Thứ Sáu, 2024-04-26, 2:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 16 » Dư luận vụ bắt luật sư Lê Công Định
8:15 AM
Dư luận vụ bắt luật sư Lê Công Định

Quốc Phương

Luật sư Lê Công Định

Luật sư Lê Công Định bị Công an bắt ngày 13/06/2009.

Tin tức về việc luật sư Lê Công Định vừa bị an ninh Việt Nam bắt khẩn cấp tại TP Hồ Chí Minh hôm 13/6/2009, do bị cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN, đang làm dấy lên các quan ngại sâu sắc của nhiều giới trong đó có tầng lớp trí thức và các văn nghệ sỹ trong nước.

Từ Hà Nội, một trong các ý kiến, nhà văn Võ Thị Hảo cho BBC Việt ngữ hôm 14/06, hay rằng bà đã bị sốc sau khi nghe tin luật sư Lê Công Định, người từng nhận bào chữa cho nhiều vụ án nhân quyền, dân chủ trong nước, bị công an Việt Nam bắt giữ, nhưng không tin là ông Định có tội.

Bà cũng phê phán cách đưa tin một chiều, thiếu khách quan, chịu chỉ đạo của Chính quyền, của nhiều cơ quan truyền thông trong nước.

Còn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng chủ trì và sáng lập trang mạng đang thu hút nhiều dư luận trong và ngoài nước, vốn phản đối dự án khai thác Bauxite của Chính phủ ở Tây Nguyên (bauxitevietnam.info), nói ông rất ngạc nhiên và buồn trước tin luật sư Định bị bắt, vì trước đó không lâu, báo Tuổi trẻ còn đánh giá rất cao về trình độ, nhân cách của ông Định.

Nhà quan sát tình hình trong nước, Lê Hồng Hà, hôm thứ Bảy cho BBC Việt ngữ biết, ông hay tin về vụ bắt giữ vị cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh qua báo chí và các trang mạng của nhà nước và do Chính phủ kiểm soát. Ông cho hay sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình về vụ bắt giữ và sẽ lên tiếng khi có các thông tin rõ hơn.

Nhà báo, kiêm nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho hay vụ bắt giữ vị luật sư nổi tiếng 41 tuổi từ Sài Gòn, đang làm cho giới trí thức, nhiều bộ phận quần chúng nhân dân khác, kể cả những người hành nghề luật sư trong lĩnh vực nhân quyền quan tâm sâu sắc và đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ và thông điệp thực sự của vụ bắt giữ.

'Một người dũng cảm'

Nhà văn Võ Thị Hảo

Nhà văn Võ Thị Hảo nói luật sư chỉ làm đúng bổn phận tối của mình.

"Tôi có theo dõi một số bài viết của ông Lê Công Định ở trên báo," nhà văn Võ Thị Hảo đang sống và làm việc ở Hà Nội nói.

"Tôi cũng biết luật sư Lê Công Định là một người dũng cảm, dám bênh vực cho những người bất đồng chính kiến vì nói lên ý nghĩ thực của họ về đất nước, trái với quan điểm của đảng cộng sản và Nhà nước."

Bà Hảo cho rằng ông Định đã làm được một công việc tốt khi chỉ thực hành lương tâm tối thiểu mà một luật sư cần có trước nhân dân:

"Khi những người dân lên tiếng đề nghị được giúp đỡ do bị vướng vào vòng lao lý và cảm thấy rằng họ có những điều chính đáng cần được bênh vực trước pháp luật, thì một luật sư có lương tâm không có quyền từ chối.

"Ông Định chỉ làm bổn phận tối thiểu của một luật sư có lương tâm và lương tri mà thôi."

Bà Hảo cho hay bà chưa từng gặp luật sư Lê Công Định, nhưng qua những bài viết của luật sư mà bà đã đọc, bà thấy ông Định không có gì sai trái.

"Nếu so với những gì mà nhà nước và đảng cộng sản lâu nay kêu gọi đổi mới, cần nói thẳng, nói thật, cần nhìn thẳng sự thật, vì đất nước phát triển, thì tôi thấy Lê Công Định đã làm đúng," bà Hảo nhận xét.

"Bây giờ lại chứng kiến thêm một người nói thẳng, nói thật nữa bị bắt, tôi cảm thấy thật là sốc và đáng buồn," nhà văn nữ 56 tuổi nói.

'Không phải lợi dụng'

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không tin vào báo chí một chiều

"Tôi thấy những bài viết của ông Lê Công Định là những bài đặc sắc," Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng chủ trì và sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam, thu hút hơn một nghìn chữ ký của các giới trí thức, khoa học, văn nghệ sỹ, nhân sỹ Việt Nam trong và ngoài nước... phản đối dự án khai thác khoáng sản tại Tây Nguyên của Chính phủ, nói với BBC Việt ngữ một ngày sau khi vụ bắt giữ diễn ra.

"Tôi cũng không rõ việc người ta nói ông Định lợi dụng phản ứng xã hội và dư luận về vụ Bauxite chống Chính phủ là lợi dụng thế nào."

Giáo sư Huệ Chi cũng bình luận về việc một số tờ báo trong nước nói luật sư Lê Công Định 'cấu kết' với một số 'đối tượng' chống đường lối của Đảng và nhà nước, mà đặc biệt là công kích trực tiếp Thủ tướng Chính phủ:

"Nếu ông làm như tất cả những người dân đã làm, nghĩa là ông ấy chống lại một việc có hại sờ sờ cho đất nước, là việc khai thác bauxite, thì tôi nghĩ không phải là ông ấy lợi dụng."

Người đang thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, của dư luận trong và ngoài nước, khi đi đầu nhóm nhiều trí thức nhân sỹ trong vụ phản đối dự án khai thác bauxite nhận xét về cách thức báo chí, truyền thông trong nước loan tin về vụ bắt giữ luật sư:

"Tôi chưa biết rõ 'tội trạng' của ông Định, vì ở Việt Nam việc công bố 'tội phạm thực sự' như ở trường hợp của ông Định, hình như là không thấy. Chúng tôi chỉ biết được sự việc qua báo chí, mà báo chí ở Việt Nam chỉ đi 'lề bên phải'.

"Cho nên cái mà gọi là tin vào báo chí, thì tôi không tin," Giáo sư Huệ Chi khẳng định.

'Còn răn đe nữa'

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Ông Nguyên nói động thái bắt giữ có thể mang tính răn đe.

"Vụ bắt Lê Công Định thu hút nhiều nhất những ai quan tâm tới các vấn đề thế sự, thời sự nước nhà. Mà có thể nói, đặc biệt là trong giới trí thức, giới quan tâm tới thời cuộc hàng ngày của đất nước," từ Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nhà báo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói với BBC.

Ông Nguyên cũng cho biết hiện còn chưa có nhiều nguồn tin khác nhau để xác định liệu có thực và thực đến đâu các nguyên nhân đứng đằng sau vụ bắt giữ:

"Vụ việc diễn ra chỉ vài chục tiếng đồng hồ sau khi một luật sư khác, ông Cù Huy Hà Vũ có đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ vi phạm pháp luật trong vụ Bauxite, điều mà báo chí trong nước không hề đưa tin, nên đã đang đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân, động cơ và thông điệp của vụ bắt ông Định.

"Tôi nghĩ là còn phải chờ đợi thêm thông tin, vì cũng giống như vụ bắt hai nhà báo Việt Nam cách đây một thời gian. Khi bắt cũng rất rúng động, rùm beng.

"Nhưng sau khi bắt còn phải điều tra, khởi tố, xét xử, thụ án... thì dần dần cũng rõ ra nhiều điều. Đây là một quá trình. Tôi nghĩ vụ án Lê Công Định mới chỉ bắt đầu. Chúng ta còn phải chời đợi thêm," ông Nguyên nhận định.

Sau khi có lời khen ngợi một số vị dân biểu đã có các phát biểu khá mạnh mẽ và thẳng thắn trước quốc hội về vụ Bauxit mấy tuần qua, như GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Nguyên trở lại vụ bắt giữ đối với luật sư Lê Công Định và đúc kết:

"Theo tôi biết, nhiều chính quyền nói chung, khi đưa ra một lệnh bắt giữ, họ không chỉ trừng trị tội phạm, mà nhất là đối với những người hoạt động dân chủ, với giới trí thức, điều đó còn có tính chất răn đe, đàn áp nữa, cho nên mọi sự kiện cần phải được đánh giá dần dần theo quá trình diễn biến cụ thể của nó."

Nguồn: BBCVietnamese.com
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 682 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0