Thứ Tư, 2024-12-25, 12:06 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Hai » 2 » Lãnh đạo VN có bao giờ vi hành?
8:01 AM
Lãnh đạo VN có bao giờ vi hành?
2012-01-31

Trong lịch sử hàng ngàn năm của VN, có lẽ một trong những triều đại mang lại cường thịnh khá lâu dài cho cho đất nước phải kể đến Nhà Trần.

AFP photo

Các tấm biển tuyên truyền kỷ niệm lần thứ 82 ngày Thành lập Đảng Cộng sản (03/2/2012) khắp đường phố Hà Nội

Qua đó, vị vua thứ tư của nhà Trần là Trần Anh Tông - theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - " khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên đất nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật, chế độ dần thịnh lên, cũng là bậc vua tốt của triều Trần”, và " Lúc bấy giờ vua thì hiền, tôi trung, phép nước nghiêm minh, việc học hành mở mang, thật là một thời thịnh vượng”. Đặc biệt trong 21 năm ở ngôi báu, Vua Trần Anh Tông một lòng vì dân vì nước nên thường hay vi hành để trực tiếp tìm hiểu đời sống của thần dân.

Mong mỏi của người dân

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết "Vua thích vi hành, cứ đêm đêm lại lên kiệu cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm ra đến quân phường bị bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: Kiệu vua đấy; bọn chúng biết nhà vua mới tan chạy cả”.

Qua bài tựa đề "Vi hành”, blogger Ngô Minh mở đầu tự hỏi rằng không hiểu sao vào những ngày đầu Xuân này tác giả "miên man nghĩ về chuyện vi hành của các ông vua thời xưa và các lãnh tụ nổi tiếng”; rồi nêu lên nghi vấn rằng không biết các vị lãnh đạo của ta hiện nay có "vi hành” không ?

Câu tự trả lời của tác giả là "không”, vì theo tác giả, nếu họ vi hành để tìm hiểu tình cảnh thật sự của người dân thì "đã có những quyết sách khác, sát với thực tế dân nghèo”. Blogger Ngô Minh ao ước:

"Bao giờ đất nước có những vị lãnh đạo vi hành để biết thực chất cuộc sống người dân ? Bởi vì nếu có những cuộc vi hành như vậy, chắc chắc những quyết sách liên quan đến sở hữu đất đai, đền bù giải tỏa, cưỡng chế …của Nhà nước đã không như thực tế hiện hành. Đã từ mấy chục năm nay, cả nước ta đã quen với bệnh thành tích, nên bị bệnh ung thư di căn "báo cáo láo”.

... các vị lãnh đạo đảng, nhà nước phải vi hành thật nhiều để hiểu thực chất cuộc sống nhân dân và hiểu chân tướng của bọn tham nhũng đang lộng hành, để có những quyết sách quyết liệt cứu đất nước, cứu dân tộc.

Blogger Ngô Minh

Báo cáo láo để lên chức, lên quyền. Báo cáo láo để kiếm nhiều dự án, từ đó mới làm giàu. Xã láo với huyện, huyện láo với tỉnh, tỉnh láo với Trung ương. Lâu ngày thành một "nếp sống”, thành mẫu mực "đạo đức”. Báo cáo láo kèm theo hối lộ, xu nịnh đã trở thành "tiêu chuẩn sống” của phần lớn cán bộ có chức có quyền. Thường nịnh trên thì trù dập dưới. Họ đã thẳng tay đàn áp dân nghèo để bảo vệ lợi ích của chúng. Chính họ đã gây hàng ngàn vụ khiếu kiện đất đai quyết liệt, kéo dài ở Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long…"

CHO-TRUYEN-THONG-250.jpg
Cảnh buôn bán của người nghèo ở Hà Nội. RFA photo
Vẫn theo blogger Ngô Minh thì phần lớn giới lãnh đạo trong nước hiện giờ là những phần tử suy thoái, tham nhũng, cấu kết nhau từ trung ương xuống địa phương, lợi dụng luật "đất đai là sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân” để, qua công an, bộ đội, cưỡng chiếm đất của dân mà trục lợi khiến dân oan bị đẩy vào bước đường cùng. Tác giả lưu ý rằng hành động như vậy của giới cầm quyền trong nhiều năm nay "đã tạo nên một làn sóng căm thù, phẫn uất trong nhân dân. Sự căm thù đó nếu có mồi lửa, chắc chắn sẽ trở thành bão lửa to lớn hơn Thái Bình 1996-1997!”.

Blogger Ngô Minh bày tỏ trăn trở:

"Vì thế tôi cứ đêm đêm thao thức trằn trọc, mong mỏi các vị lãnh đạo đảng, nhà nước phải vi hành thật nhiều để hiểu thực chất cuộc sống nhân dân và hiểu chân tướng của bọn suy thoái, tham nhũng đang lộng hành, để có những quyết sách quyết liệt cứu đất nước, cứu dân tộc."

Trong mấy ngày qua, cư dân mạng, nhất là giới bloggers, xem chừng như xôn xao đáng kể về chuyện GS Ngô Bảo Châu đề cập tới người trí thức trong xã hội qua cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, khiến ông sau đó lên tiếng phân trần trên blog Quê Choa và không quên lưu ý tới tình trạng "cơn bão trong tách trà”.

Sau khi đưa ra định nghĩa về trí thức, đề cập tới vai trò của trí thức trong xã hội, chú trọng tới khả năng chuyên môn, thành quả lao động, giá trị sản phẩm do người trí thức làm ra mà không chú trọng tới vai trò phản biện xã hội của trí thức, GS Ngô Bảo Châu có gởi thư cho blogger Quê Choa Nguyễn Quang Lập, tức "Bọ Lập”, giải thích:

"Giá trị xã hội của phản biện như thế nào, em đã viết rõ, không cần viết lại nữa. Còn cái định nghĩa trí thức em nêu, đúng là nó hơi cổ hủ, không được hiện đại như của anh Sartre, anh Chomsky. Thú thực với bọ là, đối với cái sọ của em, định nghĩa của mấy anh này rắc rối quá. Chả nhẽ anh công nhân, bác nông dân, các đồng chí doanh nhân thì không được phản biện. Phản biện xong mà bị phong hàm nông dân trí thức, công nhân trí thức … thì phiền phức lắm.

Có người khác thích định nghĩa trí thức như của anh Sartre anh Chomsky thì cũng rất là tốt. Cá nhân em không có cái lo lắng đau đáu xem mình có phải là trí thức hay không đâu bọ ạ. Nếu có rủi ro mình bị loại khỏi hàng ngũ trí thức trong đầu ai đó thì cũng phải chịu thôi bọ ạ. Em nghĩ là bọ cũng như thế. Việc gì mà nhiều người phải nổi đóa lên như thế. Khi bọ cho rằng em ủng hộ mấy anh trùm chăn, không ủng hộ mấy anh không trùm chăn, thì bọ đang suy diễn đấy."

Vai trò của giới trí thức

000_Hkg3989379-250.jpg
Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hà Nội hôm 04/9/2010. AFP photo
Theo giải thích của nhà văn Nguyễn Quang Lập thì ông hiểu "sự phong hàm trí thứ” của GS Ngô Bảo Châu là dành cho "những ai thích phản biện nổi danh”. Nhưng "Bọ Lập” nhấn mạnh rằng số này không đáng kể - mà giả sử có nhiều đi nữa thì "cũng vô nghĩa trước dân chúng và xã hội”. "Bọ Lập” lưu ý:

"Điều đáng ngại là trong khi số người có tri thức và bản lĩnh dám đứng ra phản biện đã rất ít lại bị tấn công tứ bề. Nguy hiểm nhất vẫn là sự tấn công từ phía các "trí thức trùm chăn”. Cái lý của số này rất đơn giản nhưng dễ "ru ngủ” chính quyền và công chúng, đấy là: bọn phản biện chỉ là đám háo danh, một lũ già đã hết thời cố vớt vát tên tuổi của mình bằng cái sự nói ngược. Nói chung, đám phản biện tư cách không ra gì, chúng nó không phải là trí thức hoặc là trí thức lỗi thời, không nên nghe chúng nó và nên dọn sạch chúng đi."

Blogger Song Chi, nhân dịp này, có đề cập tới tâm trạng " trọng thị, ưu ái hết mức của nhà nước Việt Nam đối với Ngô Bảo Châu”, kể cả việc cho thành lập Viện toán học cao cấp với kinh phí rất lớn dưới sự điều hành của GS Bảo Châu trong điều kiện dễ dãi. Theo blogger Song Chi:

"Thực tế, một sự ưu đãi đặc biệt dành cho cá nhân Ngô Bảo Châu không thể xóa đi cái "thành tích” luôn coi rẻ trí thức, không hề lắng nghe những lời phân tích, phản biện có tình có lý trước mọi vấn đề xã hội của giới trí thức, thậm chí sẵn sàng chà đạp nếu họ trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền, từ xưa đến nay. Sâu xa bên trong là cái mặc cảm của nhà cầm quyền biết rõ dưới chế độ "ưu việt” của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáo dục của Việt Nam tệ hại như thế nào, nhưng lại cứ vơ vào như thể nền giáo dục này, chế độ này đã tạo ra Ngô Bảo Châu. Nhà nước làm rùm beng đã đành, dưới sự tác động của báo chí truyền thông, cả xã hội cũng như ngây ngất, lên đồng theo."

Về Viện Toán Cao cấp VN, qua blog Hiệu Minh, TS Vũ Duy Mẫn trước hết nhìn nhận rằng giải thưởng cao quý Fields mà GS Ngô Bảo Châu nhận được hồi năm 2010 quả "làm nức lòng nhiều người VN, nhất là giới sinh viên và những người làm toán”. Nhưng tác giả lưu ý rằng trong khi giới hữu trách VN nhân sự kiện này mà khuyến khích việc học, nghiên cứu khoa học thì đó là điều tốt, thiết thực, nhưng nếu "lấy đó làm xuất phát điểm để đầu tư cho 1 Viện Toán cao cấp thì lại là một sự việc cần xem xét”. Và tác giả nêu lên câu hỏi:

"Liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam? Rất có thể khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước. Viêt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại "hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu "đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” thực chất chẳng có ý nghĩa gì nhiều và hoàn toàn không đáng để hấp dẫn.

024_119672-200.jpg
Các em học sinh trung học ngoại ô TPHCM trên đường đến trường. AFP photo
Đoạn: "Được biết, kinh phí hoạt động của Viện toán được Chính phủ dành tới 650 tỷ đồng để hoạt động, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học…” làm người đọc bức xúc về sự "dễ dãi” trong điều hành của Chính phủ. Khi trao kinh phí cho một đơn vị, Chính phủ cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của đơn vị đó."

Qua bài "Giá như Ngô Bảo Châu…”, blogger Trương Duy Nhất đưa ra một loạt từ " giá như…” để thắc mắc về cách ứng xử cao xa bí hiểm như bài toán "Bổ Đề” của ông.

"Giá như Ngô Bảo Châu từ chối căn hộ hơn 10 tỷ chính phủ làm quà cho… bố mẹ mình. Bởi với một tài năng và vị thế như anh, không đến nỗi gì lại không thể tự lo cho bố mẹ một chỗ ở đàng hoàng. Tôi không tin Ngô Bảo Châu túng đến vậy.

Giá như Ngô Bảo Châu không nhận khu biệt thự mấy triệu đô từ "chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển tặng Viện toán. Bởi tôi không tin Ngô Bảo Châu không biết gì về Đào Hồng Tuyển...

Giá như Ngô Bảo Châu không ngửa tay nhận 650 tỷ từ nguồn ngân sách chính phủ để… làm gì tùy thích mà "không bị yêu cầu phải nghiên cứu cái gì". Nếu muốn làm gì thì làm, "không bị yêu cầu phải nghiên cứu cái gì" thì lập ra cái Viện nghiên cứu toán kia để làm gì? Vả lại, số tiền đó nếu có, với tình hình hiện tại, nên dồn cho việc khác...

... chỉ vì những "góp ý kiến” chân thành mà vô số người đã "da ngựa bọc thây” – những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang … cả một danh sách dài những số phận tuẫn đạo…
GS Phạm Toàn


Giá như Ngô Bảo Châu không trả lời Tuổi Trẻ bằng một câu… phũ phàng đến thế... Tôi không tin là Ngô Bảo Châu lại không hiểu, không nhìn ra vị thế của trí thức và vai trò phản biện, đặc biệt trong bối cảnh này."

Nhưng, qua blog Bauxit VN, GS Phạm Toàn nhận xét rằng tại sao một thông điệp mà ông cho là "hết sức sáng sủa, mạch lạc” của GS Ngô Bảo Châu lại bị rất nhiều người hiểu lầm; Và ông nêu câu hỏi tiếp rằng tại sao lại có cái tâm lý trong xã hội muốn lôi cuốn mọi nhà trí thức, nhất là những người như Ngô Bảo Châu, vào những công việc "phản biện” khó khăn, rắc rối, phức tạp? Và GS Phạm Toàn giải thích:

"Đó là tâm lý sinh ra từ nỗi sợ đã được tạo ra và nuôi dưỡng bởi một thứ quyền lực không cho phép ai được cãi. Thật vậy, bài học vẫn còn sờ sờ từ năm chục năm trước, chỉ vì những "góp ý kiến” chân thành mà vô số người đã "da ngựa bọc thây” – những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang … cả một danh sách dài những số phận tuẫn đạo…"

GS Phạm Toàn nhân tiện lưu ý rằng "người ta không lắng nghe kỹ lưỡng thông điệp của Ngô Bảo Châu gửi đi tới đâu thì đã quá rõ: không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”, và "Thật khó hiểu, tại sao nhiều bạn đọc không thấy Ngô Bảo Châu nói với cả hai ba bốn năm phe rằng chúng ta không phe nào được phép độc quyền chân lý”. Và GS Phạm Toàn kết luận:

"Xin hãy khiêm nhường và hãy ngừng công kích Ngô Bảo Châu. Hãy để anh ấy làm việc theo cung cách với niềm tin rằng ít nhất anh ấy cũng biết cách không làm liều. Nên nhớ là tất cả mọi người vẫn đang sống trong một thế giới toàn trị vừa đầy sức mạnh vừa đầy mánh khóe. Và cái Lực của mỗi người, dù là người trí thức đấy, thì cũng mong manh như cây sậy mà thôi."
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 663 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 4
Khách: 4
Thành Viên: 0