(Quanh chuyến Hà Sĩ Phu ra Bắc thăm quê)
Hà Sĩ Phu (Danlambao)
- Đầu tháng 10-2012 tôi ra Bắc nhân ngày giỗ cha tôi và thăm người anh
ruột 88 tuổi bị liệt. Trong mấy ngày dừng ở Hà Nội để khám mắt và thăm
bạn bè, thì ở đâu cũng bị mạng lưới Công an tiếp cận và gây phiền cho
chủ nhà, dù là nhà bạn hay nhà chị ruột.
Công an khu vực cho biết phải tiếp cận vì liên tục có điện báo từ Công
an Lâm đồng và Công an Hà nội. An ninh của Bộ Công an thì mời chủ nhà
lên "làm việc”, cho biết HSP là phần tử thuộc diện "chính trị tư tưởng, quan điểm lập trường không thể cải tạo”,
nên đi khám mắt cũng được theo dõi khám ở đâu, do bác sĩ nào, đồng thời
khuyến cáo chủ nhà phải hết sức đề phòng và hãy khuyên HSP không được
viết lách gì nữa. Ngồi uống nước ở nhà hàng Thủy tạ cũng bị lén quay
phim!
Tôi thông báo riêng tình hình ấy với vợ tôi và mấy bạn bè ở Đà Lạt, thì lập tức xuất hiện một "bài viết” nặc danh nhan đề "Trò chuyện lúc 0 giờ” bình
luận rất khéo và "tế nhị” về sự việc của tôi, ngụ ý bảo tôi nếu tố cáo
việc này "cho oai” thì sẽ gặp "phiền phức” đấy, và không quên "mách” để
ly gián cho tôi biết rằng trong mấy người thân của tôi có kẻ "bán mình
cho quỷ dữ” (xem phụ lục)!
Nếu chỉ có như vậy tôi sẽ coi đó là việc nhỏ thường ngày, với tôi đã mấy
chục năm nay, nhưng nhiều lần tôi vẫn cho qua, bởi tôi không có thói
quen đôi co hay ác cảm với những anh em cấp dưới đương nhiên phải thừa
hành lệnh của cấp trên chứ chẳng thù ghét gì mình. Nhưng lần này, điều
khiến tôi phải lên tiếng chính là TÌNH HÌNH BẤT THƯỜNG ở làng tôi: thôn
Lạc thổ, Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Nơi ấy là quê cha đất tổ của tôi, nhưng lần nào về quê nhân ngày giỗ cha
mẹ tôi đều bị Công an địa phương gọi lên để "trình báo” mặc dù những
anh em khác trong gia đình tôi (cũng từ xa về) thì ai không bị như thế.
Điều luật nào quy định sự phân biệt đối xử với công dân như vậy?
Lần này nghiêm trọng hơn, không hiểu ở địa phương đã tiến hành những
chuẩn bị gì mà khiến cho cả gia đình tôi đều tìm cách này cách khác nhắn
tin cho tôi, yêu cầu tôi "không được về quê, nếu về sẽ bị bắt ngay lập tức”!
Mọi người trong gia đình mong nhớ tôi từng ngày, hẹn đi hẹn lại rằng
"ngày giỗ thầy, chú phải về, gặp anh một chút, anh chẳng còn sống bao
lâu”, nay đột nhiên phải bấm bụng khuyên tôi đừng về hẳn phải có điều gì
rất hệ trọng!
Tôi chưa thể kiểm chứng thực hư ra sao nhưng ở thời buổi nhiễu nhương
"vua Lê chúa Trịnh” này không thể coi thường. Ở một vùng quê, sau lũy
tre làng, nơi "thông tin lề Dân”, nơi tiếng nói phản biện của trí thức
còn rất xa lạ, thì đầu óc của một bạn trẻ công an hay một du kích xã có
thể vẫn "ổn định vững chãi” như thời Cải cách ruộng đất hay thời Nhân
văn lắm chứ? Việc gì họ cũng có thể làm. Một anh bạn đùa tôi: Lọt vào "ổ
phục kích” của xã thì HSP chắc không có một chút ngôn ngữ gì để đối
thoại hay tranh luận? Rồi anh bạn đặt giả thiết: Thế nhỡ các vị Trung
ương bất lực, muốn mượn tay "dân quân du kích” cho sạch tay thì sao?
Chẳng có gì là không thể, ừ thì có thể người ta "lại định bắt HSP” (như
lời cảnh báo khéo của bức thư đính kèm dưới đây). Nhưng quả thực tôi
không tức giận gì, tôi chỉ đau, vì nơi ấy là nơi chôn rau cắt rốn của
tôi, nơi còn gia đình ruột thịt thân yêu, nơi ôm ấp cả tuổi thơ khiến
cho chút cảm hứng thơ phú của tôi không thể thoát khỏi cái hồn Kinh
Bắc.
Càng đau hơn nữa khi vượt khỏi câu chuyện vặt cá nhân mà nhìn ra xã hội,
để thấy nhiều bạn trẻ chỉ vì muốn nước nhà thoát khỏi cái nạn Bắc thuộc
mới mà bị cầm tù nhiều năm và bị đánh đập tàn nhẫn, bị "vồ” giữa đường
và điệu đi mất tích… thì thấy điều khổ nạn của mình chưa thấm vào đâu.
Nhưng ngược lại, thấy đám người Tàu rất khả nghi được quyền đột nhập
Việt Nam 3 tháng mà chẳng Công an nào hỏi han, vì đã có luật của Việt
Nam bảo trợ, có khi họ phạm pháp trốn biệt mà công an chẳng thèm quan
tâm (còn mình thì trên đường vế quê chưa được 3 ngày) thì lại thấy lời
tha thiết của cha ông về hai chữ nòi giống Rồng Tiên, về "nhiễu điều” và
cái "giá gương” bỗng nhiên như thành vô duyên, chua chát!
Bỗng nhói lên, quặt ngược, một điệu thơ Tố Hữu:
Ở đâu đau đớn giống nòi?
Hãy về xứ Việt là nơi… quặn lòng!
20-10-2012
|