Đầu
năm 1979 tại khu vực biên giới Việt-Trung đã nổ ra một cuộc xung đột
khốc liệt được nhà báo Mỹ Nayan Chanda gọi là «cuộc chiến tranh giữa
những người anh em thù địch». Nhưng chỉ 11 năm sau đó, vào tháng
10-1990, một bước ngoặt lớn đã được mở ra, đưa quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh
chuyển hẳn sang thời kỳ liên minh thân thiết, tiêu biểu bởi «16 chữ
vàng» và phương châm «4 tốt».
Cái mốc chuyển từ kẻ thù truyền
thống (như được ghi trong Hiến pháp Việt Nam) thành bạn thân thiết là
cuộc gặp gỡ bí mật cấp cao Trung - Việt ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ
Xuyên, Trung Quốc, vào 2 ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, theo sáng kiến
của đại mưu sĩ Đặng Tiểu Bình. Đại diện cho phía Việt Nam tại cuộc gặp
là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn
Đồng, còn phía Trung Quốc là Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng
Lý Bằng.
Có rất ít thông tin chính xác về nội dung thật sự của
cuộc gặp này được tiết lộ, nhưng ý đồ đen tối của những người lãnh đạo
Bắc Kinh đến phó hội đối với tương lai của đất nước ta đã không che mắt
được ai. Đến nỗi ngoại trưởng Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Cơ
Thạch, người bị gạt ra ngoài rìa của cuộc họp lịch sử này, đã phải than
thở: «Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!».(*)
Rất
nhiều diễn biến và sự kiện đã chứng minh sự chính xác của nhận xét có
tính tiên tri đó của người đứng đầu ngành ngoại giao Hà Nội. Tính đến
nay, «cuộc Bắc thuộc mới» đã kéo dài được 22 năm, với biết bao thiệt
thòi, tủi nhục cho đất nước và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực -
từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, từ
lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo đến tài nguyên và an ninh, chủ quyền. Đây
là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta, mà những
thành tựu kinh tế, đổi mới, xây dựng, phát triển khá cao vẫn không sao
khỏa lấp được.
Đến nay, khi nhóm lãnh đạo ở Bắc Kinh đã khống
chế được gần như hoàn toàn những người cầm quyền ở Hà Nội, họ liền trở
mặt, gây sự ở vùng Biển Đông của ta, với thái độ trịch thượng kẻ cả
dùng sức mạnh áp đảo cùng với những thủ đoạn vừa ăn cướp vừa la làng.
Hiện
nay Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam đang bị kẹt cứng giữa 2 gọng kìm, một
bên là sự chất vấn đầy phẫn nộ chính đáng và sự phản kháng của nhân
dân, một bên là những hành động xâm lược cực kỳ ngang ngược của thế lực
bành trướng hung hãn.
Nhóm lãnh đạo Bắc Kinh là những người chưa
hề chùn tay trước một thủ đoạn thâm độc nào. Ai có thể độc ác hơn những
kẻ dám đem đương kim Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ ra đấu tố hạ nhục trên
đường phố? Ai có thể tàn bạo hơn những kẻ mang đương kim Nguyên soái
Bành Đức Hoài ra hỏi tội, bắt đội mũ lừa, bắt liếm bát mỳ sợi trong
chảo, hành hạ cho đến khi chết không có một người thân vuốt mắt? Ai có
thể bất nhân, phản dân tộc hơn những kẻ vui mừng khi đặt 200 tên lửa,
rồi nay là 600 tên lửa đạn đạo chĩa thẳng vào đồng bào ruột thịt của
mình ở Đài Loan, dọa dẫm không chút hổ thẹn là sẵn sàng dìm trong biển
máu cả 23 triệu dân mà họ từng leo lẻo là anh chị em chí thiết, còn là
một nguồn đầu tư lớn cho lục địa.
Và mới đây ai ngang nhiên vu
cáo ngược là «Việt Nam chiếm nhiều đảo nhất, tỏ ra hung hăng nhất, gây
ra nhiều ảnh hưởng xấu nhất trong vùng biển Trung Hoa thuộc chủ quyền
không thể bàn cãi của Trung Quốc», «bọn Việt Nam giết ngư dân Trung
Quốc», «cần dạy cho Việt Nam vô ân bạc nghĩa một bài học lớn hơn trước
đây». Vậy mà báo chí chính thức trong nước vẫn im lặng, không cất lên
được một tiếng nói dõng dạc nào để bác bỏ những luận điệu vu khống
trắng trợn của thế lực bành trướng và bảo vệ thanh danh dân tộc.
Khi
Tân Hoa xã đưa tin là «Hai bên đã thỏa thuận không để nước thứ ba ở bên
ngoài can thiệp vào vùng biển Trung Hoa», ngụ ý gạt hẳn Hoa Kỳ ra
ngoài, báo chí Việt Nam cũng không dám cải chính. Cho nên việc giới trí
thức, giới truyền thông lề trái và công luận quốc tế hoài nghi dai dẳng
là 2 bên đã đi đêm với nhau là hoàn toàn có cơ sở.
Mong rằng
những người lãnh đạo Việt Nam sớm nhìn ra sự thật để chủ động thoát
khỏi ách Bắc thuộc cực kỳ nguy hiểm đã kéo dài 22 năm, trước khi quá
muộn. Mong rằng họ sớm tỉnh táo nhận ra sai lầm của lập luận cho rằng
do vị trí địa lý và cũng vì cùng chung chế độ XHCN, Việt Nam buộc phải
gắn bó keo sơn với nước láng giềng Trung Quốc (xem các Nghị quyết Đại
Hội đảng từ khóa VII đến khoá XI).
Họ hãy tỏ ra tự tin hơn để
thấy rằng nương tựa hoàn toàn vào Bắc Kinh không phải là một kế tồn tại
lâu dài, bền vững, an toàn và đáng tin cậy cho chính bản thân họ, và
lại càng không phải cho tiền đồ của tổ quốc và dân tộc ta. Họ chớ nên
quên rằng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Trung Quốc hung
hăng nhưng không mạnh, kỹ thuật quân sự lạc hậu đến 20 năm so với Hoa
Kỳ, chính trị cực yếu do chà đạp nhân quyền, kinh tế tài chính tuy có
dự trữ ngoại tệ lớn nhưng rất bấp bênh, có nguy cơ đổ vỡ, dựa vào họ
như dựa vào cột mục.
Gắn bó với thế giới dân chủ rộng lớn, hùng
mạnh, văn minh, với các nước châu Á khác ở quanh ta như Ấn Độ, Nhật
Bản, Nam Triều Tiên, với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia,
và giữ quan hệ bình đẳng với Trung Quốc là đường lối đối ngoại sáng
suốt duy nhất hiện nay.
Điều quan trọng nhất là những người
lãnh đạo Việt Nam có đủ sáng suốt để nhìn ra bản chất độc ác của chủ
nghĩa bành trướng Đại Hán hay không.
(*) Ông Thạch lập tức bị
gạt ra khỏi cương vị phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng, và mất luôn chiếc
ghế ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng.
|