Thứ Bảy, 2024-04-27, 3:25 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 16 » Việt Nam lo ngại trước phát triển của Trung Quốc
8:14 AM
Việt Nam lo ngại trước phát triển của Trung Quốc

Anh Le Tran - Trà Mi lược dịch


Nếu cần phải xác định một đồng thuận giữa người Việt Nam trong và ngoài nước thì đó chính là cảm nghĩ đối với Trung Quốc. Mối quan ngại của người Việt Nam về an ninh quốc gia từ ngàn xưa vẫn là đề cao cảnh giác với nước láng giềng phương bắc.

Mặc dù niềm tự hào đánh đuổi ngoại xâm lúc nào cũng có nhưng lịch sử một ngàn năm bị đô hộ vẫn là nhắc nhớ đau thương do dân tộc Việt Nam. Và sự phát triển của ba sự kiện hiện nay dường như đang chà xát tự ái quốc gia Việt Nam ở một mức độ đáng kể.


Láng-giềng-đồng-chí anh-em?
Nguồn: topnews.in
Trước tiên, vài tháng qua, người Việt trong và ngoài nước công khai và kịch liệt phản đối Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên. Âm mưu của Trung Quốc có thể kể là từ xuất khẩu ô nhiễm môi sinh đến xâm phạm anh ninh quốc gia của Việt Nam. Đây là hiện tượng chưa từng thấy và thái độ đối kháng ngày càng tăng giữa nhà nước và quần chúng Việt Nam đối với việc đầu tư của Trung Quốc.

Thử nhìn qua cách thức các công ty Trung Quốc thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam sẽ tìm thấy ngay giải thích tại sao người Việt lại có thái độ phản đối như hiện nay. Khi đầu tư và xây dựng những nhà máy khổng lồ về điện lực, xi măng, hóa chất và mỏ tại Việt Nam, thay vì thuê công nhân địa phương, các công ty Trung Quốc thường đưa lao động của họ sang làm việc tại Việt Nam.

Đa số những người này là lao động không có tay nghề; họ là những người hiện đang không được phép làm việc tại Việt Nam theo luật lệ hiện hành tại đây. Theo tin tức của giới truyền thông đại chúng, những ngày gần đây cho hay số lao động Trung Quốc vào Việt Nam làm việc tại các dự án của Trung Quốc tăng lên đáng kể, có nhiều nơi có đến hơn 2.000 công nhân ở mỗi công trường. Người dân Việt Nam hoàn toàn không chấp nhận sự việc này vì nó đang gây thiệt hại về mặt công ăn việc làm cho người địa phương, và còn có tiềm năng gây bất ổn cho nền an ninh quốc gia.

Hơn nữa, theo những phê bình từ phía Việt Nam, Trung Quốc đang đưa sang đây những công nghệ cũ không thích hợp và thiếu khả năng bảo vệ môi trường để thực hiện dự án lớn của họ. Điều này khiến người dân lo ngại Việt Nam sẽ trở thành khu chứa chất thải công nghiệp cho Trung Quốc. Và càng ngày Trung Quốc lại là quốc gia trúng thầu những dự án lớn trong lĩnh vực chủ yếu trên khắp Việt Nam càng xác định mối quan ngại với nước láng giềng phía bắc hoàn toàn hợp lý.

Thứ hai, quan hệ kinh tế toàn diện của Việt Nam với Trung Quốc đã tạo ra một mức độ căng thẳng nhất định với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã phải đương đầu với độ siêu nhập hàng năm trong giao thương với Trung Quốc từ năm 2001. Con số siêu nhập trong năm 2008 đã lên mức cao gây sốc là hơn 11 tỷ USD hay khoảng 12% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam.

Sự chênh lệch cán cân thương mại này không những đã đặp áp lực tiêu cực trên nền kinh tế Việt Nam mà còn làm cho giới doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh vì hàng Trung Quốc lại đươc sản xuất (bằng lạo động rẻ – TM) ngay tại Việt Nam.

Hiện nay, hàng hoá Trung Quốc (sản xuất tại Việt Nam) với giá rẻ mạt đang tràn ngập thị trường toàn quốc. Nếu điều này xảy ra ở các quốc gia như Hoa Kỳ hay Ấn Độ, những cuộc điều tra chống phá giá của chính phủ sẽ mọc lên như nấm (Và dĩ nhiên sau đó sẽ là những biện pháp xử lý đúng đắn – phạt vạ – theo luật pháp thương mại quốc gia. TM) Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam, do khả năng pháp lý (đối với Trung Quốc) và những lý do chính trị, đã không dám mạo hiểm để trả lời những quan tâm và lo ngại của doanh nhân và doanh nghiệp trong nước.


Gà TQ nhập cảnh lậu vào Việt Nam
Nguồn: SGGP
Ngoài ra, vấn đề hàng lậu, đủ loại, của Trung Quốc, từ gia cầm tới đồ chơi trẻ em, lọt vào Việt Nam một số đáng kể, đặt thêm áp lực, không chỉ về mặr kinh doanh, mà còn là một mối đe dọa về sức khỏe y tế vì những mặt hàng (lậu) này chủ yếu là ở ngoài phạm vi kiểm soát của chính phủ Việt Nam. Mặc dù đây là một vấn đề đã có từ lâu, nhưng giới truyền thông Việt Nam gần đây mới rung chuông báo động về những đợt sóng lớn của hàng lậu vì các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng tẩu tán hàng tồn kho trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Thứ ba, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đang tăng cấp. Để ngăn ngừa quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước, chính phủ Việt Nam đã cố gắng kềm chế (bịt miệng – TM), không để người dân phản đối Trung Quốc có hành động ngang ngược giành chủ quyền tại Biển Đông vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008 (Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn việc thành lập Thị xã [Huyện] Tam Sa thuộc đảo Hải Nam gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 11 năm 2007 – TM). Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc ngày càng khẳng định giành lấy chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, chính phủ Việt Nam hiện nay khuyến khích dân chúng nghiên cứu và tìm hiểu bằng chứng lịch sử và pháp lý để tranh đấu giành chủ quyền trên biển. Điều này có thể được coi là một quyết tâm của chính phủ Việt Nam vì lịch sử đất nước đã chứng minh sức mạnh lớn nhất vẫn là lòng dân.


Căn cứ Hải quân Sanya, Hainan, China
Nguồn: DigitalGlobe
Trước những tranh chấp hiện nay, cũng như sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như các báo cáo về căn cứ bí mật của tầu ngầm có vũ khí hạt nhân tại đảo Hải Nam, là mối quan tâm và lo lắng chung của người Việt. Để đối phó, có tin cho hay Việt Nam vừa đặt mua sáu tầu ngầm của Nga trị giá 1,8 tỷ đồng đô-la Mỹ như một trả lời trước sự leo thang của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, với khả năng kinh tế giới hạn, chính phủ Việt Nam cũng không thể vào cuộc chạy đua vũ khí với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam cũng không thể đơn giản ngồi chờ xem Trung Quốc tiếp tục dương oai diệu võ trên biển.

Tuy nhiên, vẫn còn có hy vọng cho Việt Nam giải quyết các vấn đề này theo hướng đôi bên cùng có lợi và giữ được sự ổn định trong khu vực. Đầu tiên và tối thượng, chính phủ Việt Nam phải lắng nghe và không thể đánh giá thấp mối quan tâm của người dân. Về mặt đầu tư, dù đã được chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, các công ty đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam nên ý thức nhạy bén về tác động tới môi trường và ảnh hưởng chính trị của các dự án của họ và phải có ứng xử phù hợp với luật và kinh doanh và tiêu chuẩn quốc tế. Cho lợi ích lâu dài, những công ty Trung Quốc đang đầu tư phải đạt được lòng tin và thiện chí của nhân dân Việt Nam bằng cách xử sự như những người đầu tư nước ngoài có trách nhiệm. Về mặt này, những dự án đầu tư trực tiếp của Nhật tại Việt Nam có thể là những tấm gương tốt để họ (Trung Quốc) noi theo.

Ngoài ra, mô hình Trung Quốc gửi công nhân sang làm việc tại các công trường là một hành động chính trị thiếu lương thiện và có tiềm năng tạo thêm những phẫn uất không cần thiết như thế sẽ làm phức tạp quan hệ ngoại giao song phương hơn nữa. Ngưng ngay việc gởi lao động sang Việt Nam là bước đầu tiên Trung Quốc nên làm để đảo ngược những phản cảm hiện có trong quần chúng Việt Nam.

Trong bối cảnh rộng hơn về các mối quan hệ kinh tế, cán cân thương mại, và các vấn đề về buôn lậu phải được quan tâm giải quyết ngay để giảm bớt áp lực trên nền kinh tế Việt Nam. Thương mại là một công cụ ngoại giao rất quan trọng để cổ suý tình nghĩa láng giềng, hòa bình tại khu vực. Trung Quốc đang ở vị trí để làm điều đó nếu thực sự thi hành đúng với chiến lược “phát triển trong hòa bình”. (Hành động hiện nay của Trung Quốc không giúp gì cho bang giao hai nước; 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” chỉ là khẩu hiệu rỗng ‒ TM). Trong ba cường quốc ‒ Trung Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ ‒ mà Việt Nam đang xem là quan trọng nhất trong chính sách và định hướng ngoại giao, Việt Nam hiện đang có siêu xuất thương mại đáng kể với Nhật và Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể chứng tỏ thiện chí ngoại giao đáng kể đối với người dân Việt Nam nếu họ muốn được xếp cùng hạng với hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản trên mặt quan hệ quốc tế với Việt Nam.


Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam
Nguồn: NXB Trẻ
Đối với vấn đề gay nhất, bất kỳ giải pháp nào trong việc tranh chấp chủ quyền trên biển cần được đạt đến một cách minh bạch và phù hợp với các nguyên tắc được quốc tế chấp nhận. Ứng xử của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp hiện nay sẽ là thử thách cuối cùng của Trung Quốc trong lập trường “phát triển trong hòa bình.” Cùng lúc, bất phía nào cũng không thể dùng vũ lực đàn áp ngư dân trong vùng biển hiện đang tranh chấp. Những người dân đánh cá là người không vũ khí tự vệ, và phải được đối xử như vậy.

Tuy thế, chắc chắn sẽ có nhiều phản biện cho rằng những cách giải quyết cho ba vấn nạn nêu trên chỉ là ảo tưởng. Tuy nhiên, rất khó để mang lại lợi ích đôi bên và sự ổn định trong vùng nếu những đề nghị nêu trên không được để ý tới. Với tư cách là một cường quốc đang đi lên trên chính trường thế giới với tiềm năng kinh tế và chính trị ảnh hưởng trên khắp năm châu, Trung Quốc có bổn phận cho toàn thế giới biết họ đang thực sự muốn “phát triển trong hoà bình.” Trước tiên, Trung Quốc có thể thể hiện điều đó bằng những đối xử chân thành và tốt đẹp với Việt Nam.

Mặc dù lúc nào cũng thận trọng với Trung Quốc, Việt Nam có đủ khéo léo để đón nhận những ứng xử ôn hoà từ chính quyền phương bắc vì nền hòa bình và phát triển kinh tế, cùng lúc tiếp tục củng cố tư cách quốc gia (với nền độc lập tự chủ) đã giành được.


© DCVOnline
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 919 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0