Chủ Nhật, 2024-12-15, 1:59 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Chín » 26 » Nồi cao áp “Ổn Định” đã bật tung nắp
10:43 AM
Nồi cao áp “Ổn Định” đã bật tung nắp
Đinh Tấn Lực

Từ ngày 01 tới 24-9-2010, tức là chỉ mới hơn 3 tuần đầu của tháng, và chỉ trên duy nhất mục Pháp Luật của tờ Người Lao Động (dành cho giai cấp công nhân), đã có 210 bản tin hình sự (phụ lục tựa tin và đường dẫn ở cuối bài).

Trong đó đa phần là tin lừa đảo, ẩu đả… Nhưng đáng lưu tâm nhất là đã có tới 69 tin liên quan tới án mạng (mưu sát/cố sát/ngộ sát…), tức là chiếm non 33% tổng số tin.

Có lẽ các báo khác cũng loan tải một lượng tin có tỷ lệ tương tự (ngoại trừ loại báo giật gân CAND có thể có tỷ lệ cao hơn).

Tỷ lệ này nói lên điều gì, nếu không phải là mô tả đến chi tiết cận cảnh của một nồi cao áp có tên là "ổn định” đã bật tung nắp đậy?

Do đâu?

Cục Đá Ném Đi

Tổ chức Quan trắc Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra các vụ cáo buộc công an hành xử tàn bạo với dân. Trong bản thông cáo ngày 22-9-2010, tổ chức này cho biết rằng họ có trong tay tài liệu về 19 vụ bạo hành bởi công an VN, với 15 người chết, trong một năm qua. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Á châu của HRW, nói: "Thông tin về các vụ bạo hành của công an đang ngày càng nhiều một cách đáng báo động ở Việt Nam, gây quan ngại nghiêm trọng rằng các sai phạm này khá phổ biến và có tính hệ thống”.

Cụm từ khóa trong nhận định này là "có tính hệ thống”.

Còn 19 vụ bạo hành bởi công an VN là cái giới hạn về số tài liệu mà họ có. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Tạm liệt kê theo những bản tin "không thể lấp liếm, giấu diếm” vì đã có nhiều chứng nhân tại chỗ (như nhận định của đại tá CA Nguyễn Như Tuấn trên báo Nông Nghiệp):

14-09-2009: công dân Phạm Ngọc Đến, chết vì CA Gia Lai rượt đuổi về tội đi xe máy không đội mũ an toàn.

17-09-2010: công dân Trần Minh Sĩ, chết trong phòng tạm giữ của CA Gia Lai về tội tham gia biểu tình đòi làm sáng tỏ vụ án Phạm Ngọc Đến.

21-11-2009: công dân Nguyễn Ngọc Hùng, chết trong phòng tạm giam của CA Hà Đông, Hà Nội, với thi thể thâm tím.

28-11-2009: công dân Đặng Trung Trịnh, chết trong phòng tạm giam của CA huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, với chứng nhận pháp y bị gãy xương sườn và thâm tím thi thể.

17-12-2009: nhiều công dân bị trọng thương và bị bắt giam bởi CA làng Gio Thượng, Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội, về tội phản đối tiến trình giải phóng mặt bằng cho nhà máy ô tô Xuân Kiên.

22-12-2009: công dân Nguyễn Văn Long, chết tại trụ sở CA huyện Bù Đăng, Bình Phước, với báo cáo của CA là đương sự "tự tử”.

21-01-2010: tu sĩ Antôn Nguyễn Văn Tặng, bị bất tỉnh, và một số công dân bị trọng thương vì bị CA cùng xã hội đen hành hung, về tội viếng thăm giáo dân xứ Đồng Chiêm.

22-01-2010: công dân Nguyễn Quốc Bảo, chết tại phòng tạm giữ của CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, với giám định pháp y là bị thương nặng ở đầu, cổ tay, cổ chân.

Ngày 19-02-2010: công dân Nguyễn Ngọc Quang, sau khi mãn hạn tù chính trị, trên đường đi thăm ông Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt thì bị ép xe văng xuống đèo Prenn, bị thương nặng nhưng thoát chết.

Ngày 20-02-2010: công dân Nguyễn Văn Năm, bị CA xã Liên Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng, còng tay ra sau lưng và đánh bằng dùi cui đến bất tỉnh, về tội lên trụ sở CA hỏi thăm về người con bị tạm giữ.

22-04-2010: công dân Huỳnh Tấn Nam, chết vì bị CA Khánh Hòa rượt đuổi, bắt lại và đánh trọng thương về tội đi xe máy không đội mũ an toàn, rồi bỏ mặc nạn nhân hấp hối tại lề đường.

24-04-2010: công dân Phạm Tuấn Hưng, chết tại nhà, sau khi bị CA Bà Rịa-Vũng Tàu treo lên cửa sổ tại trụ sở và đánh ngất xỉu, về tội bị tình nghi lấy cắp điện thoại di động.

04-05-2010: nhiều công dân ở Cồn Dầu, Đà Nẵng, bị CA đánh trọng thương và bị bắt, về tội tham gia tang lễ của một cụ bà dân oan.

07-05-2010: công dân Võ Văn Khánh, chết tại phòng tạm giam của CA huyện Điện Bàn, Quảng Nam, với xương sườn bị gãy và dấu giày trên người, về tội không mang theo đủ giấy tờ xe máy. CA tuyên bố là nạn nhân đã treo cổ "tự tử” bằng dây cột giày.

25-05-2010: công dân Lê Thị Thanh, bị thương, và các công dân Lê Xuân Dũng (12 tuổi) và Lê Hữu Nam, chết, vì bị CA Nghi Sơn, Thanh Hóa, nổ súng trực xạ, về tội tham gia phản đối tiến trình giải phóng mặt bằng cho nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

07-06-2010: công dân Nguyễn Phú Trung, chết tại hiện trường, sau khi bị CA huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đánh bằng dùi cui điện và còng sắt rồi bỏ mặc nạn nhân hấp hối bên vệ đường.

30-06-2010: công dân Vũ Văn Hiền, chết tại phòng tạm giữ của CA huyện Đại Từ, Thái Nguyên, với thi thể bầm tím, miệng đầy máu và xương sọ bị vỡ.

03-07-2010: công dân Nguyễn Thành Năm, chết tại nhà, sau khi được thả về từ phòng thẩm vấn của CA Đà Nẵng, về tội tham gia trợ tang cho tang lễ của một cụ bà dân oan ở nghĩa trang Cồn Dầu ngày 04-05 kể trên.

21-07-2010: công dân Nguyễn Phú Sơn, chết vì bị CA xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, đánh bằng dùi cui điện, từ chỗ dừng xe về tới phòng thẩm vấn.

23-07-2010: công dân Nguyễn Văn Khương, chết tại phòng tạm giam của CA huyện Tân Yên, Bắc Giang, về tội không đội mũ an toàn khi đi xe máy.

30-07-2010: công dân Nguyễn Văn Trung, chết tại phòng tạm giữ của CA Bình Thuận, về tội cãi vã với một CA xã trong nhà hàng.

06-08-2010: công dân Hoàng Thị Trà, bị CA Thái Nguyên bắn thủng đùi xuyên xương chậu, về tội đi xe máy không đội mũ an toàn.

08-08-2010: công dân Trần Duy Hải, chết tại phòng thẩm vấn của CA Hậu Giang, về tội bị tình nghi cướp giật một sợi dây chuyền. CA tuyên bố nạn nhân treo cổ "tự tử”.

01-09-2010: công dân Trần Trung Tính (xã Hòa Tân, TP Cà Mau), trong lúc lên trụ sở CA xã để lập biên bản vi phạm trật tự, bị Trung tá CA Phạm Thanh Tùng đi nhậu say về dùng gậy đánh đập đến gãy gậy và bị bóp cổ dọa không được "hó hé”.

09-09-2010: công dân Trần Ngọc Đường, chết tại phòng tạm giữ của CA xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai, về tội cãi vã với hàng xóm. CA tuyên bố nạn nhân treo cổ "tự tử”.

18-09-2010: công dân Nguyễn Ngọc Quang, lần thứ tư bị ép xe (lần này bị cán trọng thương), khi di chuyển bằng xe máy có chở theo người con trai phía sau.

Những vụ việc hỗn quan hỗn quân vừa kể có chung mấy điểm đặc thù:

1) xảy ra theo một nhịp độ bạo liệt/tàn khốc ngày càng nhặt;
2) làm nổi bật tính chất côn đồ/phi nhân/dã man/ngu trung/hoảng loạn/tùy tiện/vô nghì của những kẻ mệnh danh là "thi hành công vụ”;
3) tô đậm tình hình vô luật pháp, thông qua phản ứng buông lỏng/không kiểm soát/không trừng trị/thậm chí còn được hiểu là có ẩn ý khuyến khích của nhà nước đối với các cán bộ càn quấy…

Ngược lại, về phía quần chúng nhân dân, cũng có một số đặc điểm khác với trước đây, có thể ghi nhận khái lược:

1) không trông chờ gì ở nhà nước, mà đã tự bênh vực cho nhau;
2) không tin vào hành tung của CA cho dù đang mặc sắc phục;
3) không tin vào lời phân trần/báo cáo của CA, ngay tại hiện trường hay tại trụ sở;
4) sử dụng các phương tiện hiện đại phổ biến (camera phone, camcorder…) để thu âm, ghi hình ngay tại chỗ làm bằng, cả nạn nhân lẫn hung thủ, cả trước lẫn sau sự cố;
5) tìm hiểu hoàn cảnh của nạn nhân và lai lịch của hung thủ;
6) thông tin tức khắc cho các hệ thống truyền thông ngoài luồng; 7) sẵn sàng trả lời phỏng vấn để kể lại những điều chính mắt mình nhìn thấy;
8.) tạo áp lực tại chỗ bằng số đông để buộc nhà nước phải làm sáng tỏ vụ việc…

Hòn Chì Ném Lại

Thử tìm cụm từ "chống người thi hành công vụ”, Google cho biết có khoảng 259.000 kết quả.

Tất nhiên, có nhiều kết quả trùng lấp, lặp lại. Dù vậy, con số gần 26 vạn đó cũng phản ánh một thực trạng khó chối cãi là nhân dân phản ứng lại công an/giám đốc/bí thư ủy, và ngay cả với trộm cướp, ở nhiều cấp độ và bằng nhiều phương thức có thể nghĩ ra:

05-10-2006: công an viên Hoàng Văn Đông (xã Liêm Hải, Trực Ninh), bị một nhóm thanh niên đánh chết bằng ống nước.

18-12-2007: thiếu tá công an Lê Văn Thanh, quản giáo trại giam số 3 (V26 – huyện Tân Kỳ, Nghệ An), bị 1 thanh niên đâm chết.

24-03-2009: Martha Ann Overland viết trên báo Time về tình hình "Nhân dân VN chống trả lại CA tham nhũng”.

17-08-2009: công an viên Nguyễn Quốc Ngạn (xã Nghi Kim, TP Vinh) bị đánh/đâm chết trong lúc nghỉ trưa.

04-10-2009: một giám đốc Cty vận tải ở Hải Phòng bị nghi ngờ có dan díu tình cảm với nữ nhân viên, bị người chồng của bà này, cũng là nhân viên của hãng, đâm chết.

07-10-2009: trong phiên tòa phúc thẩm xét xử một băng đảng xã hội đen ở Nha Trang, hai nghi can bị CA nặng lời, đã đánh trả khiến phiên tòa bị náo loạn.

10-03-2010: công an viên Lê Quốc Huy (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) bị các tay trộm chó dùng súng tự chế bắn bị thương.

17-04-2010: hai công an viên Cường và Toàn (huyện Đa Tẻh, Lâm Đồng) bị 1 thanh niên đánh trả.

14-05-2010: con buôn đánh CA Vĩnh Xương, Tân Châu, để giựt lại hàng lậu.

07-06-2010: một kẻ câu trộm chó bị đốt cháy xác cùng chiếc xe máy tại cánh đồng Trung Thuận, xã Hưng Đông, TP Vinh.

11-08-2010: công an phường 6, quận 3, Sài Gòn, chận xét xe, bị một thanh niên đánh trả, ngay tại lề đường và cả khi về tới trụ sở CA phường.

29-08-2010: hai kẻ câu trộm chó ở xã Nghi Thinh, huyện Nghi Lộc, thanh Hóa, bị dân phát hiện và bị đánh tới chết.

31-08-2010: công an Đinh Minh Trọng (Đồng Lê, Tuyên Hóa), bị một nhóm thanh niên xông vào nhà chém trọng thương.

05-09-2010: công an Quách Anh Tuấn chận phạt xe tải, bị lái xe húc thẳng, người bị bật tung lên ca-pô, phải bám tay vào cần gạt nước, đến 300m xe mới dừng.

07-09-2010: công an Trương Công Cư (tổ trưởng tuần tra CA Đà Nẵng, hàm trung tá), chận xe máy, bị một thanh niên viện cớ về nhà lấy tiền nộp phạt đã quay trở lại hiện trường chém rách vai trái, chém đứt thêm 4 ngón tay trái một người khác và gây thương tích cho trung úy CA Dương Đình Quốc.

08-09-2010: công an Lê Đình Tâm (xã La Kly, Chư Prông, Gia Lai), bị mất tích, bốn ngày sau thì được dân phát hiện thi thể (có vết đánh) nổi trên hồ thủy điện Chư Prông.

10-09-2010: công an khu vực (phường Gia Sàng, Thái Nguyên) Dương Công Huấn, hàm trung úy, bị một thanh niên đâm chết trong một vụ xô xát lúc 3 giờ sáng.

20-09-2010: Phó bí thư quận ủy Phú Nhuận (Sài Gòn) Đặng Thu Hồng và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Bùi Ngô Thị Mỹ cùng con gái bị hai thanh niên vào nhà cắt cổ.

21-09-2010: hai sĩ quan công an cơ động Vũ Sơn Tùng và Trần Ngọc Hà (PC65 – Nam Định) bị một thanh niên rượt chém bằng dao bầu.

Có lẽ sẽ không có ai đành đoạn cổ võ cho nguyên nhân/tiến trình/hệ quả của loại phản ứng đầy cảm tính đó. Người ta chỉ có thể phần nào cảm thông cho hoàn cảnh tức nước vỡ bờ của quần chúng tray trắng và tay không bị dồn vào đường cùng ở đây.

Xã Hội Giang Hồ

Hệ quả, khắp nơi, trên cả nước, là một xã hội sinh hoạt theo lối giang hồ.

Phía nhà nước tùy tiện hành xử áp chế dân lành (chiếu theo và nhân danh lệnh trên) tới mức có thể thực hiện được, miễn sao cho có lợi cho đảng và cho bản thân. Đồng thời, không màng tới nhiệm vụ tất yếu và chính yếu của kẻ mang danh "chức trách/trị an” đối với sự hỗn loạn trầm trọng của xã hội.

Phía quần chúng chọn phản ứng mặc kệ/khinh thường/bất chấp, thậm chí, chống lại từng cá nhân "chức trách” chuyên hà hiếp nhân dân, và tự xử với nhau trong mọi tình huống, từ các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình/hàng xóm… cho tới việc đối phó với trộm cướp/lừa đảo… Và thường là những ứng xử nặng chất cảm tính, từ thách thức/mắng chưởi cho tới ẩu đả/giết người.

"Hiệp sĩ bắt cướp” là một phiên bản khác của xã hội giang hồ, phát xuất từ các yếu tố tự vệ, bất bình, và thôi ủy nhiệm vào lực lượng "hữu trách”, cho dù nhiều lúc các "hiệp sĩ đường phố” này bị thất cơ lỡ vận trước đám đông xã hội đen thứ thiệt. Hiện tượng Lương Sơn Bạc này lẽ ra không thể xảy ra trong thế kỷ 21. Nhưng tiếc thay, nó đã hình thành và được quần chúng chấp nhận.

Còn những mâu thuẫn lớn, nhân dân giải quyết ra sao?

Nhân dân không có chức năng/vị thế/phương tiện giải quyết những mâu thuẫn lớn, đặc biệt là những mâu thuẫn do đảng tạo ra. Tuy nhiên, một khi mà quốc hội tự coi nhẹ vai trò đại biểu nhân dân, hay khi nhà nước chẳng những coi thường mọi ý kiến/phản biện/kiến nghị mà còn ra tay trù dập các bậc trí thức ở trong và ngoài đảng/trong và ngoài nước… thì nhân dân không có cách nào khác hơn là phải tự biểu hiện sức mạnh của đám đông.

Hình ảnh cánh cổng dinh tỉnh ủy Bắc Giang bị đạp đổ bằng sự phẫn uất như lò xo nén của nhân dân ở đây là một biểu tượng của xu thế/trào lưu khai dụng sức mạnh của số đông đang trên đà phổ biến, như người ta vẫn thấy ở đoạn gần kết thúc của các cuốn phim tài liệu về các cuộc cách mạng màu.

Nước Vô Chính Phủ

Chưa cần kể tới các lãnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, quốc phòng… Chỉ xét riêng mặt xã hội không thôi, thì hiện tượng "Hiệp sĩ bắt cướp” vừa nói còn là một thước đo về trách nhiệm của nhà cầm quyền, và là một định vị chính xác về hiện trạng của một nhà nước vô chính phủ. Nhất là thông qua bài viết "Tủi phận ‘hiệp sĩ’: Bất trắc, đơn độc” (tức là một hình thái ủy nhiệm ngược của nhà nước), mọi người đều thấy rõ vai trò/vị trí/và cả sự hiện diện của nhà nước ở đâu, chưa nói là chống tàu lạ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta trên Biển Đông, mà là ngay cả việc chống cướp vặt ngay trên đường phố VN.

Mức độ vô trách nhiệm/vô chính phủ của nhà cầm quyền càng tỏ rõ, khi nhà nước ra sức khuyến khích/cổ võ, đến mức có thể cực kỳ vô ý thức mà đề nghị "nên hợp pháp hóa hoạt động các hiệp sĩ”, hay "mua bảo hiểm cho hiệp sĩ bắt cướp”.

Cùng lúc đó, nguyên cả một hệ thống tham nhũng, ăn cắp và lãng phí tiền thuế của dân hoặc tiền vay từ nước ngoài, thì lại được bảo kê bằng chính tuyên bố hùng hồn của 2 kẻ đứng đầu chính phủ: "Không kỷ luật một ai”, và, "Bắt hết thì bầu sao kịp?”.

Đó là chất nhờn bôi trơn tốt nhất, không phải để chính phủ chạy việc nhịp nhàng, mà để nuôi dưỡng/phát triển một guồng máy mạnh ai nấy quyết định theo ý riêng, bất chấp lệnh lạc hàng ngang hay hàng dọc (chủ tịch tỉnh Hà Giang là một điển hình phổ biến). Qua đó, các chính sách sai quấy từ trung ương càng bức tử nhân dân khi về tới địa phương xã ấp, khiến nhân dân phải tự xử lý vì không tìm đâu ra công lý. Cũng bởi đó, ở tâm vĩ mô và mặt tiền của chế độ, các hệ quả đen tối xảy ra liên tục, từ Dung Quất tới Vinashin, từ thành nhà Mạc tới "Đường Về Thăng Long”

Ở một góc nhìn khác, tình trạng vô chính phủ còn hiển hiện qua cách ứng xử của nhà nước đối với công dân hạng hai ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; và với loại công dân hạng bét đang "sống lậu/chết chui” ngay trên quê hương đất nước mình, qua loạt bài 3 kỳ "Công dân không quốc tịch” trên báo Thanh Niên.

Vậy, thử hỏi, cái đảng và nhà nước vô chính phủ đó không lo cho dân thì đang lo điều gì?

Câu trả lời chém gió là lo "chia phiên canh giữ hòa bình thế giới”.

Câu trả lời chém nông dân là lo giữ vững "nền an ninh lương thực thế giới”.

Câu trả lời thuộc diện "bí mật quốc gia” là tốc độ tẩu tán tài sản của các đại gia tư bản đỏ, song song với nỗ lực dán nhãn khủng bố và bắt bớ thành viên của các đảng phái khác (vì "an ninh két sắt thủ đô” chăng?).

Còn câu trả lời chính thức/công khai nằm trong loạt bài chủ đạo 13 kỳ "Những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô” trên báo Nhân Dân, cùng loạt bài chưa biết bao giờ dứt "Quyết tâm chống diễn biến hòa bình” trên báo QĐND.

Không khác gì nỗi lo cuối trào của Milosovic ở Serbia, hay Pinochet ở Chile, trước những lá phiếu bằng nắm tay của quần chúng.

Chốt Lại

Hiện trạng vô chính phủ của VN ngày nay, với một nồi cao áp "ổn định” đã bật tung nắp đậy, nhắc nhớ cho nhiều người về tình hình của Ba Lan thời 1987-1988, hay của Liên Xô 1989-1990.

Nó là đêm trước của đổi mới bởi nhân dân.

Quả thật, đảng đã đẩy dân ngày càng xít gần lại hơn nữa, với nhau, và với khát vọng tự quyết/tự cường.

25-09-2010

Blogger Đinh Tấn Lực

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 670 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0