Samuel Gregg, Tiến sĩ Triết học
Nguyên văn: Corruption, Communism, and Catholicism in Vietnam Bản dịch của một thân hữu của viet-studies
Năm
nay chúng ta kỷ niệm 20 năm Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ tại Trung và Đông
Âu. Trong lúc nhiều người nhìn lại cảnh tượng sụp đổ của nhiều chính
quyền Cộng sản tại Ba Lan, Đông Đức, và Hungary, thì nhiều người khác
lại hồi tưởng về di sản khủng khiếp mà Chủ nghĩa Mác đã để lại: Hàng
triệu người chết và bị tra tấn, vô vàn trại “cải tạo” và lao động cưỡng
bách, vô vàn phiên tòa phô trương để thị uy, gây ra nạn tàn phá kinh tế
và môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người.
Di sản
đó không phải ngẫu nhiên mà có. Triết gia Leszek Kolakowski, người từng
ủng hộ Chủ nghĩa Mác vừa mới qua đời, đã kết luận như vậy trong tác
phẩm nhiều tập Main Currents of Marxism (Những xu hướng chính của Chủ
nghĩa Mác) đầy uy tín của mình. Đó là hệ quả tất yếu của Triết học Mác.
Thực chất thì chẳng có một cương lĩnh chính trị nào được xây dựng trên
một quan điểm duy vật rõ ràng lại có thể tự thừa nhận rằng nó bị giới
hạn bởi ý tưởng của một bản chất con người cố hữu, hay bởi bất kỳ điều
gì đó vượt khỏi tầm thân xác con người.
Đây là một trong những
lý do tại sao mọi chính quyền Mác-xít đều ghét cay ghét đắng tín ngưỡng
tôn giáo. Lý do khác là một số tôn giáo, chẳng hạn Thiên Chúa giáo,
luôn cho rằng quyền lực nhà nước phải hữu hạn, kể cả quyền lực của “nhà
nước chuyên chính vô sản.” Chấp nhận khái niệm tự do tôn giáo, đặt cơ
sở yêu cầu mọi người phải tìm ra chân lý, tức là thừa nhận nhà nước có
giới hạn. Nhưng đây là điều mà không bao giờ một chính phủ Cộng sản nào
lại muốn thừa nhận.
Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Xô-Viết
lại bách hại dữ dội Giáo hội Chính thống Liên-Xô vào giữa những năm
1920 và 1949, đã tử hình hàng ngàn tu sĩ. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà
Giáo hội Công giáo các nước Cộng sản Trung và Đông Âu sau chiến tranh
lại bị chính quyền đàn áp, hàng ngàn nam nữ tu sĩ bị bắt bớ, tra tấn,
có lúc bị tử hình, trong khi giáo dân bị đẩy ra lề xã hội.
Thật
phúc đức nếu đây là trang sử đã qua, nhưng để chứng minh rằng chính
quyền Cộng sản không hề thay đổi bản chất của nó, ta chỉ cần quan sát
xung đột đang bị ém nhẹm nhưng ngày càng tăng giữa Giáo hội Công giáo
Việt Nam và nhà cầm quyền Cộng sản tại đó.
Hiện nay Việt Nam có
khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo (chiếm khoảng 8 phần trăm dân số). Họ
là thiểu số tôn giáo đông nhất trong một quốc gia dưới sự toàn trị của
một chính phủ Cộng sản từ năm 1975. Như mọi chính quyền Cộng sản khác,
Việt Nam có nhiều trại “cải tạo”. Giáo hội Công giáo từ lâu bị sách
nhiễu. Điển hình nhất là cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận, được nhiều người
xem là một vị thánh trong thời hiện đại. Trước khi trục xuất vị Hồng y
này, chính quyền đã bỏ tù ông 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam.
Một
số lý do mang tính lịch sử được dùng để giải thích cho cách hành xử như
vậy đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam biết
rất rõ rằng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, người Công giáo nằm trong
số những người chống Cộng triệt để nhất. Nhiều người Việt còn cho rằng
Công giáo đã hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.
Tuy nhiên,
lý do này không đủ sức thuyết phục cho hành động thẳng tay đàn áp người
Công giáo trên toàn Việt Nam hiện nay. Suy cho cùng, đó chính là nạn
tham nhũng trong chính phủ.
Nhiều Hội đồng Giám mục Công giáo
Việt Nam đã từng viết vào năm 2008 rằng tham nhũng là quốc nạn ở Việt
Nam. Điều này đúng với mọi quốc gia mà ở đó chính quyền không bị luật
pháp ràng buộc, và động cơ lợi nhuận kinh tế chủ yếu là đi cướp tài sản
của người khác thay vì làm giàu bằng kinh doanh. Thậm chí, Việt Nam còn
bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế liệt vào hàng những quốc gia tham nhũng
nhất thế giới.
Phương thức tự làm giàu phổ biến nhất hiện nay
trong tầng lớp chính trị Cộng sản Việt Nam là “thu hồi” đất đai từ nông
dân để rồi bán lại cho những kẻ bỏ giá cao nhất, rồi lặng lẽ “chia
chác”. Giáo hội từ xưa đã đứng về phe nông dân. Phát biểu của hội đồng
giám mục năm ngoái đã cương quyết yêu cầu nhà nước phải tôn trọng quyền
tư hữu tài sản.
Hiện nay tài sản của Giáo hội ngày càng bị đe
dọa nghiêm trọng. Vào cuối năm 2008, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã
tuyên bố “trưng thu” đất của một nữ tu viện, vừa là nơi nuôi dạy trẻ mồ
côi, để xây khách sạn. Gần đây hơn, phần đất tại Hà Nội mà chính phủ tự
thừa nhận thuộc quyền sở hữu của một tu viện Công giáo từ năm 1928 cũng
đã bị nhà nước trưng thu để xây chung cư.
Những câu chuyện như
thế này tái diễn trên khắp Việt Nam. Để đáp lại, hàng ngàn giáo dân đã
tổ chức nhiều cuộc tuần hành hòa bình, kéo dài cả năm. Tổ chức Ân xá
Quốc tế báo cáo rằng chính quyền đã phản ứng bằng cách hăm dọa và sử
dụng bạo lực. Họ vận dụng nhiều ngôn từ Mác-xít điển hình để qui cho
giáo dân vô tội là “những phần tử phản cách mạng”, bắt bớ rồi đưa họ ra
xét xử phô trương để làm gương. Nam nữ tu sĩ đã bị công an và “lực
lượng chống biểu tình” đánh đập dã man. Một phụ nữ đã kể với Tổ chức Ân
xá Quốc tế rằng, “họ đã dùng những lời lẽ thô tục để phí báng cha mẹ
chúng tôi, họ còn la lên ‘giết bọn giám mục đi’, ‘giết bọn tu sĩ đi’.”
Việt
Nam là một quốc gia mà ở đó Chủ nghĩa Mác được Kolakowski mô tả chính
xác là “trí tưởng tượng vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta”. Chủ nghĩa
Mác một lần nữa đang phơi bày chẳng điều gì khác ngoài sự che đậy thực
dụng của một tầng lớp chính trị tham nhũng, nhằm duy trì quyền lực và
ăn chơi trên thân phận người dân. Và một lần nữa, người Công giáo cùng
với chính nghĩa vì tự do tôn giáo đang phải trả giá.
QH dịch
|