Thứ Ba, 2024-11-05, 8:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 26 » Tổ quốc đã lâm nguy chưa?
9:24 AM
Tổ quốc đã lâm nguy chưa?

Phạm Trần

Kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới từ 17/2 đến ngày 3/5/1979 giữa Trung Hoa và Việt Nam, chưa bao giờ đảng Cộng sản Việt Nam đẩy chủ quyền tổ quốc đến gần tay Bắc Kinh bằng thời gian còn lại của nửa năm 2009.

Thứ nhất, những điều mập mờ trong việc giao cho Tàu giúp khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sau khi Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng tự ý ký thoả hiệp với Bắc Kinh năm 2001 và việc nhà nước đổ thêm dầu vào lửa với những lời giải thích quanh co trong kỳ họp V của Quốc hội, kết thúc ngày 20/6/2009, đã gây hoang mang cho những ai còn nặng lòng với đất nước.

Sự giải thích của nhà nước diễn ra trong hoàn cảnh không do thiện chí mà chỉ được thực hiện sau khi có đòi hỏi của một số Đại biều Quốc hội, hợp cùng yêu cầu của ngót 2 ngàn trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước và ý kiến của người dân đòi chính phủ phải đưa dự án khai thác bauxite ra thảo luận tại Quốc hội.

Đồng thuận và nhất trí cao!

Sự gượng ép này được thể hiện trong Báo cáo gửi Quốc hội ngày 22/5 của Bộ Công thương, nhưng lời giải trình lại không giúp giải toả được những thắc mắc cơ bản và cần thiết của dư luận như tại sao phải khai thác bauxite khi Việt Nam chưa nghiên cứu kỹ và chưa có khả năng về tài chính và kỹ thuật?

Nhà nước lý luận rằng: “Việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác bô-xít, chế biến alumin tại Tây Nguyên là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trước mắt và lâu dài là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ Đại hội IX cho đến Đại hội X”.

Nhưng trong số các văn kiện của 2 hai Đại hội đảng IX và X không có văn kiện nào nói riêng về khai thác bauxite mà chỉ nói chung trong kế hoạch kinh tế. Cả hai kỳ Đại hội cũng không có thảo luận, không biểu quyết về bauxite thì làm sao nói là “nhất quán” được ?

Theo Báo cáo của Bộ Công thương với Quốc hội thì: “Nguồn tài nguyên bô-xít của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó Đăk Nông khoảng 3,4 tỷ tấn (chiếm 63% tổng trữ lượng), Lâm Đồng khoảng 975 triệu tấn (chiếm 18%), Gia Lai - Kon Tum khoảng 806 triệu tấn (chiếm 15%) và Bình Phước khoảng 217 triệu tấn (chiếm 4%). Mặc dù Tây Nguyên là địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng lại là khu vực có lợi thế về nguồn tài nguyên bô-xít chiếm 98,2% tổng trữ lượng và tài nguyên bô-xít.”

Tuy nhiên Báo cáo không trả lời được 3 vấn đề cơ bản: 1) Bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. 2) Có khả năng đem lại việc làm cho người dân địa phương và bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng. 3) Bảo đảm được an ninh và quốc phòng.

Vì vậy các lời giải thích của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và hai Bộ trưởng Công thương và Tài Nguyên và Môi trường không làm thoả mãn những người chất vấn.

Trong số chưa tới 10 trên tổng số 493 Đại biểu Quốc hội lên tiếng nói về Dự án bauxite, họ đã làm như thế không phải theo chương trình định sẵn của Ban Thường vụ Quốc hội mà đã tự ý tách rào để phát biểu nhân khi thảo luận về tình hình kinh tế.

Số Đại biểu còn lại chỉ biết ngồi nhìn và nghe các Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Sài Gòn), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) v.v... chất vấn.

Đôi khi cũng có vài người “truy kích” các Bộ trưởng nhưng cuối cùng không ai nói mình đã thoả mãn với các lời giải thích của Chính phủ về việc khai thác bauxite.

Điểm gây nóng nhất trong cuộc chất vấn tại Quốc hội là khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bảo vệ quan điểm của Chính phủ cho rằng các dự án Bauxite như Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) là những dự án “độc lập”, chưa hội đủ 20 tỷ đồng vốn cho mỗi dự án nên không phải trình ra Quốc hội.

Các Đại biều Quốc hội lên tiếng về bauxite không hài lòng. Họ cho rằng tất cả các dự án từ phá rừng, ủi đất đến xây dựng nhà máy, vận chuyển, đào hồ chứa chất bùn đỏ, xây bến cảng ở Bình Thuận xử dụng cho việc xuất cảng bauxite v.v… đều có liện hệ mật thiết với nhau lên tớí hàng ngàn tỷ đồng chưa ai biết chắc là bao nhiêu. Tiêu biểu như ông Nguyễn Đăng Trừng đã nói thẳng trong phiên chất vấn ngày 11/6/2009: “Về bản chất là gắn với nhau và chỉ độc lập khi Bộ tách nhỏ ra để không phải trình Quốc Hội".

Cuối cùng, sau 2 ngày rưỡi chất vấn các Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nhưng hầu hết các câu hỏi không liên quan đến bauxite, Quốc hội kết thúc kỳ họp V vào ngày 20-6-2009.

Không có bất cứ một văn kiện nào, dù chỉ một Nghị quyết ngắn, nói về sự quan tâm của Quốc hội đối với vấn đề bauxite vẫn còn được dư luận trong và ngoài nước chú ý dù Quốc hội đã họp xong!

Thế mà, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội vẫn có thể nói vô trách nhiệm rằng: “Ý kiến chung là nhất trí về chủ trương và đồng tình với Kết luận của Bộ Chính trị”.

Ông Trọng nói trong phiên họp ngày 13-6-2009: “Nhân dịp này, tôi xin có một số ý kiến về vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Chúng ta đều biết đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, được các vị đại biểu QH, cử tri và dư luận xã hội rất quan tâm. Trong Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ đã có một đoạn nói về vấn đề này. Trước kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị và Chính phủ đáp ứng khá nhanh việc chuẩn bị và gửi báo cáo chuyên đề đến các vị đại biểu Quốc hội. Tại các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và chất vấn, có một số đại biểu Quốc hội đề cập vấn đề này. Ý kiến chung là nhất trí về chủ trương và đồng tình với Kết luận của Bộ Chính trị. Một số ý kiến góp thêm về các vấn đề như: Tính toán kỹ hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng-an ninh; việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu; vị trí đặt nhà máy, xây dựng cơ sở hạ tầng; việc đào tạo, sử dụng nhân lực, quản lý lao động trong nước và người nước ngoài; tính toán kỹ lộ trình, bước đi, cách làm, sao cho chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đề phòng mọi rủi ro bất trắc... Tôi cho đó là những ý kiến xây dựng, trách nhiệm, chân thành; chí ít cũng là những ý kiến phản biện, lưu ý, nhắc nhở, cảnh báo.

…Ðề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, cần lưu tâm đến những vấn đề đó; đồng thời tiếp tục lắng nghe, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý hoặc xử lý vấn đề mới nảy sinh để thực hiện một cách tốt nhất chủ trương chiến lược quan trọng này. Quốc hội sẽ thực hiện chức năng giám sát và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ. Một việc rất quan trọng là Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; cảnh giác trước âm mưu của các thế lực xấu, thù địch lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Chúng ta không cường điệu, nhưng cũng không chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác.”

Lời nói của ông Trọng chỉ có thể đánh lừa được những người không biết đọc và tai điếc. Làm gì có thảo luận về bauxite tại kỳ họp V vừa rồi. Chỉ có chừng 10 Đại biểu phát biểu về nỗi băn khoăn, bức xúc của họ về chuyện khai thác bauxite.

Cả Quốc hội có 493 Đại biểu mà chỉ có bằng ấy người lên tiếng “ngoài lề” vì Quốc hội không có mục nào để thảo luận riêng về Dự án khai thác bauxite và Quốc hội không biểu quyết thì làm sao má có “ý kiến chung là nhất trí về chủ trương và đồng tình với Kết luận của Bộ Chính trị”? Số người có “ý kiến chung” này ở đâu chui ra?

Còn việc ông Trọng kêu gọi các cơ quan hữu quan cần làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong vấn đề khai thác Bauxite thì ông Trọng có dám nhân danh Quốc hội mở cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân có Quốc tế giám sát không ?

Nhưng khi ông Trọng lên tiếng yêu cầu mọi người hãy “cảnh giác trước âm mưu của các thế lực xấu, thù địch lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ”, thì ông Trọng có ý nói đến lập trường chống khai thác bauxite của tướng Võ Nguyên Giáp, của Nhà giáo Nhân dân, Cụ Nguyễn Văn Chiển. của Thiếu tướng Công an, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương; của Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Nguyễn Trọng Vĩnh và của ngót 2000 nhà trí thức, chuyên viên và khoa học gia trong và ngoài nước đang chống nhà nước khai thác bauxite?

Và khi sợ các cuộc chống đối sẽ “ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế” thì có phải ông Trọng sợ động đến lỗ chân lông của đám lãnh đạo đảng và nhà nước Tàu Bắc Kinh không ?

Nhưng không riêng gì ông Trọng đã hồ hởi nói đến “ý kiến chung là nhất trí” mà ngay cả cái Toà án Nhân dân Hà Nội cũng “tát nước theo mưa” để ăn ốc nói mò khi đưa ra quyết định ngày 19-6-2009 trả lại đơn kiện Thủ tướng trong vụ khai thác Bauxite của luật sự Cù Huy Hà Vũ.

Một đoạn trong Quyết định Số: 978/QĐ-GQKN-HC của Toà án này viết: «Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bauxit là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước được khẳng định từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xây dựng ngành công nghiệp bauxit, alumin, nhôm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trước mắt và lâu dài. Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg được ban hành để triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn nói trên, đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa xã hội, hợp tác đầu tư với nước ngoài và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã xem xét, thảo luận, bày tỏ sự đồng thuận cao về sự cần thiết của Quy hoạch này”.

Không biết ai đã mớm lời cho cái Toà án này mà ăn nói vụng dại đến thế ? Ai ở Quốc hội đã xem xét và thảo luận để “bày tỏ sự đồng thuận cao” về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ?

Ông bà Việt Nam ta nói không sai: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Cái toà án Nhân dân Hà Nội này ở cách Quốc hội bao nhiêu cây số mà không biết các Đại biểu đã bàn luận những gì trong kỳ họp V vừa rồi thì làm sao mà cầm cân nẩy mực được ?

Biển Đông – công nhân và hàng Tàu

Thứ nhì, là vấn đề ngư dân Việt nam bị các Tàu đánh cá nguỵ trang của Tàu đánh đuổi trên vùng Biển Đông từ nhiều năm qua đã không được thảo luận tại kỳ họp V của Quốc hội.

Chỉ có một Đại biều duy nhất là ông Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) lên tiếng về vấn đề này.

Ông nói: “Những động thái đang diễn ra trên biển Đông, trong đó có những việc mà Chính Phủ đã phải làm như những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, như việc trình lên Liên Hiệp Quốc đăng ký về vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vậy mà chúng ta thấy những báo cáo của Chính Phủ chưa tương xứng với độ nóng của tình hình thực tiễn.

Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có vai trò ngoại giao của Chính Phủ, có sức mạnh của lực lượng quốc phòng, và quan trọng hơn hết là lòng yêu nước và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh” của người dân. Do vậy, Quốc Hội cần được Chính Phủ cung cấp đầy đủ thông tin để thực hiện sự giám sát cũng như tạo sự đồng thuận của nhân dân trên những lĩnh vực sống còn này.”

Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng trả lời lung tung: “Việt Nam cơ bản đã giải quyết xong đường biên giới trên bộ ở phía Bắc và phía Tây. Việc giải quyết tốt vấn đề biên giới trên bộ theo đúng đường lối độc lập tự chủ và theo đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế. Riêng về ranh giới trên biển thì Việt Nam đã bàn xong khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng còn lại vẫn còn đang tiếp tục hợp tác, đấu tranh trên cơ sở bảo vệ, giữ vững chủ quyền Việt Nam. Chính phủ cũng đã gửi báo cáo lên Liên Hiệp Quốc, công khai minh bạch với thế giới về pháp luật biển.“ (Báo Tuổi Trẻ, 13/06/2009)

Rõ ràng là ông Hùng đã cố tình tránh né không dám nói đến các vụ tàu đánh cá của ngư dân Việt bị Tàu uy hiếp, đánh chìm làm thiệt hại nhân mạng và tài sản trên Biển Đông, nhưng không phải mới từ giữa tháng 5/2009 mà từ nhiều năm qua.

Hiện nay Bắc Kinh đang cho nhiều tàu nguỵ trang đánh cá và thăm dò đáy biển ra kiểm soát vùng được gọi là “đặc quyền kinh tế” chiếm 75% diện tích Biển Đông, bao gồm cà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hàng trăm thuyền đánh cá của Việt Nam đã phải kéo vào bờ nằm bến gây thiệt hại kinh tế cho nhiều ngàn gia đình giữa mùa đánh cá mà nhà nước CSVN không dám có hành động chống lại Tàu, ngoại trừ những phản ứng bằng nước bọt của Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Thứ ba, vấn đề công nhân Tàu tràn ngập vào Việt Nam như đi vào chốn không có chủ và hàng lậu Tàu xâm lăng thị trường Việt Nam như chốn không nhà mà nhà nước cũng chỉ biết chống đỡ cho có lệ.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận không nắm chắc số lao động người nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Con số Bà báo cáo với Quốc hội là khoảng 53 ngàn, nhưng báo chí Việt Nam nói trên 75 ngàn người, phần đông là lao động phổ thông người Tàu, không phải là chuyên viên mà Việt Nam không cung cấp được.

Bà Ngân nói Bộ của Bà chỉ kiểm soát được khoảng 50% lao động nước ngoài và Bà cũng đỗ lỗi cho các Bộ Công an đã không kiểm soát chặt chẽ và các Doanh nghiệp dùng người không khai báo nên không kiểm soát được.

Về phần hàng hoá Tàu, nhất là hàng may mặc và thực phẩm thì chỗ nào ở Việt Nam cũng bầy bán, từ miền núi xuống đồng bằng, không hang cùng ngõ hẻm nào không có hàng Tàu. Ngoài hàng có nhiều mặt, tốt hơn và giá bán lại rẻ hơn hàng nội, kể cả vô số hàng gỉa có chứa chất độc gây hại cho môi trường và sức khoẻ, nên hàng nội đã chịu thua.

Phía nhà nước Việt Nam đã hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát, trong khi một số doanh nghiệp Việt Nam, vì ham lợi, đã cam tâm bán cả “danh hiệu” và “mẫu mã” của mình cho các nhà sản xuất Trung Hoa dán lên hàng của họ sau khi đã đem lậu vào Việt Nam để phá hoại kinh tế .

Ấy thế mà nhà nước Việt Nam, từ Nông Đức Mạnh xuống vẫn nhắm mắt, bắt tay cười hề hề để cùng nhau hợp ca bài: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Như thế thì tổ quốc đã lâm nguy chưa, hay phải đợi đến ngày những công nhân Tàu đang có mặt tại Việt Nam cầm súng dí vào lưng thì những người Lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN mới há hốc miệng ra?

Phạm Trần
Nguồn: Thông Luận
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 776 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 536
Khách: 536
Thành Viên: 0