Trưa ngày 3/11, Sở Thông tin- Truyền thông kết hợp với Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP HCM và Công an tỉnh Long An - đã tổ chức họp báo về việc khởi tố, bắt tạm giam thời hạn 4 tháng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha về tội rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Phương Uyên sinh năm 1992, tại Bình Thuận, hiện đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.
Đinh Nguyên Kha sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại 584, Quốc lộ 62, Phường 7, TP Tân An, tỉnh Long An; làm nghề sửa chữa máy vi tính.
Theo Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An, Đinh Nguyên Kha khai qua Facebook đã kết bạn với Nguyễn Thiện Thành, một người từng "hoạt động chống phá chính quyền tại Việt Nam bị công an phát hiện, bắt giữ nhưng Thành đã trốn thoát sang Thái Lan" và đã "móc nối Kha vào tổ chức "Tuổi trẻ yêu nước" với hứa hẹn sẽ giúp Kha đi du lịch sang Thái Lan và định cư tại Hoa Kỳ".
Cũng theo Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Long An, thì Nguyễn Phương Uyên khai quen biết Nguyễn Thiện Thành qua Internet vào tháng 4/2012 và khi được biết Thành dự định treo cờ vàng ba sọc đỏ ở Long An trong dịp 2-9-2012, Uyên đã đề nghị được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bằng cách trực tiếp dán cờ, mang đi treo và chụp ảnh gửi lại cho Thành vào ngày 20/8.
Vẫn theo cơ quan điều tra, tiếp theo đó ngày 10/10, Đinh Nguyên Kha chở Nguyễn Phương Uyên đến khu vực cầu An Sương để treo trên thành cầu "hộp tự tạo" có chế độ hẹn giờ chứa truyền đơn đã được dán tiền với mệnh số nhỏ vào mặt sau để thu hút người nhặt truyền đơn. Sau đó Uyên đã quay lại hiện trường và dùng điện thoại di động chụp ảnh lực lượng chức năng giải quyết vụ việc.
Theo thông báo của Cơ quan An ninh điều tra tại cuộc họp báo thì nội dung các truyền đơn do Uyên và Kha phát tán đều do Thành cung cấp.
Vẫn theo Cơ quan An ninh điều tra thì Kha còn khai nhận đã nghiên cứu, mua hóa chất pha chế thành công thuốc nổ với sự giúp đỡ của Đinh Nhật Uy (anh ruột Kha) và tài liệu do Thành cung cấp. Kha đã thử nghiệmthành công ba lần ở nhà bố mẹ tại huyện Thủ Thừa, Long An và các hình ảnh, đoạn phim ghi lại việc pha chế, tạo vật gây nổ Kha đều chuyển cho Thành qua email.
Tại cơ quan điều tra, "cả Kha và Uyên đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và xin được khoan hồng. Uyên cho biết do cần tiền cho việc học nên làm theo ý Thành để được Thành cung cấp tiền," theo trang web của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV online.)
Vẫn theo truyền thông trong nước, các tang vật mà cơ quan điều tra thu được gồm hơn 700 tờ truyền đơn và cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây với hơn 2 kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác.
Nội dung của tờ rơi được báo chí trong nước chụp lại và đưa lên không chỉ có nội dung liên quan tới Trung Quốc mà còn về Đảng cộng sản và tự do tôn giáo.
Đại tá Nguyễn Sáu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An được trang mạng của Đài tiếng nói Việt Nam online trích thuật nói: "Hai đối tượng này, qua điều tra, chúng tôi có đủ cơ sở và chứng cứ để khẳng định chúng vi phạm Điều 88, Bộ Luật Hình sự. Hành vi của đối tượng là làm ra, tán phát tài liệu có nội dung chống lại Nhà nước. Trong vụ án còn một số dấu hiệu của tội khủng bố. Chúng tôi sẽ tiếp tuc điều tra.”
"Đúng thủ tục tố tụng"
Theo tờ Pháp Luật TP.HCM online, về thông tin cho rằng bắt giữ Nguyễn Phương Uyên mà gia đình của sinh viên này không biết và cơ quan điều tra không thực hiện đúng thủ tục tố tụng, Đại tá Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An, khẳng định:
"Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo gia đình bị can Uyên nhận phải mất vài ngày chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu".
Ngoài ra vẫn theo Pháp luật TP. HCM online về thông tin một số sinh viên Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về trường hợp Nguyễn Phương Uyên, thì ngay tại cuộc họp báo này "đại diện Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM, cho biết nhà trường đã rà soát tất cả các sinh viên ký tên ở trong đơn kiến nghị thì tất cả các sinh viên có tên trong đơn đều khẳng định và có bản cam kết rằng họ không biết và không liên quan đến đơn kiến nghị trên".
Trước đó bạn học của Phương Uyên cho BBC biết khi công an tràn vào phòng trọ bắt cô hôm 14/10 họ nói lý do là ‘để điều tra về các truyền đơn chống Trung Quốc’ mà cô bị cáo buộc đã phát tán.
Người bạn học với Nguyễn Phương Uyên đề nghị BBC giấu tên cũng nói cô không biết biết gì về câu lạc bộ Tuổi trẻ Yêu nước cũng như các hoạt động của Uyên trong câu lạc bộ này.
Theo cô mô tả thì trong lớp học Phương Uyên là một người hòa đồng với bạn bè và là một cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản năng nổ. Cô chưa bao giờ nói gì hoặc có thái độ gì chống đối Nhà nước.
Tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ được quy định trong điều 88 Bộ Luật hình sự của Việt Nam. Theo đó thì những người ‘tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân’ hoặc ‘làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà nước’ thì sẽ bị phạt tù từ 3 đến 12 năm.
Hôm 14/10, một nhóm nhân sỹ, trí thức và các cá nhân thuộc nhiều giới đã gửi một bức thư kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc xem xét lại vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên và đề nghị trao trả tự do cho nữ sinh này.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những người ký tên vào thư kiến nghị hiện đã thu được ít nhất 144 chữ ký, trong đó có sự tham gia của nhiều tên tuổi trí thức như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Tương Lai, Kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...