Thứ Ba, 2024-11-05, 8:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 9 » NHÂN QUYỀN VÀ GIỮ NƯỚC, MỤC TIÊU ĐẤU TRANH NÀO QUAN TRỌNG HƠN?
7:50 PM
NHÂN QUYỀN VÀ GIỮ NƯỚC, MỤC TIÊU ĐẤU TRANH NÀO QUAN TRỌNG HƠN?

Nguyễn Duy Thành

Ai cũng biết, quốc gia nào theo chế độ cộng sản thì ở đó quyền căn bản làm người bị tước đoạt. Việt Nam nằm trong trường hợp này. Vì vậy, trong nhiều năm nay từ quốc nội ra đến hải ngoại, phong trào đấu tranh nhân quyền nở rộ khắp mọi nơi, nhất là vào thời điểm này. Người Việt Nam đọc báo hay xem truyền hình đều nghe quen thuộc một câu khi kết thúc bài diễn văn dù ngắn hay dài ở một buổi hội thảo, hay ý kiến của một biểu tình viên, có khi là lời của một thiện nguyện viên mời gọi tham gia buổi từ thiện cũng nói một câu là:

·      Chúng Ta Phải Làm Sao Để Có Tự Do-Dân Chủ Và Nhân Quyền Cho Việt Nam? LÀM SAO? Hai chữ  này cứ chạy vòng vòng trong mấy chục năm qua. LÀM thì quá nhiều rồi, nhưng SAO nhân quyền chưa thấy. Vì thế không ít người đã mệt mỏi tự hỏi: SAO LÀM.. ..?

Trong khi đó cũng vào thời điểm này, quốc gia Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nước qua chính sách Đại Hán Hóa của Trung Cộng, rất đáng báo động. Nhưng xem chừng các nhà bất đồng chính kiến, các tổ chức đấu tranh vẫn đưa cao khẩu hiệu nhân quyền lên trên hết, làm lu mờ che phủ hết sự kiện Tây nguyên, mà lẽ ra tất cả mục tiêu đấu tranh cần phải đối diện với điểm chính yếu này, vì đây là sinh mệnh của dân tộc Việt Nam. Còn Nước thì còn Nhân, còn Nhân thì còn Quyền, mà mất Nước thì mất Quyền, mất Quyền thì mất Nhân. Hay nói một cách khác là: mất nước là mất tất cả. Trong tinh thần đó bài viết này xin đưa ra hai mục tiêu nói trên cùng đôi lời mạo muội phân tích, ngõ hầu mời bà con dân Việt cùng nhau tham luận nhằm tìm ra một sự đồng thuận, để đáp ứng đúng với tình hình chính trị hiện nay của Việt Nam.

Trước hết xin thưa về vấn đề:

NHÂN QUYỀN

Đại đa số các dân tộc trên thế giới đều có một quan niệm chung là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là nước tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ Nhân quyền. Các nhà bất đồng chính kiến của Việt Nam cũng mang quan niệm này. Vì thế phần lớn các tổ chức, các nhà đấu tranh dân chủ tại quốc nội, đặc biệt mạnh nhất tại hải ngoại đều dựa vào sức mạnh và công lý của Hoa Kỳ để tiến hành mục đích đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam. Kết quả cho thấy từ năm 2000 trở về trước đã đạt được một số kết quả đáng kể, mặc dầu chưa thỏa mãn hết lòng mong đợi như  cuộc đấu tranh đã đặt ra. Nhưng từ điểm mốc thời gian nói trên trở lại gần đây thì sự gặt hái dần dần bị yếu đi, có khi không muốn nói là kết quả không được gì! Vì sao sự bất khả quan này đã nảy sinh, trong khi tình hình đấu tranh nhân quyền ngày một dâng cao. Để thấy rõ điểm này, hãy thử tìm hiểu nét khái quát chung về những sự kiện lịch sử gần đây và nhất là hệ thống chính trị của Hoa Kỳ.

Như ai đã từng tốt nghiệp ngành Chính trị học và Bang giao quốc tế thì biết rõ cuốn sách gối đầu giường “The Future of American Foreign Policy” của hai tác giả Eugene Wittopf và C.M Jone, có nội dung nhấn mạnh về chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa kỳ gồm  có 6 khuynh hướng chính trị dưới đây:

1)       Khuynh hướng thực tiễn (Realism)

2)       Khuynh hướng bá chủ  (Hege-mony)

3)       Khuynh hướng thuần túy kinh tế (Economism)

4)       Khuynh hướng lý tưởng của Woodrow Wilson (Wilsoniansm)

5)       Khuynh hướng nhân đạo (Humanianism)

6)       Khuynh hướng cô lập hóa Hoa Kỳ (Isolationism)

Nhưng, kể từ lúc William Jefferson Clinton trở thành Tổng Thống thì hệ thống chính trị của Hoa Kỳ có thêm một khuynh hướng mới, mà khuynh hướng này được kết hợp giữa Lý tưởng và Thực tế chính trị. Đây cũng là điểm nổi bật, mới lạ nhưng cũng không đi ra ngoài truyền thống chính trị của American-Anglo Saxon Protestannt.

Với khuynh hướng tổng hợp nói trên, trong 8 năm lãnh đạo chính phủ Bill Clinton và Al Gore đã thành công như chính họ đã cam kết với quốc dân, đặc biệt trong chính sách đối ngoại. Cựu tổng thống Bill Clinton đã xây dựng được một chiến lược “Tham dự trực tiếp, nhiệt thành, toàn diện và mở rộng dân chủ” (A Strategy of Engagement and Enlargement). Trong tiến trình xây dựng chiến lược  này có điểm quan trọng cần lưu ý là: từ từ mở rộng vành đai dân chủ trên toàn thế giới, bằng cách giúp cho tiến trình toàn cầu hóa đạt được hiệu năng hay chức năng một cách tự do. Nhờ vậy các quốc gia cộng sản như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên được nới lỏng sự cấm vận, đặc biệt với Việt Nam. Chuyến viếng thăm lịch sử của cựu Tổng Thống Bill Clinton vào cuối năm 2000 đã mở ra một trang sử mới, và cũng từ đó Việt Nam đã đạt được những ước mơ mà tưởng chừng như vĩnh viễn sẽ không bao giờ mơ được. Đó là việc chính phủ Hoa Kỳ đã tháo bỏ lệnh Cấm Vận, và dưới thời của người kế nhiệm là Tổng Thống George W. Bush, Việt Nam được gia nhập vào WTO, hay trở thành hội viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và khả năng mối quan hệ song phương này sẽ còn tiếp tục lâu dài..dựa trên quyền lợi hỗ tương.

Lịch sử  và tiến trình về mối quan hệ của Hoa Kỳ và Việt Nam đã và đang xảy ra như thế. Nhưng thật oái oăm, trong tiến trình xây dựng tự do và dân chủ mà TT Bill Clinton vạch ra, mối quan tâm nhân quyền đã bị đặt ra ngoài các hiệp ước thương mại – mậu dịch trong các buổi lễ ký kết. Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã ăn mừng nhờ vào ân huệ này. Điều này chẳng khác gì một tên lính gác thành được Hoàng Thượng ban cho Kim Bài miễn tử tội! Cũng từ điểm lợi thế này, Cộng Sản Việt Nam đã được nước đánh bài “Tiến Lên” với Mỹ, như Bắc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân đánh bài lừa gạt  Hoa Kỳ. Nghĩa là Hoa Kỳ Viện trợ cho chút gì thì Việt Nam sẽ thả tù cho một vị linh mục, xong chuyện thì họ bắt lại một nhà sư, hay trả tự do cho một trí thức thì lại giam tù một vị luật sư. Chính quyền Mỹ biết vậy nhưng vẫn mắt nhắm mắt mở, miễn sao một số công ty lớn đầu tư vào thị trường việt nam là được rồi. Tình trạng nhân quyền tại quốc nội ngày một trở nên tồi tệ, nhưng thực trạng đấu tranh cho nhân quyền tại hải ngoại đã không đem lại kết quả cao. Bằng chứng là tấm hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng được xem như là tấm bảng “Quảng Cáo” hay “Thông Báo” cho thế giới biết về vấn đề nhân quyền của Việt Nam; hoặc biết bao lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế về hai trường hợp của Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, nhưng tất cả không có chỉ dấu hy vọng được mãn hạn tù sớm.

Vì Sao? Đây là điểm quan trọng mà các nhà đấu tranh nhân quyền cần phải xem xét lại, nhất là các cá nhân hay tổ chức đấu tranh nhân quyền tại quốc nội cần nên chiêm nghiệm, nếu không muốn nói là phải suy cho xa tính cho rộng để thay đổi đường lối đấu tranh: Không và Không nên hãnh diện hay đặt quá nhiều kỳ vọng về các cuộc thăm viếng của một ông Đại Sứ Hoa Kỳ, hay Đại diện của một phái đoàn nhân quyền đến tư gia, thậm chí tiếp xúc gặp gỡ tại một quán Cà phê. Sự thể đã xảy ra như thế thì cớ gì gọi là không nhân quyền! Điều này chẳng khác nào chính các nhà đấu tranh dân chủ đã nói giùm cho đảng cộng sản việt nam rằng: đất nước tôi rất tự do, các Ngài muốn gặp chúng tôi ở đâu cũng được!

Bẽ bàng chính là ở chổ này! Vì thế ai đã bước vào con đường đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thì nên học hỏi qua tấm gương sáng của Bà  Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Cho dù chính quyền Quân Phiệt đã cho phép đại diện của Liên Hiệp Quốc đến vấn an, nhưng Bà chỉ gặp một lần. Lần thứ hai dù phái đoàn  Liên Hiệp Quốc đứng ngoài cổng dùng loa tay gọi vào xin gặp, nhưng quản gia của bà vẫn một câu trả lời: “Nếu gặp xong rồi, khi quý vị ra về chúng tôi sẽ bị quân phiệt khủng bố”.

Sự thật có như vậy không và tại sao trả lời như vậy? Xin để các nhà đấu tranh nhân quyền suy xét. Xa hơn nữa lịch sử Việt Nam Cộng Hòa cũng từng gợi ý vào giai đoạn 1960 – 1963, khi Bắc Việt thất bại hoàn toàn tại miền Nam Việt Nam vì kế sách Ấp Chiến Lược của Cố Tổng Thổng Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Việt Cộng liền nhờ qua Đại Sứ Ấn Độ để làm trung gian với Việt Nam Cộng Hòa nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị lực lượng và tìm đối sách. Cho nên vào dịp Tết năm 1962 tại Dinh Tổng Thống đã có một cành hoa Đào và tấm thiệp ghi dòng chữ do Hồ Chí Minh ký tặng. Cố Tổng Thống Diệm thấy vậy bực mình la lớn: “Đứa mô đem đồ của thằng cha nớ vô đây?”.

Chuyện này sách sử viết chưa ráo mực. Luận từ chuyện xưa để suy ra chuyện hôm nay. Khi ngụy quyền Hà Nội đang đối diện với cao trào phản kháng của giới tri thức về vụ việc Bauxite Tây Nguyên và vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa, nếu không biết xoa dịu các thành phần tôn giáo và tri thức cũng như cựu chiến binh thì điều gì sẽ xảy ra? Nhưng chẳng lẽ ông Thủ Tướng hay Ngài Chủ Tịch phải đích thân hạ giá xuống thăm? Cho nên ngay giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của sự vụ Tây Nguyên thì đã có hàng loạt cuộc viếng thăm của Mỹ và Quốc tế đối với các nhà hoạt động nhân quyền, kể cả cuộc viếng thăm của Thủ Tướng đối với “Cụ Giáp”. Nhưng dường như các nhà đấu tranh nhân quyền hay “Cụ Giáp” vẫn được ông Thủ tướng và phái bộ ngoại giao đến thăm trả lời một câu là: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu”. Và kết quả sau các cuộc viếng thăm thì chủ trương lớn của đảng là của đảng, còn ai bị bắt thì cứ vào tù ngồi gở lịch. Sự thật là như vậy, rất mong những ai đã gặp phải trường hợp này nên nhận ra trò lừa đảo của Cộng sản Việt nam. Không nên để cho ngụy quyền Hà Nội nói với thế giới rằng “Chúng tôi không hề độc đảng và chính quyền không hề độc tài, vì đối lập với chúng tôi có nhiều Đảng phái, Mặt trận và vô số nhà bất đồng chính kiến mà quý vị đã gặp lúc nào cũng được”. Xa hơn nữa Cộng sản còn có thể trao tặng cho các phái đoàn kiểm tra nhân quyền các báo chí và hình ảnh hội họp của các đảng phái đối lập.

Nếu vậy, điều gì sẽ xảy ra? Kết quả như thế nào? Không dám kết luận. Chỉ xin gợi ý:

với hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam cũng như cách thức đấu tranh như thế thì có nên trông đợi vào tân Tổng Thống Barack Obama hay không? Tám năm là một câu chuyện dài nói hoài không hết, nhưng bốn năm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông có thể cho người ta câu trả lời là: Không! Đừng hy vọng gì về chuyện Tổng Thống Obama giúp đỡ cải thiện vấn nạn nhân quyền Việt Nam. Vì sao?

Rất có thể, Tổng Thống Obama từng đêm cũng tự hỏi chính mình là 4 năm có đủ thời gian cho ông và chính phủ giải quyết hết những khó khăn, nhất là về kinh tế đang kéo nước Mỹ xuống bờ vực thẳm. Dù rằng, sách lược của vị Tổng Thống này có vượt ra ngoài 6 khuynh hướng trong truyền thống chính trị của nước Mỹ, thì ông Obama cũng không mạnh dạn thực thi vào thời điểm này. Cho nên có thể tiên đoán rằng: xem chừng Tổng Thống Obama cũng phải lặp lại khuynh hướng chính trị tổng hợp là Thực Tế và Lý Tưởng mà cựu TT Bill Clinton đã thành công trước đây. Sự tiên đoán này quá sớm sủa nhưng có thể vững chắc khi  thấy rõ toàn bộ nội các của TT Obama được thành lập, mà phần lớn được hội tụ bởi những “công thần” của thời Bill Clinton. Đặc biệt cựu Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton đang đảm nhiệm sứ mạng Ngoại trưởng. Ngụy Quyền Hà Nội lại có dịp mừng thầm vì nhớ lại kỷ niệm của 9 năm trước, là Bà Ngoại trưởng này từng đội chiếc nón lá đi giữa phố Hà Nội và chép miệng khen hoài “Thức ăn Việt Nam quá ngon”. Giả định, chỉ giả định thôi, nếu tập hồ sơ nhân quyền của thế giới được đặt lên bàn Tổng Thống Obama để xét duyệt thì tập thứ Bảy hay thứ Tám chưa hẳn là phải tập nhân quyền của Việt Nam, vì hàng trăm ngàn sư sãi của Miến Điện xuống đường đấu tranh cho nhân quyền đã bị quân đội xả súng bắn chết, bắn chết luôn cả phóng viên người Nhật. Hay lụt lội hoành hành gây lầm than cho hàng triệu người, nhưng các tổ chức cứu trợ của quốc tế vẫn không được vào chăm sóc. Nhân Quyền và Quân Phiệt, nhưng Hoa Kỳ vẫn lặng thinh, vì có quyền lợi gì đâu mà nói. Hoặc hàng triệu người ở Sudan trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cả nước uống thức ăn, dịch bệnh lan tràn, chính phủ giết người tự do, Hoa Kỳ cũng lên tiếng tố cáo và chỉ tố cáo như Việt Nam cũng từng bị tố cáo!

Đó không phải nhân quyền sao?

So với Việt Nam trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thì còn dễ thương … lắm, vì Việt Nam cũng đã từng dùng nhân quyền để làm chiêu bài đòi hỏi trong ngoại giao, nhưng đã được Hoa Kỳ đáp ứng, và Việt Nam không lì lợm, bướng bỉnh như Bắc Triều Tiên dùng chiêu bài vũ khí nguyên tử để hù dọa Hoa Kỳ. Không như Pakistan dùng Binladen và chiến tranh khủng bố để vòi vĩnh đòi viện trợ. Và Việt Nam không như Iran xấc xược, hỗn láo với nước Mỹ. Cho nên “hóa dữ làm lành” với CSVN là mục tiêu, có thể là mục tiêu lâu dài trong chính sách đối ngoại của Tòa Bạch Ốc. Nếu chính phủ của TT Obama còn thời gian trong những năm đầu thì có chăng việc cần giải quyết là cuộc xung đột dai dẳng của Palestine và Israel sẽ được xúc tiến mà hai vị Tổng Thống tiền nhiệm đã tiến hành dang dở. Cũng như vấn đề đối nội là trên hết, nếu không muốn nói Đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ đang lặp lại lập luận của cựu Tổng Thống Bill Clinton là: “Quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ chính là trở thành Kiến trúc sư của Hòa bình thế giới”. Bằng chứng là những cuộc viếng thăm , công du của Ngoại trưởng, Phó Tổng Thống và Tổng Thống OBAMA hiện nay cũng không ngoài cố gắng cải thiện, kết giao đồng minh, hoặc dập tắt hay làm hòa dịu đi các mối xung đột khu vực vì lợi ích lâu dài như lập luận nói trên.

Căn cứ vào sự phân tích thực tế, cũng như diễn biến thực trạng của nội bộ Hoa Kỳ đang xảy ra, kèm theo những biến động trên thế giới, có thể kết luận rằng hồ sơ nhân quyền Việt Nam mà các nhà đấu tranh tại hải ngoại đã cố gắng chỉ may mắn thông qua được Hạ Viện, còn tỷ lệ khả thi tại Thượng Viện chỉ chắc đếm trên đầu ngón tay! Nếu không muốn nói đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam là đi ngược lại với quyền lợi của Hoa Kỳ trong chiến lược lâu dài của cường quốc này đối với Việt Nam.

Đặt một giả định: nếu các nhà đấu tranh nhân quyền, các dân biểu liên bang gốc Việt kết hợp với một số dân biểu gốc Mỹ thành công trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, hoặc một giả định khắt khe hơn là Việt Nam một lần nữa bị cấm vận, thì liệu ngụy quyền Hà Nội có lo sợ để thay đổi đường hướng chính trị đa nguyên đa đảng như yêu cầu của các nhà đấu tranh nhân quyền đòi hỏi? Hay sự cô lập và trừng phạt này chỉ khiến Cộng Sản Việt Nam tiếp cận gần hơn và vĩnh viễn thần phục trong quỹ đạo u tối của Trung Cộng? Cũng nên tiên liệu rằng, hiện nay Hoa Kỳ đủ tiềm lực và uy tín không để chỉ huy đồng minh cô lập hóa Việt Nam khi mà các quốc gia này đều đã và đang có đối tác thương mại với Việt Nam. Cho dù kết quả trong tương lai sẽ ra sao thì 15 kẻ ngụy quyền trong bộ chính trị Cộng sản Việt nam vẫn độc tài, bỏ mặc sinh mệnh của dân tộc và sự trường tồn của quốc gia. Đây cũng là điểm tối ưu quan trọng mà các nhà đấu tranh cần nghĩ đến khi vận dụng phương pháp ngoại giao để dân chủ hóa quê hương.

Tuy nhiên, các bình luận gia hay các nhà đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước cũng đừng nên quên rằng vì sao Chính quyền CSVN sớm được vào WTO, và CSVN sẽ làm gì để chính phủ Hoa Kỳ rốt ráo vận động quốc tế sớm cho phép họ gia nhập vào Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Biết đâu đây chính là đường hướng, là khuynh hướng đấu tranh mới mà các nhà đấu tranh dân chủ nên đề cập tới để cho quốc gia Việt Nam gần gủi với một thể chế Cộng hòa và vẹn toàn về mặt nhân quyền. Như vậy mục tiêu mới đấu tranh cần phải nói tới đó là:

GIỮ NƯỚC

Không cần lặp lại vì đã có quá nhiều lập luận đúng đắn của tầng lớp trí thức nhân sĩ yêu nước. Không hoài nghi gì nữa, lãnh thổ của quốc gia Việt Nam đang bị 15 kẻ bán nước trong Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam dâng bán cho Trung Cộng. Ngày nay khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam đã hình thành vết dầu loang trong kế sách di dân của người Tàu. Kẻ Đại Hán phương Bắc không chỉ khôn ngoan  chiếm cứ lãnh địa nước ta mà còn mở cả Viện Khổng Tử để đầu độc, mê muội văn hóa lên đầu dân tộc Việt Nam. Nguy cơ mất nước đã đến gần như thế tại sao các tổ chức, các cá nhân tranh đấu chống Cộng vẫn cứ vận dụng và hô hào đấu tranh theo một bài bản không phù hợp, không thực tiễn. Có khi những buổi hội luận, mạn đàm, những bài báo hay khẩu hiệu đấu tranh vẫn nằm trong một khuôn khổ như chính đảng Cộng sản Việt nam kêu gọi mọi người yêu nước. Những ai yêu nước xin hãy nhớ cho rằng vì sao, vì ai mà Trung Cộng đã ngang nhiên tuyên bố với thế giới về Hoàng sa và Trường Sa là của họ. Và vì sao Trung Cộng vào được Tây Nguyên để trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc phòng của Việt Nam. Trung Cộng chính là Ngụy quyền Hà Nội. Đây không phải là lúc để các tri thức , học giả hay đồng bào hải ngoại cứ bàn bạc chuyện có một tấn nhôm thì phải có bốn tấn bùn dơ, hoặc hủy hoại môi sinh, hay yêu nước theo kiểu Cộng sản Việt nam kêu gọi mà hãy nhìn kỷ ra thủ đoạn lọc lừa của Hà Nội đang kêu gọi mọi người yêu nước chống Trung Cộng nhưng không muốn tách rời chính quyền ra khỏi nhân dân. Vì vậy, các cá nhân, các tổ chức tranh đấu phải sáng suốt để không mắc mưu trò lường gạt này. Phải quyết tâm đánh thức lòng ái quốc của toàn dân trong và ngoài nước nhận ra hiểm họa của Trung Cộng là do Cộng sản Việt nam gây nên. Vì thế tại hải ngoại cần phải khởi động một cuộc đấu tranh Giữ Nước. Tất cả những yếu tố về sự dâng bán Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Tây Nguyên rất đủ sự thuyết phục mọi người đứng lên để tách rời một chính quyền bán nước ra khỏi nhân dân. Phải, đảng Cộng sản Việt nam cho rằng họ đang lãnh đạo nhân dân, nhưng họ đang bán nước cho Trung Cộng thì không nên duy trì thể chế này. Việc đồng bào trong nước đứng lên đấu tranh giữ nước thì cũng là bổn phận của một công dân mà Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ấn định về quyền dân sự và chính trị là: Nhân dân làm chủ. Xa hơn nữa cuộc đấu tranh ôn hòa này sẽ được các giới Hành Pháp của Hòa Kỳ ủng hộ, bởi chính họ đang đi tìm đồng minh, đang đi tìm thị trường để giải quyết nền kinh tế sút giảm hiện tại. Việc Hoa Kỳ đang di chuyển Không Lực tối tân về vùng biển đông, đó là dấu hiệu họ sẽ không bao giờ chịu rời bỏ vùng Thủy lộ quan trọng này. Nếu không muốn nói họ muốn mật thiết với Việt Nam hơn, một quốc gia có nhiều bằng chứng pháp lý hơn các quốc gia khác có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế hơn để đồng bào Việt Nam đấu tranh yên tâm là sẽ khó có cuộc chiến tranh bạo lực khi chống lại hiểm họa Trung Cộng vì Trung Cộng biết rằng . ngày nay nhân loại đang sống trong thế giới phẳng nên chuyện dùng bạo lực để cưỡng chiếm một nước khác là điều phi lý. Vì vậy họ đã khôn khéo mua chuộc lãnh đạo để Hán hóa Việt Nam. Nếu họ làm được cách này thì tại sao người dân Việt Nam không chống cự lại họ bằng một thái độ ôn hòa như thế, nghĩa là nếu Trung Cộng muốn quan hệ với Việt Nam thì phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền lợi của người dân việt nam, bằng không đồng bào Việt Nam thay thế đảng Cộng sản Việt nam cắt đứt quan hệ với Trung Cộng bằng một cuộc đấu tranh ôn hòa.

Chiêm nghiệm lại những cuộc biểu tình của đồng bào hải ngoại đã có không ít những yếu ớt đang còn tồn tại trong khuynh hướng và đường lối đấu tranh. Một câu khẩu hiệu rằng “Hoàng Sa – Trường Sa Là Của Việt Nam”. Câu này chẳng khác dân mình tự nói với chính dân mình. Ai không biết Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam! Nếu muốn thế giới biết thì cả hành tinh này đã biết rồi vì năm 1974 Trung Cộng đã đánh chiếm hai quần đảo này với Việt Nam Cộng Hòa. Cho nên cần phải đánh trúng vào “Tử Huyệt” của đảng cộng sản Việt Nam và Trung Cộng là bằng cách hô hào mọi người nên cắt đứt mối quan hệ bất chính này. Vì còn quan hệ với Trung Cộng là còn mất lãnh thổ, còn hiểm họa Hán hóa. Với khuynh hướng đấu tranh này nghĩa là bắt đảng Cộng sản Việt nam đứng trước một chọn lựa, một thử thách với quan thầy Bắc Kinh, và đó cũng là cách bắt họ phải chịu trách nhiệm với những lỗi lầm mà chính họ đã gây ra. Không tin rằng 15 kẻ bán nước trong bộ chính trị cộng sản cuối cùng phải chọn con đường như Hoàng Văn Hoan xin qua Trung Quốc tỵ nạn vào năm 1979.

Vì thế xin hãy thay đổi về đường lối và khuynh hướng đấu tranh mới mà cục diện chính trị của quan hệ hai siêu cường quốc là Hoa Kỳ và Trung Cộng liên quan đến nội tình chính trị Việt Nam đang mở ra. Không nên dùng các khẩu hiệu mang tính tự chủ hay phòng thủ để bà con mất công hô hào, trong khi các nhân viên của tòa Đại Sứ Việt Cộng và Trung Cộng ngồi bên trong uống bia nhìn ra và nhếch mép cười trừ. Đây là lúc dùng thế Công chứ không phải Thủ. Dân Việt Nam thủ phận trong thế phòng thủ quá lâu rồi, đừng để thời cơ đi qua để một ngày không xa. Các nhà đấu tranh hải ngoại mỏi gối chân chùn khi về thăm quê hương, và thấy người Tàu ngồi trên chiếc xích lô và con dân Việt oằn vai kéo xe như súc vật. Và cũng đừng để viễn ảnh của hàng chục chị em phụ nữ phải trần truồng để cho một lão “Tàu Khựa” ngắm nhìn rồi chọn một người làm nô lệ. Tất cả rất có thể xảy ra trong tương lai gần nếu các nhà đấu tranh không nắm bắt hết mọi vấn đề, và viễn ảnh đó chính là nhân quyền mà quý vị đang tranh đấu. Nhưng khi nước nhà Việt Nam đã mất vào tay Đại Hán thì Nhân Quyền sẽ tồi tệ ra sao?

Đôi lời mạo muội phân tích như trên, chắc hẳn không ít thì nhiều đã tạo cho các nhà đấu tranh nhân quyền phải suy luận về một giải pháp chính trị cho quê hương. Tuy nhiên xin ca ngợi lòng quả cảm và nhiệt thành của quý vị đã cống hiến cho sự nghiệp chung. Xin chia sẽ với ai đang còn lao khổ trong song sắt nhà tù. Tin rằng chính nghĩa đấu tranh sẽ thuộc về Quý Vị. Chỉ xét rằng tình hình quê hương đất nước Việt Nam đang cấp thiết báo động lòng ái quốc. Cho nên xin nhắn gởi đôi lời tự thân của một kẻ đã từng thất bại trên con đường đấu tranh nhân quyền cho quê hương, từng bị đứng trước vành móng ngựa của Cộng sản Việt nam và bị lưu dày trong suốt thập niên 80-90, qua các trại tù (cải tạo) Đồng Sơn (Quảng Bình) và Bình Điền (Tây Nam Huế). Ước nguyện rằng sự thất bại của chính mình sẽ là viên gạch nhỏ để cho lớp người đi sau có nhiều kinh nghiệm hơn, thành công hơn nhằm mở ra một sinh lộ cho vận mệnh của Quốc Gia- Dân Tộc Việt Nam.

Kết thúc bài này xin trân trọng nhắn gởi đến các nhà đấu tranh dân chủ – nhân quyền rằng: hãy đặt sự trường tồn của Tổ Quốc lên tối thượng và sinh mệnh của Dân tộc lên trên danh tánh cá nhân – đảng phái và tôn giáo của mình.

·      Việc đấu tranh nhân quyền và những cố gắng đưa Việt Nam vào danh sách CPC có thể giải thể chế độ cộng sản được không?

·      Nên nhờ Hoa Kỳ áp lực Hà Nội trên mặt nhân quyền, hay tạo cho Hoa Kỳ gần Hà Nội hơn. Lợi hay hại cho Việt Nam hiện nay?

Cũng cùng một Tác giả, xin gởi dòng suy luận này đến với độc giả trong bài báo kỳ tới dưới tựa đề: VIỆT NAM VÀ ÔNG ĐẠI SỨ.

Trân trọng cảm ơn đọc giả và kính mời quý vị tham luận trong tình thân ái Việt Nam.

Kính chào
Nguyễn Duy Thành
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 961 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 516
Khách: 516
Thành Viên: 0