Thứ Năm, 2024-12-26, 7:46 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Chín » 5 » Tự do mới tạo được niềm tin
7:05 PM
Tự do mới tạo được niềm tin

Ngô Nhân Dụng



Cô cháu nội tôi còn bé mà đã biết phát biểu ý kiến không hề sợ hãi. Có chuyện gì không hài lòng, cháu lên tiếng một cách quả quyết, “Oe oe! Oe oe!” Và cứ như vậy nhất định không ngưng trước khi được người trên chú ý.

Mẹ cháu dỗ dành, “Mế Mế!” Anh trai cháu cũng phụ họa, “Mế Mế!” (Muội muội, đọc theo lối Hán Việt, tức là em bé gái). Ông nội thử đoán ý cháu, “Nhân dân phản kháng chắc vì khát nước đấy.” Mẹ cháu cho con uống nước. Uống xong, “nhân dân” lại tiếp tục phản kháng không khoan nhượng, “Oe Oe! Oe oe! Oe oe!”

Cuối cùng mẹ cháu đưa giả thuyết là nhân dân đang làu bàu vì đói. Bố cháu ghé xe vào một tiệm ăn. Nhưng vào trong tiệm, Mế Mế lại không màng gì đến thức ăn. Cháu chỉ chạy tung tăng nhìn quanh từng bàn, lũn cũn bước từ bàn này sang bàn khác, miệng cười tươi làm quen với hết người nọ đến người kia.

Giới lãnh đạo nhất trí kết luận là Mế Mế không khát nước mà cũng không đói, cháu chỉ muốn ra khỏi chiếc xe tù túng để được chạy qua chạy lại cho đỡ cuồng cẳng! Nhờ lên tiếng một cách cương quyết và dai dẳng, cuối cùng cuộc tranh đấu của cô bé đã thành công vẻ vang. Nếu không lên tiếng thì làm sao bố mẹ biết được ý nguyện của mình! Mà đối với tầng lớp nhân dân tuổi mới 18 tháng, phương pháp lên tiếng có hiệu quả nhất chỉ là “Oe Oe! Oe Oe!”

Bài học cho người lớn là: Khi được tự do phát biểu ý kiến (Oe Oe), một đứa trẻ cũng biết nó muốn gì. Và đứa trẻ hơn một tuổi cũng có những nhu cầu khác ngoài chuyện thức ăn, nước uống: Nhu cầu được tự do. Trong việc tề gia, chúng ta theo nhiều đường lối khác nhau. Có nhà theo lối “mẹ lãnh đạo, bố quản lý, các con làm chủ”. Nhà khác thì “bố lãnh đạo, mẹ quản lý, các con cứ yên phận làm con!” Những mô hình này cũng có khi dùng trong việc trị quốc.

Ở Việt Nam hiện nay, mô hình thứ nhì đang áp dụng. Công an lãnh đạo, đảng và nhà nước lo việc quản lý. Còn nhân dân, muôn đời vẫn là nhân dân. Ðảng và nhà nước đối xử với nhân dân như con cháu, chút chít trong nhà, không hơn.

Nhưng nghe đảng bảo ban ra lệnh mãi có lúc nhân dân cũng muốn lên tiếng phản kháng “Oe Oe” mấy tiếng chứ? Có, hiện nay nhiều người đang lên tiếng. Trong mấy năm qua nhiều nhà trí thức đã lên tiếng về các vấn đề chung. Nghe những tiếng nói đó, tinh thần cả xã hội đã phấn khởi một thời gian, cho đến khi bị dập tắt trở lại.

Khi báo chí chính thức không được phép lên tiếng thì người ta dùng các phương tiện truyền thông mới. Bị bịt miệng không cho nói thì có người bày tỏ ý kiến bằng cách “mặc áo!” Anh Lê Minh Phát đã mặc chiếc áo trên đó có những lời phản đối việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Các ông Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng đã bảo đó là một chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Cho nên anh Phát bị làm việc lên, làm việc xuống, cuối cùng anh được lệnh không được mặc cái áo “Oe Oe” nữa. Anh phản đối việc Trung Quốc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đảng và nhà nước không muốn ai làm mất lòng các đồng chí Trung Quốc. Nhân dân có muốn “Oe Oe” cũng không được!

Các đồng nghiệp của chúng tôi là Bùi Thanh Hiếu, còn gọi là Người Buôn Gió và nhà báo Phạm Ðoan Trang đã bị bắt chỉ vì muốn“Oe Oe” trên mạng cho mọi người cùng nghe. Họ đều bị công an sách nhiễu, bắt bớ, thẩm vấn như những kẻ phạm tội. Người Buôn Gió đã bị bắt rồi, công an còn tịch thâu cả máy vi tính của anh. Công an còn đến tận nhà cha mẹ anh để lục soát, cho thấy chế độ hiện nay vẫn không khác gì vua quan thời phong kiến: con bị tình nghi thì cha mẹ cũng bị nghi ngờ! Nhà báo blogger nổi tiếng Huy Ðức chủ trì mạng Osin từ bao năm. Anh bị mất việc làm trong Sài Gòn Tiếp Thị, một tờ báo của đảng. Những nhà báo Huy Ðức, Bùi Thanh Hiếu, cũng như chư tăng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân chỉ muốn góp sức xây dựng một nước Việt Nam có tín nghĩa, có luật lệ rõ ràng. Bao giờ thì họ được tự do lên tiếng? Nếu không ai được nói ngoài các nghị quyết của đảng thì làm sao xây dựng được xã hội chính trực, ngay thẳng?

Chế độ độc tài nào cũng sợ người dân lên tiếng nói vì họ biết dân chỉ tin những lời nói trung thực, thẳng thắn, không còn ai tin lời nói của bọn cầm quyền nữa. Vì đảng đã quen nói một đằng, làm một nẻo từ lâu, nhưng bây giờ họ thực hiện chính sách đó trên căn bản tư tưởng.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang tự chuyển hóa biến các cán bộ cao cấp thành những nhà tư bản. Họ không còn là những “đảng Cộng Sản” như họ vẫn hô khẩu hiệu đi theo các ông Marx và Lenin nữa. Trong thực tế, xã hội Trung Hoa và Việt Nam hiện nay là tư bản hoang sơ nhưng vẫn còn di sản của thời phong kiến. Ðảng Cộng Sản muốn làm kinh tế tư bản trong khuôn khổ một xã hội phong kiến! Trong chế độ tư bản người dân còn được lên tiếng. Còn trong chế độ phong kiến thì khác, vua quan là cha mẹ của dân, không đứa nào được phép “Oe Oe” một tiếng. Tuyên bố theo Marx Lenin, nhưng hành động theo phương pháp Tần Thủy Hoàng. Ðó là đường lối “nói một đàng, làm một nẻo” ở trình độ căn bản nhất.

Những lương dân đọc Người Buôn Gió, đọc Ô Sin, chỉ muốn đề đạt lên các nhà lãnh đạo đảng một câu hỏi là: Tại sao quý vị không thành thật một lần trong đời, trong đời sống cá nhân cũng như đời sống đảng, bằng cách tuyên bố thẳng rằng quý vị đã ngưng, stop, thôi hẳn, từ nay không theo đuổi chủ ngãi Mác Lê nin nữa? Hơn 20 năm trước ông Hà Sĩ Phu đã dõng dạc tuyên bố “Chia tay ý thức hệ” mà không ai chịu nghe, bây giờ cứ làm theo cũng chưa muộn.

Khi một đảng chính trị tự đặt mình vào tình trạng phải tự mâu thuẫn với chính mình; cương lĩnh, lý thuyết mâu thuẫn với hành động thực tế, thì chỉ làm cho người dân khinh bỉ. Nguy hiểm hơn, thái độ dối trá đó sẽ làm hư hỏng luôn giềng mối tinh thần của cả quốc gia. Khi một ông vua hay một đảng cầm quyền nói một đằng, làm một nẻo, thì trong xã hội không còn ai thấy cần tôn trọng chữ Tín nữa. Không lấy chữ Tín làm căn bản của mọi tương quan, mọi giao tế xã hội, thì xã hội đó không còn một hệ thống giá trị để chia sẻ cùng nhau. Hơn thế nữa, xã hội không có chữ Tín thì cũng không thể phát triển tinh thần tôn trọng luật pháp, là nền tảng của mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị trong thế giới hiện đại. Tái lập chữ Tín trong xã hội là điều quan trọng và đáng theo đuổi hơn là thực hiện bất cứ một chủ nghĩa mơ hồ và không tưởng nào.

Sự thay đổi trong đường lối căn bản này là hệ quả của những biến chuyển căn để trong xã hội. Chế độ toàn trị (totalitarian) đã biến dần sang một chế độ độc tài (authoritarian) bình thường. Guồng máy của đảng và nhà nước không hoàn toàn kiểm soát được toàn thể đời sống xã hội nữa. Ðời sống mỗi cá nhân được giải phóng một phần nào, không còn hoàn toàn tùy thuộc vào sự xếp đặt của đảng và nhà nước. Xã hội công dân đang tự tách rời khỏi chế độ chính trị.

Một vấn đề lớn là guồng máy quản lý xã hội cũ vốn được các ông Stalin, Mao Trạch Ðông vẽ ra để trị dân trong một tương quan kinh tế đơn giản, dưới xin, trên cho, có cấp bậc trên dưới rõ ràng. Nay guồng máy đó không còn thích hợp để cai quản một xã hội phức tạp, các tương quan cũ bị đứt, vỡ, và các tương quan mới đang ra đời. Tương quan cũ dựa trên quyền hành, bây giờ thêm tương quan mới đặt trên lợi lộc. Ðảng Cộng Sản không dám xóa bỏ hệ cấp quyền hành, nhưng vẫn phải chấp nhận hệ thống duy lợi trên con đường tự tư bản hóa. Hệ thống duy lợi dựa trên tiền bạc, nhưng chưa đặt ra các luật lệ ràng buộc, kiểm soát việc kiềm lời như trong các nước thị trường tư bản lâu đời. Hai mạng lưới chính trị dựa trên quyền hành và kinh tế dựa trên lợi lộc chồng chéo lên nhau, đẻ ra tham nhũng. Ý thức hệ được tuyên dương thì đề cao một xã hội bình đẳng, mà trong thực tế thì chính chế độ đó lại nuôi dưỡng tình trạng giầu nghèo chênh lệch, tham nhũng, bất công. Người dân còn biết tin cái gì?

Kể từ khi chiếm chính quyền, Cộng Sản Việt Nam đã nỗ lực xóa bỏ giềng mối cũ của xã hội cổ truyền, những “quan hệ sản xuất” và “quan hệ xã hội.” Họ thấy không cần những quy tắc hiếu đễ, tiết nghĩa trong xã hội cũ. Họ xóa bỏ những tương quan mà xã hội cũ vẫn tôn trọng. Từ tình hàng xóm láng giềng cho đến niềm tin tôn giáo, tương quan vợ chồng, cha con, bằng hữu, vân vân, cần dẹp bỏ hết để đảng Cộng Sản xây dựng một xã hội mới trong đó điều quan trọng nhất là lập trường chính trị. Chế độ cộng sản không cần đạo lý, không cần pháp luật, chỉ cần chính trị. Nước Việt Nam đang đứng trước cảnh đã mất nền tảng cũ, lại mất luôn cả cái nền tảng mới mà đảng chưa hoàn thành. Ðó là thảm cảnh của một dân tộc: Vô pháp, vô thiên, “Trên không có trời, dưới không luật lệ.” Ðảng Cộng Sản phá giỏi, nhưng không xây dựng được nền tảng đạo lý mới. Muốn thay đổi tình trạng đó thì phải cho mọi người được sống tự do, xã hội công dân phải tự do phát triển, nhà tu được tự do xây nhà thờ, tự do lập am miếu, chùa chiền, và nhà báo phải được viết tự do.

Ðiều đáng lo nhất là lo cho thế hệ tương lai, những em bé bây giờ đang lớn, từ các em bé bằng tuổi cô cháu nội của tôi bây giờ. Nhìn cháu mình, không ai tránh khỏi không nghĩ đến những đứa cháu đang sống thiếu thốn. Có cháu mới 9 tuổi đã đảm đang đóng vai làm mẹ cho em mình. Một câu chuyện đáng kể lại làm gương cho trẻ em khắp thế giới. Nhiều trẻ em may mắn sống trong các xã hội bình an và thịnh vượng sẽ không hiểu nổi tại sao có những nơi một em bé phải cực nhọc như thế.

Cô cháu nội tôi số gặp may. Bữa trước bố mẹ cho cháu đi coi một sở thú ở thành phố Madison, tiểu bang Wisconsin. Khi trở về thành phố Dubuque, tiểu bang Iowa, cách xa hai giờ lái xe, mới biết cái nón của Mế Mế rớt đâu mất. Cái nón rẻ tiền nhưng cháu đội đã quen, rất thích. Lâu lâu cháu lại chỉ tay lên đầu, nhìn bố, nhìn mẹ, như hỏi: “Mũ đâu rồi?” Ði ngoài đường nắng quá, đội cho cháu cái mũ của Mẹ, cháu lắc đầu không chịu. Cái mũ của ông nội, cháu cũng không chịu. Ðúng là một đứa bé tí xíu cũng dám bầy tỏ ý kiến muốn cái gì, nếu được tự do, không sợ hãi. Hôm sau, tìm không đâu thấy mũ con, bố cháu gọi điện thoại tới sở thú hỏi. Ấy thế mà có người đã thấy cái mũ đó và văn phòng họ vẫn giữ! Không những giữ hộ, nhân viên ở sở thú còn đồng ý sẽ gửi cái mũ qua bưu điện về địa chỉ cha mẹ cháu ở thành phố New York, cách xa cả ngàn cây số. Và họ không đòi tiền cước phí. Cô nhân viên cho biết nếu cha mẹ cháu muốn thì cứ gửi tiền tặng cho quỹ sở thú, để góp phần giữ gìn một nơi cho mọi người, người lớn và con nít cùng du ngoạn và học hỏi!

Tại sao trong một xã hội con người có thể đối xử với nhau tử tế như vậy? Bao giờ thì trẻ em trong nước Việt Nam được thấy chung qunh toàn những người tử tế như vậy? Bao giờ thì Bùi Thanh Hiếu, Huy Ðức, được tự do lên tiếng để cùng mọi người Việt Nam xây dựng một xã hội có đạo lý và có pháp luật?

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 706 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 4
Khách: 4
Thành Viên: 0