Bức màn bauxite, âm mưu Tây nguyên !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 71 (15-03-2009)
Khi thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vào ngày 01-11-2007, ký
quyết định số 167 cho phép các nhà thầu Trung Quốc khai thác quặng bauxite và
sản xuất nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), trong một dự án kéo
dài từ 2007 đến 2015, nhiều nhân vật trong bộ máy cai trị của CSVN đã hết sức
thắc mắc. Thắc mắc vì lẽ họ nghe biết ông ta trước đó không ủng hộ chuyện này. Ý
tưởng của dự án có từ thời người tiền nhiệm Phan Văn Khải, nhưng Phan Văn Khải cũng
đã chẳng thúc đẩy cho nó thực hiện. Cả hai vẫn nhớ lời cảnh báo của Khối
COMECON (Khối Tương trợ kinh tế giữa các nước CS) vào thập niên 1980. Sau khảo
sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, Khối này đã khuyến
nghị nhà cầm quyền CSVN chớ nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác
hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được, chẳng những đối
với cư dân địa phương mà còn với cả cư dân vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Thành
ra khi ấy, CSVN đã quyết định không khai thác thứ quặng bẩn này, trái lại gìn
giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây
Nguyên.
Vậy
mà đùng một cái, Nguyễn Tấn Dũng đã xoay một góc 180 độ, khiến cho nhiều người
ưu tư về đất nước đã nhảy vào cuộc để nghiên cứu cặn kẽ vấn đề. Gần một năm
sau, qua báo cáo của tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn “Những sai lầm chiến lược và
những rủi ro hiện hữu trong việc phát triển các dự án bauxite trên Tây Nguyên
của Việt Nam”, qua tham
luận của nhà văn kiêm nhà văn hóa Nguyên Ngọc và nhiều tham luận khác tại hội
thảo Gia Nghĩa - Đắc Nông ngày 22 và 23-10-2008, rồi qua Kiến nghị ngày
05-11-2008 của một số khoa học gia và nghiên cứu gia gửi lãnh đạo Đảng và Nhà
nước CSVN đề nghị tạm dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, người ta thấy rõ công
luận đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa có thể xảy đến cho vùng Tây Nguyên
và cho cả nước. Thế nhưng, bất chấp những tiếng nói có uy tín trong lãnh vực
khoa học, môi trường, văn hóa, xã hội… bất chấp tiếng nói đòi quyền sống của
nhân dân, đặc biệt các Dân tộc thiểu số bản địa, trong cuộc họp báo đầu năm nay
vào ngày 04-02-2009, thủ tướng CSVN vẫn tuyên bố rằng việc khai thác bauxite
tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”! Ông ta còn
hứa hẹn rằng “chính phủ sẽ tổ chức một
cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách
bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái…”. Thế rồi, các công việc
nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng đã nhanh chóng được hoàn thành một cách sơ sài với đa số ý kiến đồng thuận. Chính phủ trình
ngay dự án lên cho Bộ chính trị và nó được biểu quyết thông qua với đa số tuyệt
đối. Ủy ban Thường vụ Quốc hội CS cũng cho ý kiến ủng hộ mà chẳng thông qua
Quốc hội chút nào. Rồi những tay chân trong bộ máy cai trị lại phụ họa theo: Bộ
trưởng Tài nguyên-Môi trường đã trả lời khi bị chất vấn: “Trước đây ta nhìn
nhận tài nguyên bauxite không như hiện nay, ít quan tâm từ khai thác đến nhập
khẩu. Gần đây do bauxite có giá
trị cao nên các nước, nhất là doanh nghiệp trong nước mới quan tâm như vậy”. Lãnh
đạo tỉnh Đắc Nông thì cho rằng nguy cơ môi trường trong các dự án bauxite là có
thật nhưng không lớn lắm. Đổi lại, bauxite sẽ đem đến tăng trưởng kinh tế và
việc làm cho người dân địa phương: "Mình không làm thì bauxite vẫn chỉ là
đất thôi". Những kẻ hỗ trợ kế hoạch khai thác quặng này còn cho rằng nó sẽ
giúp phát triển kinh tế trong khu vực và công tác khai thác sẽ sử dụng kỹ thuật
hiện đại để giảm thiểu tối đa những hậu quả đối với môi sinh !?!
Thế
nhưng tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, thuộc
Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) vốn là chủ đầu tư, đã cùng
với Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải và nhà văn
Nguyên Ngọc, đã chứng minh qua bài viết “10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bauxite Tây Nguyên” ngày 13-01-2009 rằng (1) việc triển khai
các dự án bauxite là không cần thiết, (2) không làm tăng ngân sách địa phương, (3) không hề có hiệu quả kinh tế,
(4) phải đầu tư xây dựng một hệ thống đường sắt và cảng biển lãng phí, (5)
không an toàn về môi sinh, (6) không phù hợp với năng lực của Tập đoàn
Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam, (7)
không đảm bảo sinh kế cho các đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, (8) không phát
triển bền vững Tây Nguyên, (9) không mang tính công khai minh bạch, (10) không
tuân thủ Luật khoáng sản và Luật bảo vệ môi trường. Tóm lại là việc khai thác
bauxite ở Tây Nguyên chẳng có lời mà chỉ có lỗ, lỗ lớn về mặt kinh tế, môi
sinh, văn hóa, xã hội, chính trị cho toàn vùng và toàn nước.
Thế nhưng, qui hoạch
khai thác bauxite ở Tây Nguyên mới được nhà cầm quyền CSVN phê duyệt, luận
chứng kinh tế kỹ thuật vẫn đang soạn thảo, các nhà khoa học còn đang tranh luận
nên hay không nên khai thác bauxite ở đó, vậy mà công dân Trung Quốc, người cầm
bản đồ, người mang cưa máy, người cuốc, người xẻng đã sục sạo ở Tây Nguyên... “Chủ
trương lớn của đảng và nhà nước” mà “Quốc hội của dân” chưa được phép bàn định
thì Hoa dân đã xắn tay áo thực hiện nó rồi! Thư của tướng CS Võ Nguyên Giáp
ngày 05-01-2009 đã
báo động: “Trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đến Tây
Nguyên để bắt tay vào việc khai thác bauxite. Mỗi công trường bauxite sẽ có tới
hàng ngàn công nhân như vậy”. Và nay thì họ đã đặt tổng hành dinh điều hành
khai thác bauxite ở Lâm Đồng. Cả một vùng trên 100 mẫu đã được san bằng nằm
giữa 3 khu vực: Thị trấn Lộc Thắng - xã Lộc Phú và xã B’Lá. Hai xã này đều
thuộc huyện Bảo Lâm. 500 người Trung Quốc gồm chuyên gia và công nhân đang
phục vụ mỏ và họ cho biết khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có hơn 6000 con cháu Đại
Hán làm việc tại đây. Các chuyên gia Trung Quốc cư trú ngoài
thị trấn Lộc Thắng, trong khu cao cấp biệt lập nằm bên một hồ nước thơ mộng. Họ
đi lại bằng xe biển số xanh 49B do tỉnh Lâm Đồng cung cấp. Còn công nhân Trung
Quốc thì sống trong những khu nhà tập thể mà người Việt chẳng được phép vào. Họ
làm gì trong đó thì chỉ có trời biết!
Sự xuất hiện ồ ạt của
người Trung Quốc tại một nơi từng được các nhà địa lý, chính trị và chiến lược mệnh
danh “nóc nhà Đông dương” là một điều hết sức đáng lo ngại, nhất là khi người
ta nhớ lại rằng Thống chế Pháp de Lattre de Tassigny (cao ủy
và tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông dương 1950-1952) từng nói về nó như sau:
“Ai làm chủ được vùng cao nguyên Trung Phần (tức Tây Nguyên) và Hạ Lào thì sẽ
làm chủ được chiến trường Đông Dương”. Chính nhờ khống chế được Tây Nguyên dễ dàng vào đầu năm 1975 mà chiến dịch
mùa xuân của CSVN sau đó đã kết
thúc nhanh chóng vào cuối tháng
Tư đen năm ấy.
Thành thử chẳng lạ gì
mà thiếu tướng hồi hưu CS Nguyễn trọng Vĩnh, cựu đại sứ tại Bắc Kinh (1974
-1989), trong thư gởi bộ Chính Trị khoảng tháng 02-2009, sau khi nhắc lại những
tai hại về môi trường, văn hóa, xã hội không những cho đồng bào dân tộc người
Thượng, mà còn cho cư dân Nam Bộ sống dọc hai bờ sông Đồng Nai, đã nghiêm trọng
cảnh báo: “Điều đáng lo hơn cả là an ninh
quốc gia. Chúng ta đều biết Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở
Tam Á đảo Hải Nam… không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là để đe dọa
Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi
đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc
khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân
hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một
“thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến lược vô cùng xung
yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên
biển, (TQ) có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta (TQ) có căn cứ
lục quân trang bị đầy đủ, thì độc lập chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng
hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!”. Ngoài viên tướng
này, còn nhiều sĩ quan trong Quân đội nhân dân còn lòng yêu nước cũng hết sức
băn khoăn, hãi sợ.
Rõ
ràng vấn đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên hiện nay chỉ là
“diện”, là cái
cớ bên ngoài, còn việc Trung Cộng chiếm hữu vùng đất đó làm căn cứ để
thanh
toán Việt Nam trong tương lai gần là “điểm”, là thực chất bên trong.
Các nhà nghiên
cứu chiến lược Trung Cộng cũng từng nói đến điều đó. Trôi nổi trên các
trang
mạng Trung Quốc đã có người viết: việc dập gẫy xương sống Việt Nam có
thể dễ dàng chia cắt và thôn tính Việt Nam, mà làm chủ được Tây Nguyên
chính là thực
hiện được điều đó. Kinh nghiệm đau thương của VNCH đã chứng minh như
vậy.
Vậy là ta có thể nói
như blogger Người Buôn Gió trong một bài viết hôm 11-03: “Cuối cùng người Trung Quốc thông qua Tây Nguyên đã rửa sạch những món
nợ tích lũy qua bao nhiêu thế kỷ từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... Muôn vàn
những trận đánh oai hùng của quân dân Việt Nam từ xưa đến nay đều bị lu mờ bởi
một trận đánh cực lớn trên Tây Nguyên mà người Trung Quốc dùng bauxite làm chủ
công. Chiến thắng này của người Trung Quốc trên đất Việt là một chiến thắng vĩ
đại để rửa hờn cho bao thế hệ đi trước của họ đã bị thất bại ở Việt Nam. Bởi
vì đám con cháu của Mã Viện ngày nay ngồi ở Bắc Kinh muốn dứt điểm cái dân tộc
suốt mấy nghìn năm ngo ngoe chống đối Thiên triều… Trung ương Bắc Kinh thấy thời cơ để rửa các
món nhục đã chín muồi. Khi phần đông lãnh đạo Việt Nam đã không còn nghĩ đến
lợi ích dân tộc, đất nước, lúc mà chủ nghĩa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang
phổ biến thành tư tưởng hàng đầu ưa thích ở Việt Nam, thì chỉ cần chút mồi, hứa
hẹn cuộc sống sau này cho vài cá nhân và gia đình họ là người Trung Quốc dễ
dàng thực hiện mọi kế sách như đã định”.
Hỡi dân tộc Việt Nam, đứng trước bọn ngoại xâm Tàu cộng hung hãn
và bọn nội gián Việt cộng đê hèn này, chúng ta còn đợi gì mà không đứng lên
quét sạch chúng??
BAN
BIÊN TẬP
|