Thứ Sáu, 2024-11-22, 3:23 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 18 » LS Lê Công Định tính kiện Trung Quốc cấm đánh cá biển Đông nên bị bắt?
11:22 AM
LS Lê Công Định tính kiện Trung Quốc cấm đánh cá biển Đông nên bị bắt?

HÀ NỘI – Luật sư Lê Công Định tính kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã ngang ngược cấm ngư dân Việt đánh cá trên vùng biển của nước mình nên đã bị bắt? LS Lê Quốc Quân cho hay như vậy trong một bài viết gửi tới đài BBC vào lúc chính phủ Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Đan Mạch và Hiệp hội báo chí Đông Nam Á phản đối hành động bắt giữ ông Định.

Nếu điều ông Quân nêu ra là đúng thì những gì tướng Công an Vũ Hải Triều nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 13/6/09 chỉ là cái bình phong che dấu lý do thầm kín của CSVN.

 
Nông Đức Mạnh tiếp Lý Nguyên Triều vào ngày bắt
Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn
Vào ngày bắt Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn, tổng bí thư đảng CSVN, Nông Đức Mạnh, “tiếp thân mật Ðoàn đại biểu Ðảng CS Trung Quốc” do “Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam”.

Báo Nhân Dân, tường thuật cuộc tiếp khách này rằng Nông Đức Mạnh “nhiệt liệt chào mừng Ðoàn thăm Việt Nam; nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam lần này của Ðoàn thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước, là biểu hiện sinh động của việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc; đánh giá cao việc hai nước hợp tác có hiệu quả ở các cấp, các ngành, các tổ chức nhân dân, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới.”

Dịp này, theo báo Nhân Dân, Nông Đức Mạnh “khẳng định Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước.”

Những lời lẽ ca ngợi nguyên tắc bang giao dựa trên “16 chữ vàng và 4 tốt” được ông Mạnh đưa ra vào lúc Trung quốc đem 8 chiếc tàu tuần nguỵ trang làm tàu kiểm ngư tới biển Đông cấm đánh cá cả trên vùng biển của Việt Nam. Tháng trước đó, Trung quốc cũng đã phủ nhận hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam nộp chung với Mã Lai tại LHQ.

Báo chí ở Việt Nam đăng tài một số bản tin cho thấy ngư dân Việt Nam điêu đứng vì cái lệnh cấm đánh cá quái ác của Trung quốc vào mùa đánh cá chính, khiến cho họ khốn đốn. Một số ngư dân cũng tiết lộ cho thấy tàu tuần Trung quốc ngang nhiên bắt giữ, đâm tàu ngư dân Việt, thậm chí bắn giết ngư dân Việt ngay trên vùng biển Việt Nam. Dù vậy, người ta không hề thấy nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra lời phản đối mà thỉnh thoảng chỉ thấy cử đại diện sang đảo Hải Nam lãnh ngư dân bị bắt, hay lãnh xác ngư dân bị tàu Trung quốc bắn, trở về.

“Là luật sư từng bảo vệ cho vụ cá ba sa Việt Nam, anh Định đã cùng tôi bàn thảo nhiều đến việc khởi kiện Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa án quốc tế vì lệnh cấm đánh bắt này ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân Việt Nam.Nếu đó là một lý do thì quốc gia đang có biến và tôi rất vinh dự bị bắt cùng!” LS Lê Quốc Quân viết trong một bài phổ biến trên BBC ngày 16/6/2009.

Lời tiết lộ của ông Quân có thể dẫn tới suy luận và giải thích về lý do tại sao chế độ Hà Nội lại phải “bắt khẩn cấp” LS Lê Công Định ở Sài Gòn và tướng công an Vũ Hải Triều vội vã họp báo ở Hà Nội ngay sau đó.

“Nếu LS Lê Công Định kiện Trung quốc ra toà án quốc tế thì sẽ rất kẹt cho đảng và nhà nứơc CSVN với Trung quốc” không những về mặt ngoại giao mà còn ở trong cái thế chư hầu của Trung quốc không được phép chống “thiên triều”, một người đấu tranh dân chủ dấu tên nói với báo Người Việt.

Tuy hiến pháp, luật lệ CSVN nói công dân được bảo mật thư tín, điện thoại, nhưng Công an CSVN đã ngang nhiên đọc trộm thư, nghe lén điện thoại, xem hay nghe lén các trao đổi giữa những người tham gia đấu tranh vận động dân chủ hoá Việt Nam hoặc những người có tư tưởng, ý kiến chính trị xã hội khác với chủ trương của đảng và nhà nứơc CSVN.

Luật sư Lê Công Định từng tham gia bênh vực cho Hiệp Hội chế biến và xuất cảng cá Việt Nam bị Hiệp Hội Nuôi Cá Catfish Mỹ kiện. Ông cũng tham gia bênh vực Hội Da Giày Việt Nam chống lại vụ kiện của Liên Âu. Từ 2005 đến 2007, tờ Tuổi Trẻ thường phỏng vấn ông mỗi khi có đề tài liên quan đến pháp lý, coi ông như một chuyên gia đáng tin cậy để dẫn ý kiến hay lời bình luận của người chuyên gia khả tín.

Báo điện tử Tuổi Trẻ còn giữ một số những bài này nhưng bài mà LS Định viết về đề tài “Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu” ngày 25/2/2006 và một số bài khác thì đã bị báo này gỡ bỏ. Trong bài viết này ông nói “Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”

Trong ngày Thứ Ba 16/6/09 “Tòa Đại Sứ Thụy Điển tại Hà Nội vừa cho biết họ rất quan tâm và lo lắng cho Luật sư Lê Công Định” theo bản tin phổ biến trên web www.freelecongdinh.com mới được thành lập. Nguồn tin này cho biết “Đại Sứ Thụy Điển cùng với nhiều Đại Sứ khác trong Khối Liên Hiệp Âu Châu (European Union) đã chính thức nêu vấn đề, trong buổi họp trao đổi về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Một lá thư của hai tòa Đại sứ Thụy Điển và Đan Mạch đã được gửi cấp tốc đến Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để phản đối việc bắt giữ Luật Sư Lê Công Định”.

Đồng thời, vẫn theo nguồn tin này, “Tổ chức Liên Minh Báo Giới Đông Nam Á (the South East Asian Press Alliance – SEAPA) đã khởi động chiến dịch viết thư phản đối nhà nước Việt Nam bắt giữ Luật Sư Lê Công Định vào ngày 13 tháng 6 vừa qua.” Tổ chức này kêu gọi viết thư “gửi đến các toà đại sứ, lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia bạn đang cư ngụ, cùng lúc gửi đến Bộ Tư Pháp Việt Nam, văn phòng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” để đòi trả tự do cho luật sư Lê Công Định. Đồng thời đòi “Đảm bảo sự minh bạch trước tòa với các chứng cứ cụ thể trong các cáo buộc quy tội”“Cho phép bị cáo được quyền có luật sự biện hộ và do chính bị cáo được quyền chọn người đại diện pháp lý của mình”.

Ngày 15/6/09 trước đó, toà đại sứ Mỹ cũng đã chính thức gửi thư phản đối chế độ Hà Nội tắt giam LS Định.

Trước việc luật sư Lê Công Định bị bắt giam khẩn cấp về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, đài RFA phỏng vấn một thanh niên tên Trung ở Sài Gòn và anh nói rằng: “Những ai mà lên tiếng nói hay những ai làm cái gì có lợi cho đất nước, có lợi cho dân tộc thì đảng Cộng Sản đều qui vào cái tội là vi phạm điều 88 bộ luật hình sự là quấy phá nhà nước hay là điều 258 luật hình sự là lợi dụng quyền tự do dân chủ. Luật sư Lê Công Định là một người trí thức mà nói lên tiếng nói như vậy thì đảng Cộng sản rất là sợ. Họ sợ những người trí thức vì trí thức là một đầu tàu cho những thành phần khác đứng lên”.

Cô Trang Nhung, hiện đang sinh sống tại Hà Nội thì nói với RFA: “Chính quyền cáo buộc cho luật sư Lê Công Định vi phạm điều 88 là đã hình sự hóa, phỉ mạ cái việc làm của anh. Từ trước đến nay thì chính quyền vẫn dùng điều luật này để cáo buộc những ai có quan điểm khác với chính quyền, chắng hạn như blogger Điếu Cày, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân… nói chung là những người bất đồng chính kiến đều có khả năng bị qui vào tội ấy”.

Một cư dân khác của thành phố Sài Gòn, tên Quốc, thì nói với đài RFA:“Tội tuyên truyền chống phá nhà nước thì chỉ có nhà nước kỳ lạ như Việt Nam đây mới có điều luật ấy. Tôi thấy ở các nước khác chỉ có tội phản bội quốc gia. Các chính sách thì cần sự phản biện, chính ông Nông Đức Mạnh đã từng cho, tức là đã từng nói rằng cần nuôi dưỡng cái kênh phản biện bởi phản biện là cần thiết. Cần thiết cho bất cứ một cơ chế nào”.

Nguồn: Người Việt Online


LS Lê Quốc Quân nói về đồng nghiệp

Luật sư Lê Quốc Quân Gửi tới BBC từ Hà Nôi

Luật sư Lê Công Định vừa gặp nạn. Là một người cùng chí hướng, đồng nghiệp và là một người bạn, tôi muốn viết đôi dòng về anh và tự chịu trách nhiệm cá nhân về những gì mình viết.

Những câu chuyện giữa tôi và luật sư Lê Công Định thì không còn bí mật để, nếu như viết ra, cơ quan an ninh thậm chí có thể lấy đó như là một bằng chứng chống lại anh ấy.

Ngược lại, tôi tin rằng cơ quan an ninh cần trả tự do cho luật sư Định.

Một luật sư yêu nước!

Tôi biết luật sư Định vào cuối năm 2002, khi đó anh đã có một bài viết trên Tuổi Trẻ về vụ Năm Cam.

Chúng tôi tìm đến nhau vì cùng phẫn nộ trước một "liên minh ma quỷ". Một tay xã hội đen vô học đã có được thứ trưởng Bộ Công an và giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, có cả súng và loa.

Lần đầu gặp, thấy anh hao hao giống Tây và phát âm rất chuẩn tiếng Pháp, tôi hỏi rằng: "Anh có tí máu nào từ quê hương của Montesquieu không?

Định bảo: "Không, tôi 100% Việt Nam".

Tự hào về dân tộc, yêu quê hương giống nòi Việt Nam là cảm nhận đầu tiên của tôi đối với luật sư Định!

Chúng tôi chia sẻ với nhau về dân tộc, về nỗi đau trước sự vô cảm trước bất công, sự bế tắc của cơ cấu nhà nước không có tam quyền phân lập, mâu thuẫn không thể dung hòa giữa cơ chế thị trường và định hướng XHCN.

Chúng tôi cho rằng các luật sư cần phải chung tay với tất cả mọi người xây dựng một Việt Nam phát triển và tiến bộ.

Một luật sư giỏi và đúng mực

Chính Bộ Tư pháp phải thừa nhận rằng trong gần 4.000 luật sư toàn quốc, những người có khả năng tranh tụng và tư vấn quốc tế như luật sư Định là đếm trên đầu ngón tay.

Là một chuyên gia về luật thương mại quốc tế , đã từng du học ở Pháp, Mỹ, anh Định từ chối những cơ hội làm việc và bỏ lại đề tài tiến sỹ dở dang tại Mỹ để về phục vụ quê hương.

Anh tham gia nhiều vụ kiện lớn cho Việt Nam như cá tra-ba sa và vụ kiện Da giày với Liên minh châu Âu.

Ở trong bất cứ cuộc đấu trí nào trên bàn nghị sự với các luật sư đối phương, anh kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia từng li từng tí một.

Ngoài ra hiện nay anh còn là Tổng thư ký của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), giải quyết rất nhiều tranh chấp quan trọng trong quá trình hội nhập, có được niềm tin của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Trong các bài viết của mình, anh luôn giữ một thái độ ôn hòa nhưng kiên quyết, đúng huyệt nhưng khoan dung.

Nhiều bài viết của anh đăng trên các báo trong nước như Tuổi Trẻ, Tia Sáng, Doanh nhân Sài Gòn... nhưng BBC là nơi anh yêu thích nhất.

Anh là người đầu tiên sẵn sàng đứng ra bào chữa miễn phí cho tôi khi bị bắt giữ.

Dù không có cơ hội đó, nhưng những gì anh đã làm cho luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và blogger Điếu Cày đã nói lên tình yêu của anh với pháp luật, sự tha thiết của anh với vấn đề công lý và dân chủ.

Những lời cố vấn, động viên của anh trong suốt thời gian tôi bị giam cầm là nguồn an ủi và khích lệ rất lớn lao cho gia đình tôi.

Tình cảm đó vợ tôi, mẹ tôi không bao giờ quên.

Bắt để làm gì?

Khi còn là phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, LS Định đã chấp bút nhiều tài liệu quan trọng, đặc biệt là văn bản lên án Quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc.

Ngoài ra anh cùng luật sư Nguyễn Đăng Trừng kiên quyết phản đối chiến dịch "cài người" vào Liên đoàn Luật sư Quốc gia Việt Nam nhằm khống chế và định hướng cho tổ chức nghề nghiệp này.

Với tư cách đại biểu Quốc hội, luật sư Nguyễn Đăng Trừng hiện đang cùng nhiều đại biểu khác làm nóng hội trường bằng những câu hỏi chất vấn về bauxite, lãnh thổ và lãnh hải.

Có thể một trong những mục đích của việc bắt giữ là để "xé" quan hệ với Mỹ và Phương Tây đang còn manh nha được phục hồi.

Con ngáo ộp - "Thế lực thù địch" lại được đưa ra để hù dọa mọi người .

Là luật sư từng bảo vệ cho vụ cá ba sa Việt Nam, anh Định đã cùng tôi bàn thảo nhiều đến việc khởi kiện Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa án quốc tế vì lệnh cấm đánh bắt này ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân Việt Nam.

Nếu đó là một lý do thì quốc gia đang có biến và tôi rất vinh dự bị bắt cùng!

Có một thông tin cho báo chí rằng luật sư Định là người đầu tiên thông báo cho tôi Nguyễn Đức Chi bị bắt vào năm 2005.

Các báo hồi đó chạy hàng loạt tít lớn "siêu lừa" với những cáo buộc nặng nề.

Sau hơn 4 năm tạm giam và qua 2 lần xét xử, tòa án tuyên Nguyễn Đức Chi không lừa đảo.

Bởi vậy, dù chỉ có một ông Tổng biên tập của 700 tờ báo, những đòi buộc về sự khách quan và tôn trọng phẩm giá cần phải được các nhà báo đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này.

Hãy trả tự do!

Trong nhiều bài bào chữa của mình, luật sư Định đã hỏi: "Yêu nước có phải là tội không?"

Hôm nay câu hỏi đó lại day dứt trong tim nhiều người. Cá nhân tôi cho rằng luật sư Định là người yêu nước và không vi phạm pháp luật.

Anh đã bị bắt vì chính lòng yêu nước và nhiệt huyết đấu tranh của mình.

Anh có cao vọng cá nhân và tin rằng chỉ khi có những vị trí nhất định mới đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Đó là một hoài bão đẹp.

Nếu ai đó đã từng "nhạo báng công lý" để bắt rồi thả ông Nguyễn Việt Tiến ra, thì hôm nay nên tôn trọng công lý mà trả lại tự do cho luật sư Lê Công Định.

Nếu ai đó chưa từng gặp và trao đổi trực tiếp với luật sư về đất nước, thì hy vọng đây sẽ là dịp làm rõ tinh thần trong sáng của anh, thay đổi "não trạng" mà có quyết định sáng suốt để trả tự do cho anh.

Nếu ai đó đang vì quyền lợi riêng tư của một nhóm nào, một tập đoàn nào đó thì đã đến lúc hãy bình tâm đặt Tổ quốc lên trên hết, lắng nghe tiếng xôn xao của dư luận, tiếng thì thầm của quần chúng và khát vọng cống hiến chính đáng của công dân ưu tú của mình.

Hãy trả tự do cho luật sư Định!

Tôi gọi điện cho Ngọc Khánh.

Là vợ, chị luôn tin rằng những điều anh ấy làm là tốt đẹp cho đất nước.

Là cử nhân luật, chị quả quyết rằng chồng mình không vi phạm pháp luật.

Là Hoa hậu với những quan hệ xã hội rộng lớn, chị tin rằng công lý sẽ giải thoát anh khỏi gông cùm.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến hiện sống ở Hà Nội. Ông Quân từng bị giam 100 ngày sau khi du học tại Hoa Kỳ về nước và được thả hồi tháng 7-2007.

Nguồn: BBCVietnamese.com
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 863 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 22
Khách: 22
Thành Viên: 0