Nhà
nước cần có thái độ rõ ràng, bình đẳng giữa các tôn giáo, chứ không thể
thiên về tôn giáo này trong khi lại bỏ quên hay xem nhẹ tôn giáo
khác... Cùng
một môi trường xã hội như nhau nhưng tại sao trong nhà thờ Công giáo
lại giữ được kỷ cương, không có những biến tướng thiên về "kinh tế' như
ở nhiều đền chùa hay tín ngưỡng dân gian. (PGS Nguyễn Văn Huy)
Vấn
đề phức tạp trong thực hành tâm linh ở nước ta hiện nay có phải do điều
kiện kinh tế thị trường, hàng hoá quy định hay trước hết do nhận thức
không đầy đủ ở mỗi người? - PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân
tộc học Việt Nam, đặt câu hỏi.
|
PGS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Khánh Linh |
LTS:
Gần đây, những lễ hội vốn quy mô làng xã hoặc của một vùng như Bà Chúa
Kho, Đền Trần, Phủ Giầy... có tiếng là "thiêng", đột nhiên mở rộng
đến... tầm quốc gia. Quan chức khắp nơi công khai đánh xe công về "dự
lễ", dân chúng thập phương thấy thế càng đổ dồn về "ăn mày lộc thánh".
Quan niệm "dương sao âm vậy" gần như đã bị thay bằng "quan sao dân vậy".
Nhưng
quan chức cấp cao công khai đến lễ hội có nhằm gửi "một thông điệp" nào
đó cho dân chúng? Dù là cố ý hay vô tình thì họ cũng đã góp phần làm
biến tướng lễ hội và đang chi phối đời sống tín ngưỡng dân gian.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN.
Lẫn lộn giữa tư cách cá nhân và nhà nước
-
Tôi rất băn khoăn việc hàng loạt lãnh đạo nhà nước, từ cấp cao nhất đến
các quan chức các bộ ngành, các địa phương thực hành việc khai ấn ở Lễ
khai ấn đền Trần hay làm lễ tịch điền từ vài năm nay. Chưa kể người
thực hiện nghi lễ khai ấn lại là những lãnh đạo cấp cao (năm ngoái là
Chủ tịch nước, còn năm nay là Phó thủ tướng).
Ai
cũng biết lễ Khai ấn đền Trần là nghi lễ mang tính tâm linh, tín ngưỡng
trong dân gian. Nhiều đền - chùa - phủ khác cũng có những nghi lễ đầu
năm của họ. Dù có rất thiêng thì, theo tôi, đây cũng không phải là câu
chuyện khai ấn của cơ quan nhà nước, của việc thực hành một động tác cụ
thể là đóng dấu khai ấn của bất cứ vị quan chức nào đại diện cho nhà
nước. Đó hoàn toàn là công việc của nhà đền. Với sự tham gia của hàng
loạt quan chức không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách nhà nước
phải chăng là đang can thiệp quá sâu vào hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo;
vô hình trung tạo ra sự khuyến khích, thúc đẩy người dân trong toàn xã
hội, biến tín ngưỡng thành một phong trào cầu xin chức vị ở ngôi đền
này.
|
Quang cảnh một lễ Khai ấn đền Trần. Ảnh: TTXVN |
Lễ
tịch điền xưa là nhà vua với tư cách là thiên tử của đất nước nông
nghiệp, là con trời nên ông ta mở luống cày đầu năm mang ý nghĩa giao
hòa Trời- Đất, cầu cho những mùa vụ bội thu, sinh sôi nảy nở. Thái Lan,
Campuchia là nước quân chủ, còn vua nên vẫn giữ lễ này. Ở Việt Nam, Lễ
này đã mất từ lâu, ý nghĩa và bối cảnh không còn nữa, nay lại phục hồi
như một di sản văn hoá có đúng không? Nếu muốn thực hành khuyến nông
thì có lẽ có nhiều cách làm hay hơn. Cho nên rất cần xem lại một cách
cơ bản câu chuyện ranh giới giữa tín ngưỡng, tôn giáo và nhà nước hiện
nay.
- Theo PGS thì cá nhân các nhà lãnh đạo không nên có hành vi khuyến khích việc thực hành tín ngưỡng?
Tôn
giáo, tín ngưỡng là sự lựa chọn của mỗi người. Nhà nước cần có thái độ
rõ ràng, bình đẳng giữa các tôn giáo, chứ không thể thiên về tôn giáo
này trong khi lại bỏ quên hay xem nhẹ tôn giáo khác. Hơn nữa một lãnh
đạo cơ quan nhà nước dù ở cấp nào có thể tham gia một nghi lễ với tư
cách cá nhân, không tiền hô hậu ủng, không quay phim chụp ảnh, mà chỉ
như một "tín đồ", thì đó là câu chuyện của cá nhân vị lãnh đạo ấy. Như
Tổng thống Hoa Kỳ George Bush khi đến Hà Nội dịp APEC cũng đi lễ nhà
thờ Cửa Bắc như một tín đồ, chứ không phải với tư cách tổng thống.
Còn
ở ta đang có sự lẫn lộn giữa tư cách cá nhân và tư cách đại diện nhà
nước. Khi lãnh đạo nhiều cấp cùng có mặt tại Lễ khai ấn đền Trần thì
phải phân chia thứ bậc: thẻ đỏ mới được vào trong, thẻ vàng chỉ ở vòng
ngoài; rồi ai được có ấn trước, ai phải chờ sau... Thứ bậc của hệ thống
chính trị lại trở thành thứ bậc trong một nghi lễ tín ngưỡng dân gian.
Lãnh đạo được ưu tiên sắp xếp vào trong, ai cũng sẽ có ấn, thì làm sao
trách việc người dân chen lấn xô đẩy ở ngoài?
Quá
nhiều lãnh đạo có mặt ở các sự kiện Phật giáo, những người của các tôn
giáo khác sẽ cảm thấy thế nào? Tôi vẫn cảm thấy có chuyện gì đó chưa ổn
nếu không suy xét lại câu chuyện này một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ
vô tình làm mất đi sự bình đẳng văn hóa trong đời sống tâm linh.
Làm ăn với thần thánh?
- Bản thân PGS nhìn nhận thế nào về Lễ khai ấn đền Trần nói riêng, và các nghi lễ tín ngưỡng nói chung?
Mùa
xuân này tôi đi hội Đền Sóc, cũng mang cành lộc "hoa tre" vàng về cắm ở
nhà, vừa như một kỷ niệm đẹp của một dịp đi hội, vừa có ý đặt niềm tin
ở lộc Thánh - Thánh Gióng. Nhiều đền, chùa, phủ cũng phát "lộc" theo
hình thức này hay hình thức khác. Chính điều này góp phần tạo ra những
nét riêng cuốn hút. Tại sao tất cả phải dồn về đền thờ Bà Chúa Kho,
chùa Hương hay đền Trần trong thời điểm cao điểm nhất? Phải chăng chỉ
giờ khắc ấy mới là linh thiêng như dân gian vẫn quan niệm? Thế những
thời điểm khác cũng ở đền ấy, chùa ấy thì sao?
Tôi
cho rằng rất cần làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về tâm linh, để
không vượt quá ngưỡng cần có, nếu không sẽ trở thành cuồng si. Niềm tin
tâm linh có thể cho con người thêm sự quân bình, thanh thản trong cuộc
sống, chứ không phải lên đền, chùa, phủ chỉ để cầu chức vụ, cầu tiền
bạc bằng mọi giá. Nhìn cách người ta chen chúc ở các đền, chùa, phủ
hiện nay ở nhiều nơi ở đồng bằng Bắc bộ, dễ có cảm giác đây là chốn để
làm "kinh tế" với thần thánh, nó khác với truyền thống xưa kia và khác
cả với nhiều nơi khác ở nước ta. Đó cũng là điều suy nghĩ.
|
Quang cảnh một Lễ tịch điền. Ảnh: tuoitre.com.vn |
Một
vấn đề rất cần đặt ra, không lẽ niềm tin tín ngưỡng của người Kinh lại
lớn hơn, mạnh mẽ hơn so với niềm tin tín ngưỡng của người Khmer, người
Chăm... cùng trên đất nước ta? Họ cũng có đền, chùa nhưng họ giữ được
cốt cách, lề lối mà không bị lôi cuốn "ào ạt", bị "tha hóa" như ta
thấy. Cùng một môi trường xã hội như nhau nhưng tại sao trong nhà thờ
Công giáo lại giữ được kỷ cương, không có những biến tướng thiên về
"kinh tế' như ở nhiều đền chùa hay tín ngưỡng dân gian (như đạo Mẫu...).
Còn
xin nhìn ra nước ngoài, những nước Phật giáo phát triển mạnh như Ấn Độ,
Thái Lan, Lào và cả Trung Quốc nữa... cũng hoàn toàn không có cách ứng
xử như người Việt? Nhiều nước phát triển trước chúng ta về kinh tế thị
trường nhưng mà họ lại vẫn giữ được niềm tin trong sáng hơn, thuần tuý
tâm linh hơn? Họ đến đền chùa để cầu mong đạt được hạnh phúc, bình an,
phát đạt hay thăng tiến một cách rất trân trọng, rất văn minh mà không
quá phụ thuộc vào tiền bạc và lễ vật dâng cúng. Cho nên vấn đề phức tạp
trong thực hành tâm linh ở nước ta hiện nay có phải do điều kiện kinh
tế thị trường, hàng hoá quy định hay trước hết do nhận thức không đầy
đủ ở mỗi người? Đây là những câu hỏi cần phải nghiêm túc đặt ra.
Quan trí bị dân trí tác động?
- Theo PGS, giữa những tín đồ của tôn giáo, tín ngưỡng và những người hành nghề tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta, ai làm hỏng ai?
Tôi
đã có dịp trò chuyện với một vài nhà sư tu nghiệp nhiều năm ở Thái Lan,
Ấn Độ về, họ kể bên đó việc tu hành theo giáo lý nhà Phật rất nghiêm.
Họ bày tỏ nỗi băn khoăn dường như là chuyện tu hành của ta có nhiều cái
"hổng", bị biến tướng, ở đâu đó mang nhiều màu sắc vừa "hàng hóa" vừa
tà thuật.
Thực
tế hiện nay nhiều quan chức không chỉ đi lễ hay cung tiến cho đền chùa,
mà họ còn bị "điều khiển" bởi các vị hành nghề tín ngưỡng thông qua hệ
thống phong thủy, từ cổng cơ quan nên mở hướng nào, từ chỗ ngồi, cửa ra
vào hướng vào đâu, đến việc phải xuất hành giờ nào cũng có người tư
vấn. Chính tác động này khiến nhiều người bị phụ thuộc, có cảm giác
không làm chủ được tình thế, nếu năng lực bản thân không đủ thì càng
phải dựa vào những "thế lực" thần linh, cùng với việc mua quan bán chức
mà xã hội đang lên án chẳng hạn?
-
Biết đâu nhiều lãnh đạo có mặt ở những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
chỉ hoàn toàn vì vô tình? Theo PGS, lãnh đạo sẽ có vai trò gì trong
việc chấn chỉnh sự nhộn nhạo ở các nghi lễ, lễ hội?
Quan
trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi cá nhân dựa trên nền tảng văn hóa
của chính mình và của xã hội. Muốn vậy vai trò của giáo dục là vô cùng
quan trọng. Rất cần những người lãnh đạo sáng suốt, minh triết để dẫn
dắt xã hội theo đúng hướng, kể cả trong văn hóa. Công bằng mà nói, quan
trí cũng bị dân trí tác động. Lúc ban đầu thời Đổi mới, người dân đổ xô
đến các đền phủ trước (như đền bà Chúa Kho, phủ Giày) thành phong trào,
thành nhu cầu mới của xã hội, rồi mới lan đến quan chức. Nhưng khi quan
chức cũng đua nhau có mặt thì lại tác động mạnh hơn nhiều đến đông đảo
mọi người. Nếu lãnh đạo dùng thế mạnh dẫn dắt của mình để làm gương cho
xã hội, ứng xử bình đẳng, chừng mực với mọi hoạt động tôn giáo tín
ngưỡng thì chắc người ta cũng sẽ học theo.
Khánh Linh
Nguồn: Tuanvietnam.net
|