Bản Tin UBBV (Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam) UBBV lên tiếng trên báo Úc, đề cập vụ Hà Nội buôn người lao động
[UBBV baovelaodong.com 19/02/2009] Nhật báo Australian Financial Review ngày 17/3/2009 đăng bài quan điểm
của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, trong đó nói đến việc UBBV
phanh phui vụ nhà cầm quyền Hà Nội đứng sau các công ty môi giới do họ
cấp giấy phép để nhúng tay vào việc buôn và lừa đảo người lao động Việt
đến Malaysia.
Chủ đề của bài này là về Thoả Ước Mậu
Dịch Tự Do giữa ASEAN, Úc, và Tân Tây Lan (ASEAN Australia New Zealand
Free Trade Area), được ký kết cuối tháng 2. Bài trích dẫn vài món hàng
mà mức thuế nhập cảng vừa không được bãi bỏ, vừa bất công, và một số
lại còn vô lý - thí dụ, giày trượt tuyết Việt Nam nhập cảng vô VN bị
đánh thuế 40% mặc dù Việt Nam không có kỹ nghệ giày trượt tuyết cần
được bảo vệ. Từ điểm bất công này, bài nói đến một bất công trầm trọng
khác tại Malaysia và Việt Nam, 2 thành viên của ASEAN. Đó là ở Việt Nam
thì lương quá thấp, nhiều chủ nhân quá bóc lột. Bên Malaysia thì nhiều
người lao động Việt đã bị đánh lừa bởi các công ty môi giới do nhà cầm
quyền CS cấp giấy phép hoạt động. Vừa lương thấp tới mức bóc lột, vừa
đánh thuế cao đến mức vô lý, đó là cạnh tranh bất công.
Trên đây là tóm tắt điểm chính. Dưới đây là bản lược dịch bài quan điểm có tựa đề:
* Thoả Ước mậu dịch không tự do cũng chẳng công bằng *
- Chẳng ai chơi trượt tuyết ở Việt Nam -
Chẳng ai chơi trượt tuyết ở Việt Nam, nhưng giày trượt tuyết bị chế độ
Hà Nội đánh thuế nhập cảng đến 40%. Cambodia thì đánh thuế 15%. Phải
nhờ có Thoả Ước Mậu Dịch Tự Do AANZFTA thì mới kéo 40% đó xuống 0% vào
năm 2018, và Cambodia thì đến năm 2020.
Thoả ước này
có ghi rằng những thành viên mới của ASEAN, như Việt Nam và Cambodia,
sẽ được các nước kia nhân nhượng để quen dần với việc cạnh tranh. Cái
đó thì công bằng, nhưng xin hỏi, ở Việt Nam ai là hãng sản xuất giày
trượt tuyết và do đó cần bảo vệ bằng thuế nhập cảng?
Những nghịch lý như thế có vẻ ngộ ngĩnh, nhưng nếu bạn nghĩ đến những công nhân bị bóc lột thì khó mà mỉm cười được.
- Đây là nạn buôn người -
Tổ chức của chúng tôi đã tận mắt thấy cảnh bóc lột tại Việt Nam và
Malaysia, 2 nước trong thoả ước này. Tại Việt Nam, trong số thành viên
của chúng tôi có những người làm việc cật lực mà chỉ được 40 Úc Kim một
tuần. Nhiều chủ nhân lại còn trả tiền chậm trễ, nợ lương vài tháng,
hoặc khấu trừ lương rồi bỏ túi.
Tại Malaysia thì tháng
7 năm ngoái, chúng tôi cùng với một phóng viên Đài Truyền Hình Số 7
viếng thăm những công nhân xuất khẩu tại một xưởng máy làm hàng cho
hãng giày Nike. Để đến đây, họ đã phải mượn đầu này đầu kia trả tiền
cho công ty môi giới, thường thì bằng tiền lương cả năm. Đến Malaysia
họ mới biết là hợp đồng lao động mà môi giới dùng để dụ họ, là xạo.
Muốn về nước cũng không được, vì môi giới đã trao giấy thông hành cho
chủ. Phần lớn phải ở lại cố gắng làm việc để trả nợ.
Đây là nạn buôn người, và nhà cầm quyền Hà Nội thủ lợi. Họ cấp giấy
phép hoạt động cho môi giới, rồi khi thân nhân của người lao động uất
ức đến tìm, công ty môi giới đóng cửa, mở công ty với tên khác, thì họ
lại cấp giấy phép nữa.
- Cạnh tranh bất công, được thuế ưu đãi -
Sau vụ đó, hãng Nike nay đã buộc tất cả mọi xưởng máy làm hàng cho họ
tại Malaysia phải trả lại thông hành, cải thiện chỗ ở, và hoàn lại số
tiền mà 20 ngàn công nhân xuất khẩu đã bị môi giới lấy. (Ghi chú của
UBBV: Trong số 20 ngàn, người Việt chỉ có vài ngàn. Còn lại là người
Nepal, Sri Lanka, v.v.).
Các chủ nhân bóc lột như các
xưởng máy trên đây, không những họ cạnh tranh bất công với những chủ
nhân đàn hoàng ở Úc, mà lại còn được thuế ưu đãi. Thuế nhập cảng của
Việt Nam cho quần áo giày dép là 40%, trong khi Úc chỉ có 17,5% cho
quần áo, còn giày dép thì 0%.
- "Thị trường tự do"! -
Trong tập tài liệu thoả ước này, có lá thư của Úc chính thức công nhận
Việt Nam là "thị trường tự do" (Xin coi Ghi Chú của UBBV dưới đây). Tại
Việt Nam, thị trường chưa tự do, vì nhà cầm quyền nhúng tay vô việc sản
xuất bằng những cách như cho không tiền, hoặc cho vay lãi nhẹ cho những
tập đoàn mà nhà nước hoặc tay chân của họ làm chủ. Đảng CS cũng độc
quyền nắm hệ thống công đoàn để dìm lương của người lao động.
Nước Úc đã có hành động nhượng bộ yếu ớt, vì thế đã mất đi cơ hội giảm
lòng ham muốn cạnh tranh bất chính của nhà nước Việt Nam bằng cách bán
tháo hàng. Và cũng đã mất đi cơ hội áp lực các nhà xuất cảng của Việt
Nam phải tuân thủ những quy ước quốc tế về kế toán minh bạch.
- Không tự do, chẳng công bằng, còn phi lý -
Tại sao những viên chức thương thuyết của chúng ta lại chấp nhận những
điều lạ lùng như vậy? Cái cớ họ thường nói, "có qua có lại", không có
lý. Khi thương lượng, ta chỉ nhượng bộ những gì ta phải nhượng bộ, để
bên kia được hưởng lợi. Mà Việt Nam chẳng có nhà sản xuất nào làm giày
trượt tuyết để hưởng lợi cả (Xin coi Ghi Chú).
Thường
thì ở đời, chuyện lớn lại do yếu tố nhỏ quyết định. Trong trường hợp
này, yếu tố nhỏ là các viên chức thương thuyết. Có thể là các bộ ngoại
thương bị làm việc quá tải, nên các viên chức làm việc bù đầu không kịp
thở. Mà tập sách thoả ước này dày lắm, cũng có thể là họ nghĩ họ luôn
luôn có thể tìm ngõ ngách để phân bua.
Dù lý do là gì đi nữa, thì thoả ước mậu dịch này không tự do, chẳng công bằng, và có những chỗ thì lại phi lý.
Tác giả Đoàn Việt Trung là một thành viên sáng lập của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN.
* Ghi Chú * 1- Về khái niệm "thị trường tự do" - Khi
2 nước buôn bán với nhau, đôi khi nước nhập cảng phàn nàn rằng nước kia
đã "đổ tháo" ("dump") mặt hàng nào đó vào thị trường nội điạ với giá rẻ
mạt, làm cho kỹ nghệ của họ bị cạnh tranh bất chính. Câu hỏi then chốt
mà ban trọng tài phải xét, là giá xuất cảng có thấp hơn giá vốn không.
Dĩ nhiên, ban trọng tài không dựa vào số liệu mà nước nhập cảng hoặc
nước xuất cảng đưa ra. Vì vậy, ban trọng tài phải tính: Nếu nước xuất
cảng là "thị trường tự do" thì giá vốn là bao nhiêu. Nếu không tự do
(bởi không phải thị trường mà là nhà nước quyết định những yếu tố quan
trọng cho giá vốn, như mức lời ngân hàng, lương nhân công, v.v.) thì
ban trọng tài phải chọn một nước thứ 3, tương đương với nước xuất cảng,
để tính ra giá vốn đó.
Úc đã công nhận Việt Nam là "thị trường
tự do", thì nếu trong tương lai có tranh chấp, trọng tài sẽ không chọn
nước thứ 3, mà sẽ phải xem xét thị trường Việt Nam để tính giá vốn. Lẽ
ra, nếu Úc không làm vậy, thì các công ty Việt Nam sẽ bị áp lực phải có
sổ sách kế toán khả tín và minh bạch để có thể so sánh với công ty ở
nước khác được, và nhà cầm quyền sẽ bị áp lực để bớt nhúng tay vào tiền
lương, bớt cấp đất miễn phí hoặc rải tiền cho công ty nhà nước, v.v.
2- Về thuế nhập cảng - Một
nguyên tắc của mậu dịch tự do là thuế nhập cảng, nếu được duy trì, mục
đích phải là để bảo vệ kỹ nghệ nội điạ, chứ không phải để kiếm tiền cho
nhà nước.
3- Về báo Australian Financial Review - Báo
Australian Financial Review thuộc cùng loại với Wall Street Journal,
nhưng nhỏ hơn vì nước Úc ít dân hơn Mỹ. Báo phát hành toàn quốc, đối
tượng độc giả chính của họ là các giới thương gia, đầu tư, giám đốc,
viên chức. Hàng ngày có khoảng 275 ngàn người đọc báo này.
(Bản Tin Lao Động này, và bản tiếng Anh, có đăng trên trang mạng baovelaodong.com của UBBV - Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN).
|