Bauxite Việt Nam phỏng vấn tiếp TS Luật Cù Huy Hà Vũ về diễn tiến của vụ kiện Thủ tướng: Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình vi phạm luật tố tụng
Chúng
ta đều biết, ngày 3/7/2009, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã gửi Chánh án
TANDTC Trương Hòa Bình Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ do đã ban hành
trái Hiến pháp và pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg Phê duyệt quy
hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite
giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Để bạn đọc hiểu rõ vì sao vụ
kiện rơi vào im lặng khó hiểu, Bauxite Việt Nam (BVN) tiếp tục có cuộc phỏng vấn ông Cù Huy Hà Vũ (CHHV) về vấn đề này.
BVN: Thưa
TS Cù Huy Hà Vũ, dường như Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng gửi Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình của ông đã rơi vào “im lặng
đáng sợ”?
CHHV: Đúng là như vậy, vì đã 1 tháng 25 ngày trôi
qua kể từ ngày tôi gửi Đơn khởi kiện Thủ tướng, nhưng tôi chưa hề nhận
được bất cứ hồi âm nào từ phía Chánh án Trương Hòa Bình, trong khi pháp
luật tố tụng hành chính quy định phải trả lời tôi trong thời hạn 5 ngày
làm việc sau khi nhận được Đơn khởi kiện.
BVN: TS có thể nói rõ hơn?
CHHV: Điều 1.4 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày
04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán – TANDTC về việc xử lý đơn khởi kiện
vụ án hành chính quy định: “Ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án hành
chính, Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm, Chánh tòa
hoặc Phó Chánh tòa được Chánh án ủy quyền phân công một Thẩm phán xem
xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét trường hợp này thuộc loại
khiếu kiện nào quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh (Pháp lệnh thủ tục
giải quyết các vụ án hành chính) và đối chiếu với điều kiện khởi kiện
vụ án hành chính quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh để: a) Tiến hành thụ
lý vụ án theo thủ tục chung, nếu đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành
chính; b) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện và nêu rõ lý do trả
lại đơn khởi kiện, nếu không đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính.
Như vậy Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình đã vi phạm pháp luật tố
tụng hành chính.
BVN: Thật
không thể tin nổi đại diện cao nhất cho luật pháp lại vi phạm luật tố
tụng hành chính là thủ tục sơ đẳng mà người làm công việc án tụng nào
cũng buộc phải “học lấy làm lòng”. Vậy theo ông là do đâu?
CHHV: Nhiều khả năng là Chánh án Tòa tối cao “sợ”
Thủ tướng vì Thủ tướng là “sếp”, là cấp trên của Chánh án Tòa tối cao
mặc dù về nguyên tắc không ai trong hai quan chức này có quyền điều
hành người kia, không phải vì Nhà nước Việt Nam hiện nay đã theo chế độ
“Tam quyền phân lập” (Lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau)
như ở các nước văn minh khác mà vì cả Thủ tướng, Chánh án TANDTC và
Viện trưởng VKSNDTC đều do Quốc hội bầu ra, đồng nghĩa với địa vị pháp
lý của ba người này là bình đẳng với nhau, không ai lệ thuộc ai. Thực
vậy, quy chế “sếp” của Thủ tướng đối với Chánh án Tòa tối cao đã được
luật hóa tại Điều 8 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính:
“Trong trường hợp nhận thấy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật là không đúng, thì Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời Thủ tướng Chính
phủ trong thời hạn ba mươi ngày”! Thử hỏi trong bộ máy Nhà nước nếu
không phải là “sếp” thì có quyền yêu cầu và ấn định thời gian giải
quyết vụ việc theo quan điểm chủ quan của mình cho người khác được
không?!
Cũng không loại trừ Chánh án Trương Hòa Bình là người không thích
làm chuyện vô bổ hay thực dụng khi tính toán rằng ngay dù Chánh án “có
gan” xử Thủ tướng và xử Thủ tướng thua thì trong trường hợp đó Thủ
tướng cũng sẽ “lật án” hay “lật Chánh án” bằng chính quy định trên của
Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tóm lại, chẳng thà
“ngâm” Đơn tôi khởi kiện Thủ tướng còn hơn bị cái “vòng kim cô pháp lý”
nó xiết hoặc làm cái việc “dã tràng xe cát” để rồi thiên hạ cười chê.
Hiện nay Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đang thụ lý một vụ việc tại
30 Hàng Mã, Hà Nội theo đó Chánh án Tòa tối cao đã ra Quyết định giám
đốc thẩm hủy bỏ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại ngay
sau khi Thủ tướng can thiệp trực tiếp với Chánh án Trương Hòa Bình bằng
văn bản! Nghĩa là sự lệ thuộc của Chánh án Tòa tối cao đối với Thủ
tướng đã là thực tế chứ không còn trên văn bản nữa.
BVN: Vậy
trước sự “im lặng đáng sợ” mà nguyên do như ông nói, có thể vì Chánh án
Tòa tối cao “sợ” Thủ tướng mới nên cơ sự như thế, TS định giải quyết
như thế nào?
CHHV: Tôi đã tính trước trường hợp này. Khi trả lời phỏng vấn BVN
ngày 12/7/2009 tôi đã nêu khả năng “Chánh án Tòa tối cao sẽ chẳng nói
gì cả” sau khi nhận Đơn khởi kiện của tôi. Tuy nhiên Chánh án Trương
Hòa Bình không thể im lặng mãi được vì Chánh án Tòa tối cao mà cố tình
vi phạm pháp luật tố tụng là sát hại Nhà nước pháp quyền Việt Nam mà vị
này là đại diện, đồng nghĩa với tự sát chính trị. Mà người đời “sợ” để
mà “sống” chứ chả ai “sợ” để mà “chết” cả! Mặc dầu vậy, với tư cách
nguyên đơn tôi cũng phải chủ động thúc đấy tiến trình thụ lý Đơn khởi
kiện và do đó chiều ngày hôm nay, 28/8/2009, tôi đã đến Ban thanh tra –
Tòa án nhân dân tối cao tại 262 Đội Cấn – Hà Nội để gửi Chánh án Tòa
tối cao Trương Hòa Bình văn bản “Đề nghị thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng
Chính phủ”. Nói cho đúng, tôi không muốn “cấp tập”, ráo riết quá vì đây
là vụ kiện chưa có tiền lệ, cần có thời gian để Chánh án Tòa tối cao
“tâm phục, khẩu phục”, nhưng tất nhiên phải có giới hạn.
Có một chi tiết đáng chú ý là ông Nguyễn Khuyến, Trưởng phòng tiếp
dân – Ban thanh tra TANDTC đã biên nhận “Đề nghị thụ lý Đơn khởi kiện
Thủ tướng Chính phủ” bằng mẫu “Giấy biên nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm
tái thẩm của công dân”. Điều này cho thấy trong não trạng Tòa tối cao
không có chuyện Thủ tướng nói riêng, nguyên thủ quốc gia nói chung hoặc
những người đứng đầu Tòa tối cao hay Viện kiểm sát tối cao bị kiện trực
tiếp ra Tòa tối cao dẫn tới việc Tòa này không có mẫu Biên nhận đơn
khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết đơn khởi kiện.
Bên cạnh việc thúc đẩy Chánh án Tòa tối cao thụ lý đơn khởi kiện Thủ
tướng, tôi sẽ giúp vị này hết “sợ” Thủ tướng bằng cách tháo cái “vòng
kim cô pháp lý”, cụ thể là sớm gửi văn bản để nghị Ủy ban thường vụ
Quốc hội bỏ Điều 8 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
BVN: Theo TS, Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình sẽ phản ứng ra sao trước Đề nghị thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ của ông?
CHHV: Tôi đã ghi rõ trong Đề nghị: “Tôi cũng xin
lưu ý Ông Chánh án rằng Tòa án nhân dân tối cao là là đại diện cho Nhà
nước Pháp quyền Việt Nam và vì vậy nếu Tòa án nhân dân tối cao xử lý
không đúng pháp luật tố tụng Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ của tôi,
Cù Huy Hà Vũ, thì đó sẽ là hành vi xâm hại đặc biệt nghiêm trọng và
trực tiếp Nhà nước Pháp quyền Việt Nam cũng như lợi ích của toàn thể
nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam!”. Nói cách khác, không
xử lý Đơn khởi kiện Thủ tướng của tôi là hành vi tiếp tay xâm hại môi
trường, xâm hại văn hóa và đặc biệt xâm hại an ninh quốc gia – điều mà
“Trời không dung, Đất không tha”!
Với lại, công dân Cù Huy Hà Vũ tay không tấc sắt đâu có phải là
“ngoáo ộp” hay “ma-cà-rồng” để Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình,
Trung tướng Công an, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Viện trưởng
Viện kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa là “vũ trang đến tận răng”,
phải khiếp sợ đến nỗi không dám xử lý Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng của công dân này.
BVN: Xin
cám ơn Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và chúc ông “chân cứng đá mềm” trong
vụ kiện vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc – tâm điểm của mọi
người Việt Nam yêu nước.
Phụ Lục: Văn bản gốc các loại giấy tờ của TS Cù Huy Hà Vũ
Giấy Đề nghị thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ, tr. 01. Giấy Đề nghị thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ, tr. 02. Giấy biên nhận của Tòa án NDTC.
|