Ngô Nhân Dụng
Giới
trí thức Việt Nam đang lo ngăn cản không cho các công ty Trung Quốc
mang người vào khai thác bô xít (bausite) làm nguy hại môi trường sống,
biến các cư xá của công nhân Trung Quốc thành những làng tự trị sống
ngoài luật pháp nước Việt Nam. Người Việt Nam nào cũng đau lòng trước
cảnh Hải Quân Trung Quốc bắt đồng bào ngư dân ngay trong hải phận nước
Việt đưa về giam giữ ngay ở Hoàng Sa mà họ đã chiếm của nước Việt Nam
từ năm 1974.
Từ hai ngàn năm nay, người Việt vẫn lo tự vệ trước
sức mạnh bành trướng của người Hán. Ðến bây giờ mối lo đó càng lớn hơn
vì Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi để trở thành một cường quốc kinh tế
đứng hạng nhì thế giới, mà trong một thế hệ nữa, đến giữa thế kỷ này
một tỷ dân Trung Hoa sẽ vượt qua Hoa Kỳ để đứng hạng nhất về tổng sản
lượng quốc gia. Trước viễn anh đó người Việt Nam phải lo lắng.
Nhưng
nhìn chung quanh, chúng ta phải tự hỏi tại sao các nước khác trong vùng
Á Ðông cũng lo nhưng không ai mang mối lo lớn như nước mình? Hàn Quốc
và Ðài Loan nằm sát bên Trung Quốc, như những con mèo nằm bên cạnh con
cọp. Những quốc gia nhỏ khác trong vùng như Phi Luật Tân, Mã Lai Á,
Indonesia, nhỏ bé đến như Singapore, họ đều ý thức về vai trò đang lên
của Trung Quốc và biết họ phải làm gì; nhưng không hoảng hốt trước sự
bành trướng của cường quốc mới này. Tại sao vậy?
Hãy nhìn vào
hai nước Á Ðông láng giềng của Trung Quốc, gần không khác gì Việt Nam.
Hàn Quốc đến giờ vẫn còn bị chia đôi. Nước họ đã từng bị đế quốc Trung
Hoa đặt làm An Ðông Ðô Hộ Phủ vào thời gian mà nhà Ðường gọi nước ta là
An Nam, bây giờ trong nước họ không ai báo động nhau về sự bành trướng
của Hán tộc! Tại sao Ðài Loan, hòn đảo vẫn bị coi là một tỉnh của Trung
Quốc, họ không lo bị Trung Quốc lấn áp hay xâm chiếm mà còn mở rộng
giao thương, trao đổi văn hóa, và mua thêm vũ khí của Mỹ để củng cố sức
mạnh quân sự? Nước Việt Nam khác hai nước trên ở những điểm nào mà dân
họ bình tĩnh, tự tin, còn dân mình thì lo sợ đến thế? Trả lời được câu
hỏi này là biết được người Việt Nam phải làm gì để đứng vững trước mối
đe dọa về sự bành trướng của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Lý do
thứ nhất là kinh tế. Ðài Loan và Nam Hàn đang là những cường quốc kinh
tế trong khu vực Á Ðông. Sản lượng bình quân ở Nam Hàn trên 24,000 đô
la một đầu người, Ðài Loan trên 30,000 đô la, còn Trung Quốc chỉ có hơn
5,000 (Việt Nam bằng một nửa Trung Quốc, và đây là lối tính PPP, dựa
theo mãi lực tương đối của người dân chứ không theo lối chỉ tính bằng
đô la Mỹ). Dù tới khi tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc tăng gấp ba
lớn bằng GDP của Mỹ thì một người dân trung bình ở nước Ðại Hán vẫn còn
nghèo, chưa bằng một phần ba người dân hai nước nhỏ láng giềng. Dân
giầu thì nước mạnh, nhất là trong thời “thế giới hậu cộng sản” và kinh
tế toàn cầu hóa bây giờ.
Sau khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt,
những quốc gia nhỏ không phải mang mối lo bị một cường quốc nào xâm
chiếm nữa. Mỹ không có tham vọng chiếm đóng Iraq lâu dài cũng như Nga
không dám đem quân vào các nước Georgia và Ukraine trước kia từng thuộc
lãnh thổ Liên Xô. Trung Quốc dù có tăng sức mạnh quân sự gấp trăm lần
cũng vẫn chưa đuổi kịp Mỹ; mà từ năm 1950 họ vẫn chưa dám đem quân sang
đánh các hòn đảo Kim Môn và Mã Tổ thì bây giờ họ càng phải dè dặt hơn.
Tuy
Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn do những đảng tự gọi là cộng sản cai
trị, nhưng chúng ta đang sống trong một “thế giới hậu cộng sản” vì chủ
nghĩa Cộng Sản đã bị vứt bỏ từ hai chục năm nay rồi. Ngày nay vẫn còn
những hội nghị về chủ nghĩa Mác xít trong đó người ta bàn về những lời
Karl Marx phê bình xã hội tư bản chứ không phải để tìm đường thực hiện
những viễn tượng mà ông vẽ ra để thay đổi các xã hội đó. Kinh tế tư
bản, mang tên gọi khác là kinh tế thị trường, đang trở thành lối làm ăn
duy nhất để tiến tới dân giầu, nước mạnh.
Nhưng trong “thế giới
hậu cộng sản” này nền kinh tế của tất cả các nước đều liên hệ đến nhau.
Tất cả các cường quốc đều muốn duy trì một tình trạng ổn định. Ðể yên
tâm làm ăn. Mục tiêu của các quốc gia là nâng cao mức sống của người
dân chứ không phải là thực hiện một chủ nghĩa hay một lý thuyết nào.
Không hề có một “chủ nghĩa tư bản” như người cộng sản thường hô hoán.
Kinh tế tư bản là một cách tổ chức xã hội cạnh tranh để sinh tồn theo
luật tự nhiên; mà cơ cấu tổ chức tư bản đó sẵn sàng biến hóa theo nhu
cầu từng giai đoạn, cũng là một luật tiến hóa tự nhiên. Sức mạnh của
một quốc gia nằm trong lãnh vực kinh tế: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
Nhưng
các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc về quân sự cũng như kinh tế,
không ai muốn thế quân bình hiện có bị xáo trộn. Không một cường quốc
nào sẵn lòng đi giúp một nước này chống nước khác nếu không phải vì
muốn bảo vệ thế quân bình tương đối ổn định đó. Ý nghĩ kết thân với một
nước này để chống lại nước khác hoàn toàn dựa trên địa lý chính trị là
một ảo tưởng. Trái đất đã “bằng phẳng” hơn, núi, sông, biển cả không
còn quyết định các mối tương quan quốc tế. Chiến tranh lạnh đã chấm
dứt, mỗi cường quốc kinh tế chỉ lo bảo vệ quyền lợi của họ và họ biết
các quốc gia khác cũng như vậy. Các quốc gia liên kết với nhau qua
những hiệp ước thương mại chứ không phải qua những liên minh quân sự
như 50 năm trước nữa. Ý tưởng liên kết với một nước khác qua một chủ
nghĩa, vì cùng một chế độ, một mô hình tổ chức xã hội, là một ý tưởng
lạc hậu và nguy hiểm cho chính bản thân nước mình.
Các nước như
Ðài Loan, Nam Hàn không lo lắng trước sự bành trướng quân sự và kinh tế
của Trung Quốc vì họ đã đi trước lục địa Trung Hoa trên con đường tư
bản hóa, dân họ giầu hơn nhờ thế nước họ vững chắc.
Nhưng một
sức mạnh không thể chối cãi được là ở các nước trên dân chúng và chính
quyền đều đồng ý phải làm sao cho dân giầu, nước mạnh thì mới đứng vững
được trong cuộc chạy đua với một tỷ người Trung Hoa. Và họ biết phải
làm gì để dân giầu, nước mạnh. Dân chúng nước họ có “đồng thuận” với
nhau không? Có thể trả lời ngay là không! Chính sách tăng cường giao
thương với Trung Quốc của chính phủ Quốc Dân Ðảng ở Ðài Loan đang bị
đảng đối lập và báo chí tự do chỉ trích, nêu rất nhiều lý do khác nhau.
Tại Nam Hàn mỗi lần thay đổi tổng thống là lại xác định một chính sách
mới đối với Bình Nhưỡng cũng như Bắc Kinh. Ðồng thuận là một từ ngữ đầy
ảo tưởng và nguy hiểm. Các chế độ độc tài dùng khẩu hiệu này để ép buộc
dân phải vâng lời chính quyền. Trong một xã hội tự do dân chủ người ta
không cần “đồng thuận.” Mọi người luôn luôn bất đồng ý kiến, nhiều ý
kiến khác nhau thì người dân càng có dịp so sánh và lựa chọn. Những
cuộc tranh luận đó trông có vẻ lộn xộn, không “nhất trí” nhưng lại giúp
quốc gia tránh được những nhầm lẫn lớn, khó sửa. Chỉ cần mọi người cùng
theo những luật chơi minh bạch, công khai để quyết định những chính
sách chung. Chính nhờ những luật chơi dân chủ mà một khi chính sách
quốc gia đã được đa số đồng ý và dùng lá phiếu để lựa chọn rồi, cả nước
trên dưới một lòng. Mặc dù lúc nào cũng vẫn có người không vẫn đồng ý
và tiếp tục tìm cách chinh phục đa số theo ý kiến của mình.
Chính
chế độ tự do dân chủ đã gây nên sức mạnh của Hàn Quốc và Ðài Loan. Các
đảng chính trị ở hai nước đó vẫn “đấu đá” nhau thẳng tay để giành quyền
lãnh đạo, nhưng các quyền tự do căn bản của người dân được tôn trọng và
người dân nắm quyền lựa chọn tối hậu. Trong nước họ cũng có những người
lợi dụng quyền thế làm tiền; cũng có những nhà kinh doanh tìm cách hối
lộ cho được việc; nhưng nhờ báo chí tự do và bầu cử tự do cho nên trong
xã hội có cả một mạng lưới ngăn ngừa tham nhũng tự nhiên. Ðiều đáng nể
nhất là xã hội công dân ở các nước trên đã phát triển rất mạnh nhờ các
công dân đều được tự do lập hội. Mỗi nhóm công dân có những nhu cầu và
quyền lợi riêng được tự do hoạt động và phát triển mà không bị guồng
máy nhà nước ngăn cản. Vừa rồi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến thăm Ðài Loan do
lời mời của các Phật tử để cầu nguyện cho các nạn nhân bị bão, Bắc Kinh
đã kịch liệt đả kích cuộc thăm viếng này. Chính phủ Quốc Dân Ðảng ở Ðài
Loan cũng chống vì không muốn làm mất lòng chính quyền cộng sản lục
địa, nhưng vẫn phải chịu thua dân. Chỉ trong một nước tự do người ta
mới thể hiện được đủ các quyền công dân như vậy.
Ðối với nước
Việt Nam ta, điều đáng lo lắng nhất không phải là Trung Quốc tiến lên
địa vị mạnh hơn; mà là lo nhất là nước Việt Nam đã chậm tiến lại càng
ngày càng bị bỏ lại phía sau. Trong khi các nước khác trong vùng Á Ðông
tiếp tục trên con đường tiến bộ về chính trị và kinh tế như vậy, thì
chính quyền cộng sản ở Việt Nam còn đang đẩy lùi cả nước đi ngược dòng
tiến hóa. Họ đang lo bắt bớ những bloggers, cấm đoán dân phát biểu ý
kiến khác với đảng; cấm người dân Công Giáo ở Thái Hà, ở Tam Tòa không
được sử dụng những miếng đất vốn thuộc nhà thờ của họ; cấm các thiền
sinh ở Bát Nhã, Lâm Ðồng không được tu tập theo phương pháp của họ,
cũng như cấm giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được sinh
hoạt tự do trở lại. Khi các chuyên gia và giới trí thức cũng phải tự
giải tán một tổ chức chỉ nhằm mục đích nghiên cứu phát triển và bảo vệ
môi trường thì các công dân khác làm sao góp phần xây dựng quốc gia?
Với
một chính quyền lạc hậu như thế, dân tộc ta không lo lắng sao được? Cứ
để cho một nhóm tham nhũng và bãt lực tiếp tục cầm đầu, nắm cổ mọi
người mãi hay sao?
|