Nguồn: blog Mạnh Quân
16.04.2010
Những trận bão lũ kéo theo lụt lớn tại các tỉnh miền Trung trong các
tháng 9, 10 và 11 năm trước làm rất nhiều người dân bị chết đuối (nhiều
nhất là 70 người dân ở Phú Yên, Bình Định trận lũ đầu tháng 11.2009),
hàng ngàn người mất nhà cửa…đã đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của
những cơ quan, đơn vị làm vận hành, điều hoà việc xả lũ của các công
trình thủy điện, của việc lập, thực hiện quy hoạch thuỷ điện ở các tỉnh
miền Trung. Trước sức ép lớn từ dư luận, từ các đại biểu Quốc hội, từ
cuối tháng 12.2009 và tháng 1.2010, một đoàn công tác liên ngành: bộ
Công thương, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, tập đoàn Điện lực và đại diện các sở Công thương các tỉnh
liên quan đã đi kiểm tra, rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư các các
dự án thủy điện (DATĐ) tại 9 tỉnh trọng điểm ở miền Trung và Tây
nguyên. Mới đây, đoàn công tác này đã có báo cáo chính thức lên Thủ
tướng Chính phủ kết quả kiểm tra. Mặc dù, những thông tin, đánh giá về
nguyên nhân gây ngập lụt ở các tỉnh miền Trung trước đây đã được nhiều
chuyên gia đưa ra khá xác thực nhưng, kết quả đợt kiểm tra này đã cho
thấy những sự thật bất ngờ và chúng đã giải thích được vì sao những cơn
lũ ở miền Trung thời gian đó lại hung hãn như vậy.
Nát bét từ khâu lập quy hoạch, đầu tư dự án …
Tại 9 tỉnh được kiểm tra, vào thời điểm kiểm tra đã có tới 393 DATĐ
với tổng công suất lắp đặt 7.381 MW thuộc quy hoạch bậc thang hệ thống
sông chính, quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc được bộ Công thương phê
duyệt. Khi xem xét các quy hoạch thuỷ điện nhỏ ở các tỉnh này, đoàn
công tác cho rằng, chất lượng của quy hoạch và thiết kế cơ sở còn yếu
và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Nhưng đáng ngạc nhiên là đoàn
công tác cho là có phần do ngân sách cấp cho nghiên cứu quy hoạch còn
hạn chế, do sự phối hợp của các cơ quan tại các địa phương còn kém.
Nhưng điều đáng nói hơn, ở các tỉnh quá nhiều dự án thủy điện này, lại
có chuyện: các sở Công thương đều thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn
về thủy điện.
Từ những điểm yếu chết người ấy, dẫn đến thực tế: một số dự án thủy
điện có sơ đồ khai thác bất hợp lý, quy mô công suất quá cao nên ảnh
hưởng tiêu cực đến khả năng khai thác, "tác động tiêu cực đến môi
trường-xã hội”. Theo đoàn công tác, trong việc xem xét giao chủ trương
nghiên cứu đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng chưa có sự đánh
giá toàn diện về năng lực tài chính, nhân lực, tình hình thực hiện các
dự án khác…của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát các
chủ đầu tư DATĐ, các đơn vị thi công về chất lượng công trình, bảo vệ
môi trường, bảo vệ và phát triển rừng…chưa được làm thường xuyên, đầy
đủ. Một vấn đề nghiêm trọng khác là các chủ đầu tư phải cam kết bảo vệ
môi trường như cam kết trồng mới diện tích rừng đã phá để xây dựng nhà
máy thuỷ điện (theo quy định tại nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính
phủ), nhưng những cam kết này đã không được thực hiện nghiêm túc. Đơn
giản vì: các địa phương không còn quỹ đất. Đã thế, tệ hại hơn nữa, việc
không quản lý, bảo vệ được rừng ở ngoài mặt bằng công trình tại một số
dự án đã dẫn đến thực tế: lâm tặc lợi dụng các tuyến đường thi công,
vận hành các DATĐ để phá rừng, trộm gỗ.
Kiểm tra chất lượng các công trình thủy điện, đoàn công tác phát
hiện một số DATĐ nhỏ có chất lượng thiết kế và thi công chưa đáp ứng
yêu cầu do các đơn vị tư vấn mới thành lập thiếu kinh nghiệm, nhà thầu
thi công thiếu nhân lực và thiết bị, chủ đầu tư thiếu cán bộ chuyên môn
có kinh nghiệm đầu tư thủy điện… "Một số dự án chưa tuân thủ đầy đủ quy
định về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn
đập”, đoàn công tác khẳng định.
Vận hành hồ chứa: thiếu linh hoạt, thiếu phối hợp, thiếu …đủ thứ!
Cho đến khâu vận hành các hồ chứa thủy điện-một việc mà một số
chuyên gia cho rằng đó là một nguyên nhân làm trầm trọng thêm lũ lụt,
chết dân ở một số tỉnh miền Trung năm trước, cũng có rất nhiều vấn đề.
Mặc dù cho rằng, quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện đã "phát huy
hiệu quả trong đảm bảo an toàn cho công trình, hạ du và phối hợp sử
dụng tổng hợp”, nhưng đoàn công tác cho rằng, việc phối hợp liên lạc,
cập nhật thông tin để vận hành giữa các hồ chứa trên cùng một lưu vực
sông còn hạn chế, cho dù điều này đã được quy định trong quy trình vận
hành. Nên có thực tế là một số chủ đầu tư bị động và thiếu linh hoạt
trong vận hành thực tế. Một vấn đề mới, rất đáng chú ý, được rút ra là
hầu hết các công trình thủy điện đều vận hành dựa vào số liệu báo cáo
của trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các đài dự báo
khí tượng-thủy văn trong khu vực. Nhưng nguy hiểm ở chỗ, thông tin dự
báo, được đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong đoàn công tác thống
nhất nhận định: chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa cao nên việc vận
hành thiếu chủ động, chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt khi xả lũ. Thực tế
ghi nhận là ở một số điểm cần thiết đã không có trạm quan trắc. Nơi có
trạm quan trắc thì thiết bị đơn giản, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp
thủ công.
Trong khi đó, các ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn
tại một số tỉnh lại thiếu chủ động kiểm tra, phối hợp với chủ đầu tư
trong công tác điều hành hồ, thậm chí "không nắm được thông tin, nhất
là khi các hồ xả lũ”. Tuy ở hầu hết các công trình thủy điện đều đã có
ban chỉ huy phòng chống bão lụt nhưng qua kiểm tra, người ta thấy các
phương án phòng, chống bão lụt đều chưa đầy đủ. Vật tư, thiết bị phòng
chống lụt bão còn chưa được chuẩn bị hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Thái độ
quan tâm đến sự an toàn của người dân ở các DATĐ có thể thấy rõ qua
đánh giá sau của đoàn công tác: "Quy trình vận hành được phê duyệt đã
quy định cụ thể việc tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân ở các khu vực
liên quan phía hạ lưu về quy trình xả lũ nhằm chủ động phòng tránh
thiệt hại. Nhưng trên thực tế, rất ít chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định
này”.
Năng lực cán bộ vận hành lại một lần nữa phải nói đến trong quy
trình vận hành: theo đoàn công tác, tại một số công trình, kể cả các
công trình lớn, còn thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, được trang bị
đầy đủ kiến thức vận hành nên có lúc chưa tuân thủ hoàn toàn quy trình
được phê duyệt, chưa lập được kế hoạch vận hành chi tiết trên cơ sở các
số liệu quan trắc thuỷ văn và chế độ điều tiết hồ chứa, thiếu linh hoạt
trong thực hiện quy trình và chưa lập được phương án vận hành phù hợp
với điều kiện thực tế. Đáng nói nữa là có một số cán bộ chuyên trách
ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của địa phương không
đủ năng lực, thậm chí không nắm được thông tin về công trình, quy trình
vận hành hồ chứa thủy điện trên địa bàn.
Cũng có một số công trình đã đưa vào khai thác nhưng chưa lập và trình duyệt quy trình vận hành hồ chứa để thực hiện.
Một sự thật đáng kinh ngạc được phát hiện nữa: trong quá trình vận
hành chống lũ, một số công trình thủy điện bộc lộ rõ những khiếm khuyết
trong thiết kế, thi công nhưng chưa kịp thời có giải pháp khắc phục,
làm ảnh hưởng đến sự an toàn, hiệu quả khai thác công trình như: hư
hỏng kè chống xói lở hạ lưu tràn, kênh xả không đảm bảo năng lực thiết
kế, hư hỏng cửa xả đáy, bồi lấp và tắc bộ lọc nước kỹ thuật của các tổ
máy…
Trong việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập thủy điện,
có một thực tế là việc triển khai đăng ký, báo cáo hiện trạng an toàn
đập thủy điện còn chậm, chưa thống nhất. Tính đến tháng 12.2009, qua
thời hạn đăng ký an toàn đập theo quy định hơn 1 năm mà bộ Công thương
mới chỉ nhận được 15 công văn, báo cáo của sở Nông nghiệp Phát triển
Nông thôn, sở Công thương các tỉnh. Có chủ đầu tư còn cố tính không
chấp hành việc đăng ký dù được nhắc nhiều lần. Phần lớn các chủ đầu tư
chưa lập và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
phương án bảo vệ đập, phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du để
chủ động đối phó với tình huống ngập lụt do xả lũ khẩn cấp hoặc tính
huống vỡ đập.
Những thực tế trên đây đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh đáng sợ
thế nào về thủy điện miền Trung và Tây Nguyên. Với hiện trạng quản lý,
quy hoạch, đầu tư, cách thức vận hành, thái độ chấp hành luật pháp…như
thế này thì sinh mạng của hàng triệu người dân miền Trung, Tây nguyên
rõ ràng bị đe dọa nghiêm trọng mỗi khi có mua to, bão lớn. Đoàn công
tác liên ngành đã làm được một việc rất hữu ích là đã vẽ ra khá xác
thực bức tranh âý, nêu ra nguyên nhân…Đoàn cũng đã có những đề nghị cụ
thể. Ví dụ như tại Đăk Lăk, yêu cầu loại bỏ 38 DATĐ đã phê duyệt và
điều chỉnh quy mô 35 DATĐ khác có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến môi
trường-xã hội. Đoàn công tác liên ngành cũng đề nghị các bộ, ngành liên
quan sớm lập được quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện; giao các
tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ quy định về quản lý đầu tư các
DATĐ trên địa ban…Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Toàn bộ thực trạng vận
hành, quản lý nhà máy, hồ chứa nêu trên cần phải mổ xẻ chi tiết hơn nữa
về nguyên nhân, giải pháp để đi đến các biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ và
triển khai kiểm tra với tất cả các DATĐ trên các tỉnh, thành phố còn
lại của cả nước để thực hiện một yêu cầu lớn nhất, ngoài mục đích phát
điện, làm kinh tế: đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản cho người
dân, bảo vệ môi trường.