Phạm Trần
Các
Cụ nhà ta thường đuổi khéo với những người chai lì : Đứng lâu phải
biết mỏi chân. Nhưng nếu có ai cứ ì ra đấy thì các Cụ lại mắng vốn :
Ngồi mãi không biết thối thây à ?
Nếu đem cả hai trường hợp này
áp dụng cho những lời hứa làm tốt hơn của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt
Nam trong 15 năm qua, kề từ Đại hội tòan quốc lần VIII (28/6 –
1/7/1996) qua Đại hội đảng IX (19/4 – 22/4/2001 đến Đại hội đảng X (
18/4 – 25/4/2006) thì qủa nhiên người CSVN vẫn còn dậm chân tại chỗ để
đánh trống bỏ dùi, hay nói mà không làm.
CHUYỆN KINH TẾ
Bằng
chứng về Kinh tế, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Khóa đảng X (Tổng Bí
thư Nông Đức Mạnh) vừa được phổ biến ngày 15-09-2010 để lấy ý kiến của
người dân và trong đảng viết : "Kinh tế phát triển chưa bền vững;
chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm
năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước; một số chỉ tiêu không
đạt kế hoạch
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; các
cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; bội chi ngân sách cao, nhập siêu
lớn, kéo dài; các cân đối tiền tệ, tín dụng, xuất nhập khẩu, cán cân
thanh toán quốc tế chưa ổn định. Công nghiệp chế tạo phát triển chậm,
gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng lớn. Đầu tư vẫn dàn trải. Hiệu quả
sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn thấp, nhất là nguồn vốn đầu tư của Nhà
nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển chậm, thiếu đồng bộ. Trình độ
phát triển giữa các vùng cách biệt lớn và có xu hướng mở rộng. Các chỉ
tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
không đạt kế hoạch do Đại hội X đề ra.”
Vậy báo cáo về tình hình Kinh tế của Khóa đảng IX (Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh) tại Đại hội X năm 2006 đã viết gì ?
Mọi người hãy đọc :
"Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu
quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch
chậm
Các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế chưa thật vững chắc, dễ
bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Trình độ khoa học, công
nghệ, năng suất lao động thấp; giá thành nhiều sản phẩm còn cao so với
khu vực và thế giới. Nhiều nguồn lực và tiềm năng trong nước chưa được
huy động và khai thác tốt. Đầu tư của Nhà nước dàn trải, hiệu quả chưa
cao, thất thoát nhiều. Lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước và
tiêu dùng xã hội còn nghiêm trọng. Môi trường tự nhiên ở nhiều nơi bị
huỷ hoại, ô nhiễm nặng.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển chậm. Nội
dung và các biện pháp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông
thôn chưa cụ thể. Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh
nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hoá, còn nhiều vướng mắc. Chất lượng
nguồn nhân lực thấp, lao động chưa qua đào tạo vẫn là phổ biến, lao
động nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn
hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa đủ sức vượt qua những khó khăn về cạnh
tranh và thị trường....”
Trước Mạnh là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu của khóa đảng VIII cũng đã báo cáo tại Đại hội đảng IX : "Nền
kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua chậm dần, năm 2000 đã tăng trở
lại nhưng vẫn chưa đạt mức tăng trưởng cao như những năm giữa thập niên
90. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và GDP bình quân
đầu người, nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, kim
ngạch xuất khẩu, nhập khẩu... không đạt chỉ tiêu do Đại hội VIII đề ra.
Nhìn chung, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá
thành cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp
thiếu thị trường tiêu thụ cả ở trong nước và nước ngoài, một phần do
thiếu sức cạnh tranh. Rừng và tài nguyên khác bị xâm hại nghiêm trọng.
Nạn buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại tác động xấu đến tình
hình kinh tế - xã hội. Hệ thống tài chính - ngân hàng còn yếu kém và
thiếu lành mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Cơ cấu đầu tư chưa
hợp lý; đầu tư còn phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều. Nhịp độ thu
hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm, công tác quản lý, điều hành
lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc và thiếu sót. Quan hệ sản xuất trên
một số mặt chưa phù hợp. Kinh tế nhà nước chưa được củng cố tương xứng
với vai trò chủ đạo, chưa có chuyển biến đáng kể trong việc sắp xếp,
đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế tập thể chưa mạnh.”
Nếu so sánh giữa 3 kỳ Đại hội đảng với tổng cộng 15 năm thì nền kinh tế được gọi là "thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” do nhà nước chủ qủan vẫn "chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp” của khóa VIII, lên "chưa tương xứng với khả năng... sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém” của Khóa IX rồi lại lùi xuống "chưa bền vững” của khóa X.
GIÁO DỤC BẰNG GỈA
Trong lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo, Báo cáo của khóa X sẽ trình cho Đại hội XI vào tháng 1/2011 viết : "Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, xã hội, môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội
Trong
lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chưa giải quyết tốt mới quan hệ giữa tăng
số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người.
Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm;
cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo;
chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quản lý nhà nước về giáo dục
còn lúng túng. Chưa có biện pháp khắc phục xu hướng thương mại hoá và
sa sút về đạo đức trong giáo dục.
Tình trạng thiếu việc làm ở
thành thị và nông thôn còn cao. Chính sách tiền lương, thu nhập không
động viên được cán bộ, công chức người lao động gắn bó, tận tâm với
công việc. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở miền núi, vùng
sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Xoá đói, giảm nghèo chưa bền vững,
tình trạng tái nghèo cao. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo còn lớn và
ngày càng doãng ra. Chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ còn
thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Chất lượng
cuộc sống của nhân dân giảm sút trên một số mặt.”
Tuyệt nhiên không thấy nói đến tệ nạn mua bán bằng cấp, chạy điểm, người thật bằng gỉa hay người gỉa bằng thật.
Trong khi ấy báo cáo tại khóa đảng X cũng băn khoăn, nhức nhối : "Cơ chế, chính sách về văn hoá - xã hội chậm đổi mới; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt
Kết
quả xoá đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn.
Khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân
dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra. Nhu cầu về việc làm ở thành
thị và nông thôn chưa được đáp ứng tốt.
Chất lượng giáo dục và
đào tạo còn thấp. Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng kịp yêu cầu của
công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong một bộ phận báo chí, xuất bản, văn
hoá, nghệ thuật, xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi ích
vật chất đơn thuần chưa được khắc phục. Quản lý nhà nước đối với một số
lĩnh vực trong giáo dục, y tế, thể dục thể thao còn yếu kém.
Vậy ở Đại hội đảng IX, Lê Khả Phiêu của Khóa VIII đã nói với mọi người những gì.
Xin hãy đọc : "Một
số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Tỷ
lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao,
đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của xã hội. Chất lượng giáo
dục và đào tạo thấp so với yêu cầu. Mục tiêu, nội dung, chương trình,
phương pháp dạy và học, sách giáo khoa, thi cử, cơ cấu đào tạo, trình
độ quản lý có nhiều thiếu sót; trong giáo dục và đào tạo có những hiện
tượng tiêu cực đáng lo ngại. Đào tạo chưa gắn với sử dụng, gây lãng
phí. Chi phí học tập cao so với khả năng thu nhập của dân, nhất là của
người nghèo. Giáo dục và đào tạo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn
nhiều khó khăn...”
"Môi trường đô thị, nơi công nghiệp
tập trung và một số vùng nông thôn bị ô nhiễm ngày càng nặng. Công tác
quản lý báo chí, văn hoá, xuất bản nhiều mặt buông nảy sinh những
khuynh hướng không lành mạnh. Một số giá trị văn hoá và đạo đức xã hội
suy giảm. Mê tín, hủ tục phát triển. Cơ sở vật chất của ngành y tế còn
thiếu thốn và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện và xã. Việc khám và chữa
bệnh cho nhân dân, nhất là cho đồng bào nghèo, còn phiền hà và tiêu
cực.”
THAM NHŨNG HẾT CHỖ NÓI
Thế còn Quốc nạn tham nhũng bây giờ ra sao, sau 15 năm ?
Tại Đại hội đảng IX, Lê Khả Phiêu (Khóa VIII) báo cáo : "
Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn
tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều
tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta.
Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến.”
Sau khi Lê Khả Phiêu không được bầu lại thì Nông Đức Mạnh lên thay. Tại Đại hội đảng X, Mạnh nói : "Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng. Tội phạm và một số tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng.”
Bây giờ, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Khóa X, Mạnh cũng sẽ báo cáo với Đại hội XI rằng : "Công
tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan
liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những
biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.”
Như
vậy thì Luật Phòng, chống Tham nhũng (55/2005/QH11) ra đời từ năm 2005
có hiệu lực gì không, hay đảng đã cúi đầu khuất phục đám cán bộ, đảng
viên sâu mọt từ lâu rồi ?
XÂY DỰNG CHỈNH ĐỐN CÁI GÌ ?
Liên
quan đến lĩnh vực đảng viên, đảng CSVN đã có chủ trương Xây dựng, chỉnh
đốn đảng để làm cho đảng trong sạch từ Khóa đảng VIII nhưng xem ra vẩn
chỉ là chuyện nước đổ đầu vịt.
Hãy đọc báo cáo của Mạnh sẽ trình trước Đại hội XI sắp tới : "Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục
Công
tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số
vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghiã xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của
công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm
mưu, thủ đoạn ''diễn biến hoà bình''. Tình trạng suy thoái về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu,
những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự phân
hoá giàu nghèo ngày càng tăng; sự yếu kém làm chưa hết trách nhiệm
trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, làm tăng thêm bức xúc trong
nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cuộc
vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' chưa
thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi có biểu hiện hình thức. Những
điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa nhiều.
Tổ
chức của một số cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội
chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ chưa
rõ ràng. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính
sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát
hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới, cơ chế, phương pháp và quy
trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá
cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng
cấp, huân chương chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác cán bộ thiếu
tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Môi trường làm
việc, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để khuyến khích, thu
hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ; chưa cổ vũ ý chí phấn
đấu vươn lên, sự gắn bó, tận tụy của cán bộ đối với công việc.
Không
ít cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; công tác quản lý
đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh
hoạt nghèo nạn, tự phê bình và phê bình yếu. Việc xây dựng tổ chức cơ
sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài còn chậm, vai trò của tổ chức đảng ở đây mờ nhạt. Động cơ phấn
đấu vào Đảng của một số người có biểu hiện lệch lạc, cơ hội.”
Nhưng năm 2006, tại Đại hội đảng X, Mạnh đã báo cáo vấn đề này ra sao ?
Mạnh nói : "Công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu . Tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân
và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công
chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu
và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công
tác tư tưởng còn thiếu tính thuyết phục. Công tác lý luận chưa làm sáng
tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới. Công tác tổ
chức và cán bộ còn nhiều mặt yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra,
giám sát chưa cao....”
Riêng lĩnh vực tư tưởng có liên quan
đến tình trạng "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” của một số không nhỏ cán
bộ, đảng viên hết còn tin vào đảng , Mạnh nói : "Công tác tư
tưởng, công tác lý luận, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều yếu kém, bất
cập. Công tác tư tưởng thiếu sắc bén, tính chiến đấu không cao, phương
pháp tiến hành chưa linh hoạt, chưa tạo được nhận thức đúng và sự nhất
trí cao đối với đường lối, quan điểm của Đảng; chưa thường xuyên làm
tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa phê phán mạnh và đấu
tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan
điểm mơ hồ, sai trái, khuynh hướng "thương mại hoá", lai căng, chạy
theo thị hiếu tầm thường trên báo chí, phát thanh, truyền hình, trong
văn hoá, văn nghệ và xuất bản. Công tác tư tưởng chưa gắn với công tác
tổ chức, xây dựng cơ chế, chính sách. Nhiều tổ chức đảng chưa thật sự
lãnh đạo công tác tư tưởng....”
Như vậy, sau 15 năm mà đảng
vẫn chưa làm được những điều đã ghi trong các Nghị quyết Đại hội đảng
thì vào tháng 1 năm 2011, đảng có dám hứa thêm điều gì nữa không ?
XIN LỖI CHUYÊN NGHIỆP
Nhưng
không sao vì đảng đã quen "xin lỗi chuyên nghiệp” rồi. Từ bao nhiêu năm
nay tại mỗi kỳ Đại hội đảng là dịp để các Ban Chấp hành cũ xin lỗi
không làm được hay chưa làm hết những điều đã cam kết trước đảng và
nhân dân.
Tập quán này không mới mẻ gì nên có làm lại cũng là
chuyện đương nhiên, không xấu hổ gì hết. Vì vậy Lãnh đạo mỗi Khóa cứ
xin lỗi để khóa sổ sách rồi lại sang trang tiếp tục đánh trống bỏ dùi.
Bằng chứng Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng Khoá VIII đã nói trước Đại hội đảng 9 năm 2001 : "Trong
quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm
nhưng đã nghiêm túc tự phê bình, tích cực sửa chữa và rút ra những bài
học quý báu.”
Sau đó đến lượt Nông Đức Mạnh của Khoá IX
cũng theo gót Phiêu xin lỗi tiếp tại Đại hội đảng X năm 2006: " Những
khuyết điểm nói trên, trước hết thuộc trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của
Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành
Trung ương xin tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm của mình
trước Đại hội và trước nhân dân.”
Tưởng chỉ xin lỗi một lần rồi
thôi, nào ngờ sau khi được tiếp tục ngồi thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa, Mạnh
lại không ngần ngại xin lỗi cả nước tiếp theo trong Dự thảo Báo cáo
Chính trị sẽ trình trước Đại hội đảng XI vào tháng 1/2011 như thế này :
"Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình trước Đại hội và trước nhân
dân về những khuyết điểm, yếu kém đã làm hạn chế những thành tựu lẽ ra
có thể đạt được nhiều hơn.”
Như vậy, nếu đem hàng trăm
ngàn việc thất bại đã gây thiệt hại không biết bao nhiêu thời giờ và
tiền bạc cho nhân dân và đất nước trong thời gian 15 năm của 3 Khoá
đảng VIII, IX và X thì mấy dòng xin lỗi đãi môi ngắn ngủi quen thuộc
này của các Tổng Bí thư có đền bù được gì không, hay chỉ làm cho dân
khổ thêm ? Đấy là chưa vội nói đến vấn đề "dân chủ” mà đảng đang
qủang cáo nhưng lại "cố tình quên” không cho dân biết dân chủ đây
chỉ là "dân chủ trong đảng” thôi chứ chưa có dân chủ trong nhân dân.
Một
số viên chức cao cấp đã về hưu, trong số này có hai ông Nguyễn Đình
Lộc, cựu Bộ trưởng Tư Pháp và Bùi Đức Lại, cựu chuyên viên cao cấp
trong Ban Tổ chức đảng đã yêu cầu đảng nên thực hành bầu cử dân chủ
trong nội bộ đảng.
Hai ông muốn đảng để cho nhiều người có
quyền tự do ra tranh cử, kể cả tranh chức Tổng Bí thư đảng. Họ cũng
đề nghị để cho mọi đảng viên được quyền ứng cử và đề cử trong các cuộc
bầu cử trong nội bộ.
Họ lý luận rằng việc dành độc quyền cho Mặt trận Tổ quốc chọn ứng cử viên và chọn địa điểm ra ứng cử là vi phạm dân chủ.
Riêng
ông Bùi Đức Lại còn đề nghị để cho người ngòai đảng được quyền ra ứng
cử tự do. Nhưng cả hai ông Nguyễn Đình Lộc và Bùi Đức Lại chưa dám đề
nghị tổ chức các cuộc bầu cử tự do theo thể thức phổ thông đầu phiếu
như tại các nước tự do dân chủ Tây phương.
Hãy chờ xem đảng
CSVN có dám tổ chức tranh cử tự do chức vụ Tổng Bí thư đảng trong kỳ
Đại hội XI hay không. Nhưng dù có tranh mà vẫn đánh trống bỏ dùi những
điều mình hứa thì thà đừng hứa còn hơn. -/-
Phạm Trần (09-010)
|