Thứ Sáu, 2024-04-26, 9:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 18 » Nhà nước khổ vì “né” xã hội dân sự!
2:33 PM
Nhà nước khổ vì “né” xã hội dân sự!

Nhà nước khổ vì “né” xã hội dân sự! magnify

Từ sáng 15-11, giá xăng chỉ giảm thêm 1000đ/lit dù giá dầu xuống dưới mức 55 USD/thùng. Các doanh nghiệp vận tải còn chậm chạp hơn, hứa 7 ngày nữa mới tính chuyện giảm cước. Chuyện đạo đức kinh doanh đang ngày càng trở nên bức xúc.

Từ quý II/2005 đến nay, giá dầu thế giới có bốn lần dao động quanh mức 50-60 USD/thùng, nhưng bốn lần là bốn mức giá bán lẻ khác nhau. Ngày 3-7-2005, khi giá dầu 49,5 USD thì giá bán lẻ xăng là 8.800 đ/lit; tương ứng ngày 22-11-2005, giá dầu 58,84 USD, giá xăng 9.500 đ/lit; ngày 13-1-2007 giá dầu 52 USD, giá xăng 10.100 đ/lit và hiện nay giá dầu 55 USD, giá xăng giảm còn 13.000 đ/lit. Trừ thuế, phí thì giá bán lẻ này cao hơn trước đây 2000-3000d đ/lit, đồng nghĩa DN kinh doanh xăng dầu thu lời lớn (xem biểu đồ so sánh).

Không chỉ xăng dầu, các loại hàng hóa, dịch vụ “ăn theo” như cước vận tải, hóa chất, tân dược, sữa, thực phẩm v.v… khi giá dầu thế giới lên cao giá cũng vọt theo tương ứng, nhưng khi giá dầu giảm thì tìm mọi cớ trì hoãn giảm giá.

Tình trạng đó khiến cho quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại nặng, nông dân và những người thuộc diện chính sách, người làm công ăn lương có thu nhập cố định vô cùng bức xúc. Tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Chính phủ rất găy gắt.

Ngày 21-10-2008, đại diện hai Bộ Công thương và Tài chính đã thừa nhận với báo chí rằng sau khi “thả” xăng dầu theo cơ chế thị trường, hai bộ có lúng túng vì thiếu công cụ quản lý. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú nói rằng Bộ đã nghĩ đến phương án “siết” quota nhập khẩu, song lại vướng vấn đề an ninh năng lượng. Có người đặt câu hỏi, tại sao không thể sử dụng cách “túm tóc” nhân sự doanh nghiệp nhà nước, song thực tế quy trình xử lý cán bộ rất rườm rà, qua nhiều tầng nấc, trong khi phản ứng về vấn đề giá cả rất mau lẹ.

Trong thực tế, một số doanh nghiệp cũng biết cách “xoa dịu” dư luận bằng cách công bố giảm giá, nhưng thực chất mức giảm không nhiều, thời điểm lại kéo dài chứ không nhanh lẹ như lúc tăng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói thẳng, hiện đang xảy ra tình trạng lạm dụng độc quyền doanh nghiệp để xâm phạm lợi ích xã hội. Đại biểu Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) băn khoăn về lỗ hổng lớn trong cơ chế điều hành giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Ông cho rằng “việc chậm giảm giá xăng, tăng giá điện gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, có nguyên nhân từ thiếu công khai, minh bạch”.

Như vậy khi vận hành cơ chế thị trường phải chăng Nhà nước thiếu công cụ hữu hiệu giám sát doanh nghiệp?

Thực tế sáu năm trước đã có một dự án của VCCI đề xuất giải pháp mạnh, hiệu quả giúp kiềm chế và giải quyết các biểu hiện thiếu vắng đạo đức kinh doanh ở doanh nghiệp. Dự án bắt đầu từ tháng 4-2001 đến tháng 1-2002, điều tra ở năm TP lớn là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippin.

Cụ thể, mô hình giám sát doanh nghiệp được đề xuất gồm bảy thành tố, trong đó Nhà nước giữ vai trò trung tâm. Sáu thành tố còn lại gồm: Giám sát của nội bộ doanh nghiệp, của chủ nợ và bạn hàng, của đối thủ cạnh tranh, của người tiêu dùng, của công luận báo chí, và của hiệp hội ngành nghề.

Theo đó, nhà nước giữ vai trò đề ra pháp luật, kiểm tra việc thực hiện và tạo điều kiện cho sáu thành tố nói trên thực hiện chức năng của mình. Công cụ của nhà nước gồm cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan, lao động, môi trường, đo lường, công an, thanh tra…

Trong nội bộ doanh nghiệp phát huy vai trò cổ đông, chủ sở hữu và người lao động giúp ban điều hành doanh nghiệp không lạm quyền. Chủ nợ của doanh nghiệp như ngân hàng, các công ty kế toán, kiểm toán, bảo hiểm, cung ứng vật liệu… sẽ tham gia chế ước các biểu hiện tiêu cực vì họ cũng sẽ cùng chịu rủi ro nếu doanh nghiệp hoạt động phi pháp.

Các đối thủ cạnh tranh được coi là có tiếng nói quan trọng, tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp tự hoàn thiện. Hội Người tiêu dùng sẽ có tiếng nói khi hàng hóa dịch vụ chất lượng kém, thiếu an toàn, đắt đỏ, xâm hại môi trường… dẫn đến hành động tẩy chay doanh nghiệp.

Tiếng nói của công luận báo chí được xem như cách thức giám sát hiệu quả, vì nếu không tôn trọng lợi ích chung, hình ảnh doanh nghiệp sẽ rất xấu trước cơ quan nhà nước và xã hội. Với hiệp hội ngành nghề, dự án đánh giá là có sự am hiểu thiết thực với hoạt động doanh nghiệp thông qua việc đề ra các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp.

Đáng tiếc, theo ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế của VCCI, kết quả nghiên cứu nói trên có được Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp kiến nghị nhưng cơ chế này không được soạn thảo thành quy định pháp quy, chỉ được xem như một dạng cẩm nang cho các hiệp hội kinh tế. Ngay Tổ giám sát giá xăng cũng không có đại diện của một số thành tố nói trên.

Chính vì sợ rằng trao quyền cho các tổ chức xã hội như VCCI đề xuất, nên các bức xúc do DN gây nên ngày càng làm khổ Nhà nước. Bộ máy cứ phải phình to mãi, mà dân vẫn không thôi kêu ca. Ngay kỳ họp rồi, đại biểu Quốc hội nói rất nhiều:

Hic, cứ cái kiểu này thì việc đại biểu Quốc hội kêu ca sẽ diễn ra dài dài chỉ vì không có giải pháp căn cơ khi mà nhà nước “sợ” xã hội dân sự!

-----------------------

Bonus: Quốc hội chỉ trích ra sao?

Đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang):

Sự kiện Vedan, rồi đến Miwon cảnh báo nhiều điều, hàng trăm cây xăng gian dối, thuốc tây giả, phân bón rởm đầy rẫy khắp nơi, hệ lụy của sân golf, khai thác mỏ, nạn kẹt xe ở thành phố lớn, sự trôi nổi của vệ sinh an toàn thực phẩm, chất thải bệnh viện, nhà máy vẫn đang tiếp tục đang gây ô nhiễm môi trường. Sông ô nhiễm thì bị tuyên án bức tử, phân bón rởm thì mùa màng thất bát, bánh kẹo pha lẫn bột đá, sữa nhiễm độc thì cả một thế hệ hậu sinh bị sỏi thận và còi cọc. Đạo đức kinh doanh đã bất chấp, nhẫn tâm gây các hệ lụy tiềm ẩn nếu như trước đây khó nhìn thấy hoặc chỉ gây tác hại sau thời gian dài, thì ngày nay đã là trực tiếp và nặng nề đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam):

Theo báo cáo của Chính phủ, giá xăng dầu từ tháng 9 theo cơ chế giá thị trường nhưng cử tri phản ánh có lúc giá xăng tăng quá cao đột ngột, có lúc lên đến 19.000đ/1 lít xăng, người tiêu dùng chưa đồng tình, trong khi đó giá xăng dầu thế giới giảm nhưng ở trong nước chưa có mức giảm tương ứng, sự thua thiệt lại thuộc về người tiêu dùng. Tôi cho rằng nguyên do là do không có sức ép từ cạnh tranh thị trường trong nước và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả từ Nhà nước.

Đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long):

Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì các bộ ngành kịp thời đề xuất tăng giá cho hợp lý, điều này là hoàn toàn đúng, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì ta chưa kịp thời đề xuất giảm cho tương ứng với giá xăng dầu, của thế giới, hiện nay có điều chỉnh nhưng cũng chỉ nhỏ giọt. Không biết có quốc gia nào như chúng ta hay không, trong vòng 3 ngày mà 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu, chưa đầy nửa tháng lại điều chỉnh đến 3 lần, điều chỉnh giảm giá xăng dầu ta phải nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng, đừng để người kinh doanh được hưởng lợi quá lớn từ việc giá xăng dầu biến động, điều đáng nói ở đây là vai trò tham mưu nắm bắt dự báo tình hình không chính xác, đề xuất không kịp thời.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang):

Không ít bà con nông dân đã sạt nghiệp vì phân giả, phân kém chất lượng, nhưng mức xử phạt hiện hành quá nhẹ chỉ 8-12 triệu so với thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đến nay chưa thấy Bộ, ngành trung ương nào có động thái cụ thể để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân.

Sự quản lý điều hành kinh tế của Chính phủ về chính sách giá cả chưa thuyết phục được lòng dân. Khi giá vật tư nguyên liệu thế giới tăng tức thì giá vật tư nguyên liệu trong nước tăng lên gấp bội, ngược lại giá thế giới giảm mạnh thì giá trong nước đứng ở mức cao ngất ngưởng từ từ hạ nhỏ giọt, thấy rõ nhất là giá xăng dầu, xi măng,sắt thép, ga, vàng các doanh nghiệp đưa ra đủ lý do để bảo hộ. Cách kinh doanh mua bán như thế này rất hiếm ở các nước trên thế giới.
Nông dân, các tập đoàn kinh tế, doanh nhân cùng bơi trên biển nhưng khi sóng to gió lớn tập đoàn kinh tế, doanh nhân được nhận phao cứu sinh từ Nhà nước (tức là chính sách bảo hộ) còn nông dân thì phải tự lo.

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang):

Hiệu lực quản lý của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường chưa thật tốt. Khi giá xăng dầu trên thế giới giảm nhưng chúng ta không giảm, vấn đề này gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Lãnh đạo của Bộ công thương giải thích giảm một tý thế, nhỏ giọt thế dân đã được lợi rồi, tôi nghĩ cách xử sự như thế là không tốt. Hoặc rất nhiều năm EVN thường xuyên kêu lỗ để đề nghị Chính phủ cho tăng giá điện, vì EVN là doanh nghiệp độc quyền. Đến vừa rồi EVN lại báo cáo 13 năm qua EVN chưa bao giờ lỗ, lại đề nghị trích hơn 1 nghìn tỷ để thưởng cho cán bộ, công nhân ngành điện. Phải chăng ở đây chúng ta hy sinh 86 triệu người dân để bảo đảm lợi ích cho 84.000 cán bộ công nhân viên ngành điện mà vốn thu nhập bình quân đã 4 triệu đồng/tháng trong lúc thu nhập bình quân của nhân dân chúng ta có lẽ chỉ khoảng chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. Chúng ta đã có Luật cạnh tranh nói là cấm lợi dụng vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp để áp đặt giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cơ mà.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 724 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0