Paulus Lê Sơn
Vụ việc ở giáo xứ Cồn Dầu bắt đầu nóng trở lại vì cái chết ấm ức của
anh Nguyễn Năm hôm 3/7/2010. Dư luận vô cùng căm phẫn về hành vi tàn
nhẫn của nhà cầm quyền Đà Nẵng và thái độ nhu nhược của giáo quyền Đà
Nẵng. Tại sao nhà cầm quyền Đà Nẵng lại lộng hành như vậy? Hành xử của
họ đối với nhân dân mà đứng đằng sau là bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh
tựa như "côn đồ” được pháp luật bảo hộ.
 Báo
chí lề phải cũng như lề trái đã từng lên tiếng về nhiều vụ việc mà
trong đó có sự can qua của ông "đảng trưởng” Thành phố Đà Nẵng này. Từ
khi ông "tiến sĩ” được cho là mua bán bằng cấp này lên nắm ngôi và giữ
nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị của đảng cộng sản tại Đà
Nẵng. Nhiều dân oan cũng như những người đấu tranh tham nhũng đã mạnh
mẽ lên tiếng tố cáo ông Thanh đều bị trù dập.
Trong nhiều đơn thư tố cáo ông Thanh tham nhũng,
lạm quyền mà các nạn nhân thậm chí của cả các đảng viên cao tuổi gửi
đến các cấp chính quyền từ địa phương lên đến trung ương tất cả chỉ là
số 0, ông Thanh vẫn đang "phục vụ ông chủ” của mình bằng những lộng
ngôn và bạo lực.
Lộng ngôn và bạo lực của một Bí thư thành ủy
Trở lại vụ việc anh Nguyễn Năm là thành viên đội trợ tang của
Giáo xứ Cồn Dầu bị chết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh được
cho là công an Đà Nẵng gây ra. Trao đổi với một người đang sống và làm
việc tại vùng Đà Nẵng, một người am hiểu và có nhiều thông tin về hiện
hình xã hội và Giáo hội Công giáo tại Đà Nẵng, tôi biết được nhiều sự
thật bị ẩn khuất đang xảy ra tại Đà Nẵng.
Khi bị chất vấn về những việc làm của ông, ông đã thẳng thừng tuyên bố "Không biết thế nào là cộng sản hay sao mà còn thắc mắc?” Khi nghe ông Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh phát ngôn và hành xử như vậy, phải chăng đó là thái độ của một tay giang hồ.
Đồng ý rằng, từ khi có đảng cộng sản "thiên tài, văn minh” cầm trịch
đất nước Việt Nam đến bây giờ, người dân Việt Nam nơi nơi đã quá hiểu
cộng sản là thế nào rồi, chắc không cần ông Thanh khẳng định lại lần
nữa.
Khi người dân nói về nguồn gốc đất Cồn Dầu đã lên tới cả trăm năm thì ông Thanh nói: "những nơi có lịch sử cả 300 năm chúng tôi còn dời đi được, thì 100 năm nhằm nhò gì”.
Cái uy, cái quyền mà đảng trao cho ông này thật ghê gớm, nó có thể bứng
đi cả một lịch sử có đến tận ba trăm năm, thật là bình thản khi dẫm đạp
lên cả cội nguồn, tổ tiên, bất chấp luân thường đạo lý, xem thường pháp
luật.
Ông Thanh cũng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, ông đã từng tuyên bố: "Hãy nhìn Thái Lan kìa. Phe áo đỏ chống đối chính phủ đó! Bắn được chứ sao không bắn”.
Cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Năm, giáo dân Cồn Dầu có thể là nạn
nhân của tư tưởng, đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tuân
thủ mọi quy định, mệnh lệnh của cấp trên để lập nên những chiến công
đáng ghi nhận. Một lần nữa cho thấy 6 điều dạy trong tư tưởng của Hồ
Chí Minh được công an thấm nhuần một cách cương quyết. Bắn được chứ sao không bắn!
Xoay quanh sự kiện Cồn Dầu, khi bị chất vấn về cuộc sống của dân Cồn Dầu sau khi di dời sẽ ra sao, ông Thanh nói: "xem mấy chỗ đã di dời kìa, có thấy ai chết đói đâu!”.
Thật ra, cứ đơn cử tình trạng sống của người dân quận 3, Đà Nẵng thì sẽ
biết. Trước đây người dân làm nghề cá, giờ bị dời hết lên bờ nên thất
nghiệp. Một vị linh mục vùng đã phải thốt lên về việc giáo dân siêng
năng việc nhà Chúa: "hiếm khi có giáo dân nào tham gia cả 3 hội đoàn trong giáo xứ, nhưng nay vì không có việc làm nên đã quay về giúp giáo xứ”!!!.
 Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng
Khi muốn giải tỏa vùng đất nào, Nguyễn Bá Thanh thường "lý luận”: "sao có những người chịu đi mà mấy người này không đi?. Ai không đi là chống người thi hành công vụ”.
Quà tặng của sự đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng nhất mà ông Bí thư
thành ủy Nguyễn Bá Thanh gửi đến cho người dân là cái chết. Xác cụ bà
Hồ Nhu hôm 4-5-2010 bị công an cướp chở đi nơi khác không được chôn cất
tử tế tại nghĩa trang giáo xứ. Bây giờ, anh Nguyễn Năm một người trong
đội trợ tang của Giáo xứ vừa bị công an Đà Nẵng đánh chết vào trưa thứ
bảy mùng 3 tháng 7 là môt minh chứng xác thực để khỏi thắc mắc những
lời nói và cách hành xử của ông "đảng trưởng đảng cộng sản tại Đà Nẵng”
này.
Ai lên tiếng bảo vệ đàn chiên?
"Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc
trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ
được mạng sống mình.” (Lc 21,17-19).
Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh chị em giáo
dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách
thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục
tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi
giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng
và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ! Hãy biết "tôn sư trọng đạo”
đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt. (Trích ý 1 trong
thư Mục Vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng về biến cố Cồn Dầu).
Trước cái ác đang hoành hành, con chiên bị sát tế và sự lên tiếng bảo
vệ của chủ chiên như thế nào?. Khi các linh mục trong giáo phận Đà Nẵng
họp nhau tĩnh tâm, có một số linh mục lên tiếng: "chúng ta nên đến thăm Cồn Dầu”. Nhưng tiếng kêu này không được ai hưởng ứng. Khi các linh mục hỏi Đức cha Tri "Sao Đức cha không lên tiếng?”, ngài trả lời "Thì sẽ nói chứ sao không. Nhưng phải đợi xem tình hình thế nào đã…”
Trong một lần trao đổi về vụ Cồn Dầu Đức cha Tri đã bị Nguyễn Bá Thanh
nói thẳng với ngài rằng: giám mục đã nói dối khi nói rằng không biết vụ
việc về đám tang bà Tân, không biết có sự căng thẳng giữa công an và
dân. Ông Thanh nói tiếp: lửa gần rơm làm sao không nổ?
Đức cha Tri nói với ông Nguyễn Bá Thanh: "sự
việc ở Cồn Dầu chỉ là chuyện dân sự, chứ nếu là chuyện tôn giáo thì
chúng tôi đã cho kéo chuông tại Cồn Dầu để các nơi khác hiệp thông”.
Nghe thế, ông Thanh không ngần ngại "đánh bài ngửa” luôn: nếu giáo dân
từ các nơi xung quanh kéo về thì chúng tôi sẽ có cách "xử lý” khác. Một
lời thách thức và đe dọa công khai với một vị Giám mục!
Đức cha Tri đã từng bị công an lừa khi nói đã thả hết những người bị
bắt sau đám tang bà Tân. Vì thế ngài im lặng vì nghĩ sự việc đã êm
xuôi. Nào ngờ đó chỉ là kế "hoãn binh” của công an…Hiện nay Dòng Phaolô
đành phải chấp nhận bị cắt đôi để Nguyễn Bá Thanh làm con đường đi
ngang khu vực tu viện.
Sau khi xảy ra vụ Cồn Dầu, công an đã gửi giấy mời hầu hết các linh mục
quanh vùng ra gặp họ để được "tuyên truyền” và "định hướng thông tin” nhằm
mượn tay các linh mục trấn an giáo dân. Khi thấy vắng một số linh mục,
cán bộ công an đã khiển trách: "Tại sao những linh mục kia không đến
họp khi chúng tôi mời?”. Xem ra các linh mục quá hiền lành.
Giáo xứ Cồn Dầu
Hiện tại giáo dân tại đây đang rất hoang mang và lo sợ trước bạo lực và
áp chế của nhà cầm quyền, họ nơm nớp trước ranh giới giữa sự sống và
cái chết ập đến bất thình lình, họ đã không còn dám lên tiếng…
Giáo dân Cồn Dầu đang cần bênh vực, nâng đỡ của các chủ chăn trước
cường quyền bạo lực mà nhà cầm quyền Đà Nẵng đang hành xử. Họ cũng cần
đến lời cầu nguyện, sự hiệp thông, tình liên đới của Giáo hội.
Sài gòn 7/7/2010
Paulus Lê Sơn
|