Tôi không thể tin vào mắt mình khi đọc hai câu phát biểu sau.
Câu đầu tiên là của ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn báo điện tử VnExpress:
“Tôi mới đi nước
ngoài và thấy rằng có nhiều hành vi nước ngoài coi là bình thường nhưng
chúng ta lại coi là tham nhũng. Ví dụ tại Mỹ, nhiều khách sạn, nhà hàng
nhân viên đều đòi tiền "bo", chi hoa hồng. Còn ở ta, nếu anh nhân viên
ở loại hình dịch vụ nào đó nhận tiền của khách thì sẽ bị xử lý”.
Cái sự khác nhau giữa
tiền hoa hồng chi cho dịch vụ bản thân mình nhận được và tiền hối lộ,
tiền tham nhũng thì chắc học sinh cấp 1 cũng đã biết rõ.
Còn nói về chuyện khó
xác định ranh giới thế nào là “hoa hồng” bình thường, thế nào là phạm
tội hối lộ thì nếu cơ quan thanh tra nhà nước chịu khó sục sạo một chút
sẽ thấy hầu như các tập đoàn lớn đều quy định rất rõ cho nhân viên mình
trong các bảng quy tắc ứng xử trong kinh doanh từng hành vi một: tặng
quà như thế nào, đi dự tiệc ra sao, nhận lời mời dự chiêu đãi hay tham
quan cách nào… Cái này không phải vì chuyện đạo đức gì cả, họ phải quy
định chặt chẽ như thế mới quản lý được nhân viên và phòng ngửa những xì
căng đan có thể lôi những lãnh đạo của tập đoàn vào tù.
Câu thứ nhì là của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet khi được hỏi, “Như vậy trách nhiệm thuộc về chủ sử dụng lao động, không phải cơ quan quản lý nhà nước về lao động?”:
“Trách nhiệm thuộc
về cơ quan quản lý nhà nước về lao động từ trung ương tới địa phương.
Người ta nói trách nhiệm thuộc Bộ LĐ-TB-XH là không sai, nhưng rõ ràng
khi phân tích rõ ra như thế, trách nhiệm của từng cơ quan ở mức độ nào
thì phải được đặt ra một cách khách quan, từ đó mới tìm ra đang cần sửa
chỗ nào.
Nếu nói chung chung, nhận trách nhiệm chung chung thì không bao giờ sửa được.
Nếu tôi nhận trách
nhiệm chung chung rằng đó là trách nhiệm của tôi, thì làm sao tôi sửa
được, vì tôi không cấp giấy phép cho họ vào VN. Người ta vào đây không
đăng kí với tôi, thành ra, đã nhận trách nhiệm thì phải nhận hết sức”.
Điều toát ra từ bài
trả lời phỏng vấn này là sự lẩn tránh trách nhiệm. Vẫn biết là Bộ
LĐ-TB-XH không cấp phép cho người nước ngoài nhập cảnh nhưng một khi họ
dùng visa du lịch, đi thăm thân nhân vào làm việc trái phép tại Việt
Nam thì trách nhiệm là của ngành lao động chứ của ai nữa. Thay vì lý
giải hệ thống trách nhiệm, tại sao không tổ chức các đoàn thanh tra của
bộ, kiểm tra dự án nào có sử dụng lao động nước ngoài trái phép thì
phạt thật nặng thì còn ai dám vi phạm. Hoặc cứ kiểm tra thấy địa phương
nào dung túng cho chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài chưa được cấp
phép thì cách chức giám đốc sở LĐ-TB-XH địa phương đó thì mới gọi là
thực thi trách nhiệm của bộ chứ.
Tại sao quan chức
nước ta cứ thích tìm cách biện minh cho mọi việc? Tại sao người đứng
đầu các bộ ngành không thể làm gương cho cấp dưới bằng cách thúc đẩy sự
mẫn cán, sự nôn nóng giải quyết vấn đề thay vì cứ đổ lỗi cho khách
quan.
Nguyễn Vạn Phú
Nguồn: http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/05/khong-tin-duoc.html