Thứ Ba, 2024-11-05, 8:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 14 » Ngư dân tuyệt vọng, bỏ tàu lên bờ
6:16 PM
Ngư dân tuyệt vọng, bỏ tàu lên bờ
2009-06-13

Ngư dân Việt Nam cũng như gia đình họ sinh sống ra sao sau ngày 16 tháng 5, thời điểm chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá tại một số khu vực mà Trung Quốc tự nhận là vùng đặc quyền kinh tế của mình?

AFP photo

Ngư dân VN dù đang trong mùa khai thác, nhưng phải nằm bờ do lệnh cấm mà phía Trung Quốc đưa ra hồi tháng năm vừa qua

Phóng viên Trân Văn của Ban Việt ngữ đã hỏi thăm một số gia đình ngư dân ở miền Trung để tìm câu trả lời. Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật.

Giữa tháng 5 vừa qua, Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh cá tại một số khu vực mà họ tự nhận là vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Đông.

Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8, trong phạm vi 128.000 km2, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông đang như thế nào sau lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc? Bà Võ Thị Thịnh, vợ ông Trần Phát, chủ một tàu đánh cá ở huyện Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, kể:“Ở ngoài đảo Hoàng Sa đâu có tàu mình, toàn là tàu Trung Quốc không đấy!”

Lo âu, căng thẳng

Việc các tàu tuần tra của Trung Quốc ngăn chặn hoạt động kiếm sống của ngư dân Việt Nam, ngay tại các ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam đang gieo rắc âu lo, căng thẳng cho cả ngư dân lẫn gia đình họ. Bà Lương Thị Hoa, vợ ông Thái Đình Long, thuyền trưởng một tàu đánh cá ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, thuật lại tâm trạng của cả chồng bà lẫn bà:

Ở ngoài đảo Hoàng Sa đâu có tàu mình, toàn là tàu Trung Quốc không đấy!

Bà Võ Thị Thịnh

“Nói chung làm ăn mà nghe Trung Quốc bắt thì phải lo. Có một nỗi lo đó đó. Bữa ni làm thì tổn phí nhiều mà mỗi đợt đi ra lại nghe Trung Quốc dí. Mấy đợt đi mực, có một ít trên tàu cũng sợ mất. Mấy bữa nay đi, có vài ba tấn, kiếm phí tổn được rồi nhưng mà nghe Trung Quốc tới ổng sảng, ổng sợ, ổng lo. Điện về ở nhà cũng lo, ăn không được, ngủ không được. Bởi làm ăn khổ! Nhiều người thấy thế nên nghỉ, bán hết trơn. Thấy làm ăn khó khăn quá nên họ lần lượt bán hết trơn. Ở đây mười người, mười chiếc thì họ bán hơn một nửa rồi. Họ bán họ làm nghề khác, xin việc khác họ làm. Nhà đây thì ảnh làm biển hồi mô tới chừ, hồi nhỏ tới chừ! Chừ nghe thấy làm càng ngày càng khó! Chuyến vừa rồi ảnh kể là làm ngoài nớ thấy Trung Quốc chạy ngang nó lấy một chiếc đó. Chiếc ở miền trong. Nó bủa lên lấy hết năm sáu tấn cá luôn. Ảnh kêu chạy ngang sợ dễ sợ, chạy tránh chỗ khác. Bởi làm ăn mà thấy Trung Quốc sợ gớm lắm! Nhiều hồi ở trên tàu mà sợ nó qua lấy cá, lấy dầu, lấy đồ…”

Phản ứng của Hà Nội

Trong khi các tàu tuần tra của Trung Quốc tung hoành ngang dọc trên biển của Việt Nam, quấy nhiễu ngư dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam hành xử thế nào?

Hồi đầu tháng 6, Thông tấn xã Việt Nam loan báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “giao thiệp” với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để “đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam”, cho dù bộ này xác định, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt, phạt những tàu đánh cá của Việt Nam tại “những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông”.

Ít ngày sau, ông Tần Cương, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển lân cận”. Lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc được cho là “những biện pháp thông thường để bảo vệ nguồn lợi biển của Trung Quốc trong lãnh hải của Trung Quốc”.

Sau những tuyên bố đó của Trung Quốc, chưa thấy chính quyền Việt Nam phản ứng trở lại.

Phá sản phải đổi nghề

Trong bối cảnh đó, tương lai của hàng triệu con người bám biển, sống nhờ biển ra sao? Bà Lương Thị Hoa tâm sự:

“Lo chứ! Mấy kỳ ảnh đi mực lâu ghê lắm. Ghe ni vừa rồi năm ngoái cũng bị nó chặn lấy đồ nhưng lấy không được vì mình chạy đấy chứ! Thoát một lần chừ mình đổi nghề rồi. Chừ ảnh đánh lưới quây đánh cá đó! Đổi nghề nhiều lắm, đổi mấy chục chiếc lận. Nói chung là họ nghỉ cũng nhiều. Chừ bữa ni còn cỡ hai, ba chục! Tàu hồi đó có cỡ cả trăm đó chứ nhưng họ bán sạch. Làm thấy không ra chi nên họ bán. Thu nhập lúc này khó khăn. Nói chung là mười chiếc chỉ có hai chiếc đạt. Còn tám chiếc xàm xài (tạm tạm), kiếm ăn qua ngày thôi.”

Mấy bữa nay đi, có vài ba tấn, kiếm phí tổn được rồi nhưng mà nghe Trung Quốc tới ổng sảng, ổng sợ, ổng lo. Điện về ở nhà cũng lo, ăn không được, ngủ không được.

Bà Lương Thị Hoa

Cũng vì vậy, trên số báo ra ngày 9 tháng 6, tờ Sài Gòn Tiếp Thị tường thuật: “Hai tháng gần đây, có khoảng 30.000 người thi nhau quần nát bờ biển Quảng Ngãi. Không ít người là ngư dân bị nước ngoài tịch thu tàu dẫn đến phá sản, bên cạnh đó là những ngư dân không dám ra khơi do lệnh cấm biển”.

Một thiếu nữ ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kể thêm về chuyện đổi nghề ở quê của cô:

“Đi biển… họ đi lâu lắm! Họ đi cả tháng mới về, có hồi vô không, lỗ luôn, lỗ “tổn” (vốn). Rong biển thì họ đi gần đây. Đi làm cái đó cực lắm, mỗi ngày, mỗi người kiếm được năm, bảy chục.”

Dã tâm mua rong của TQ

Theo mô tả của tờ Sài Gòn Tiếp Thị, do quá đông người cùng săn rong biển, vốn mọc từ những rạn san hô, nên rong biển bị bứt ngay từ lúc còn non. Mỗi nhánh rong bị bứt thường làm nát vài cụm san hô, khiến cho nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài sinh vật biển bị hủy diệt.

Bà Võ Thị Thịnh phân trần: “Cá rẻ quá nên bây giờ họ đi vớt rong về bán. Cá rẻ lắm! Đi về có hồi không đủ phí tổn.”

Trân Văn: Số người đi vớt rong có đông không chị?

Bà Võ Thị Thịnh: Đông!

Trân Văn: Thi nhau vớt như vậy, cá không còn chỗ trú rồi biển của mình hết cá thì sao?

Bà Võ Thị Thịnh: Bây giờ cái gì làm có tiền thì họ làm chứ dân mà, biết làm sao! Biết là giờ mà mình cắt rong biển thì không có cá mà phải làm. Đi ngoài khơi cũng không có cá mà ra thì gặp Trung Quốc nó bắt, nó phạt cũng không có tiền chuộc nữa.

Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng lại đặt mua rong biển không hạn chế. Đây là lý do khiến ông Nguyễn Tư, Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, than với tờ Sài Gòn Tiếp Thị: Sao giống chuyện họ hỏi mua rễ cây hồi, móng trâu bò mấy năm trước quá. Trung Quốc mà mua thêm rong biển thì vài năm nữa, biển ở Quảng Ngãi chắc chỉ còn nước với cát!

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 755 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 541
Khách: 541
Thành Viên: 0