Việt Nam ngày 17 tháng 05 năm 2009 Vì
tính cấp bách của vấn đề mà tiếp theo Thư Ngỏ số 2, thư ngỏ này lại
được gửi tới quý vị ngay trước kỳ họp ngày 20 tháng 5 năm 2009 này. Cùng
với bản Kiến nghị mang hơn một nghìn tám trăm chữ ký và những lá thư
ngỏ trước, Thư ngỏ này chỉ mong thêm một lần gợi ý với quý vị: sẽ đến
họp không chỉ với một tinh thần quán triệt nhiệm vụ xây dựng một Nhà
nước Pháp quyền, mà còn có trong tay những bằng chứng cụ thể về nguyện
vọng và ý chí của đông đảo người dân Việt trước vấn đề nóng bỏng của
đất nước, giúp quý vị thực thi quyền hạn của mình trong khung khổ pháp
luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kính thưa quý vị, Hẳn quý vị đều biết chủ đề của thư ngỏ này vẫn là câu chuyện bauxite ở Tây Nguyên. Xin tóm lược tình hình thành mấy điều để quý vị dễ theo dõi. 1)
Từ cuối năm 2008, dự án khai thác bauxite được công khai hóa với tin
tức Dự án Tân Rai chính thức làm lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất
Alumin vào ngày 18/11/2008 và sau đó là sự xuất hiện loạt bài phản biện
của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn. Cho tới thời điểm đó, đại đa số nhân dân
mới biết là trên đất nước ta có cái dự án bauxite đồ sộ này. Nhưng trên
thực tế, dự án này đã được ký tắt với Trung Quốc từ khá lâu trước đó,
cụ thể là từ năm 2001 với bản Tuyên bố chung do ông Nông Đức Mạnh ký
với ông Hồ Cẩm Đào. Sự việc này có nghĩa là suốt hai khóa Quốc Hội XI
và XII những người đại biểu chính thức của nhân dân, cơ quan quyền lực
cao nhất của đất nước chưa hề được báo cáo để phê chuẩn và nếu cần thì
luật hóa. Ông Nông Đức Mạnh từng là Chủ tịch Quốc Hội liền hai khóa,
người thường xuyên nói tới khẩu hiệu dân biết dân bàn dân làm dân kiểm
tra thực sự đã hoàn toàn làm ngơ, vô hiệu hóa khẩu hiệu đó. 2) Nhưng
dẫu sao sự công khai chủ trương khai thác bauxite cũng có mặt có lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi hai lần thư tới những người có chức
trách cao nhất, phân tích mối nguy hại của chủ trương đó. Đặc biệt qua
hai lá thư của Đại tướng, nhân dân được biết là ngay từ thời khối SEV
(hoặc còn gọi là COMECON) cũng đã dự định khai thác bauxite ở Tây
Nguyên Việt Nam, mà chỉ vì những nguy hiểm về kỹ thuật và an toàn môi
trường mà khối SEV chân thành khuyên Việt Nam không thực hiện chủ
trương đó. Lá thư của Đại tướng cũng nhắc đến vị trí chiến lược của Tây
Nguyên, là điều sau đó còn được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhắc lại và
được đề cập rất rành mạch trong thư của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh,
cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh: “[…] nay lại để Trung Quốc khai thác
bauxit ở Cao nguyên Trung phần thì sẽ có năm, bảy ngàn hoặc hơn một vạn
công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ
hình thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn
chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó
gì). Phía Bắc nước ta, trên biển Trung Quốc có căn cứ hải quân hùng
mạnh, phía Tây Nam nước ta Trung Quốc có căn cứ lục quân trang bị đầy
đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh
mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!” 3) Những thư của các tướng
lĩnh nói trên rất quan trọng, nhưng còn trên dạng chiến lược, và phải
đợi những lá thư và bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, người có vị
trí không thấp trong Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì dư
luận mới thấy rõ toàn diện các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật văn hóa, xã
hội và an ninh của vấn đề. Loạt bài của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã làm
dấy lên cuộc thảo luận chưa từng có trên các phương tiện truyền thông,
kể cả các phương tiện chính thống nhất. Và tập đoàn TKV đành phải tổ
chức một cuộc gọi là hội thảo khoa học tại khách sạn Melia. Nhân dân ta
thừa biết giá trị của những hội thảo theo lối đánh bóng mạ kền như thế,
nên hoàn toàn không bị bất ngờ khi thấy ngay trong Hội thảo có cả đại
diện Công ty Trung Quốc Chalco, có những kết luận mơ hồ quanh co kiểu
không làm bauxite bằng mọi giá (Hoàng Trung Hải), và nhất là cuộc phản
công sau Hội thảo của Đoàn Văn Kiển chủ tịch TKV với lời lẽ mang rặt
đầu óc cờ bạc đặt 50/50 vào canh bạc bauxite Tây Nguyên! 4) Để
chứng tỏ đó không phải là một nguy cơ nằm trong hoang tưởng của nhiều
người mà là nguy cơ có thực, đã có nhiều nhà báo tìm đến tận nơi để
viết tường trình. Vietnamnet ngày 14-4-2009 nói tới 20 dãy nhà tập thể
dành cho công nhân Trung Quốc ở khu mỏ Tân Rai và quang cảnh hoạt động
nhộn nhịp mua bán của đám công nhân nói tiếng Hoa đang sinh sống ở đây.
Trang mạng Sài Gòn tiếp thị ngày 15-4-2009 nói những đợt công nhân
Trung Quốc đầu tiên đổ bộ vào Tân Rai từ tháng Mười một năm 2008, mới
đầu khoảng 700 người, nhưng vào những thời điểm làm nước rút, số lượng
có thể lên đến 2.000 người. Cũng theo các báo trên, công nhân người
Việt ở đây rất ít. Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV News) cho
biết riêng ở Đắc Nông, ở nơi đang xây dựng nhà máy luyện alumin Nhân Cơ
do Tập đoàn Chalco Trung Quốc trúng thầu chính, vào thời gian cao điểm
có thể có 2.000 người Trung Quốc làm việc tại đây, điều sau đó được
lãnh đạo Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ cải chính trên Vietnamnet ngày
26-4-2009 rằng con số nêu chưa chính xác, bởi vào thời gian cao điểm,
trên công trường xây dựng nhà máy chỉ có gần 3.000 lao động làm việc mà
thôi (!!!). (!!!). Gần đây nhất, báo chí đưa tin: các công ty của
Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên bị phạt vì không thực hiện
đúng quy định đưa lao động của mình vào làm việc (Báo Sài Gòn tiếp thị
ngày 12-05-2009), có nghĩa là chúng ta đã không quản lý được nhân thân
những người lao động gốc Trung Quốc, hay nói trắng ra là lao động chui.
Nếu không gọi đấy là nguy cơ tiềm ẩn thì phải gọi là gì? 5) Bổ sung
vào nguy cơ vừa nói ở trước là một thực trạng khiến công nhân người Hoa
sẽ có điều kiện để cư trú vô thời hạn:“Dự án Tân Rai chính thức làm lễ
khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18/11/2008. Thời gian
khai thác của dự án này dự tính kéo dài trong 98 năm, trữ lượng bauxite
ở Tân Rai có thể trên 700 triệu tấn. Nếu khai thác 600.000 tấn/năm thì
thời gian khai thác của riêng vùng Tân Rai sẽ kéo dài 45 năm, và nếu mở
rộng vùng mỏ bauxite ra Bảo Lộc, lên Di Linh thì thời hạn khai thác có
thể lên tới 150 năm”. 6) Chưa hết! Mới vừa cách nay chưa đến một
tuần, cộng đồng dân mạng Internet còn phát hiện một vụ việc kinh thiên
động địa: Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, đã ký kết xây dựng một
trang mạng chung với truyền thông Trung Quốc có cả phần tiếng Việt và
tiếng Hoa với danh nghĩa là để đưa tin về việc hợp tác kinh tế
Việt-Trung. Đứng ra khai trương trang mạng này có cả ba vị đứng đầu
Đảng và Nhà nước hai nước, Hồ Cẩm Đào, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh
Triết. Chỉ sau ít lâu thì nhiều bài được phát trên trang tiếng Việt
mang tên miền Việt Nam lại đưa những tin xuyên tạc rất thậm tệ đối với
Việt Nam mà không có cách gì xóa nổi, giản đơn là vì máy chủ do phía
Trung Quốc nắm giữ. Điều đó lý giải sự xấc xược của viên Thứ trưởng Bộ
Công thương Lê Dương Quang lên diễn đàn xỉ vả giới trí thức Việt Nam ở
trong và ngoài nước, những người đã ký tên vào bản Kiến nghị yêu cầu
dừng chủ trương bauxite, là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những
thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị
các tổ chức phản động lợi dụng”. 7) Cũng gây bất bình không kém
là thái độ của hai đại biểu Quốc Hội Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Chính
phủ) và Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội). Rất gần đây, ông Nguyễn
Tấn Dũng tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi nghe Đại tướng nhắc
lại yêu cầu trong thư về chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên, đã long
trọng hứa “Chính phủ xin tiếp thu và nghiên cứu ý kiến của Đại tướng”.
Vậy nhưng ngày hôm sau, khi tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, ông đã quên
ngay lời hứa với Đại tướng hôm trước và dõng dạc tuyên bố: “Nhà nước sẽ
đưa việc khai thác bauxite thành một ngành công nghiệp lớn”. Còn ông
Nguyễn Phú Trọng thì đã làm cho cử tri theo dõi tình hình đất nước trên
mạng hết sức bất mãn và phiền lòng vì những lời lẽ khó hiểu và không
hợp với cương vị của mình: “Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra
lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự
án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là
hơn 600 triệu đôla”, “[...] Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu
vào đâu …” (!?) Thưa quý vị đại biểu Quốc hội, Chúng tôi thành
thực xin lỗi quý vị vì đã tóm tắt không thật ngắn gọn một tình hình quá
dài, sự nguy cấp có thể dẫn dân tộc ta tới một cuộc đời nô lệ trong chế
độ thuộc địa kiểu nửa cũ nửa mới dưới ách của những người đồng chí
không trung thực, làm rùng mình bất kỳ ai đang theo dõi cái lưỡi bò
liếm sạch vùng biển Đông cho tới sát Indonesia, đang theo dõi những
cuộc khiêu khích phiêu lưu trên biển Đông kích thích chính quyền Hoa Kỳ
phải điều động hai phi đội máy bay tiêm kích tàng hình tới vùng này… Chúng
tôi kêu gọi quý vị đại biểu tại kỳ họp này hãy đưa vấn đề bauxite Tây
Nguyên đặt lên bàn nghị sự và đi tới một nghị quyết có tính toán toàn
diện đến việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên; cụ thể là: a)
Yêu cầu Chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, sản xuất
alumin hiện đang có với mọi đối tác: Australia, Nga, Trung Quốc, v.v.
tại đây cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ chúng ta. Hãy để cho thế hệ
sau, 25 - 30 năm nữa, với trình độ kỹ thuật cao hơn, trở lại xem xét
khả năng khai thác bauxite, sản xuất alumin; b) Thành lập một
Ủy ban nghiên cứu đường hướng phát triển kinh tế cho Tây Nguyên với sự
hợp tác của nhiều lãnh vực chuyên môn và giữa các nhà trí thức trong và
ngoài nước. Chúng tôi kêu gọi quý vị yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công
thương phải ra điều trần, đồng thời ra một nghị quyết cách chức vị Bộ
trưởng không xứng đáng của Bộ này. Đó là phép nước và cũng là để thực
hiện đúng luật truyền thông của Việt Nam. Quý vị là đại biểu Quốc
Hội, tức là thành viên của một tổ chức quốc gia tiên tiến – một hình
thức tổ chức đã được thử thách trong nhiều thế kỷ qua và đã từng giúp
cho nước Anh, nước Pháp và Hoa Kỳ cùng biết bao quốc gia dân chủ khác
thành những địa chỉ dân tộc hùng mạnh, con người hạnh phúc, cuộc sống
mỗi ngày một thêm bình yên đáng sống trong nguyên lý đồng thuận. Phần
lớn quý vị cũng lại là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, xin quý vị hãy
giữ thanh danh và thể diện cho chính đảng đó để hành động có ích nhất
cho dân tộc Việt Nam đã đau khổ quá lâu! Xin chúc quý vị an khang và thành đạt cùng với dân tộc!
GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn, GSTS Nguyễn Thế Hùng
nguồn: www.trannhuong.com
|