DaVang
LTCG (03.12.2011)
-Khi ông Nguyễn Tấn Dũng chấm dứt cuộc trả lời, các đại biểu
Quốc hội đã vỗ tay nhưng không lớn và cũng không lâu. Ngồi ở hàng đầu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng làm
động thái tương tự như vậy.
-Phải chăng họ ( giới cầm quyền Hà Nội ) tính toán rằng:
trong hoàn cảnh hiện nay có lẽ Bắc Kinh sẽ không gia tăng áp lực lên Hà
Nội vì ngại Hà Nội sẽ ngả sang Washington như trường hợp của Miến Điện.
…Trong tình hình như vậy, lúc này chính là thời cơ phải xoa dịu sự bất
mãn của nhân dân, nhất là các giới thanh niên, trí thức và đảng viên
tiến bộ là cần thiết. Nhờ thế có thể cải thiện được uy tín của nhóm cầm
đầu đã mất quá nhiều và cũng để câu giờ, mua thời gian hòng cứu vãn kinh
tế, cứu vãn chế độ.
-TS Nguyễn Quang A: "Nếu mà hiểu cả cái khía cạnh ấy nữa, thì
cho đến bây giờ, có thể nói là chưa có cái gì thay đổi cả. Và cái chuyện
đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội, tức là mới đưa vào chương
trình để làm luật, để chuẩn bị, thì có thể nó kéo dài, có khi cả 5, 7
năm, mà chưa chắc đã ra được cái luật…”
Một ngày trước khi bế mạc kì họp II. của Quốc hội Khoá 13, được sự
chấp thuận của Bộ chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra điều trần trước
Quốc hội. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày
25.11 thì các uỷ viên Bộ chính trị đều có mặt, ngồi ghế hàng đầu là TBT
Nguyễn Phú Trọng và CTN Trương Tấn Sang.[1]Trong
dịp này ông Dũng đã xác nhận, hiện đang có các cuộc tranh chấp về biển
Đông và các hải đảo với Trung quốc. Ông Dũng cũng nhắc lại các sự kiện
lịch sử về các cuộc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung
Quốc từ 1956, 1974, 1988 cho tới nay. Thực ra những sự kiện này không có
gì mới, vì nhiều chuyên viên đã viết ra từ hàng chục năm rồi. Nhưng đặc
biệt ở đây là lần đầu một người đứng đầu chính phủ đã xác nhận trước
Quốc hội về vấn đề này.
Trong dịp này ông Dũng còn xác nhận, nhà cầm quyền CSVN đã đồng ý với
Bắc kinh là giải quyết tranh chấp qua các cuộc đàm phán song phương
giữa hai nước, không đa phương, không quốc tế hoá, đúng như "Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” mà
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung quốc Hồ Cẩm Đào đã
thông qua trong chuyến thăm vào giữa tháng 10 vừa qua, như người viết đã
phân tích trước đây.[2]
Một vấn đề quan trọng khác liên hệ mật thiết tới tranh chấp biển Đông
cũng được ông Nguyễn Tấn Dũng nói tới là quyền biểu tình của người dân.
Ông đề nghị Quốc hội nên thông qua Luật Biểu tình trong nhiệm kì này,
tức là từ nay tới năm 2016. Ông xác nhận quyền biểu tình đã được ghi
trong Hiến pháp và thực tế hiện nay đã diễn ra một số cuộc biểu tình.
Tuy ông không nói ra, nhưng được hiểu là các cuộc biểu tình gần đây của
thanh niên và trí thức trong nước phản đối chính sách xâm lấn trên biển
Đông của Bắc Kinh.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng chấm dứt cuộc trả lời, các đại biểu Quốc hội
đã vỗ tay nhưng không lớn và cũng không lâu. Ngồi ở hàng đầu Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng làm động thái
tương tự như vậy.
Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng phải tuyên bố vào lúc này?
Những người có kinh nghiệm về Đảng CSVN đều biết, các động thái – dù
chỉ là nhỏ thôi – cho tới các hành động lớn đều đã được điều nghiên ở
các cơ quan tham mưu chuẩn bị. Sau đó tới các cơ quan cao nhất của Đảng
là Bộ chính trị và Ban bí thư thảo luận và đánh giá tình hình, rồi tuỳ
theo tầm quan trọng của vấn đề sẽ có quyết định và phân công thực hiện.
Đó là nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ” và ”lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”. Nhưng
xuyên qua các khâu này không thể bỏ qua một đạo luật bất thành văn
trong cơ quan cao nhất của đảng là Bộ chính trị từ nhiều thập kỉ qua là,
một số nhân vật có quyền lực lớn nhất sẽ khai thác và lợi dụng tối đa
thời cơ để quyết định được ban ra có lợi nhất cho cá nhân mình và phe
của mình.
Do đó để có thể đánh giá và thẩm định những lời tuyên bố của ông
Nguyễn Tấn Dũng ngày 25.11, trước hết phải hiểu được hoàn cảnh của chế
độ toàn trị và tình thế trong và ngoài nước trong thời điểm hiện nay.
Ai theo dõi sát tình hình trong nước thời gian gần đây đều thấy kết
quả chuyến đi thăm Trung Quốc vào giữa tháng 10 của Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng và các đoàn tiền trạm của ông sang Bắc Kinh để chuẩn bị
chuyến đi này đã không làm giảm sự nghi ngờ của nhân dân VN đối với nhóm
cầm đầu hiện nay. Trái lại, những nhượng bộ của TBT Nguyễn Phú Trọng
với Hồ Cầm Đào không được phép quốc tế hoá tranh cãi biển Đông mà chỉ
đàm phán song phương chỉ có lợi cho Trung Quốc; các tuyên bố rất mềm
trước Bắc Kinh tới mức làm mất quốc thể và nhục mạ nhân dân VN của các
tướng Nguyễn Chí Vịnh và Ngô Xuân Lịch đã càng tạo ra bất bình hơn trong
nhân dân, nhất là thanh niên, trí thức và nhiều đảng viên. [3]
Ngoài ra chế độ còn đứng trước vực thẳm tài chánh và kinh tế. Theo
các báo cáo của ông Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội và đặc biệt Thông báo
chung của Hà Nội TU 3 vào đầu tháng 10[4] thì
tình hình kinh tế, tài chánh của VN đang rơi vào nguy cơ khó khăn lớn
nhất từ 20 năm nay. Nợ công và nhập siêu (nhất là với Trung Quốc) đang
gia tăng tới mức nguy hiểm. Nợ nần chồng chất và làm ăn vô trách nhiệm
của các tập đoàn và tổng công ti nhà nước chỉ làm giầu rất nhanh cho bọn
quan tham, nhưng ngày càng trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước
và làm suy thoái toàn bộ hoạt động kinh tế. Nguy hiểm nhất là nạn lạm
phát phi mã đang lên tới trên 20%, cao nhất ở châu Á, gây cảnh cực khổ
cho hàng chục triệu người sống tuỳ thuộc đồng lương là công viên chức,
quân đội, công an, các thành phần sống nhờ trợ cấp và công nhân cùng
thân nhân của họ. Điều này không chỉ gây bất mãn và còn làm mất tin
tưởng đối với nhóm cầm đầu trong quảng đại quần chúng.
Trong khi ấy, sự tham dự có tính cách tích cực của Mỹ vào Á châu-Thái
Bình Dương, đặc biệt là khu vực tranh chấp trên biển Đông, trong thời
gian gần đây xuyên qua Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19; đặc biệt việc
Tổng Thống Obama lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 19
của Asean ở Nam Dương vào giữa tháng 11 và lần đầu tiên lập căn cứ quân
sự ở Úc đang tạo một luồng khí chính trị mới ở Đông Nam Á cả ở VN.[5]
Đáng để ý khác, trái với lời tuyên bố hùng hổ và đe doạ của Bắc Kinh
trước khi cho Hội nghị cấp cao Asean với các cường quốc là Trung Quốc
chống lại giải pháp quốc tế hoá tranh chấp biển Đông, nhưng Thủ tướng Ôn
Gia bảo đã không có phản ứng cụ thể nào khi Tổng thống Obama đòi biển
Đông phải là đường hàng hải hoà bình quốc tế và Mĩ ủng hộ giải pháp đa
phương về tranh chấp biển Đông. Đã thế Ôn Gia Bảo còn tìm cách gặp riêng
Obama tại hội nghị này.[6] Tất
cả những sự kiện này không qua mắt Hà Nội. Cũng trong thời gian đó các
cuộc vận động của Trương Tấn Sang ở Ấn, Phi Luật Tân, Nam Hàn, tham dự
APEC tại Hawai, quê của Obama. Ông Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao
Asean nhưng không gặp Hồ Cầm Đào. Nguyễn Tấn Dũng và Phùng Quang Thanh
thăm Nhật…[7] Tất
cả những hoạt động ngoại giao đa chiều và sôi động này của chính mình
và của các đối thủ cũ và mới khiến nhóm cầm đầu CSVN cảm thấy tự tin
hơn. Cho nên họ tính toán rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, có lẽ Bắc Kinh
sẽ không gia tăng áp lực lên Hà Nội vì ngại Hà Nội sẽ ngả sang
Washington như trường hợp của Miến Điện.
Trong tình hình như vậy thì lúc này chính là thời cơ phải xoa dịu sự
bất mãn của nhân dân, nhất là các giới thanh niên, trí thức và đảng viên
tiến bộ là cần thiết. Nhờ thế có thể cải thiện được uy tín của nhóm cầm
đầu đã mất quá nhiều và cũng để câu giờ, mua thời gian hòng cứu vãn
kinh tế, cứu vãn chế độ. Cho nên kế hoạch "công tác quần chúng trong tình hình mới” [8]đã
được uỷ viên Bộ chính trị Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo, chuẩn
bị gần đây, theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng, phải được khai triển. Đó là
lý do để Bộ chính trị cử người đứng đầu Chính phủ thực hiện quyết định
này.
Phản ứng dư luận về những lời tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng như thế nào?
Có một số giới, đặc biệt là các báo chí theo lề phải của chế độ, đã
lên tiếng ca tụng lời tuyên bố về tranh chấp với Trung Quốc cũng như ủng
hộ luật biểu tình là một thái độ "can đảm” và "thức thời” của
ông Dũng. Nhưng nhiều giới tỏ ra thận trọng và nghi ngờ ý định thực sự
và uy tín của người cầm đầu chính phủ khi tuyên bố về tranh chấp biển
Đông và lời hứa về luật biểu tình. Nhiều nhân sĩ đã lưu ý là "không phải tự dưng” và cũng không phải "bốc đồng” hay "sáng kiến riêng chứng tỏ thế mạnh” của
Nguyễn Tấn Dũng. Như TS Nguyễn Quang A, một chuyên gia và nhà dân chủ
có uy tín ở trong nước đã khuyến cáo phải thận trọng về những tuyên bố
và hứa hẹn của những người cầm đầu chế độ toàn trị. Ngay cả chuyện
Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Quốc hội sớm ra luật biểu tình TS A cảnh báo:
"Nếu mà hiểu cả cái khía cạnh ấy nữa, thì cho đến bây giờ, có thể
nói là chưa có cái gì thay đổi cả. Và cái chuyện đưa vào chương trình
làm luật của Quốc hội, tức là mới đưa vào chương trình để làm luật, để
chuẩn bị, thì có thể nó kéo dài, có khi cả 5, 7 năm, mà chưa chắc đã ra
được cái luật.
Thí dụ như Luật lập hội, cũng là cái quyền của công dân, được
hiến định trong Hiến pháp. Nhưng Quốc hội mấy khóa, chứ không phải mấy
phiên họp, thảo luận đi, thảo luận lại, đến mười mấy lần dự thảo, các
hội thảo đủ thứ, nhưng sau rồi lại ỉm đi. Thế thì, rất có thể là Luật
biểu tình này cũng có thể rơi vào tình trạng như thế”.[9]
Vì các sự kiện trong quá khứ của những người tiền nhiệm và của ngay
chính họ cảnh báo mọi người không được phép nhẹ dạ tin những gì họ nói,
không thể nhìn cục bộ như mấy anh sờ voi. Trái lại, phải có cái nhìn
toàn cục để tổng hợp, khi đó mới nhận ra sớm và toàn bộ các ý đồ và thủ
đoạn của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị.
Sự thận trọng và nghi ngờ này có căn cứ rõ ràng và đã được chứng tỏ
ngay. Vì chỉ một ngày sau khi ông Dũng nhìn nhận quyền biểu tình của
nhân dân để tỏ lòng yêu nước thì sáng Chủ nhật 27. 11 công an Hà Nội đã
phá ngay cuộc biểu tình và bắt giữ một ngày nhiều người, trong đó có một
số nhà báo và trí thức tên tuổi … Những người biểu tình cho biết, họ tụ
tập để ủng hộ tuyên bố của ông Dũng nhìn nhận quyền biểu tình cũng như
đề nghị Quốc hội nên ban bố luật biểu tình.
Tiếp theo đó chiều ngày 29.11 ông André Menas – Hồ Cương Quyết, một
người Việt gốc Pháp, cùng LS Lê Hiếu Đằng và một số người đã tổ chức
chiếu phim "Hoàng sa VN – Nỗi đau mất mát” tại khu du lịch Văn
thánh ở Sài gòn. Nhưng công an đã giải tán ngay, mặc dầu phim này đã
được cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tán đồng và được bộ Ngoại giao
đồng ý.[10]
Những hành động phá cuộc biểu tình ở Hà Nội và ngăn cấm không cho
phiếu phim về Hoàng Sa của công an liền ngay sau tuyên bố của ông Nguyễn
Tấn Dũng về tranh chấp biển Đông và luật biểu tình đã cho thấy: hoặc
Nguyễn Tấn Dũng không có uy tín cao trong nhóm cầm đầu, hoặc những lời
tuyên bố và hứa hẹn của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là đầu môi chót lưỡi nhằm
xoa dịu và đánh lừa các giới đang rất bất mãn. Vì hai tướng Vịnh và Lịch
đã thề với Bắc Kinh trong các chuyến đi Bắc Kinh chuẩn bị cuộc thăm
Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng là quyết ngăn cản các cuộc biểu tình
chống Trung quốc.
Hậu quả của thái độ mâu thuẫn và và những việc làm mập mờ trong tranh chấp biển Đông như thế nào?
Không chỉ nhắm mắt trước các hành động đàn áp, một số những sự kiện
khác rất quan trọng vừa mới diễn ra chỉ ít ngày trước khi ông Nguyễn Tấn
Dũng tuyên bố hùng hồn trước Quốc hội về tranh chấp với Bắc Kinh. Điều
cần chú ý là chính một số người trực tiếp dưới quyền của ông Dũng đã chủ
động trong các việc này.
- Trong kỳ họp của Quốc hội lần này ngày 21.11 (chỉ 4 ngày trước
tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng) bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã
không dám trình bày công khai trước Quốc hội về dự án luật biển và vấn
đề tranh chấp biển Đông. Trái lại, cuộc họp này lại chỉ được tổ chức kín
không có sự tham dự của báo chí trong và ngoài nước. Nghĩa là chế độ
vẫn tìm cách bưng bít dư luận về việc quan trọng này và dự luật về biển
vẫn bị bỏ trong ngăn kéo.[11]
- Một sự kiện rất quan trọng khác giải thích thái độ thực sự của nhóm
cầm đầu đối với Bắc kinh. Chiều 14.11 (chỉ 11 ngày trước khi ông Nguyễn
Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc hội) ông Nguyễn Duy Chiến, Bí thư đảng uỷ
Ban cán sự thuộc bộ Ngoại giao, kiêm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới bộ
Ngoại giao đã tổ chức một cuộc "Báo cáo về tình hình biên giới” ở Đại học Hà nội.
Trước hơn 400 giáo sư, giảng viên và sinh viên ông Chiến đã tuyên bố,
việc Bắc Kinh hai lần cho các tầu hải quân Trung quốc xâm phạm hải phận
VN và ngăn cản các hoạt động kinh tế của VN vào đầu năm là "Yêu cho đòn cho vọt” của chế độ Bắc Kinh. Nghĩa là theo ông Chiến, nhóm cầm đầu Bắc Kinh đã coi nhóm cầm đầu Hà Nội là con cái trong nhà! Ông còn dọa nạt là không nên biểu tình chống Bắc Kinh và khuyên "các
Giáo sư, đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản không được quên
rằng, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia do các đảng cộng sản lãnh
đạo, chúng ta cùng chung ông Tổ Mác Lê-nin”.
Phó Trưởng ban Biên giới còn nói, những điều ông nói là vấn đề "rất nhạy cảm” không
ai được chụp hình. Đáng chú ý nữa là tấm bản đồ ông dùng trong buổi
diễn thuyết lại là bản đồ ghi chú bằng tiếng Anh, trong đó ghi thay vì
"biển Đông” đã ghi "biển Nam Trung quốc”.[12]
Đây là môt sự kiện không chỉ quái đản mà phải nói là kinh hoàng của
một cán bộ cấp cao trong Đảng phụ trách Uỷ ban Biên giới của bộ Ngoại
giao. Vì theo nguyên tắc tổ chức của ĐCSVN thì Bí thư đảng uỷ một cơ
quan là người có tiếng nói rất quan trọng, tiếng nói quyết định trong
đảng bộ. Tuy không phải là Uỷ viên Trung ương nhưng Nguyễn Duy Chiến đã
được cử đứng đầu đảng bộ của bộ Ngoại giao.
Cần để ý nữa là, trong nhiệm kỳ thứ hai làm Thủ tướng, căn cứ theo sự
phân nhiệm trong chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng còn bao thầu cả lãnh
vực ngoại giao.[13] Nghĩa
là ông Dũng có thẩm quyền và trách nhiệm về các hoạt động ngoại giao
của các cấp. Nhưng cho tới nay, mặc cho những lời tuyên bố nhục mạ danh
dự VN và danh dự của cả Đảng như thế, nhưng Nguyễn Duy Chiến không bị
cách chức trong Đảng và Chính phủ. Đặc biệt nữa là, ông Dũng không có
một kết án nào đối với những tuyên bố phản động, đầu hàng và việc làm
sai lầm nghiêm trọng như thế của người dưới quyền!
Gặt hái được gì ?
Nhiều giới ở trong Đảng và ngoài xã hội đặt câu hỏi, tại sao ông
Nguyễn Tấn Dũng đã chọn vào thời điểm lúc này để đưa ra tuyên bố trước
Quốc hội ngày 25.11? Ông muốn đánh bóng uy tín cho Bộ chính trị hay đang
tìm cách cứu mình?
Một việc khác được dư luận trong và ngoài nước chú ý liên quan tới
cách chọn người và dùng người trong Ban Chỉ đạo Trung ương phòng và
chống tham nhũng mà chính Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban. Cụ bà Lê Hiền
Đức trên 80 tuổi là một nhân sĩ có nhiều thành tích chống tham nhũng và
đã được các tổ chức quốc tế có uy tín khen ngợi vừa viết bài tố cáo với
tựa đề "Chỉ đạo phòng chống hay trực tiếp bao che, lấp liếm?”[14] Bà
là khách mời của Bộ Phát triển Quốc tế Anh và Đại sứ Anh ở VN tham dư
cuộc họp của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chỉ đạo Trung ương phòng
và chống tham nhũng vào 14-15.11 ở Hà Nội. Trong bài quan trọng nói
trên bà tường thuật cuộc họp này. Theo đó Phó Văn phòng chỉ đạo Trung
ương phòng và chống tham nhũng Lê Văn Lân và Phó Thanh tra Chính phủ
Trần Đức Lượng đã tìm mọi cách tồi tệ nhất ngay trong buổi họp trước mặt
cả đại diện quốc tế để ngăn cản không cho bà phát biểu tố cáo về sự bất
lực và bao che, lấp liếm của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng và chống tham
nhũng do chính Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban!
Tóm lại, cảnh bất công xã hội đang trở thành tồi tệ nhất. Blogger Đào
Tuấn đã so sánh giữa khi các quan tham và các cậu ấm cô chiêu thưởng
thức "bát phở bạc triệu” thì các công nhân phải chịu "bữa cơm kèm berberin”!
"Một ví dụ là những câu chuyện xã hội hàng ngày chứa đầy
những nghịch cảnh: Cơm công nhân ăn kèm Berberin – một loại thuốc chống
đi ngoài. Và dù "Lương bộ trưởng 40 năm mới mua nổi nhà thu nhập thấp”
thì chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, có quan chức đã xây được biệt thự.”[15]
Trong khi hàng triệu công nhân viên, đảng viên về hưu, thân nhân gia
đình các liệt sĩ và thương phế binh phải hằng ngày đối đầu với vật giá
leo thang chóng mặt! Giữa khi ấy Thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung
ương phòng và chống tham nhũng lại chỉ lo cất nhắc cho các con thêm
quyền, thêm tiền, bao che cho các người dưới quyền bất tài bất lực và
phủi trách nhiệm trước những sai lầm và thất bại nghiêm trọng gây thiệt
hại cho công quỹ hàng tỉ Mĩ kim!
Chỉ có ý chí và sức mạnh của nhân dân
Những sự kiện dẫn chứng trên đây minh chứng điều gì:
- Có phải thực sự ông Nguyễn Tấn Dũng đứng về phía nhân dân
chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc? Ông Nguyễn Tấn Dũng đang thật sự
nặng lòng vì dân?
Các sự kiện dẫn chứng trên đây chứng minh hai sự thực khách quan rất rõ ràng, mọi người đều có thể nhận ra được:
1. Chính sự chống đối của nhân dân, đặc biệt là những cuộc
biểu tình của thanh niên và trí thức, kiến nghị và các bài phân tích của
các nhân sĩ và các nhà báo độc lập ở trong và ngoài nước tố cáo những
thái độ nhu nhược với Bắc Kinh và các chính sách sai lầm về kinh tế tài
chính, cũng như các biện pháp kiềm chế nhân dân đã gây tác động rất lớn
trong xã hội và cả trong nội bộ Đảng. Khiến cho Bộ chính trị đã phải để
ông Nguyễn Tấn Dũng ra Quốc hội công khai nói về tranh chấp biển Đông và
hứa hẹn ban bố luật biểu tình.
2. Phải chăng do sự thực khách quan thứ hai là, tuyên bố ngày
25.11 của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là nhằm để xoa dịu nhân dân trước những
khó khăn rất nan giải của chế độ toàn trị, những bất mãn của nhiều
giới, từ việc mềm yếu trước Bắc Kinh, bất lực trước các vấn nạn lạm
phát, tham nhũng và suy đồi đạo đức của cán bộ trong bộ máy công
quyền. Vì thế nên ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Chính trị đã chọn giải pháp
tình thế, câu giờ, mua thời gian hòng cứu vãn nguy cơ tiềm ẩn …
Ông Nguyễn Tấn Dũng kết án Trung Quốc xâm chiếm các đảo của VN, nhìn
nhận lòng yêu nước của nhân dân và kêu gọi nhân dân đoàn kết. Nhưng giữa
khi ấy lại cấm cản, thậm chí còn bắt giam những người đi biểu tình,
không dám cách chức những người dưới quyền trực tiếp đã làm nhục danh dự
VN?
Khó tin về những lời hứa hay "Kết luận của Bộ chính trị” là
quyết trừng trị các vụ tham nhũng động trời từ PMU 18 tới Vinashin …
kết quả như thế nào thì nay mọi người đều biết! Lời tuyên bố long trọng
của ông Nguyễn Tấn Dũng khi nhận chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương
phòng và chống tham nhũng, cũng như lời hứa với tướng Võ Nguyên Giáp và
các chuyên gia không để Trung Quốc thực hiện dự án khai thác mỏ Bauxite ở
Tây nguyên thực sự như thế nào thì các giới đều thấy rất rõ!
Những người yêu nước cần ý thức được rằng, chỉ có can đảm dấn thân
bằng chính sức mạnh của nhân dân, chứ không thể cứ ngồi chờ để được ăn
bánh vẽ, hay những lời đường mật, hô hoán bề ngoài của bọn quan tham và
đầu hàng thì mới có khả năng bảo vệ được đất nước, bảo vệ được cuộc sống
bình yên cho mình !
Ghi chú
[1] . Video Clip trả lời của Nguyễn Tấn Dũng trong Chính phủ điện tử 25.11
[2] .
Âu Dương Thệ„Những hệ lụy nguy hiểm cho VN sau chuyến đi Trung quốc của
Nguyễn Phú Trọng!" trong
http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2011/nptdibackinh.htm
[3] . Như trên
[4] .Thông báo Hội nghị Trung ương 3, Cộng sản 10.10
[5] . BBC, RFI, VNN 11.-20.11
[6] . Đài Bắc kinh(BK)16-18.11; BBC,RFI 18-20.11
[7]. Quân đội Nhân dân 24.-30.10; TTXVN 30.10-2.11
[8] .
Từ 28-30.11 Đinh Thế Huynh tham dự Hội thảo Lí luận lần thứ 7 giữa hai
ĐCS VN và Trung quốc ở Giang tô. Đề tài thuyết trình của ông là ”Thực
tiễn và một số kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác quần
chúng””, Bắc kinh29.11, CS 1.12
[9] .RFI 29.11
[10] .Bauxite VN (BVN) 29.11
[11] .Tế nhị+18, Blog Đào Tuấn 21.11
[12] .Người
quan sát, Một cuộc thuyết giảng cho trí thức –Vụ cắt cáp tàu Bình Minh
2: "Yêu con cho đòn cho vọt”, BVN 17.11; Thư ngỏ gửi Đồng chí Bí thư Ban
Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao của Một nhóm đảng viên, BVN 1911
[13] .Quyết định về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó thủ tướng chính phủ số 1476/QĐ-TTg, 25.8.2011
[14] .Blog Basam 18.11
[15] .Đào Tuấn, Bát phở bạc triệu và "bữa cơm kèm berberin”, Blog Quêchoa 30.11, từ Blog Đào Tuấn
Âu Dương Thệ.
Nguồn: http://phamvietdao2.blogspot.com/2011/12/tuyen-bo-ve-hoang-sa-va-truong-sa-e.html
|