Huy Đức
Không rõ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn, dựa trên cơ sở
nào để nói rằng: “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương
khai thác bauxite”. Ở thời điểm ông Đàn tuyên bố, 18-5-2009, Quốc hội vẫn chưa khai
mạc, Chính phủ chưa báo cáo và các đại biểu chưa thảo luận. Hơn hai tuần trước,
4-5, khi tiếp xúc cử tri tại Phường Giảng Võ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng
nói, Chính phủ sẽ dành “một phần trong Báo cáo về Kinh tế xã hội”
để đánh giá về bauxite. Để rồi, chiều 14-5, khi “Kết luận phiên họp UBTVQH” ông
đã phải yêu cầu Chính phủ “chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về
chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên”.
Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao cho một số bộ, ngành đưa “bô-xít Tây
Nguyên” vào báo cáo chung. Và, khi nói với cử tri, có thể cá nhân Chủ tịch Quốc
hội cũng ủng hộ Thủ tướng cách làm này. Nhưng, ông vẫn phải kết luận như trên
sau khi “một số đoàn đại biểu và các cơ quan của Quốc hội muốn có
một báo cáo riêng về bauxite”.
Khác với những cơ quan nhà nước khác, “Quốc hội tổ chức và hoạt động
theo nguyên tắc tập trung dân chủ; làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định
theo đa số” (Điều 4, Luật Tổ chức Quốc hội). Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
và ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ có mỗi người một phiếu và không ai có thể
phát ngôn thay cho 493 đại biểu của dân. Trước đây, Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã
thể hiện vai trò này một cách thành công khi ông, thay vì “kết luận” các phiên
họp của Ủy ban Thường vụ hay của Quốc hội, đã tóm tắt các ý kiến thảo luận rồi
“xin biểu quyết”.
Trong bộ máy nhà nước, có những thiết chế cần những cá nhân quyết đoán để ra
mệnh lệnh, có những thiết chế cần sự dẫn dắt để ý kiến đa số có điều kiện hình
thành. Cũng là là một con người nhưng khi nhận lãnh “vai” nào thì phải hành xử
đúng như những quy định về “vai” ấy đã được ghi trong Hiến pháp.
Có lẽ, vì Quốc hội có hơn 90% đảng viên nên ông Trần Đình Đàn tin “chắc chắn
là Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ” sau khi nhấn mạnh khai thác baxite đã thành
“chủ trương của Đảng” và có “kết luận của Bộ Chính trị”. Chưa nói về nguyên tắc
“Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện làm thay”, cách hiểu “Kết luận của Bộ Chính
trị” của một số tổ chức và cá nhân thời gian qua cho thấy cũng rất cần “quán
triệt”.
Bộ Chính trị nhấn mạnh “chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần
thiết” vì có rất nhiều lao động phổ thông Trung Quốc xuất hiện trên công trình
Tân Rai. Bộ Chính trị yêu cầu “lựa chọn công nghệ hiện đại” vì có nhiều băn
khoăn về loại công nghệ đang được đưa vào Tây Nguyên; vì, nói là “thí điểm” mà
cả hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai đều chỉ sử dụng một nhà thầu là tập đoàn Chalco
của Trung Quốc với cùng công nghệ.
Bộ Chính trị kết luận: “Riêng dự án Nhân Cơ, phải rà soát lại
toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác
động môi trường” là để khẳng định: “Nếu thực sự có hiệu
quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực
hiện”, chứ không phải là đương nhiên triển khai thực hiện. Khi Bộ
Chính trị yêu cầu: “Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo với Ban Chấp
hành Trung ương và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội”, là không chỉ
muốn cung cấp thông tin mà còn đòi hỏi các cơ quan này phải phát huy vai trò
kiểm tra, giám sát.
Trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 4-5, Chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận, “không
chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều
kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên”.
Không riêng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nghe được đòi hỏi ấy của người dân Việt
Nam, các đại biểu Quốc hội về Hà Nội trong kỳ họp này chắc chắn cũng đã được cử
tri của mình gửi gắm. Với những chủ trương liên quan không những tới môi trường
mà còn là “an ninh quốc gia” như khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì vấn đề không
chỉ là “quy mô, tầm cỡ của dự án” ở mức một tỷ hay “600 triệu đôla” mà là “lòng
dân” mới là yếu tố quan trọng nhất để Quốc hội đặt lên bàn nghị sự.
Huy Đức Nguồn: BlogOsin
|