Thứ Ba, 2024-11-05, 8:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 29 » Chống tham nhũng tài nguyên: Nâng cao minh bạch và giải trình
7:31 AM
Chống tham nhũng tài nguyên: Nâng cao minh bạch và giải trình
(TuanVietNam) - Những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước chắc hẳn không thể không ít nhất một lần trăn trở với câu hỏi: “Tại sao một đất nước giàu tài nguyên như Việt Nam lại phải chịu cảnh một nước nghèo?”. Chúng ta không thể cứ mãi đổ lỗi cho chiến tranh, khi mà chiến tranh đã lùi xa hơn 34 năm. Như vậy, câu trả lời chỉ có thể nằm ở khâu quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước.

Từ lời nguyền tài nguyên

Khai thác bô-xít ở châu Phi (Ảnh: cdn.wn.com)


Theo lô- gích thông thường, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên là một trong những lợi thế để phát triển đất nước. Thế nhưng, một nghịch lý được các nhà nghiên cứu phát hiện ra là những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các quốc gia không có được lợi thế đó.

Nghịch lý này được biết đến với khái niệm “Lời nguyền tài nguyên” (resource curse). Nhiều quốc gia ở châu Phi như Công-gô, Ăng-gô-la hay Ni-giê-ri-a,… dù có nguồn tài nguyên rất phong phú nhưng lại đang phải đang chìm trong nghèo đói triền miên là minh chứng rõ ràng nhất của “lời nguyền tài nguyên”.

Trở lại Việt Nam, mặc dù những năm gần đây nền kinh tế nước ta được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có mức độ tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng rõ ràng những thành tựu đạt được là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về nguồn tài nguyên phong phú.

Mặt khác, song hành với những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng bất bình đẳng, sự phân hóa giàu nghèo đang ngày càng trở nên hiện hữu.

Nhìn ra bên ngoài, chúng ta sẽ không khỏi chạnh lòng khi thấy những đất nước vốn rất nghèo nàn về tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…đã có những bước nhảy thần kỳ khiến thế giới phải nể phục, trong khi một đất nước vốn tự hào là với “rừng vàng, biển bạc” như Việt Nam lại cứ phải loay hoay trong cuộc chiến “xóa đói, giảm nghèo”.

Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có một cái nhìn nghiêm túc và khoa học về vấn đề đặt ra: Nguồn tài nguyên của chúng ta đang được sử dụng như thế nào trong phát triển kinh tế?

Tài nguyên là một dạng của cải đặc biệt, không cần phải sản xuất mà chỉ cần khai thác cũng có thể sử dụng được. Mặt khác, tài nguyên là của cải chung, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Vì vậy, Nhà nước cần phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch, hợp lý trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; không ai có thể tự cho mình đặc quyền, đặc lợi đối với tài nguyên đất nước.

Đến vấn nạn tham nhũng tài nguyên

Khai thác quặng apatit ở Lào Cai, Việt Nam (Ảnh: cpi.moit.gov.vn)


Một trong những nguyên nhân được xem là thủ phạm của “lời nguyền tài nguyên” chính là nạn tham nhũng tài nguyên. Thực tế cho thấy những quốc gia có lợi thế tài nguyên phong phú nhưng thất bại trong phát triển kinh tế thường bị nạn tham nhũng tài nguyên hoành hành.

Các hành vi tham nhũng tài nguyên có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; trong đó, phổ biến nhất là việc lợi dụng vị thế quyền lực chính trị để biến tài nguyên (của công) thành của riêng hoặc ban phát, đổi chác để tạo điều kiện cho các tập đoàn (trong và ngoài nước) quyền khai thác tài nguyên với những đặc ân để nhận hối lộ, làm giàu bất chính.

Trong thực tế, khối lượng tài sản trong các vụ tham nhũng tài nguyên thường có giá trị rất lớn và được che dấu dưới nhiều hình thức tinh vi. Ở nước ta, những vụ xà xẻo đất công đã bị phát hiện có thể minh chứng cho nhận định này.

Đáng tiếc là số vụ tham nhũng tài nguyên bị phát hiện và xử lý vẫn còn quá ít so với thực tế. Bên cạnh đó, việc xử lý có phần nương nhẹ đối với tội phạm tham nhũng tài nguyên đã không đủ để sức răn đe, ngăn ngừa loại tội phạm nguy hiểm này.

Mối nguy hại của hành vi tham nhũng tài nguyên không chỉ nằm ở chỗ nó làm thất thoát tài sản quốc gia mà còn ở chỗ nó tạo ra một nhóm người “ăn trên, ngồi trốc”, sống phè phỡn trên khối tài sản phi pháp khổng lồ.

Đất nước sẽ ra sao khi nhóm người này với tiềm lực kinh tế trong tay sẽ nắm quyền chi phối hoặc gây ảnh hưởng tác động đến những quyết định quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước?
 
Mặt khác, nạn tham nhũng tài nguyên sẽ tạo nên tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong đời sống kinh tế- xã hội và làm xói mòn niềm tin của dân chúng đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bài học đau thương từ một số quốc gia châu phi đã cho thấy: Sẽ còn nguy hại hơn nữa khi chỉ vì những lợi ích cục bộ trước mắt, mà các cơ quan công quyền lại tạo điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài vào khai thác tài nguyên ở những vị trí trọng yếu của đất nước. Tình trạng này không chỉ dẫn đến nguy cơ làm xáo trộn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, phá hủy sự cân bằng sinh thái mà còn có thể dẫn đến nguy cơ về an ninh quốc phòng.

Như vậy, có thể khẳng định tham nhũng tài nguyên dưới mọi hình thức đều có thể gây nên những tác hại nghiêm trọng không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài cho cả dân tộc. Vì vậy, diệt trừ nạn tham nhũng tài nguyên là một yêu cầu cấp bách đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Liều thuốc đặc trị: Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình

Tây Nguyên Xanh (Ảnh: kinhtenongthon)


Một điều bất hợp lý là trong khi pháp luật xác định rõ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng quyền quyết định lại nằm gọn trong tay một nhóm người nhân danh Nhà nước.

Trong số những người này, một bộ phận nảy sinh lòng tham nên đã bất chấp luật pháp, tìm cách vơ vét vô tội vạ cho “bầu đoàn thê tử, họ hàng thân thích”, đến nỗi cụm từ “chia chác”, “xà xẻo”, “ăn chặn”, “hợp thức hóa” đất công đã trở nên rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một mặt, tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thậm chí dưới sự “bảo kê” của chính quyền địa phương đang góp phần tàn phá nguồn của cải mà các thế hệ cha, ông, tổ tiên chúng ta phải hi sinh không biết bao xương máu mới gìn giữ và để lại cho chúng ta cũng như con cháu sau này.

Mặt khác, lối “tư duy nhiệm kỳ” cộng với tư tưởng “bóc ngắn cắn dài” dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên một cách bừa bãi, thiếu khoa học đang có nguy cơ để lại những hệ lụy không dễ gì khắc phục được cho các thế hệ mai sau.

Để sử dụng nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả vào phát triển kinh tế bền vững; đồng thời đảm bảo quyền thụ hưởng bình đẳng của mọi người dân đối với những lợi ích do nguồn tài nguyên mang lại, một trong những giải pháp hàng đầu là cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Để đảm bảo cho tài nguyên đất nước không bị tham nhũng, trước khi trông chờ vào sự trong sạch, liêm khiết của các vị quan chức, thiết nghĩ Nhà nước cần có những công cụ sắc bén để quản lý, giám sát khiến vị quan chức nào có nảy sinh lòng “tham” cũng không thể “nhũng” được. Về phương diện này thì đúng là pháp luật của chúng ta đang có rất nhiều kẽ hở và vô tình tạo điều kiện cho các vị quan tham lợi dụng để trục lợi cá nhân.

Thật khó có thể chấp nhận được thực tế ở một đất nước “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” mà lại có những người dân không có lấy tấc đất cắm dùi, trong khi có những kẻ ngang nhiên chiếm đoạt hàng ngàn, thậm chí hàng vạn mét vuông đất.

Một mặt, để đảm bảo đúng nguyên tắc “tài nguyên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, Nhà nước cần phải đảm bảo quyền của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài nguyên. Muốn như vậy, trước hết người dân cần được trao quyền tham gia vào những quyết định đối với “tài sản” thuộc sở hữu của họ. Nếu được như vậy, chắc hẳn số dự án “lợi bất cập hại” hay những vụ tham nhũng tài nguyên sẽ giảm đi rất nhiều.

Mặt khác, các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm công khai những thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài nguyên, tức là đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của mọi người dân; đồng thời, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan phải có nghĩa vụ giải trình về việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên trong phạm vi thẩm quyền được giao.

Và cuối cùng, để bài trừ nạn tham nhũng tài nguyên, pháp luật cần xem đây là loại tội phạm nguy hiểm và cần phải có những hình phạt thích đáng, không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những kẻ tham nhũng mà còn phải cương quyết thu hồi toàn bộ những tài sản tham nhũng dù được ngụy tạo dưới bất cứ vỏ bọc nào.

Sử dụng tài nguyên một cách bừa bãi, thiếu hiệu quả là có tội với tổ tiên và các thế hệ mai sau. Thiết nghĩ, diệt trừ nạn tham nhũng tài nguyên chính là biện pháp đầu tiên nhằm thoát khỏi lời nguyền tài nguyên.

Và chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể tận dụng được lợi thế của một quốc gia giàu tài nguyên để đưa đất nước theo kịp, thậm chí vượt qua các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chắc chắn đấy là niềm mong ước của mọi người dân Việt Nam yêu nước.

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1029 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 550
Khách: 550
Thành Viên: 0