Sản
lượng kinh tế Việt Nam tăng gần 6% trong quý một 2010, gần gấp đôi so
với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng vật giá lại có thể vượt 12% trong vòng ba
tháng tới, báo hiệu nguy cơ lạm phát.
Photo courtesy of PhuMyHung
Khu đô thị Nam Sài Gòn.
Diễn
đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nghịch lý đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh
tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.
Nguy cơ lạm phát
Việt Long:Hôm Thứ Ba ngày 30, Cục Thống kê của Hà Nội
vừa công bố dữ kiện sơ khởi về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý một, tức là
ba tháng đầu của năm 2010. Dư luận chú ý nhất đến đà tăng trưởng đã lên tới
5,83%, tức là tăng gần 90% so với đà tăng trưởng 3,14% vào quý một của năm
ngoái. Đây là một tin đáng mừng trong bối cảnh sản xuất còn èo uột của toàn khu
vực châu Á .
Thống
kê thu thập được của quý một có thể khiến chúng ta hơi lạc quan, không vì tốc độ
tăng trưởng mà vì nội dung của đà tăng trưởng đó. Nhưng nguy cơ lạm phát mới là
một mối lo.
Ô.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhưng tuần qua, người ta cũng không
khỏi quan tâm về mức độ lạm phát quá cao của Việt Nam. Như trong tháng Ba, vật
giá đã tăng 0,75% và so với năm ngoái thì đã tăng 9,46%. Liệu đà sản xuất mạnh
hơn có thể đẩy lui được nguy cơ lạm phát hay không là câu hỏi khiến nhiều người
thắc mắc. Ông nhận định ra sao về chuyện này?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thống kê thu thập được của quý một có thể khiến chúng ta hơi lạc quan, không vì
tốc độ tăng trưởng mà vì nội dung của đà tăng trưởng đó. Nhưng nguy cơ lạm phát
mới là một mối lo chính đáng mà người ta cần quan tâm vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống
của đa số người dân. Ngoài ra, ta cần thấy là nhiều thất quân bình vĩ mô thì vẫn
còn nguyên vẹn.
Việt Long:Mời ông bắt đầu từ đà tăng trưởng sản xuất
và về nội dung của đà tăng trưởng đó.
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Trước hết, trong toàn khu vực Á Châu, tình hình kinh tế thật ra đã khả quan hơn
so với năm ngoái nên nhiều quốc gia đã lần lượt nâng lãi suất và ra khỏi kế hoạch
kích thích đã ban hành từ cuối năm 2008. Thứ hai, từ đầu năm nay, giới chức Việt
Nam đã dự báo đà tăng trưởng khoảng 6% cho quý một. Nay đạt được 5,83% thì dù
thấp hơn dự đoán cũng vẫn là điều đáng mừng. Đáng mừng hơn cả là lực đẩy của đà
tăng trưởng ấy lại nằm trong thị trường nội địa thay vì nhờ xuất khẩu. Đáng chú
ý nhất là yếu tố đóng góp của khu vực xây cất, tăng được hơn 7%, hoặc khách sạn
và dịch vụ, tăng được gần 9%.
Tiền đồng Việt Nam. AFP PHOTO.
Trong
điều kiện còn khó khăn chung của các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới như
Hoa Kỳ và Âu Châu thì lực đẩy nội địa ấy là đáng mừng, nhất là cho công ăn việc
làm của dân chúng. Nói vắn tắt thì từ nhiều năm nay, diễn đàn này của chúng ta
đã từng cảnh báo rằng Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa
thay vì ràng số phận kinh tế vào việc xuất cảng ra ngoài. Chúng ta càng nên
nhìn ra điều ấy vì thế giới sẽ có nhiều thay đổi sau trận tổng suy trầm vửa
qua, mà ta sẽ đề cập tới vào cuối chương trình này.
Việt Long:Bên cạnh những chỉ dấu thay đổi lạc quan
hơn so với năm ngoái đó thì còn những mối lo kia, như lạm phát hay thất quân
bình vĩ mô có ý nghĩa thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Khi bộ máy sản xuất chạy mạnh hơn thì ta lại phải lo ngại hiện tượng nóng máy
và nguy cơ lạm phát. Tại Việt Nam, hiện tượng ấy dễ xảy ra vì kế hoạch kích
thích kinh tế đặt trọng tâm vào tín dụng qua biện pháp hạ lãi suất để bơm thêm
tiền vào kinh tế. Lượng tín dụng gia tăng ồ ạt, tới gần 40% suốt năm ngoái,
càng có thể hâm nóng bộ máy sản xuất. Dù Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam đã
nâng lãi suất từ đầu tháng 12 và bỏ chế độ lãi suất trần cho loại tín dụng
trung và dài hạn, tình hình vẫn rất đáng quan tâm và canh chừng. Tôi thiển nghĩ
là chỉ tiêu hạn chế đà gia tăng tín dụng ở mức 25% sẽ khó đạt và có khi còn chứng
kiến nạn bể bóng đầu tư cổ phiếu.
Việt Long:Tại sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Lý do thứ nhất là Việt Nam bị rơi vào vòng luẩn quẩn với chế độ ngoại hối ấn định
quá cao và cứng ngắc nên phải liên tục phá giá hai lần nội trong hai tháng 11
và tháng Giêng. Càng phá giá là càng khiến tiền rẻ hơn và hàng họ đắt hơn, tức
là càng dễ gây lạm phát.Thứ hai, trong
cơ cấu giá cả thì giá lương thực và nhất là nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu
cũng tăng với tỷ lệ quá cao, đã vượt 10% trong tháng Ba so với tháng Ba năm
ngoài, nên càng dễ đưa tới lạm phát về phí tổn. Thứ ba, lãnh đạo Việt Nam đang
muốn gây tâm lý hồ hởi phấn khởi để chuẩn bị Đại hội đảng cho nên vừa tăng
lương cho đảng viên cán bộ vừa tạo ra ấn tượng tiền rẻ cho dân chúng vui vẻ mua
xắm. Yếu tố ấy dễ thổi bùng lạm phát.
Kết
cuộc thì lãnh đạo kinh tế có thể quan ngại đến tình hình vật giá, nhưng lãnh đạo
chính trị ở trên lại muốn toàn quốc có không khí lạc quan của ngày hội lớn mà
không chú ý đến cái giá mà người dân sẽ phải trả sau này. Vì thế, từ nay đến cuối
năm thì lạm phát càng dễ tăng. Nói chung, cả khu vực Á Châu đều quan tâm đến
nguy cơ lạm phát và chuẩn bị đạp thắng để kinh tế khỏi nóng máy, nhưng Việt Nam
dễ bị nặng nhất vì những vấn đề riêng của mình.
Lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Vì
theo đuổi chiến lược đi làm gia công để xuất khẩu, Việt Nam vẫn còn lệ thuộc
quá nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập từ bên ngoài.
Ô.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long:Chúng ta bước qua vấn đề vĩ mô. Ông nói đến
thất quân bình trong cơ cấu vĩ mô, những thất quân bình ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Vì theo đuổi chiến lược đi làm gia công để xuất khẩu, Việt Nam vẫn còn lệ thuộc
quá nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập từ bên ngoài mà giá cả các nhập lượng
này đang trên đà gia tăng, thí dụ như bông vải cho ngành dệt sợi, hoặc linh kiện
điện toán cho công nghiệp chế biến để tái xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam dễ nhập
khẩu đà gia tăng của vật giá của xứ khác. Đây là ta chưa nói đến xăng dầu, thép
hay phân bón cho thị trường nội địa. Trong khi ấy, xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc
và nhập khẩu vẫn tăng mạnh nên xứ này bị nhập siêu nặng. Trong tháng Ba vừa qua
thì bị thiếu hụt thương mại mất một tỷ 330 triệu đô la, điều ấy càng gây sức ép
cho chế độ ngoại hối vì bào mỏng số dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.
Trong
hoàn cảnh Việt Nam cần tới đầu tư từ nước ngoài để có ngoại tệ và đẩy mạnh sản
xuất sau này thì nguồn đầu tư ấy cũng lại tạo ra sức hút rất mạnh về nhập khẩu
để tái xuất khẩu và gây thêm khiếm hụt ngoại thương. Yêu cầu giảm thiểu số thiếu
hụt ấy khiến Việt Nam muốn duy trì tỷ giá thấp của đồng bạc thì càng khó vét đô
la trên thị trường. Và trị giá bấp bênh của đồng bạc càng khiến các thị trường
tài chính thế giới mất niềm tin và hậu quả là công khố phiếu Việt Nam mất giá
trị, sẽ chỉ có thể huy động bằng phân lời cao hơn là mâu thuẫn chúng ta đã đề cập
tới trong chương trình ngày 17, khi công ty Fitch hạ thấp cấp độ của trái phiếu
Việt Nam.
Việt Long:Đó là một lẽ khi nói đến những mâu thuẫn
trong chế độ quản lý vĩ mô. Ông còn thấy có vấn đề gì khác đáng quan tâm không?
Sản xuất vẫn lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập. Photo courtesy of sbsc.com.vn
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp hay quá độ từ nạn suy trầm qua
chu kỳ hồi phục, cho nên Việt Nam có thể bị lúng túng trong chính sách vĩ mô và
bị kẹt giữa hai nguy cơ là ngoại hối và lạm phát. Trong điều kiện ấy, yêu cầu
chính trị của lãnh đạo cho Đại hội đảng sẽ gây sức ép cho giới lãnh đạo kinh tế
trong bộ máy nhà nước. Ban hành biện pháp kiểm soát vật giá và tăng lương công
chức là những đòi hỏi dễ gây thêm bội chi ngân sách và càng thu hẹp khả năng
xoay trở của chính phủ.
Thứ
hai nữa, cũng vì yêu cầu chính trị, lãnh đạo của Việt Nam duy trì chính sách
nâng đỡ khu vực quốc doanh kém hiệu năng và đầy tốn kém. Doanh nghiệp nhà nước,
nhất là các tổng công ty, là những thế lực kinh tế trong xã hội và thế lực
chính trị bên trong đảng. Chúng có sức đóng góp rất thấp về kinh tế và xã hội
nhưng lại làm lệch lạc chính sách kinh tế vĩ mô của toàn dân. Chúng gieo họa
cho thị trường vì nạn bong bóng đầu cơ và cho xã hội vì nạn bất công và tham
nhũng. Việt Nam chưa thể thoát khỏi tàn dư của một cơ chế lỗi thời và khu vực
nhà nước mà còn giữ vai trò chủ đạo thì thất quân bình vĩ mô sẽ còn kéo dài. Đó
là hiện tượng "quít làm cam chịu" vì đa số sẽ chịu nhiều thiệt hại để
bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số. Việc tổ chức Đại hội đảng và việc phân bố
quyền lợi ở bên trong sẽ chỉ đẩy mạnh thêm hiện tượng đáng tiếc ấy.
Kinh tế thị trường?
Chế
độ ngoại hối ấn định quá cao và cứng ngắc nên phải liên tục phá giá hai lần nội
trong hai tháng 11 và tháng Giêng. Càng phá giá là càng khiến tiền rẻ hơn và
hàng họ đắt hơn, tức là càng dễ gây lạm phát.
Ô.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long:Ông nhắc tới Đại hội đảng vào năm tới và ảnh
hưởng của khóa họp này tới sinh hoạt kinh tế của toàn dân qua chính sách kinh tế
của nhà nước, thì trong diễn văn tổng kết hội nghịtrung ương đảng mới đây Tổng bí thư Nông Đức
Mạnh nhắc đi nhắc lại chính sách kinh tế của Việt Nam là kinh tế thị trường
theo định huớng Xã Hội Chủ Nghĩa. Ông Mạnh có nói thoáng qua về nhân sự là sẽ sử
dụng những nhân sự có tư duy đổi mới, nhưng ngay sau đó lại nhấn mạnh về nền
kinh tế định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa cho Việt Nam.Phải chăng nhân sự với tư duy đổi mới là để cố
kéo theo chùm Xã Hội Chủ Nghĩa cổ lỗ đằng sau nên kinh tế thị trường? Ông có ý
kiến thế nào, và ông cho rằng trong một giả thuyết lý tưởng thì lãnh đạo chính
trị của Việt Nam nên lấy những quyết định kinh tế như thế nào cho quyền lợi của
đại đa số dân chúng?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Lý tưởng thì tất nhiên là chuyện xa vời và càng khó thấy cho đảng Cộng sản Việt
Nam vì người ta ưu tiên nghĩ tới vị trí trong một đảng độc quyền hơn là nghĩ tới
quyền lợi của người dân. Dù sao thì mình vẫn có thể nghĩ đến những gì người dân
mong ước, một cách chính đáng.
Thứ
nhất, sau hai chục năm đổi mới vì sự phá sản hiển nhiên của chế độ bao cấp, Việt
Nam nên nghĩ lại về vai trò của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Đấy là một khu
vực xương sống quằn quẹo đang kềm hãm sức bật của người dân và gây ra nạn bè
phái, tham nhũng và nhất là làm lệch lạc các quyết định kinh tế của bộ máy nhà
nước, vốn dĩ cũng chỉ là một biểu hiện của quyền lực đảng. Có khi đang trở
thành công cụ của các tổng công ty. Một thống đốc ngân hàng nhà nước hoặc ủy
viên thường vụ trong Quốc hội chưa chắc đã có quyền thế bằng một đại gia trong
các tổng công ty này.
Sản xuất vẫn lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập. AFP Photo.
Thứ
hai, nếu vượt qua được những tính toán về nhân sự là ai đi ai ở và sẽ ngồi ở
đâu, người ta cần nghĩ tới những thay đổi trong tư duy về chiến lược và chính
sách. Về chiến lược thì nên nghĩ đến yêu cầu quân bình giữa thị trường nội địa
và thị trường xuất khẩu, tức là phải nâng đỡ tư doanh trong thị trường nội địa
và khai thông ách tắc để phát triển các vùng nghèo đói bên trong, nhất là ưu
tiên chăm lo cho nông gia và giới bần cùng trong xã hội thay vì chú ý tới quyền
lợi của các đại gia ở thành phố. Về chính sách thì nên thảo luận về những biện
pháp nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ ở bên trong thay vì tiếp tục khuyến
khích cả nước đi làm gia công để xuất khẩu và giàng số phận vào những thăng trầm
quốc tế hay sự trưng thu của các cơ sở tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
Nói
chung, sau vụ tổng suy trầm vừa qua, cả thế giới đang chuyển qua một chu kỳ điều
chỉnh. Các quốc gia xưa nay vẫn nhập khẩu mạnh, trước tiên là Hoa Kỳ, nay đều
muốn đẩy mạnh xuất cảng và hạn chế nhập cảng nên mâu thuẫn về mậu dịch rất dễ xảy
ra. Vì thế, chiều hướng nhập siêu của Việt Nam sẽ chỉ có tăng chứ không giảm vì
sẽ khó xuất khẩu hơn và bị ép phải nhập khẩu nhiều hơn. Trong khung cảnh ấy,
lãnh đạo Việt Nam nên nhân cơ hội đẩy mạnh việc cải tổ theo hướng ngược lại những
gì tưởng là sáng suốt trong suốt thập niên vừa qua. Nếu không, vấn đề sẽ không
chỉ là nạn lạm phát.
Nói
về những gì tưởng là sáng suốt là nhắc đến khái niệm "kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa" như ông vừa hỏi. Tôi cho rằng lãnh đạo
Việt Nam đã lúng túng rất lâu, từ năm 1987 đến 1997, trước khi có thể tạm định
nghĩa thế nào là "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà rốt cuộc thì vẫn là
trở lại chủ đích bảo vệ quyền lợi cho thiểu số. Bản thân tôi thì nếu muốn nói đến
"định hướng xã hội chủ nghĩa", người ta phải ưu tiên chăm lo cho đời
sống của đại đa số dân chúng vốn dĩ còn nghèo, thay vì tập trung bảo vệ quyền lợi
của một thiểu số có chức trong hệ thống chính trị và có quyền trong đời sống
kinh tế.