Rõ ràng đã chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Tiên Lãng.
Bài học mà giới chức lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam tưởng chừng đã "ngộ”
ra, thì nay vẫn bị căn bệnh hoang tưởng chính trị chèn ép. Nguy cơ xung
đột đất đai giữa người dân và chính quyền lại càng trở nên rõ rệt hơn
bao giờ hết.
Việc gì phải sợ nó!
Vào thời gian này, có một lời than phiền rất phổ biến trong giới cán
bộ chính quyền "Sau vụ Tiên Lãng, anh em mình hình như nhát tay hơn, hơi
một chút là sợ xung đột”.
Nhưng lại vẫn có những cán bộ cố gắng lên gân: "Chính quyền, luật pháp trong tay, việc gì phải sợ nó!”.
Không phải giải thích, chắc bạn đọc cũng hiểu "nó” là ai.
Vào đầu tháng 4/2012, tại một cuộc họp sơ kết tình hình khiếu nại tố
cáo đầu năm, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phát ra thông tin là từ sau vụ
Tiên Lãng, số lượt người, số đoàn đông người lẫn số vụ việc tăng hẳn
lên. Cụ thể, số lượt người khiếu nại tố cáo trong tháng 3 tăng 50% so
với tháng 2/2012, số đoàn đông người tăng 30%. Trong số này chủ yếu vẫn
là các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai với tính chất rất phức tạp,
gay gắt.
Gần 1000 bà con ba xã thuộc huyện Văn giang đã
kéo ra cánh đồng, gần cầu đang xây để biểu tình, phản đối cưỡng chế đất
cho Ecopark hôm 20 tháng 4, 2012. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
Khá tương đồng với cuộc khiếu kiện tập thể đông người hơn 500 người
tại trụ sở Văn phòng 2 Quốc hội tại quận Phú Nhuận vào năm 2007, lần này
người dân khiếu kiện cũng đến từ nhiều tỉnh như Bình Thuận, Bà Rịa –
Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng
Tháp, Bình Dương, TP.HCM… Không hẹn mà gặp, giữa người dân các tỉnh đã
có một mối dây tương thích về chia sẻ cảnh ngộ và phương thức đấu tranh
đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Tính chất khiếu kiện có tổ chức cũng được thể hiện qua "đồng phục”
như những cái áo cùng màu, trên đó được viết tay hoặc in những hàng chữ
với nội dung phản đối chính quyền và một số cá nhân lãnh đạo trong chính
quyền địa phương về chính sách bồi thường không thỏa đáng, chèn ép dân,
nạn cướp đất…
Lẽ đương nhiên, các cơ quan của đảng và chính quyền, từ Ban Dân vận,
Ban Tuyên giáo đến cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo, chính quyền địa
phương và đặc biệt là cơ quan công an đã có lý do để ghép hành vi người
dân khiếu kiện đất đai thành "gây rối có tổ chức”. Vô tình hay hữu ý,
cán bộ của những cơ quan này, trong khi không mấy quan tâm đến nguồn gốc
đầy mất mát thương tâm của các vụ việc khiếu kiện, lại vẫn một lần nữa
nhấn mạnh hình ảnh "các thế lực thù địch” đang kích động, lôi kéo người
dân đi khiếu kiện, tiến đến gây mất ổn định trật tự xã hội và an ninh
chính trị.
Chỉ có điều, từ ngữ "cưỡng chế” đã được hạn chế đến mức tối thiểu
trong các văn bản chỉ đạo nội bộ và càng được tiết giảm trong các cuộc
tiếp xúc, đối thoại giữa cán bộ giải quyết khiếu nại với người dân.
Dường như sau vụ việc Tiên Lãng, cái từ mà một thời hết sức thịnh hành
và thịnh bạo kia lại trở nên rất "nhạy cảm” trong tâm trí và nơi cửa
miệng của giới chức chính quyền.
Từ Hà Nội nhìn lên Bắc Kinh
Một điểm tương đồng thú vị cũng đã diễn ra trong cùng thời gian đầu
năm 2012, khi từ ngày 10/4 năm nay, các quy định mới về cưỡng chế, thu
hồi đất đai do Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ban hành chính thức có
hiệu lực. Theo đó, chính quyền không được tiến hành cưỡng chế nếu gặp
phải một trong những tình huống như: thiếu căn cứ thực tế, thiếu căn cứ
pháp luật, bồi thường không công bằng, không rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm
trọng tới quyền lợi hợp pháp của người bị cưỡng chế, không đảm bảo điều
kiện sống cơ bản hoặc điều kiện kinh doanh sản xuất của người bị cưỡng
chế.
Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã có mối quan hệ "môi với răng”, và
giờ đây dường như giới chức Hà Nội cũng đang theo dõi sát sao từng động
thái đối nội của chính phủ Bắc Kinh để tái hiện nguyên tắc hành xử trong
quốc gia mình.
Như một hiệu ứng đồng pha, từ giữa năm 2011 đến nay đã đồng thời diễn
ra một phong trào khiếu kiện đất đai lan rộng và với mức độ gay gắt bất
thường ở cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Đặc trưng mà giới chức
chính quyền đã tổng kết về khiếu kiện là hình thức tập trung và đông
người, trong hơn một năm qua đã "vươn lên một tầm cao mới”: phản ứng đất
đai, được biểu thị cụ thể bằng phản ứng tiêu cực đối với bản thân của
người dân và hành vi xung đột của người dân với chính quyền.
Vào năm 2011, nếu ở Trung Quốc đã từng xảy ra trường hợp ba anh em
một gia đình nông dân ở Hà Bắc đồng lòng tự thiêu để phản đối nạn cướp
đất của chính quyền, thì ở Việt Nam cũng có những trường hợp tương tự ở
Bắc Giang, TP.HCM, Bình Phước… Nếu ở Việt Nam đã xảy ra vụ việc Đoàn Văn
Vươn dùng mìn và súng hoa cải để chống đối lực lượng cưỡng chế, thì mới
đây ở Vân Nam (Trung Quốc), trong một cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi
trường và do bị đàn áp, người dân biểu tình đã dùng lưỡi hái phản ứng
quyết liệt và gây ra cái chết cho ít nhất một cảnh sát.
Có rất nhiều minh họa về biểu tình và chống biểu tình đất đai mà đã
dẫn đến xung đột triền miên tại nhiều địa phương. Về mặt từ ngữ, chắc
chắn đã đến lúc cụm từ "khiếu kiện đất đai” lạc hậu kia cần được thay
thế bởi một cụm từ với ngữ nghĩa đầy đủ hơn nhiều: "phản ứng đất đai”.
Trong "phản ứng đất đai” không chỉ có hình thức tập trung khiếu nại và
tố cáo đông người, mà còn được đẩy đến hành động tự bảo vệ tài sản, gây
ra xung đột với quy mô và tính chất quyết liệt ngày càng tăng giữa người
dân với các cơ quan hành pháp. Đó cũng là một dạng bi kịch ở Việt Nam
hiện thời.
Sẵn sàng đối đầu!
Nhưng chuỗi bi kịch đó vẫn hoàn toàn chưa có cơ may nào chấm dứt khi
sau vụ việc Tiên Lãng, khi trong mấy tuần qua, ở Hà Nội lại liên tiếp
xảy ra các vụ biểu tình của người dân ở Hưng Yên và chính người dân Hà
Nội chống lại nạn cướp đất đến từ những chủ đầu tư dự án trong mối câu
kết với các quan chức chính quyền. Khác nhiều với không khí đấu tranh ở
khu vực phía Nam, người dân phía Bắc lại tỏ ra "giác ngộ” hơn về nhận
thức và thái độ sẵn sàng quyết liệt đối với lực lượng chống biểu tình,
bao gồm cảnh sát cơ động và dân phòng.
Rõ ràng đã chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Tiên Lãng. Bài học mà
giới chức lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam tưởng chừng đã "ngộ” ra, thì nay
vẫn bị căn bệnh hoang tưởng chính trị chèn ép. Những gì mà giới chức
chính quyền địa phương lẽ ra phải được giáo huấn một cách thật sự nghiêm
khắc thì lại bị chính quyền trung ương phớt lờ. Hoặc cho rằng vụ việc
Đoàn Văn Vươn chỉ là "hành động cá nhân đơn lẻ”, hoặc cho rằng sự can
thiệp của đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào vụ việc này đã đủ để
thuyết phục và làm dịu dân chúng, hoặc vẫn tiếp tục bị các nhóm lợi ích
của chủ đầu tư và đương nhiên có cả quyền lợi của giới chức chính quyền
lấn át…, nội bộ Đảng và guồng máy chính quyền lại tái diễn tình trạng
nửa thức nửa ngủ cùng mối bận rộn về thói quen chia rẽ và bè phái, trong
khi để mặc cho chính quyền địa phương tự tung tự tác tại các dự án giải
tỏa và lấn chiếm đất đai.
Cứ như thế, trong khi mọi chuyện vẫn chưa có gì được cải thiện, nguy
cơ xung đột đất đai giữa người dân và chính quyền lại càng trở nên rõ
rệt hơn bao giờ hết.
Với người dân bị mất đất, rõ ràng là không còn cách nào khác, họ phải
liều lĩnh hành động để giành giật sự sinh tồn cuối cùng cho gia đình
mình. Thái độ và bản lĩnh trong việc thách thức và sẵn sàng đối đầu,
chống đối chính quyền cũng vì thế đang có chiều hướng bùng phát – một sự
bùng phát mà đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng kềm chế sẽ trở nên
bất khả kháng.
© 2012 TCPT