Dongsongxanh
Trong thời đại toàn cầu
hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, không một thực thể kinh tế nào có
thể đứng độc lập và tách khỏi xu hướng chi phối ràng buộc lẫn nhau. Việt Nam đã buộc phải mở cửa hội nhập và bước đầu tham gia vào sân
chơi toàn cầu. Tuy nhiên, cung cách quản lý, vận hành nền kinh tế và thị trường
chứng khoán của ba Dũng và Sinh Hùng thời gian qua cho chúng ta nhiều điều suy
ngẫm.
Ngày hôm nay,
Dongsongxanh chỉ để cập tới những biểu hiện bất bình thường của thị trường
chứng khoán hiện nay và thông qua đó nói lên thực chất sức khỏe của nền kinh tế
chúng ta đang ở mức độ nào.
Thế giới chính thức bước
vào cơn đại suy thoái kinh tế từ giữa năm 2008 sau những cơn sốt nóng về dầu
lửa, chứng khoán, bất động sản. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi
liên tiếp trước đó giá nhà đất tăng đến mức chóng mặt và thị trường chứng khoán
tăng điểm ào ạt từ mức 700 điểm lên tới hơn 1200 điểm chỉ trong thời gian ngắn
như bài Khủng hoảng kinh tế và thời cơ vàng tôi viết trước đây. Chỉ số PE của thị
trường chứng khoán Việt Nam cao tới nỗi khiến không chỉ những người bình thường
vốn không có nhiều kiến thức và chuyên môn về lĩnh vực này gom góp tiền bạc,
của nả dành dụm, thậm chí đi vay để lao vào trò chơi may rủi mà nó còn được hà
hơi tiếp sức bởi những lời “khích lệ” đầy phấn khởi của các chuyên gia trong ngành,
các “con buôn” chứng khoán và thậm chí là các quan chức Chính phủ. Hãy nhìn xem
ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng phát biểu năm trước: “nếu có tiền tôi
sẽ đầu tư vào chứng khoán”. Chưa cần biết ông Hùng có đầu tư thật hay
không, nhưng sau lời phát biểu “trấn an” đó của ông, thị trường không thêm nổi
niềm tin, thậm chí còn quay ngoắt 180 độ để lao dốc không phanh. Tới nay, hôm 13/6/2009 tại diễn đàn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, trong phiên
trả lời chất vấn của ĐBQH, ông Hùng vẫn mạnh miệng tuyên bố rằng: “nếu tôi
đầu tư khi đó thì tới lúc này đã khá đấy”. Thật may mắn cho ông Hùng khi
đã không dại dột mạo hiểm đầu tư “dài hạn” như những gì ông thốt ra trước công
luận. Vậy là chúng ta đã hiểu câu chuyện thật sự của nó tới đâu rồi. Nếu thực
tế đúng như những gì ông nói thì ông đã giàu to chứ không phải như bây giờ ông
vẫn tuyên bố. Nhưng quả thật cũng đã lắm kẻ giàu to chứ không đùa, nhưng cái đó
chúng ta sẽ nói ở phần sau.
Trong mỗi cơn khủng
hoảng, bên cạnh sự rủi ro, thiệt hại là những thách thức và cơ hội mới mà nếu
ai khôn ngoan tận dụng được sẽ nhanh chóng bật lên giành chiến thắng. Ở cấp độ
quốc gia, đó chính là cơ hội để chúng ta cải tổ lại hệ thống kinh tế và chính
trị yếu kém hiện nay. Xin không bàn về chính trị trong bài viết này, chỉ đơn thuần
đề cập tới vấn đề kinh tế. Như chúng ta biết, nước Mỹ giàu có và hùng mạnh cũng
không tránh khỏi những tác động của cơn khủng hoảng. Hàng loạt ngân hàng và tập
đoàn kinh tế lớn đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Khi chính phủ Mỹ nhận thấy
rằng nếu tiếp tục dồn tiền của để duy trì những tập đoàn này sống lay lắt mà
không có lợi ích gì, thậm chí tạo thêm gánh nặng cho xã hội thì đã dứt khoát
bác đi quyền sống đó. Thông qua động thái này nhằm tiến hành cải tổ nền kinh tế
và tổ chức lại hệ thống sản xuất kinh doanh với mục tiêu phát triển cao hơn
trước. Do vậy, dễ dàng thấy các định chế tài chính lớn như Lehman Brothers,
Merrill Lynch, Morgan Stanley, Goldman Sachs, Bear Stearns, Washington Mutual,
AIG ...hay tập đoàn sản xuất xe hơi GM phải chấp nhận phá sản, sáp nhập hoặc
cải tổ lại bộ máy hoạt động của mình. Đây có thể là những biện pháp không được
lòng các vị chủ tịch các tập đoàn, nhưng nó lại rất được lòng dân chúng, và
quan trọng hơn hết đó là những hành động sáng suốt, kịp thời của chính quyền
tân Tổng thống Barack Obama vừa qua khi dứt khoát nói không với những đề xuất
cứu trợ tài chính từ phía GM. Người Mỹ đã nhìn xa trông rộng và cực kỳ thông
minh khi chấp nhận mổ xẻ một vết thương nhỏ có khả năng hoại tử để cứu một cơ
thể lớn phát triển khỏe mạnh.
Quay trở lại với Việt Nam, chúng ta chưa hề được thấy một tập đoàn nhà nước nào phải
tuyên bố phá sản hoặc có ý định phá sản trong thời gian vừa qua. Việt Nam làm ăn giỏi quá chăng, các tập đoàn này có nguồn vốn dồi
dào để vượt qua chăng? Hoàn toàn không phải vậy, sự tồn tại trong thoi thóp
hiện nay của các tập đoàn kinh tế nhà nước đơn thuần chỉ dựa vào sự cung cấp
tài chính từ chính phủ cũng như bó hẹp hoạt động trong phạm vi sân nhà mà thôi.
Cái gói kích cầu kinh tế kia thực chất đã được dùng vào việc vực dậy các tập
đoàn ăn hại này tồn tại được ngày nào hay ngày đó. Nhưng liệu các doanh nghiệp
này có sống dựa mãi được vào ngân sách nhà nước hay không? Khi tiền hết thì mỗi
lương duyên tốt đẹp này e rằng phải sớm nói lời chia tay.
Lẽ ra đây cũng là cơ hội
ngàn năm có một để Chính phủ của ba Dũng quyết liệt cơ cấu lại hệ thống kinh
tế, loại bỏ thẳng tay các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, hỗ trợ cho
các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ, bởi đây mới chính là những trụ cột làm
nên xương sống của nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tiếc rằng, những gì chúng
ta thấy đã hoàn toàn ngược lại với mong muốn, ít nhất thì ngược lại hoàn toàn
với cách mà thế giới đang làm hiện nay, mặc dù nó cũng được gọi là kích
cầu kinh tế. Trong bài viết trước, tôi đã nhận định rằng, nếu các
doanh nghiệp nhà nước được cứu giúp lần này thì đây lại là gánh nặng cho tương
lai của dân tộc. Bởi chính khối doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục là con nợ đầm
đìa cho ngân sách quốc gia và là hòn đá tảng cản trở cỗ xe cạnh tranh bình đẳng
của nền kinh tế hướng về phía trước.
Hãy xem các nước khác họ
thực hiện gói kích cầu kinh tế ra sao, chính phủ ngoài gói trợ giúp các doanh
nghiệp dân doanh còn tiến hành tặng tiền cho người dân của mình qua cơn khốn
khó: mỗi gia đình người dân Úc nhận được từ 900 tới 3000 AUD, mỗi người dân Đài
loan nhận được một phiếu tiêu dùng trị giá 108 USD, 10 triệu công nhân thu nhập
thấp của Thái Lan và công chức nhà nước được nhận mỗi người 60 USD, tại Nhật
bản mỗi người trưởng thành được nhận 130 USD và người cao tuổi được nhận 200
USD, thậm chí chính quyền địa phương các tỉnh Hàng Châu, Ninh Ba, Nam Ninh của
Trung cộng cũng quyết định tặng mỗi người dân 30 USD để tiêu dùng trong nhà
hàng hay khách sạn. Và còn nhiều nước khác có những cách hỗ trợ người dân rất thiết
thực như giảm giá tiêu dùng, hỗ trợ mua xe hơi với giá rẻ, tại Đức khi người
dân bỏ ô tô cũ để mua ô tô mới sẽ được tặng 2500 EURO, tại Đài loan mua xe hơi
Yaris sẽ được giảm giá tới 30% v..v…
Người dân Việt Nam nhận được gì trong thời khắc này? Có lẽ là những lời “động
viên” hoặc “an ủi” để cùng chính phủ vượt qua cơn khó khăn, còn tiền thì các
quan chức như anh Huỳnh Ngọc Sỹ, Lê Đức Thúy đã nhận giúp và tiêu hộ rồi. Một
nền kinh tập trung theo mô thức kinh tế thị trường định hướng XHCN, lấy doanh nghiệp
nhà nước làm chủ đạo, mà các doanh nghiệp này vốn thuộc dạng đứa con hư, sống
ăn bám vào bầu sữa nhà nước suốt từ thời bao cấp tới nay và không gặp phải sự
cạnh tranh từ các thành phần khác trong xã hội thì ắt hẳn giá trị mang lại cho
xã hội không thể được bao nhiêu.
Còn quan chức, đảng viên cao cấp chính phủ Việt Nam cũng đã “kịp thời” tham nhũng hết tiền công quĩ. Trong
ngân khố còn lại gì nữa đâu mà lấy ra tặng cho nhân dân đói khát của mình. Thậm
chí tham nhũng trong nước chưa đủ, họ còn ăn tiền hối lộ của doanh nghiệp nước
ngoài, và cả chính phủ nước ngoài để thu vén cho lợi ích cá nhân, gia đình. Một
nguồn tin bí mật của trung ương ĐCS VN vừa bị rò rỉ gần đây cho biết đương kim
thủ tướng nước CHXNCN VN, tức anh ba Dũng đã nhận một khoản tiền tương đương
150 triệu Mỹ kim từ phía Trung Quốc chuyển vào các tài khoản bí mật của gia
đình tại nước ngoài nhằm mở đường cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào khai thác
bô sít.
Chúng ta biết rằng với số
tiền kích cầu ít ỏi chưa tới 10 tỉ USD của Việt Nam theo công bố (mặc dù nếu
xét về tỉ lệ GDP lại rất lớn, chiếm hơn 10% GDP, so với mức cao nhất của các
nước khác chỉ chưa tới 4% ) nếu không được sử dụng đúng mục đích sẽ phản tác
dụng và thậm chí là tai họa. Khi đã vung hết số tiền này vào chiếc
thùng không đáy cũng như bị thâm thủng do nạn tham nhũng của quan chức trong đó
thì sẽ lấy đâu ra tiền để chi tiêu chính phủ và các hoạt động khác. Muốn tạo
nguồn thu chỉ còn cách tăng cường các biện pháp thuế đánh lên đầu người dân
(thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập cao v..v..), đi vay nợ nước ngoài hoặc
phát hành trái phiếu chính phủ. Một khi các biện pháp này không còn hiệu quả
thì ngân hàng trung ương buộc phải tiếp tục in thêm tiền để đưa vào lưu thông
và sẽ gây nên lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế giảm phát. Đây là hai xu
hướng trái ngược cùng tồn tại song song trong một thời điểm. Hệ quả của nó
không khó đoán, sẽ là sự mất giá tiền đồng, lãi suất ngân hàng tiếp tục điều
chỉnh tăng và cuối cùng là phá giá tiền đồng và sự sụp đổ của hệ thống ngân
hàng, tài chính.
Nói tiếp về thị trường
chứng khoán của Sinh Hùng:
Nếu chúng ta nhìn vào
thực lực nền kinh tế, cũng như chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam
trên thế giới thì mới thấy rằng chỉ số Vn Index và Hastc Index của thị trường
chứng khoán đang tăng điểm và có lúc vượt qua 500 điểm như mấy ngày trước đây
đã ảo ra sao. Chỉ trong một tuần lễ, bỗng nhiên thị trường nhà đất tại hai
thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh có nơi tăng giá tới 60% so với một tháng
trước đây đã đủ hiểu vì sao nó lại sốt nóng vậy. Một nền kinh tế cạnh tranh kém
hiệu quả, lấy lắp ráp, gia công, bán nguyên liệu thô và các nguồn lợi tự nhiên
(dầu mỏ, gạo, hàng gia công may mặc, hải sản, nông sản thô) làm chủ lực rõ ràng
không thể tạo ra nhiều giá trị thặng dư. Khối kinh tế dân doanh trước nay vốn
phải tự bươn chải trong cơn bĩ cực, hiếm khi nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà
nước thì nay lại càng khó khăn hơn. Số người thất nghiệp tăng cao và khác hẳn
con số 400 ngàn người có nguy cơ mất việc như Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh
Xã hội dự báo từ đầu năm. Bởi chúng ta biết con số về tỉ lệ thất nghiệp luôn
cao hơn số tăng trưởng GDP nhiều lần. Căn cứ vào tỉ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ
hiện nay là 8% thì suy ra chí ít tại Việt Nam cũng ở mức 10%. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta đang có hơn
8 triệu người đang nằm nhà thất nghiệp, bên cạnh đó là một lượng lớn lao động
Việt Nam không có việc làm tại nước ngoài phải trở về nước thời
gian vừa qua. Tính tổng lại, số liệu này sẽ cao gấp hơn 20 lần con số do bà Kim
Ngân đưa ra, cũng như Bộ Chính trị ĐCS VN đang che dấu sự thật qua cách nói giả
hiệu bằng khái niệm lao động dôi dư chờ sắp xếp. Con số này sẽ còn tăng cao hơn
nữa khi kinh tế Việt Nam thật sự lâm vào khủng hoảng và sụp đổ trong thời gian tới
như tôi phân tích. Trong khi đó, các chỉ số đánh giá về tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam liên tục giảm sút, xuất khẩu giảm liên tiếp, nhập siêu gia tăng, bội
chi cán cân thanh toán quốc tế nghiêm trọng, kiều hối sụt giảm gần một nửa. Vậy
không lẽ chỉ số này tăng lên chỉ nhờ vào “niềm tin” một viễn cảnh tươi sáng
thôi sao, hay từ ví tiền đã cạn kiệt của nhân dân?. Thế nên không lạ khi thị
trường nhà đất và thị trường chứng khoán những ngày qua sốt nóng đồng thời với
những tuyên bố hồ hởi của quan chức ngân hàng về tiến độ giải ngân gói kích
cầu. Sự tăng trưởng này sẽ chấm dứt khi gói kích cầu chấm dứt là vậy.
Khi đã tung hết số tiền
còm này vào chiếc thùng không đáy mang danh kích cầu thì sau đó sẽ là suy thoái
kinh tế nghiêm trọng. Tiền không dùng đúng mục đích và dành đúng đối tượng tất
sẽ tạo ra những con sốt nóng tạm thời của nền kinh tế do những hành động đầu cơ
vốn, và kế đó tiếp tục sự tụt lùi của kinh tế. Như đã nói ở trên, Chính phủ hết
tiền tất sẽ phải phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, thậm chí trong cơn
bĩ cực sẽ phải bán tài nguyên với giá rẻ để kiếm chút đồng vốn bù đắp ngân
sách. Và cứ nhìn chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu 1 tỉ USD trong ít ngày
tới và nghiêm trọng hơn là cố gắng tìm mọi cách cho Trung cộng vào khai thác bô
sít tại cao nguyên trung phần là những thực tiễn điển hình.
Bất kỳ nền kinh tế nào
muốn phát triển bền vững cũng phải xây dựng cho được một thị trường chứng khoán
vận hành lành mạnh và minh bạch. Bởi đây chính là kênh tạo ra nguồn tài chính
quan trọng cho các công ty đói vốn. Tuy nhiên, tình hình này ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại, thị trường chứng khoán đang được vận
hành không theo qui luật cung cầu và các chế tài pháp lý minh bạch. Nó hoàn
toàn bị điều khiển bởi các nhóm lợi ích nhằm thực hiện việc đầu cơ kiếm chác.
Tôi đã tận mắt chứng kiến
những thủ đoạn của các doanh nghiệp lớn bé cũng như các cá nhân lợi dụng gói
kích cầu này ra sao, cũng như được mời tham gia trực tiếp cuộc chơi này thế
nào. Các doanh nghiệp đã hết sức ma lanh biết đón đầu gói kích cầu khi vẽ ra
các dự án để “phối hợp” với ngân hàng rồi lại quả cho ngân hàng để vay tiền với
lãi suất thấp nhằm kiếm chắc. Cá nhân cũng lại nghĩ ra các dự án kết hợp với
một doanh nghiệp “ảo” đứng tên tranh thủ vay tiền ngân hàng mua bất động sản
trong thời điểm giá hạ để đầu cơ. Xét cho cùng, phần lớn đồng tiền giải ngân từ
ngân hàng không được đưa vào sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm cho xã hội mà
nó lại tiếp tục hoặc là rót vào thị trường chứng khoán tạo nên cơn sốt ảo nhất
thời, hoặc là tiếp tục chôn chặt vào bất động sản, để cuối cùng không biết ngày
nào lấy được vốn ra. Những cảnh báo này trước đó đã rất nhiều người đưa ra,
nhưng chính phủ của ba Dũng dường như vẫn không có một đối sách thích hợp để
khắc phục. Bởi nếu hạn chế dòng vốn đổ vào hai thị trường này thì sẽ gây sốt
lạnh, nếu bơm thêm vào để kích cầu thì lại gây sốt nóng. Vậy là trở thành một
vòng lẩn quẩn không lối thoát. Muốn khắc phục điều này thì phải sửa từ cơ chế
chính sách cho tới thượng tầng kiến trúc mới ổn thỏa, nếu chỉ đơn thuần dùng
các biện pháp tài chính sẽ không thể giải quyết triệt để căn bệnh trầm kha này.
Thị trường chứng khoán
quả đúng như ai đó nói, nó không phải là cuộc chơi cho những tay mơ, mà là một
cạm bẫy với mồi nhử là các phiên làm giá để tăng điểm ào ạt cho ai đó vui mừng
phấn khởi lao đầu vào để rồi tiếp đó sẽ là những cú bán tháo ngoạn mục khiến
lắm kẻ không kịp trở tay. Đó là một thị trường buôn tiền đúng nghĩa chứ không
phải là thị trường tạo vốn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Người ta sẽ đánh
quả tới khi nào còn đánh được nữa, và người chơi sẽ chơi tới lúc nào nhẵn túi
thì ngừng cuộc chơi. Kẻ chơi liều lĩnh nhất và tàn ác nhất cũng không ai khác
chính là các doanh nghiệp nhà nước đang tiêu tiền đóng thuế của nhân dân. Kẻ
thủ ác lớn nhất không ai khác là chính phủ này. Họ tạo ra sân chơi, nhưng không
có luật chơi và kẻ khôn lanh ma giáo nhưng thiếu tầm nhìn cũng chính là chính
phủ. Sẽ tới một ngày họ phải trả giá đắt vì cái sân chơi ma quái này. Sự sụp đổ
thị trường tài chính sẽ là hệ quả tất yếu của thói ăn xổi ở thì của nhà nước,
kế đó là sự mất giá tiền đồng ở mức độ khủng khiếp, nạn lạm phát và thất nghiệp
sẽ rất cao trong thời gian tới. Sẽ có một tầng lớp nghèo của xã hội hiện nay
rơi vào cảnh bần cùng hóa.
Nếu chúng ta không tỉnh
táo thì dân tộc này rất dễ dàng bị chính phủ ma lanh nhưng năng lực yếu kém dẫn
dắt vào vũng bùn đen, những nhà đầu tư khôn ngoan hãy nên thận trọng và kịp
thời thức tỉnh trước khi quá muộn.
Sự sôi động của thị
trường chứng khoán phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, hay sức mạnh của nền kinh
tế tạo ra sức mạnh của thị trường chứng khoán. Đây là mối quan hệ chặt chẽ và
gắn bó giữa hai thực thể. Tuy nhiên, hiện thực mà chúng ta đang được nhìn thấy
và chứng kiến suốt từ khi thị trường này ra đời cho tới nay hoàn toàn không
phản ánh đúng đắn mối quan hệ này.
Ai cũng hiểu rằng, qui mô
nền kinh tế Việt Nam là nhỏ bé và ốm yếu, tổng GDP của cả nước Việt Nam với 87
triệu con người lao động trong một năm cũng chưa bằng một nửa số doanh thu của
một hãng xe hơi lớn trên thế giới như Toyota hoặc GM trong chừng ấy thời gian.
Nói tới sức cạnh tranh kinh tế thì lại càng yếu kém hơn nữa, tới đôi đũa và que
tăm cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản
và ít hàm lượng chất xám như chiếc kim khâu, lưỡi dao cạo râu và chiếc ốc vít
tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp lắp ráp ô tô đều không có khả năng sản xuất
nổi.
Các ngành tài chính, ngân
hàng hiện là một trong những ngành yếu kém của nền kinh tế và rất dễ dàng rơi
vào sụp đổ. Thậm chí khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã phải cố gắng đàm phán với các nước để trì hoãn nhằm kéo
dài thời gian chuẩn bị với hy vọng củng cố sức mạnh và nâng cao tính cạnh tranh
trước khi phải mở cửa cho các tổ chức tài chính quốc tế thâm nhập vào Việt Nam. Thế thì những cổ phiếu ngân hàng kia làm sao có thể bán
đấu giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá phát hành được. Và càng không ngạc
nhiên hơn khi giờ đây chúng đã rớt giá thảm hại và không hơn tờ giấy lộn là
bao.
Một nền kinh tế muốn tạo
ra giá trị thặng dư cần phải tạo ra của cải và dịch vụ. Thế nhưng, như đã nói
cái kim, con ốc vít không làm ra nổi thì người ta kiếm tiền bằng cách gì? Vậy
là cái cách mà chúng ta thấy như vừa qua đối với tăng trưởng “đột biến” của thị
trường chứng khoán và nhà đất sau gói kích cầu đã nói lên rõ ràng cái cách kiếm
tiền hiện nay của Chính phủ, Doanh nghiệp và người dân. Về bản chất, dòng vốn
đó chỉ chuyển từ túi người này sang túi kẻ khác chứ không tạo thêm được đồng
thặng dư nào khác. Kết quả sẽ là, trong một ngày nào đó những kẻ đã kiếm chác
đủ sẽ rời cuộc chơi và để lại một thị trường tan hoang với đám người bơ vơ lạc
lõng trên đó. Sự sụp đổ và thất thoát vốn sẽ không tránh khỏi nay mai. Một thảm
kịch cuối 2008 sẽ tiếp tục xảy đến trong 2009 này. Cơn bão trước đi qua với bao
tổn thất để lại chưa kịp khắc phục thì cơn bão này sẽ là đòn đánh cuối cùng
quật ngã tất cả những gì còn sót lại. Doanh nghiệp nhà nước sẽ lại trắng tay và
người dân thêm bần cùng hóa.
Trong một thể chế chính
trị minh bạch, các quan hệ kinh tế sẽ phải công khai và tuân thủ theo pháp
luật. Những cách giao dịch đi đêm, nội gián, báo cáo kết quả kinh doanh giả tạo
cùng hệ thống kiểm toán không được quốc tế thừa nhận, những thủ đoạn làm giá và
thao túng thị trường, tung tin thất thiệt sẽ thể không có đất tồn tại như ở
Việt Nam. Bởi vậy, khi các quan chức chính phủ đăng đàn phát biểu hùng hồn, cổ võ
cho một viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế là khi chúng ta hãy nghĩ tới một
viễn cảnh đen tối và kịp thời chuẩn bị tìm đường an toàn cho mái ấm của mình.
Vậy liệu gói kích cầu
hiện nay sẽ đi tới đâu khi số tiền ít ỏi của nhân dân dành dụm được qua việc đóng
thuế lại có nguy cơ rơi vào cái thùng không đáy một lần nữa. Những bài học nhãn
tiền năm trước vẫn chưa đủ cho Chính phủ và những ai u mê làm giàu sáng mắt ra
chăng. Có chăng chỉ béo bở những kẻ đầu nậu đang thao túng thị trường với nhiều
ngón bài kích giá, tạo cơn sốt ảo khơi gợi tâm lý lòng tham ở những người dân
tội nghiệp. Khi ai đó còn thiếu tỉnh táo và mong muốn làm giàu bằng sự rủi ro
mạo hiểm, đó chính là khi họ đang chơi canh bạc cuối cùng của cuộc đời.
Và kẻ đáng lên án nhất
hiện nay là Chính phủ của Ba Dũng, khi tiếp tục đưa nhân dân tới bờ vực thảm
họa. Vậy ngày tàn của chính quyền cộng sản do chính bàn tay cộng sản tạo nên
không đến thì còn cái gì không đến nữa?
|