam: Trong quá trình toàn cầu hóa, nước ngoài có cái gì thì Việt Nam có cái ấy. Hội Nông Dân là một ví dụ. Thế nhưng, ở đây có một vài điểm khác biệt. Đúng ra, một hội nghề nghiệp phải là một hội tự nguyện. Hội Nông Dân là hội tự nguyện của những nông dân. Họ tổ chức với nhau, đóng tiền cho Hội hoạt động với một mục đích duy nhất, đó là Hội phải bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Muốn như vậy, điều kiện tiên quyết là, Hội phải có tư cách pháp nhân, tức là tư cách đứng đơn khởi kiện, bảo vệ toàn bộ thành viên của mình. Điều này tại Việt Nam không có. Theo tôi được biết, các hiệp hội ngành nghề hay quyền lợi như vậy chưa được công nhận là một pháp nhân có quyền khởi kiện.

Hội Nông Dân tỉnh Đồng Nai rất muốn bảo vệ quyền lợi của nông dân, nhưng câu hỏi là: như thế nào? Vấn đề thực tế mà báo chí đăng công khai là, bất kỳ một chủ trương, hoạt động nào của Hội Nông Dân Đồng Nai đều phải xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh Uỷ.

Quí vị vừa theo dõi phần thứ nhất cuộc phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với tiến sĩ, luật sư Nguyễn Vân Nam, một người nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam. Cuộc phỏng vấn liên quan đến những khúc mắc pháp lý trong vụ công ty Vedan làm hư môi trường và nguồn nước sông Thị Vải tại Đồng Nai. Trong phần thứ nhì, phát vào chương trình sau, chúng tôi sẽ trình bày ý kiến của luật sư Nam, nói về quyền của mỗi một người nông dân đối với quyền lợi của mình và đối với Nhà Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 766 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 550
Khách: 550
Thành Viên: 0