VIT - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà
Jiang-Yu, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, đã lên tiếng phản
đối những phản ứng vừa qua của Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp tại
quần đảo Hoàng Sa. Ngày 5/8/2010, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ
Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam
trước việc Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri
Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn, Người Phát ngôn
Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, từ cuối tháng 5/2010 đến nay,
phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều
tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần
đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa
Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía
Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây
dựng công trình trên đảo này... Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm
dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền
chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định
ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành
mạnh.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Jiang-Yu
Ngày 6/8, khi trả lời báo giới về việc người phát ngôn bộ ngoại giao
Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tiến
hành khảo sát tại đảo Tri Tôn và các vùng biển lân cận thuộc quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, bà
Jiang-Yu lên tiếng phản đối đồng thời cho biết, Trung Quốc "có chủ
quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thật về cái
gọi là chủ quyền mà Trung Quốc nói tới này là kết quả của việc Trung
Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực đánh chiếm và hiện
vẫn đang chiếm giữ bất hợp pháp nhiều đảo và quần đảo của Việt Nam.
Bà Jiang-Yu cũng cho biết quan điểm của Trung Quốc đối với việc Mỹ và
Việt Nam vừa ký kết bản "Hợp tác hạt nhân dân sự". Theo bà Jiang-Yu,
các nước có quyền tự do phát triển và hợp tác đối với vấn đề hạt nhân.
Song các bên cần phải có nghĩa vụ trong việc không phổ biến các công
nghệ đối với vấn đề này.
Theo dòng sự kiện.
Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng
1/1974, rồi sau đó từ 1988 đến 1995, chiếm thêm một số đảo đá ngầm
thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ
quyền biển theo đường "lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Ðông.
Trong suốt thời gian qua Trung Quốc đã liên tục bắt giữ tàu thuyền và ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam.
Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu bảo
vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng
Sa, và tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng
công trình trên đảo này.
Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ bằng chứng được quốc tế công nhận để
khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với
các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với
thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các công ước quốc tế và tinh
thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông theo nhận thức
chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không
làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Phương Nam ( theo Internal)
|