Nhiều
quốc gia, tổ chức phi chính phủ vẫn liên tục thúc giục chính quyền Việt
Nam hãy tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trả tự do cho những
tù nhân bị giam giữ vì bày tỏ sự khác biệt về quan điểm chính trị hoặc
vì hoạt động tôn giáo, không can thiệp vào hoạt động tôn giáo,…
RFA photo/Quỳnh Như
Dân
biểu Joseph Cao của tiểu bang Louisiana (đứng giữa) tại buổi họp báo
trước trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại VN
hôm 22/7/2010
Còn
Việt Nam vẫn liên tục nhắc đi, nhắc lại rằng, không thể biến quan điểm của quốc
gia nào đó về nhân quyền thành tiêu chuẩn, rồi áp đặt tiêu chuẩn đó cho Việt
Nam, vì mỗi quốc gia đều có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng...
Vậy
Việt Nam đang thực thi các cam kết với cộng đồng quốc tế về quyền con người như
thế nào? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình bài đầu tiên trong loạt
bài "Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam”…
Chính
quyền bảo không
Trên bình diện quốc tế, có
rất nhiều văn kiện liên quan đến nhân quyền, ràng buộc tất cả các quốc gia
thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Theo chính quyền Việt Nam, tại Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm luật hình sự.
Ngoài việc xác định mọi cá
nhân đều có quyền được sống, được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo
vệ, được tự do về tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, được tự do ngôn luận, được
tự do hội họp,… các văn kiện quốc tế về nhân quyền còn khẳng định, những hành
vi xâm phạm nhân quyền là tội ác chống lại các giá trị phổ quát của nhân loại.
Tùy tính chất và mức độ, những kẻ phạm tội có thể trở thành đối tượng của "Nghị
quyết về các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy tìm, bắt giữ, dẫn độ
và trừng phạt các cá nhân phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người”,
"Quy chế Tòa hình sự quốc tế”.
Đây là một trong những lý
do khiến chính quyền Việt Nam thường xuyên phủ nhận cáo buộc của nhiều thành
viên trong cộng đồng quốc tế, về việc đàn áp các cá nhân bất đồng về chính kiến
và bác bỏ những lời kêu gọi hãy trả tự do cho tù chính trị. Theo chính quyền Việt
Nam, tại Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm luật hình
sự.
Phạm nhân trại giam Xuân Lộc đang lao động ngoài trại. Photo courtesy of VietnamNet
Có đúng là các nhà tù tại
Việt Nam không hề có tù chính trị? Những người từng bị kết án, bị giam giữ vì
lý do chính trị nghĩ gì trước những tuyên bố của chính quyền Việt Nam? Chúng
tôi đã trao đổi với ba người từng bị giam tại trại giam Z30A, tọa lạc tại huyện
Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đó là các ông: Nguyễn Hữu Phu, bị bắt năm 1990, bị kết
án 10 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, được trả tự do năm 2009, nay đang cư trú tại Thừa Thiên – Huế. Nguyễn
Bắc Truyễn, bị bắt năm 2006, bị kết án 42 tháng tù về tội "tuyên truyền chống
nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do vào giữa tháng 5 vừa qua, đang cư trú
tại TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Quang, bị bắt năm 2006, bị kết án ba năm tù về tội
"Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do năm 2009, đang cư
trú tại TP.HCM để tìm câu trả lời.
Còn
trong tù thì…
Mời quý vị nghe một phần
cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Nguyễn Hữu Phu…
Trân Văn:Việt Nam thường bảo rằng, tại Việt Nam không có tù
chính trị cho nên tôi muốn hỏi anh cho rõ ràng, đó là, ở trong trại giam thì
các anh được gọi là gì?
Nguyễn Hữu Phu: Chúng tôi được gọi là tù
chính trị.
Trân Văn:Các anh được gọi là tù chính trị là do quản giáo gọi,
hay các anh tự nhận, hoặc là những người bạn tù khác gọi các anh?
Nguyễn Hữu Phu: Thứ nhất là quản giáo gọi.
Bình thường họ vẫn gọi là tù chính trị nhưng mà khi họp hành thì họ gọi chúng
tôi là người vi phạm an ninh quốc gia.
Thứ nhất là quản giáo gọi. Bình thường họ vẫn gọi là tù
chính trị nhưng mà khi họp hành thì họ gọi chúng tôi là người vi phạm
an ninh quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Phu
Trân Văn:Như vậy là các anh có tên gọi riêng?
Nguyễn Hữu Phu: Vâng!
Trân Văn:Còn tù hình sự thì họ gọi là gì?
Nguyễn Hữu Phu:Vẫn gọi là
tù hình sự thôi anh.
Trân Văn:Họ có chia nhóm giữa tù hình sự với tù chính
trị không?
Nguyễn Hữu Phu: Họ vẫn chia nhóm, họ tách
riêng. Đời nào họ cho chúng tôi gần được tù hình sự.
Trân Văn:Như vậy là với bên ngoài, Việt Nam phủ nhận việc
có tù chính trị nhưng trong trại giam thì lãnh đạo trại giam và các quản giáo vẫn
gọi các anh một cách rõ ràng là tù chính trị?
Nguyễn Hữu Phu:Vâng, là tù
chính trị. Có sự tách biệt. Nhà giam chúng tôi là nhà giam tách biệt và khu
giam đó như một khu cách ly.
Ông Nguyễn Hữu Phu. Photo courtesy of thongtinberlin.
Để phối kiểm các thông tin
do ông Nguyễn Hữu Phu cung cấp, chúng tôi cũng đã nêu những câu hỏi tương tự với
ông Nguyễn Bắc Truyển…
Trân Văn:Thưa anh Truyển, Việt Nam vẫn tuyên bố, tại Việt
Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm luật hình sự bị phạt tù.
Thế thì tại sao anh gọi những người bạn cùng ở tù với anh là tù chính trị?
Trong nhà tù có sự phân
loại và có sự khác biệt nào về cách đối xử giữa những người như các anh với tù
thường phạm không? Chẳng hạn quản giáo gọi các anh là gì? Tù thường phạm gọi
các anh là gì?
Nguyễn Bắc Truyển:Chúng ta
cũng hay thấy là nhà nước CSVN thường tuyên bố rằng không có sự đối lập, không
có tù chính trị. Mọi người đều đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng sản. Tôi xin được
nói đó là sự bịp bợm, dối trá và ngụy biện.
Họ
đã quy chụp cho những người bất đồng chính kiến, hoạt động chính trị và tôn
giáo là những người phạm tội hình sự. Rồi họ đem tất cả những người đó ra xử bằng
bộ luật hình sự. Hành động đó làm cho bản thân họ trở thành thấp kém khi nói chuyện
với cộng đồng quốc tế.
Tôi
không phải là nhà lý luận để có thể đi sâu vào ngôn từ, chữ nghĩa nhưng trong
trại giam thì chính những người cảnh sát trại giam vẫn gọi chúng tôi là tù
chính trị, "các anh bị giam trong khu chính trị”. Tất cả các vật dụng, nồi cơm,
bình đựng nước uống, vân vân,… đều được đánh dấu bằng chữ "C.T” – có nghĩa là
chính trị. Như vậy hóa ra những người cảnh sát trại giam còn hiểu biết hơn các
vị "đỉnh cao trí tuệ”, khi họ còn phân biệt được đâu là hoạt động chính trị,
đâu là phạm tội hình sự.
... trong trại giam thì chính những người
cảnh sát trại giam vẫn gọi chúng tôi là tù chính trị, "các anh bị giam
trong khu chính trị”. Tất cả các vật dụng, nồi cơm, bình đựng nước
uống, vân vân,… đều được đánh dấu bằng chữ "C.T” – có nghĩa là chính
trị.
Ông Nguyễn Bắc Truyển
Còn
những người tù thường phạm thì họ hiểu rõ và họ luôn luôn gọi chúng tôi là tù
chính trị hoặc là tù tôn giáo. Họ có một sự kính trọng đặc biệt đối với chúng
tôi.
Những
người cán bộ trại giam thì dè dặt hơn. Có khi họ gọi chúng tôi là những người bất
đồng chính kiến, tù an ninh quốc gia.
Còn
cách giam giữ thì anh thấy là hoàn toàn khác với tù thường phạm. Chúng tôi bị
giam trong một khu riêng biệt. Đi lao động thì xuất trại cuối cùng nhưng khi về
nhập trại thì ưu tiên số một. Có nghĩa là khi chúng tôi về thì có rất nhiều người
tù thường phạm đứng chờ nhập trại nhưng chúng tôi được ưu tiên vào trước. Chúng
tôi cũng không phải sinh hoạt tập thể chung với tù thường phạm vào sáng thứ hai
hàng tuần, cũng không phải chào cờ. Chúng tôi không được đi mua hàng trên
canteen mà có người xuống ghi đăng ký ở tại buồng giam, sau đó họ đem xuống tận
buồng giam giao cho chúng tôi. Đặc biệt là khi gia đình chúng tôi đi thăm thì
chúng tôi có khu vực giam riêng và luôn luôn người dẫn chúng tôi đi thăm gặp là
an ninh của trại giam.
Anh
em thường phạm nào mà tiếp xúc với chúng tôi, nhẹ thì bị cảnh cáo, còn nặng thì
kỷ luật cùm chân hoặc là chuyển trại. Trong khi đó thì anh em tù thường phạm tiếp
xúc với nhau rất là thoải mái.
Từ phải qua: ông Nguyễn Anh Hảo, cô Nguyễn Thu Trâm, ông Nguyễn Bắc
Truyển và ông Nguyễn Ngọc Quang. Hình do RFA thính giả gởi.
Cùng trao đổi về vấn đề
này, ông Nguyễn Ngọc Quang nhận định: "Nhà nước Việt Nam tuyên bố rằng ở Việt
Nam không có tù chính trị nhưng lại kết tội người ta về hành vi chính trị. Họ
nói lấy được thôi, câu nói, Việt Nam hoàn toàn không có tù nhân chính trị chỉ
nói với thế giới bên ngoài. Còn ngay ở bên ngoài, chính giám thị nói thẳng, các
anh là tù nhân chính trị.”
Trân Văn:Ngay trong trại giam thì có sự phân định giữa tù
chính trị và tù hình sự không? Sự phân định đó thể hiện như thế nào? Nó thể hiện
trong cách gọi của giám thị trại giam, trong cách gọi của các tù nhân hay là nó
thể hiện trong việc phân loại và việc giam giữ cũng như là cách đối xử?
Nguyễn Ngọc Quang: Nó thể hiện ở ba điểm. Thứ
nhất là cách gọi của cán bộ trại giam. Cán bộ trại giam gọi chúng tôi là tù
chính trị và gọi những người kia là tù thường phạm.
Thứ nhất là cách gọi của cán bộ trại
giam. Cán bộ trại giam gọi chúng tôi là tù chính trị và gọi những người
kia là tù thường phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Quang
Thứ
hai, phân biệt bằng đối xử bởi vì chúng tôi bị giam chung chứ không giam riêng
với những người tù thường phạm. Chúng tôi không được quyền học, không được quyền
có giấy bút, không được quyền gọi điện thoại ra ngoài mỗi tháng một lần như nội
quy thi hành án đã quy định. Chúng tôi không được tiếp xúc với người khác, trừ
trường hợp lao động. Lao động thì chúng tôi phải lao động tập trung. Có nghĩa
là tù chính trị lao động riêng với nhóm tù chính trị và không được gần gũi với
những người tù thường phạm.
Người
tù thường phạm nào gần gũi với chúng tôi thì chắc chắn sẽ bị đi cùm.
Điểm
thứ ba để phân định là mỗi lần viết kiểm điểm, chúng tôi buộc phải nhận đã có
hành vi chống nhà nước này. Hành vi chống nhà nước chính là hành vi chính trị.
Đến đây thì cuộc trò chuyện
với những cá nhân từng bị tù do bày tỏ sự bất đồng về quan điểm chính trị, lên
tiếng kêu gọi và vận động thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam theo chiều hướng
tôn trọng tự do, dân chủ, chuyển sang một hướng khác. Đó là khi phải đối diện với
tình trạng mất tự do và môi trường khắc nghiệt của nhà tù, tù chính trị nghĩ gì
và ứng xử ra sao? Mời quý vị đón nghe bài kế tiếp.