Thứ Ba, 2024-11-05, 8:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 18 » Cần một cuộc chỉnh lý toàn diện
7:37 AM
Cần một cuộc chỉnh lý toàn diện

Tôn Thất Thiện

“...Trong tình trạng hiện tại, vai trò của Miền Nam là một vai trò vô cùng hệ trọng: Miền Nam là hậu cần của Việt Nam trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam, chống ý đồ xâm lăng bành trướng của Trung Quốc và bảo đảm cho sự phát triển của dân chủ Việt Nam...”


Cần một cuộc chỉnh lý toàn diện
để cứu Việt Nam khỏi hiểm họa
do lỗi lầm tai hại vĩ đại về chiến lược của Hồ Chí Minh
và lãnh đạo đảng cộng sản gây ra
Tôn Thất Thiện

Mấy lúc nay, dư luận Việt Nam ở trong nước và nhất là ngoài nước rầm rĩ về vấn đề Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hiến lãnh thổ và hải phận Việt Nam - vùng biên giới Nam Quan, Bản Giốc, các đảo Hoàng Sa, Tây Sa, Vụng Bắc Việt - cho Trung Quốc cùng mở cửa cho ngưòi Trung Quốc tràn ngập và mang họa ô nhiễm vào Việt Nam - khai thác bauxite Cao Nguyên, đưa hàng ngàn công nhân Tàu vào Việt Nam. Các điều trên liên quan đến sự lựa chọn chiến lược đúng-sai về địa lý chính trị trong bối cảnh Việt Nam có một láng giềng như Trung Quốc.

Vấn đề Trung Hoa xâm chiếm lãnh thổ, hải phận của Việt Nam đã đuợc phân tách, bàn luận rất đầy đủ trên nhiều báo chí. Nó đã được anh Nguyễn Minh Cần trình bày đầy đủ và gọn gàng trong bài tâm sự "Toàn dân nghe chăng ? Sơn Hà nguy biến...". Bài này đã được đưa lên Internet, nên ở đây tôi chỉ lặp lại một cách vắn tắt những gì quan trọng nhất mà anh Cần đã phân tách và trình bày rất rõ ràng. (Độc giả muốn xem toàn bài, xin vào Internet: Dien dan X-cafevn, ngày 4-8-2009). Tôi chỉ bàn thêm về một khía cạnh mà, theo tôi, có một tầm rất quan trọng: đó là kẻ cầm quyền và dân Việt Nam phải xử trí thế nào cho thích hợp với những điều kiện địa lý chính trị căn bản của Việt Nam. Khía cạnh này được "Bộ phận nghiên cứu" của Đệ Nhất Cộng Hòa coi là vấn đề chính của Việt Nam (Tùng Phong, Chính Đề Việt Nam. Nhà Xuất Bản Hùng Vương, La Cienega, L.A., 1988), nhưng tôi chưa thấy ai bàn đến một cách thỏa đáng.

Anh Cần cảnh báo rằng chúng ta đang đứng trước "hiểm họa mất nước", đang từng bước bị mất chủ quyền... bởi thủ đoạn bành trướng vô cùng thâm độc của "người láng giềng phương Bắc":

- Trung Quốc đã chiếm cứ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, coi các đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc bất chấp sự thật lịch sử là hai quần đảo đó từ xưa đến nay đã và vẫn thuộc chủ quyền nuớc ta ;

- Trung Quốc đã cắt xén mất của Việt Nam hàng mấy trăm cây số vuông lãnh thổ, trong đó có vùng ải Nam Quan, thác Bản Giốc, v.v., và hơn chục ngàn cây số vuông lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ ;

- Trung Quốc khai thác bauxite tại Đak Nông mặc sức tàn phá môi trường sinh thái miền Nam Việt Nam... đồng thời tạo điều kiện đặt cơ sở và bám chắc vào vùng "tử huyệt" của Việt Nam, "để khi cần thì từ đó chúng có thể dễ dàng đánh chiếm nước ta".

Mặt khác, theo báo Tuổi Trẻ, các quan chức Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu Trung Quốc đem hàng ngàn công nhân cùng thiết bị của họ sang Việt Nam làm việc trong những công trình của Trung Quốc (công trình lớn Đạm Cà Mau, công trình nhà máy điện Hải Phòng... chỉ riêng nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cũng đã có 2 000 công nhân Trung Quốc).

Những biểu trưng "ô nhục nổi bật" của tình trạng này là:

1. Bức công hàm ngày 14-9-1958 mà thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gởi cho Quốc vụ viện Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc ;

2. Hiệp ước về biên giới ngày 30-12-1999 và Hiệp ước về lãnh hải Bắc Bộ ngày 25-12-1999, làm cho Việt Nam mất đi hàng trăm cây số vuông lãnh thổ và hơn chục ngàn cây số vuông lãnh hải ;

3. Quyết định của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Đắk Nông.

Anh Cần kết luận: "Xin mọi người cứ thử hình dung xem: hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc tại các công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất, v.v. ở nước ta cộng với vài chục ngàn công nhân Trung Quốc tại công trường bauxite ở Tây Nguyên, thì khi kẻ xâm lược "tiềm năng" bắt đầu gây hấn, "đội quân thứ năm" này của chúng sẽ là một lực lượng hùng mạnh như thế nào nằm ngay trong lòng đất nước ta ?!".

"Mọi người am hiểu thời cuộc đều vô cùng lo lắng trước sự xâm nhập ngày càng sâu của trung Quốc về mọi mặt, từ kinh tế cho đến chính trị... vào Đất Nước ta, tạo nên một tình thế cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của Tổ Quốc ta". Ngày nay, nói đến hiểm họa mất nước... chính là một thực tế đắng cay sờ sờ trước măt mọi người dân Việt Nam".

Một thực tế đắng cay!

Thực tế mà người cầm quyền cũng như người dân Việt Nam phải đối đầu, không thể thay đổi được, là thực tế địa lý chính trị: Việt Nam là một nước nhỏ, rât nhỏ so với Trung Quốc, và kinh nghiệm mấy nghìn năm lịch sử cho thấy rằng Trung Quốc, là một đại cường quốc tất có xu hướng đế quốc, và mỗi khi có cơ hội, là phát động bành trướng xuống Việt Nam vì, đắng cay thay cho Việt Nam, chúng ta là một nước tương đối có tài nguyên, dân số tương đối thưa hơn dân số miền Nam Trung Quốc, cách sinh sống cũng giống người Trung Quốc, và nhất là nằm ngay sát Trung Quốc.

Thực tế trên đây là một thực tế mà không có nhà lãnh đạo nào của Việt Nam có quyền quên và bất chấp được vì nó đã được lịch sử chứng minh trong suốt hai ngàn năm lịch sử của Việt Nam. Nhưng, ngày nay, Việt Nam lại đang đứng trước hiểm hoạ nói trên. Vì sao?

Anh Cần giải thích rằng đó một phần là "do thái độ và chính sách sai lầm, thiển cận của giới cầm quyền toàn trị của nước ta, kể từ thời Hồ Chí Minh làm chủ tịch Đảng Cộng Sản Việt Nam đồng thời là chủ tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho đến thời các tổng bí thư về sau này". Nghĩa là không những từ năm 1945, lúc ĐCSVN dành được chính quyền, và có thể nói là từ những năm 1920-1930, lúc ông Hồ quyết định theo Lênin và lập lên ĐCSVN, cho đến năm 1975, lúc ĐCSVN chiếm được quyền trên toàn quốc, mà cho đến nay, năm 2009, và không sót một lãnh đạo chóp bu nào của ĐCSVN.

Theo thuyết Lênin, "chiến lược" được định nghĩa là: phân biệt kẻ thù nguy hiểm nhất cần phải chống. Như vậy, coi Trung Quốc như là bạn lớn thay vì là mối nguy cơ số một của Việt Nam, ông Hồ và ĐCSVN đã sai lầm trong quyết định chiến lược. Nhưng đây không phải là một sai lầm không đáng kể mà lại là một lỗi lầm, và một lỗi lầm tai hại có thể nói là một tội lỗi nặng.

Quên quyền lợi quốc gia để giữ quyền lực của mình

Anh Cần giải thích: "Muốn dựa dẫm vào "thiên triều" để có sức mạnh bành trướng quyền lực của mình xuống phương Nam, nên đã có một thời giới cầm quyền nước ta đã mù quáng, hết lòng suy tôn, thần phục "thiên triều" họ Mao đến nỗi quên cả quyền lợi quốc gia". Họ đã dựa dẫm vào Trung Quốc "để giữ được quyền lực của mình trên đầu trên cổ người dân sau khi các chế độ "xã hội chủ nghĩa" sụp đổ... Giới cầm quyền nước ta đã thực hành một đường lối hết sức nhu nhược là cứ nhượng bộ từng bước tham vọng không đáy của "thiên triều" Đại Hán, bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như nền an ninh của Tổ Quốc !".

Nhưng làm sao ông Hồ và ĐCSVN có thể làm như vậy mà lai được sự ủng hộ mạnh của khá nhiều người khiến cho họ có thể giữ được chính quyền và tạo cho mình một cái thế vững chắc trong bao nhiêu năm ? Tất nhiên là nhờ họ áp dụng độc tài một cách triệt để. Nhưng điều này chỉ giải thích được một phần hiện trạng. Có một dữ kiện khác quan trọng hơn nhiều, được để ý đến càng ngày càng nhiều, từ năm 1975, nhờ có những tố cáo của những người đã bỏ đảng cộng sản. Những người này đã bỏ Đảng vì ý thức được rằng họ đã bị đảng cộng sản lừa. Và họ đã bị lừa vì họ quá say mê "đánh Pháp, giành độc lập", đến mức đã quên tất cả cái gì khác. Họ đã ùa theo Việt Minh, rồi ĐCSVN, và chấp nhận sự lãnh đạo của ông Hồ cùng ĐCSVN vô điều kiện, vô nghi vấn.

Điều trên đây được những người đã bỏ và nay đang chống ĐCSVN mạnh, như Dương Thu Hương, Bùi Tín, nói lên rất rõ ràng. Đa số những người tranh đấu trong hàng ngũ phe cộng đã hết lòng tham chiến vì ĐỘC LẬP mà không hề đặt câu hỏi: "Sau khi độc lập, rồi sao nữa ?". Chỉ có các lãnh tụ ĐCSVN là biết rất rõ "sau độc lập" Việt Nam sẽ đi vào con đường cộng sản và "Cách mạng thế giới". Mà theo "Cách mạng thế giới" là chấp nhận Đệ Tam Quốc Tế, và kỷ luật sắt của tổ chức này, nghĩa là sự lãnh đạo tuyệt đối của các đàn anh Liên Xô và Trung Cộïng. Như ông Hồ tuyên bố lúc ĐCSVN xuất hiện trở lại dưới danh xưng "Đảng Lao Động Việt Nam" vào năm 1950: Việt Nam là "em út" của Đại gia đình cọng sản, và "tiền đồn" của Khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Sau 1990, Liên Xô không còn thì Trung Cộng là anh cả. Nhưng, thật ra, ngay từ những năm 1920, theo hệ thống cọng sản, ở Á Đông, anh cả là Trung Quốc. Lúc hoạt động ở Trung Quốc, ông Hồ vẫn nhắc nhủ các đảng viện ĐCSVN như vậy.

Ở đây, tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để ghi rằng, chỉ năm 1957, sau khi Pháp tuyên bố tại Hội Nghị Genève chấp nhận độc lập toàn vẹn của Việt Nam và rút hết lực lượng quân sự khỏi Việt Nam và Việt Nam quyết định rút khỏi Liên Hiệp Pháp, thì Trung Hoa mới chính thức tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa, Tây Sa thuộc về Trung Quốc, và chỉ năm 1974, sau khi tại Hội Nghị Paris Hoa Kỳ chấp nhận rút hết lực lượng quân sự khỏi Việt Nam, thì Trung Quốc mới gởi hạm đội tấn công hải quân của Việt Nam Cộng Hòa ở vùng Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp thứ nhứt, lãnh thổ Việt Nam không còn được hưởng sự bảo vệ của Pháp theo Hiệp ước 1883 hay theo quy chế của Liên Hiệp Pháp. Trong truờng hợp thứ hai, Việt Nam không còn được sự che chở của hạm đội thứ 7 của Hoa Kỳ nữa. Hậu quả của hai cuộc chiến "chống Pháp", "chống Mỹ" cứu nước là sự cô lập hóa của Việt Nam trong một tình thế bị "anh cả" uy hiếp, lấn áp, xâm lăng. Đây là một dịp khiến người Việt xét lại kỹ vấn đề "độc lập" và chiến lược ngoại giao trong những điều kiện địa lý chính trị đặc biệt của đất nước.

Bây giờ phải làm gì ?

Các sự thật về tình trạng đất nước, và nhất là về ĐCSVN, đã được phơi bày rõ ràng, bây giờ phải làm gì ?

Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam đã hướng cuộc tranh đấu vào hai mặt: một là tố cáo Trung Quốc chiếm lấn đất đai và hải phận của Việt Nam ; và hai là đòi đương quyền cọng sản phải bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam.

Trong "tâm sự" của anh Cần với giới trẻ anh ấy kêu gọi giới này "quyết không... để cho giới cầm quyền muốn làm gì với Tổ Quôc ta cũng được", phải "đứng lên dõng dạc cất cao tiếng nói yêu nước của mình", hãy "biểu dương tinh thần kiên quyết phản đối thái độ nhu nhược của kẻ cầm quyền...", phải làm cho mọi người, "kể cả những người cọng sản, những quân nhân, những người trong bộ máy quyền lực, đều hiểu rằng... Tổ Quốc không phải của riêng của một đảng phái nào".

Anh Cần nói Dân ta có thể tránh hiểm họa mất nước "chỉ khi nào có được một chính quyền biết thương dân, thương nuớc, biết chăm lo đến quyền lợi vật chất và tinh thần của nhân dân, biết tôn trọng các quyền tự do dân chủ và nhân quyền của mọi người dân... Chỉ có một chính quyền như thế thì mới cố kết đuợc nội lực lớn lao của Dân Tộc để chống lại mọi kẻ thù xâm luợc dù chúng hùng mạnh và hung dữ đến mức nào".

Anh Cần nhắc đến "Toàn dân nghe chăng ? Sơn Hà nguy biến", một bài hát về Hội nghị Diên Hồng. Bài hát này do Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1945 ở Hà Nội, và đã được lấy làm đề tài cho một tuồng hát rất được tán thưởng của Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương vào dịp lễ Tết của Hội năm đó (với mở đầu "Thần dân" thay vì "Toàn dân"). Đó là lòi kêu gọi của vua Trần Nhân Tông gọi thần và dân, để tỏ lòng ái quốc, đứng lên chống quân xâm lăng Tàu. Nó đã được thần và dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhưng, ngày nay, ai là người có uy thế đưa ra một lời kêu gọi như thế ?

Một hội nghị như "Hội nghị Diên Hồng" chỉ có thể do chính quyền đương tại triệu tập được thôi. Anh Cần cũng có đề cập nhẹ đến vấn đề "tồn tại" của "bộ máy chính quyền", và những điều kiện cần thiết để có thể toàn dân thành "một khối sắt thép" và "tạo nội lực lớn" cần thiết.

Nhưng hiện nay chính quyền lại đang nằm trong tay ĐCSVN. Mà chính quyền này lại là một nguyên do chính của hiểm họa mất nước hiện tại. Tình hình bế tắc! Làm sao ra khỏi thế bế tắc này?

Cần một cuộc chỉnh lý toàn diện

Chỉ có hai lối ra.

- Một là chính quyền hiện tại tự biến mình thành chính quyền lý tưởng như anh Cần quan niệm. Đó là trông chờ một phép lạ !

- Hai là có một người hay một nhóm nào đó, thức tỉnh, qua một cuộc chính lý, dành được chính quyền, và áp dụng một chính sách cứu quốc được toàn dân hưởng ứng. Được như vậy thì thật là phúc đức lớn cho dân Việt Nam. Nhưng... trong tình trạng này, ta nên coi chừng.

Ta không nên quên rằng năm 1945, không biết bao người đủ hạng tuổi, thuộc mọi thành phần xã hội, đã ùa theo chính phủ VNDCCH, nhắm mắt theo ông Hồ và đảng cộng sản, hy sinh tất cả để đánh Pháp giành độc lập, và sau khi độc lập đã giành lại được năm 1954 lại hy sinh tất cả để tranh đấu cho thống nhất, mà không đặt điều kiện gì cả. Lần này, không thế nữa ! Đối với kêu gọi đoàn kết, ủng hộ chính quyền và hy sinh tất cả, chúng ta phải đòi những bảo đảm thực sự sau khi tranh đấu chấm dứt.

Điều căn bản mà chúng ta đời hỏi là phải có một cuộc chỉnh lý toàn diện:

- phải giải tán chế độ độc tài độc đảng hiện tại, bầu một Quốc Hội Lập Hiến để thảo ra một Hiến Pháp mới làm căn bản cho môt chế độ dân chủ thực sự, không chấp nhận độc quyền hay toàn quyền thống trị của một đảng nào cả;

- nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do đi lại và tự do tập hợp, phải được công nhận và bảo đảm;

- những nhân viên chính quyền, đặc biệt là các lực lượng võ trang - cảnh sát, quân đội - phải phi chính trị hóa;

- sau đó phải có một cuôc tuyển cử thực sự lương thiện - mọi công dân đều có quyền trực tiếp và tự do ứng cử và bầu cử, kiểm phiếu ngay thẳng - để chọn một chính phủ mà nhân dân có thể tín nhiệm được.

Nếu không có những điều kiện trên đây, chúng ta nhất quyết không tham gia tranh đấu, không hưởng ứng kêu gọi đoàn kết ủng hộ chính phủ, dù là chính phủ tuyên bố chống sự xâm lược của Trung Hoa. Chúng ta quyết không để cho bị lừa gạt một lần nữa !

Những điều trên đây cần được những người Miền Nam để ý đặc biệt, vì nó có thể thực hiện dẽ dàng hơn ở Miền Nam. Nếu có một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Việt Nam chỉ có thể tồn tại qua một cuộc chiến tranh kéo dài. Trong tình trạng này, Miền Bắc không giữ được lâu, và phải áp dụng chiến tranh du kích. Trong điều kiện này, cần có một hậu cần vững chắc. Hậu cần đó chỉ có thể là Miền Nam. Trong khi chính quyền ở Hà Nội đang lo ngăn địch, và có thể bị tan rã, Miền Nam có thì giờ để thực hiện những điều nói trên và tiếp tục một cuộc chiến trường kỳ. Trong tình trạng hiện tại, vai trò của Miền Nam là một vai trò vô cùng hệ trọng: Miền Nam là hậu cần của Việt Nam trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam, chống ý đồ xâm lăng bành trướng của Trung Quốc và bảo đảm cho sự phát triển của dân chủ Việt Nam.

Để tranh thủ thời gian và sẵn sàng ngay khi cần đến, người Miền Nam nên chuẩn bị đảm nhiệm vai trò tối trọng này ngay từ bây giờ.

Tôn Thất Thiện
(Ottawa, tháng 4-2009)

Category: Chính trị | Views: 859 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 542
Khách: 542
Thành Viên: 0