Các
giới chức Việt Nam lại một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với
việc Hoa Kỳ quyết định quay lại Đông Nam Á. Trong khi đó, một học giả
người Mỹ gốc Việt nói rằng yếu tố Trung Quốc là một trong các yếu tố
quan trọng sẽ định đoạt sự phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ trong
những năm tới đây.
Duy Ái | Washington, DC Thứ Sáu, 17 tháng 9 2010
Hình: VOA Chinese - Yan Qing
Thượng nghị sĩ Jim Webb
Hôm
thứ 3 vừa qua, tại một cuộc hội thảo ở trụ sở Quốc hội Mỹ được Thượng
nghị sĩ Jim Webb mô tả là một sự kiện có tính chất dấu mốc, Đại sứ Việt
Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, cho biết rằng Việt Nam ủng hộ việc
Hoa Kỳ quyết định quay lại Đông Nam Á và Đông Á:
"Việt Nam
mạnh mẽ ủng hộ chính sách ngoại giao của Mỹ là quay lại Đông Nam Á và
Đông Á. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói, Hoa Kỳ quay lại
khu vực này để tiếp tục hiện diện chứ không rút đi. Chúng tôi ủng hộ
chính sách đó."
Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại
Washington cam kết rằng Hà Nội sẽ cố gắng hết sức để giúp Hoa Kỳ thực
hiện chính sách quay lại Á châu và sẽ tăng cường sự hợp tác với phía
Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực an ninh quốc phòng. Ông cũng
không quên kêu gọi nước Mỹ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam:
"Về
phía Hoa Kỳ, chúng tôi hy vọng nước Mỹ tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ chúng
tôi. Chúng tôi có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, cao hàng thứ nhì ở Á
châu, sau Trung Quốc. Nhưng đất nước chúng tôi vẫn còn là một nước đang
phát triển. Chúng tôi vẫn đang ra sức hoàn thiện nền kinh tế thị
trường. Vì vậy chúng tôi cần có sự trợ giúp và hậu thuẫn của quí vị cho
công cuộc phát triển của mình."
Cuộc hội thảo hôm thứ 3 là một trong nhiều sự kiện được tổ chức ở Washington và Hà Nội trong vài tháng qua để đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.
Hầu hết các nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng quan hệ Việt-Mỹ
đang ở trong giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết và sẽ tiếp tục phát
triển thêm nữa trong lúc hai nước đều quan tâm trước sự trỗi dậy của
Trung Quốc.
Hồi hạ tuần tháng 7, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố
tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam "không những thật sự là một quốc
gia quan trọng mà còn là một bộ phận của chiến lược nhắm tăng cường cam
kết của người Mỹ trong khu vực Á châu Thái bình dương, đặc biệt là
trong vùng Đông Nam Á.” Khi phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực
ASEAN ở Hà Nội, bà Clinton còn nói rằng Hoa
Kỳ xem việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa
(Việt Nam gọi là Biển Đông) bằng đường lối đa phương là một "quyền lợi
quốc gia”. Những phát biểu này đã khiến cho giới lãnh đạo Trung
Quốc phật lòng, và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã tuyên bố rằng lời lẽ
của bà Clinton là một hành vi tấn công Trung Quốc.
Giáo sư
Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason, một nhà chính trị học từng
nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cho
rằng yếu tố Trung Quốc là một trong các yếu tố quan trọng, định đoạt sự
phát triển của mối bang giao giữa Washington với Hà Nội. Trong bài tham
luận trình bày tại cuộc hội thảo ở Điện Capitol hôm thứ 3, giáo sư
Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng vì những lý do chiến lược, Trung Quốc không
muốn Hoa Kỳ và Việt Nam hình thành một mối quan hệ đồng minh gần gũi.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam có quyền theo đuổi những mối
quan hệ ngoại giao với những nước khác để bảo vệ chủ quyền và sự toàn
vẹn lãnh thổ của mình.
Giáo sư cho biết: "Cả Hoa Kỳ lẫn Việt
Nam đều không muốn gây bất bình một cách không cần thiết cho Trung
Quốc. Với tư cách là một siêu cường, Hoa Kỳ có nhiều lựa chọn hơn Việt
Nam. Xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là một việc đáng được ưa
chuộng đối với Hoa Kỳ, nhưng đối với Việt Nam thì đó là một việc cần
thiết. Việt Nam phải thực hiện những lựa chọn khó khăn giữa đòi hỏi
phải có mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc và sự cần thiết
là phải khẳng định quyền chủ quyền của mình để theo đuổi những mối quan
hệ ngoại giao với những nước khác để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn
lãnh thổ của mình."
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm rằng
việc chú trọng tới những mối quan tâm của Trung Quốc có thể làm cho
tiến trình xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trở nên chậm chạp
hơn, nhưng những đòi hỏi quá đáng và thái độ hung hãn của Trung Quốc
trong vài năm gần đây đã đưa tới tình trạng giao thoa về quyền lợi an
ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận
định rằng tương lai của sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ còn phụ thuộc vào
một số yếu tố khác, trong đó có yếu tố dân chủ và nhân quyền. Ông phát
biểu như sau:
"Theo thời gian, sự tiếp xúc và trao đổi giữa
người Mỹ gốc Việt và những người Việt trong nước cũng như những người
đi học ở nước ngoài, kể cả những viên chức chính phủ, sẽ giúp đôi bên
thông cảm với nhau nhiều hơn, thu hẹp cách biệt về nhận thức, và góp
phần thúc đẩy cho sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Tuy nhiên những
nỗ lực có tổ chức của những đoàn thể của người Mỹ gốc Việt nhằm nêu lên
những vụ vi phạm nhân quyền và hô hào cho dân chủ ở Việt Nam sẽ làm
hình ảnh Việt Nam xấu đi và gây căng thẳng cho mối quan hệ song phương.
Nhưng nếu nhìn vấn đề này từ một góc cạnh khác, chúng ta có thể nói
rằng sự chỉ trích có tính chất xây dựng về những vụ vi phạm nhân quyền
có thể có một ảnh hưởng tốt. Trước hết, việc cổ xúy cho nhân quyền phản
ánh giá trị và lợi ích của nước Mỹ. Việc cải thiện nhân quyền chẳng
những là một điều đáng mong muốn cho người dân Việt Nam mà còn có thể
đưa hai nước và hai dân tộc tới gần nhau hơn trong quan điểm chính trị,
và sự tương hợp về chính trị chính là một nền tảng vững chắc cho mối
quan hệ ổn định và thân thiện."
Các nhà quan sát tình hình
Á châu cho biết quan hệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia vùng Đông Nam Á sẽ
có dịp để phát triển thêm nữa khi Tổng thống Barack Obama tổ chức cuộc
hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại New York vào ngày 24 tháng này,
bên lề phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
|