Thứ Sáu, 2024-04-26, 7:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Bảy » 22 » Chuyện lạ sau biểu tình & Mời kiểu…Việt Nam
7:38 AM
Chuyện lạ sau biểu tình & Mời kiểu…Việt Nam


Chuyện lạ sau biểu tình

Nguyễn Tiến Nam - Chuyện là thế này: Mình bắt đầu chuyển sang nhà người bạn thân trọ cùng, vợ chồng bạn cũng khó khăn, tuy có hơi xa, nhưng cũng đỡ được khoản tiền nhà. Vừa dọn tới chưa được bao lâu, nhà lại xa nên cũng chưa cho ai biết địa chỉ, vậy mà lại nghe bạn nhắn lại: mấy hôm nay lúc mình đi làm có "người lạ” đến tìm liên tục. Đấy là chuyện lạ thứ nhất.

Hôm nay, vừa đi làm về, mình hẹn lão Đức ra quán làm vài chai bia, nhân tiện cũng muốn ai ủi ông bạn sau sự cố bị An ninh cho ăn "bánh giầy” hôm 17/07. Cả video và hình ảnh đang ầm ỹ trên mạng, bỗng thấy thương cho ông bạn, tự nhiên lại trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ. Thật, nổi tiếng kiểu lạ đời này thì chắc chẳng ai dám.

Vừa về đến nhà, nghe vợ bạn nhắn có ai đó để lại cho mình một phong bì ở trước cổng. Mình chợt nghĩ, có ai biết mình chuyển chỗ ở đâu mà lại biết địa chỉ mới để gửi thư ?

Cầm trên tay bì thư, ngoài phong bì là "Gửi anh Nguyễn Tiến Nam”, phần người gửi thì ghi "BCA-C49″ – một nickname nghe rất lạ ! Bên trong bì thư là một bức hình đen trắng, là ảnh của mình và anh Nguyễn Văn Phương đang tươi cười trước trụ sở CA huyện Từ Liêm hôm 17/07. Phía sau bức thư là một dòng chữ nghệch ngoạc như kiểu trẻ con, hoặc cũng có thể là cố tình :

Ảnh của anh đẹp lắm, nếu lần sau nữa thì mời anh đi gặp chúng tôi – Lúc đó sẽ ko biết ngày về

BAC(gạch ngang) BCA. C49

Xem xong bức thư, mình chỉ mỉm cười. Có lẽ đã qua cái thời nông nổi, hay dễ nóng giận chỉ vì những trò dọa dẫm thế này.

Ngồi chat với đứa em, kể nó nghe câu chuyện về bức thư lạ như một chuyện vui cuối ngày. Không ngờ thằng em suy nghĩ rất đăm chiêu, rồi nghiêm nghị phân tích: Anh ạ, em nghĩ đây không phải trò đùa đâu, mà cũng chẳng phải chuyện dọa dẫm bình thường…

Sợ mình không tin, ông em giải thích tiếp: "Bì thư ghi BCA tức là "Bộ Công An”, để ngay trước cổng là để dọa vợ chồng người bạn đang ở cùng”. Rồi sau nó tra Google thế nào ấy, lại bảo: C49 là tên viết tắt của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, họ đã tính trước là nếu mình có nóng giận mà đưa lên internet thì cũng bị hố…

Ông em của mình sau một bài phân tích dài lê thê, phán thẳng một câu : Đây là kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng !

Chẳng biết có đúng thật vậy hay không, nhưng lúc này, mình chỉ muốn nhắn với người đã gửi đến bức thư lạ đó rằng : Mình đi biểu tình đơn giản chỉ vì muốn biểu thị lòng yêu nước, ngoài ra không có mục đích đen tối nào cả. Nhớ lại hồi năm 2008, mình cũng đã từng bị bóp cổ, đánh đến nỗi chảy máu miệng chỉ vì đi chống rước đuốc Bắc Kinh còn chẳng sao, việc đùa quá lố, dọa dẫm "không biết ngày về” dù có trở thành sự thật đi chăng nữa, thì mình vẫn sẽ nhẹ nhàng chấp nhận.

Thấy mình suy nghĩ miên man, đứa em lại hỏi kháy: Hay là hôm biểu tình, anh "tè bậy” trước Đại sứ quán TQ hay sao mà để cảnh sát môi trường nó dọa ?

Chưa kịp trả lời, thì nó lại nói tiếp: Không phải anh thì chắc nó nói cậu Phương đấy, trong ảnh có 2 người. Cảng sát mội trường cũng nhiệt tình "nhắc khéo” như này thì đúng lạ thật !

Mình phì cười trước câu trêu đùa của ông em. Đúng là lạ thật, không biết sau hôm nay, chuyện lạ thứ N nào sẽ xảy đến đây ?

Nguyễn Tiến Nam gửi cho danlambao

Theo Danlambao

Mời kiểu…Việt Nam

Mời là tỏ ý mong muốn người khác làm việc gì cho mình một cách lịch sự, trân trọng.

Điều kiện cần của việc mời là phải có hai bên: bên mời và bên được mời. Còn điều kiện đủ có lẽ là hai bên đều có thiện chí. Chả biết nói vậy có chính xác không.

Thông thường, người mời mong muốn người được mời đáp ứng một nhu cầu tinh thần nào đó của mình nên lời mời rất trân trọng, quí hóa. Ví dụ mời đi dự lễ cưới, cuối thiệp mời, người ta hay chua thêm câu: "Sự hiện diện của ông (bà …) là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”.

Người được mời thì cảm thấy vinh dự, tự hào vì thấy mình cần thiết cho bên mời.

Người được mời có thể đi, có thể không đi (vì lý do bận chẳng hạn) nhưng vẫn cảm kích tấm lòng của người mời lắm lắm. Cho nên dù không đi được, người ta cũng phải có lời xin lỗi rồi gửi quà tặng qua người khác.

Ấy vậy mà, ở nước ta việc mời còn lắm chuyện khó hiểu, kỳ cục, nhất là lời mời được phát ra từ các cơ quan Nhà nước.

Dù ghi là giấy mời, kính gửi ông này bà nọ nhưng cuối cùng thì không quên "đe”: "Yêu cầu ông (bà …) có mặt theo đúng thời gian và địa điểm nói trên”

Ơ hay, đã "mời” sao lại còn "yêu cầu”. Lẽ ra phải nói: ‘Mong ông (bà …) sắp xếp thời gian để có mặt đúng giờ” mới phải chứ. Thắc mắc vậy, nhưng người được "mời” phải hiểu, nếu không đi thì sẽ gặp phiền phức, rắc rối, thậm chí có thể bị cưỡng chế … mời nên đành phải bỏ lại những việc khác dù đã lên chương trình như gác lại lời mời dự lễ cưới đầy trịnh trọng ân cần kia để đến cái nơi vừa mời vừa yêu cầu trong tâm trạng run rẩy, lo sợ.

Hình như, cái giấy vừa mời, vừa yêu cầu là theo một mẫu thống nhất do cơ quan nào đó ban hành ra.

Nhân nói đến cái sự mời, kể thêm một chút về chuyện những người biểu tình bị bắt về đồn công an Mỹ Đình hôm 17/7. Hôm ấy, có vị thiếu tá đối thoại với bà con khá nhiệt tình. Khi vị thiếu tá nói với bà con rằng, chúng tôi mời mọi người về đây thì nhận được sự phản ứng tức thì. Lập luận của bà con rằng, đó là các anh bắt chúng tôi về đây chứ đâu phải là mời. Bắt bớ, đánh đập, lôi cổ chúng tôi lên xe chở về đây mà cũng gọi là mời ư? Chuyện tưởng rõ ràng như vậy nhưng tranh cãi cũng quyết liệt phết. Người bảo mời, kẻ bảo bắt, cuối cùng chẳng bên nào chịu bên nào mới lạ chứ.

Nên chăng, phải định nghĩa lại từ "mời” như thế này: "Mời (động từ) chỉ việc lôi, kéo, đẩy người được mời hoặc khiêng bằng cách túm tứ chi, kéo rê trên đường, đạp vào ngực vào bụng hay vào mồm (nếu có gì rơi ra thì thuổng luôn) rồi tống lên xe để đạt được mục đích nào đó của người mời.

Ngày xưa, ta đánh trận thông minh, sáng tạo, như việc cải tiến tên lửa SAM để bắn rụng tầu bay B52 của anh bạn Hoa Kỳ. Mỗi trận đánh hay, ta được thế giới khen là "đánh rất Việt Nam”.

Vì vậy bây giờ tưởng cũng nên cẩn thận, coi chừng lại xuất hiện cụm từ "mời rất VN” thì chẳng hay ho tẹo nào.

Nhưng cũng chả biết đâu khi nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến (cũng có người cho là giáo sư Hoàng Tụy) có câu nói khá ấn tượng rằng: "Cái nước mình nó thế”.

Nguyễn Tường Thụy

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 662 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0