Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được hưởng rất nhiều lợi thế.
Nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" và "được ăn cả, ngã về
không", không còn có hiệu lực với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. Và thay vào đó là một tập
quán "lời ăn, lỗ dân chịu” hình như đang ngày càng rõ nét hơn...
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn
Đình Cung đã nhấn mạnh nội dung nói trên tại bản tham luận ở diễn đàn
"Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền
kinh tế" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong hai
ngày 8 và 9/4.
Với tiêu đề "Áp đặt kỷ luật của thị trường cạnh tranh thúc đẩy tái cơ
cấu doanh nghiệp nhà nước", ông Cung đã đi sâu phân tích một số ưu ái,
đặc quyền và lợi thế của doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn, tổng
công ty nhà nước so với các doanh nghiệp khác, trước khi đưa ra các kiến
nghị cụ thể.
Không thể phá sản
Lợi thế đầu tiên được vị chuyên gia này đề cập, đó là doanh nghiệp
nhà nước không phải chịu sự chi phối của nguyên tắc " lời ăn, lỗ chịu”,
và do đó, những người đại diện chủ sở hữu và liên quan khác không chịu
tác động bởi các rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn, tổng công ty không còn
là đối tượng của phá sản, bởi vì họ đang chiếm độc quyền hoặc thống lĩnh
trong các ngành quan trọng của nền kinh tế ; sự tồn tại và phát triển
của tập đoàn, tổng công ty, tập đoàn có liên quan luôn được coi là đồng
nghĩa với sự tồn tại và phát triển của các ngành đó trong nền kinh tế.
Do đó, sự phá sản của tập đoàn, hay tổng công ty có liên quan bị coi là
‘phá sản” của ngành kinh tế đó của đất nước, ông Cung nói.
Và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chính là ví dụ
điển hình, theo Viện phó Cung. Mặc dù, Vinashin kinh doanh đa ngành,
nhưng phá sản của Vinashin vẫn được coi là dẫn đến "phá sản” của ngành
đóng tàu. Điều này cũng đã dẫn đến thực trạng là sự bảo hộ của nhà nước
đối với một ngành nào đó trên thực tế đã chuyển thành bảo hộ đối với các
doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty có liên quan, tham luận
nêu rõ.
Lý do tiếp theo được ông Cung đề cập là các tập đoàn, tổng công ty
luôn có quan hệ chặt chẽ về chính trị với các công chức, cán bộ lãnh
đạo, kể cả lãnh đạo cao cấp. Ngược lại, trong vai trò là người đại diện
chủ sở hữu và người hoạch định chính sách, các cơ quan và công chức nhà
nước có liên quan có can dự trực tiếp và nhiều mặt trong việc ra các
quyết định đầu tư, kinh doanh và cả nhân sự ở các tập đoàn, tổng công
ty. Vì vậy, sự thất bại hay phá sản của tập đoàn, tổng công ty (nếu có)
đều sẽ ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan, công chức có liên quan.
Do đó, cảm nhận chung là các khiếm khuyết hay thất bại (nếu có)
thường được giảm nhẹ về quy mô và mức độ; và chắc chắn, các cơ quan và
công chức có liên quan cũng sẽ không ra các quyết định buộc tập đoàn,
tổng công ty phá sản, nếu chúng lâm vào tình trạng phá sản.
Cụ thể hơn, ông Cung tiếp tục phân tích, mỗi khi các tập đoàn, tổng
công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thì bộ trưởng có liên quan (có
trường hợp cả phó thủ tướng) trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh
nghiệp khác phải mua sản phẩm có liên quan từ các doanh nghiệp đang có
các sản phẩm khó tiêu thụ.
Hay khi tập đoàn, tổng công ty không còn cách nào khác để tìm vốn
kinh doanh, thì vẫn được nhà nước chỉ định cho vay với lãi suất rất
thấp, thậm chí là 0%; khi không thanh toán được các khoản nợ đến hạn,
thì Bộ Tài chính cũng đã thu xếp việc thanh toán các khoản nợ đó. Như
vậy, về chính trị và định hướng chính sách, các công ty mẹ tập đoàn,
tổng công ty không còn và không thể là đối tượng phá sản.
Kiểm soát lỏng lẻo
Bên cạnh nội dung nói trên, tại bản tham luận, ông Cung cũng làm rõ
thêm một số lợi thế khác của doanh nghiệp nhà nước. Như các tập đoàn,
tổng công ty đang nắm giữ và chi phối quyền và cơ hội kinh doanh, nắm và
trực tiếp quản lý và sử dụng hệ thống, mạng chuyển tải, phân phối
(điện, xăng dầu, viễn thông...), nắm và chi phối quyền, cơ hội kinh
doanh các sản phầm nhà nước quản lý như xuất khẩu gạo, khai thác các
loại khoáng sản quan trọng...
Xuất phát từ việc có quan hệ thân thiết với các công chức, hoặc dễ
dàng tạo lập các quan hệ như thế, khi cần thiết, nên theo ông Cung thì
doanh nghiệp nhà nước tiếp cận dễ hơn, thuận lợi hơn với các quyền và cơ
hội kinh doanh theo cơ chế "xin-cho” như tiếp cận quyền sử dụng đất,
thăm dò, khai thác tài nguyên, các loại giấy phép khai thác (thậm chí
không cần giấy phép vẫn kinh doanh).
Hay, tiếp cận một cách đầy đủ đến các nguồn thông tin của các cơ quan
nhà nước. Cấu kết, liên kết tạo ra cơ hội kinh doanh theo ý muốn chủ
quan của mình (thông qua làm quy hoạch, làm dự án, bổ sung, sửa đổi quy
hoạch).
Tiếp theo, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lợi thế hơn trong
tiếp cận tín dụng. Và đáng lưu ý là có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh
thị trường mà không bị kiểm soát hoặc bị kiểm soát rất lỏng lẻo và kém
hiệu lực. Bởi vì, các cơ quan giám sát, quản lý thị trường còn rất yếu
về năng lực, vẫn thuộc bộ, mà bộ đó lại có xu hướng bảo vệ cho các tập
đoàn, tổng công ty có liên quan.
Ở phần nguyên nhân tồn tại các đặc quyền, ưu ái và lợi thế như đã
phân tích ở trên, một lần nữa ông Cung nhấn mạnh yếu tố liên quan đến
con người. Khi mỗi người, mỗi cơ quan nhà nước trong thực thi nhiệm vụ
của mình đều dành thuận lợi, ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp nhà nước
bởi hàng loạt các lý do như: có quan hệ cá nhân gắn kết, phù hợp với chủ
trương của Đảng và Nhà nước, thông lệ bất thành văn, hay vì lợi ích
của cá nhân và của những người khác có liên quan....
Điều này cũng lý giải thực tế ở không ít các diễn đàn trước do Ủy ban
Kinh tế Quốc hội tổ chức, nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã
kiến nghị cần xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước.
Còn tại diễn đàn Quốc hội không chỉ ở khóa 13, việc doanh nghiệp Nhà
nước "lời ăn, lỗ dân chịu" cũng đã từng được đề cập, mổ xẻ và thậm chí
là đòi "truy" trách nhiệm cá nhân, mà điển hình cũng vẫn là vụ việc liên
quan đến sai phạm của Vinashin.
Nhiều câu hỏi để ngỏ về những lỗ hổng trong quản trị, quản lý và kiểm
soát doanh nghiệp nhà nước, nay có thể sẽ có thêm những câu trả lời,
khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng
công ty là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.
Cho dù, như nhận xét của Viện phó Nguyễn Đình Cung, việc áp đặt kỷ
luật của thị trường cạnh tranh bằng cách loại bỏ các đặc quyền, lợi thế
của tập đoàn, tổng công ty là không dễ dàng, không thể chỉ bằng các giải
pháp kỹ thuật và hoàn thành trong một thời gian ngắn.
Con đường ngắn nhất để có thể thực hiện được công việc khó khăn nay,
theo ông Cung là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhà
nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số. Và vì vậy năm 2012 phải có bước khởi
đầu có tính đột phá khởi động lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà
nước đã bị chậm lại một cách đáng kể trong mấy năm gần đây.
Một trong số các kiến nghị rất đáng chú ý được nêu ra tại bản tham
luận là các doanh nghiệp bị thua lỗ ngoài dự kiến kế hoạch, hoặc không
đạt được các mục tiêu quan trọng như kế hoạch, thì giám đốc, tổng giám
đốc đương nhiên bị miễn nhiệm, những người khác cũng bị giải trình, truy
xét trách nhiệm, khắc phục tình trạng quá lỏng lẻo về kỷ luật, kỷ cương
như hiện nay.