Thứ Ba, 2024-11-05, 8:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 16 » VIỆT NAM: ĐẢNG CÓ NẮM ĐƯỢC THANH NIÊN KHÔNG?
1:37 PM
VIỆT NAM: ĐẢNG CÓ NẮM ĐƯỢC THANH NIÊN KHÔNG?
Nguồn: http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6278
Đã “Chuyên” Thì Cần Gì “Hồng”

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của đảng Cộng sản Việt Nam về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”  đã  lộ ra rõ hơn thất bại của nhà nước không nắm được Thanh niên trong thời đại ngày nay.

 
Tại sao vậy?  Bởi vì Nghị quyết 25 ra đời đã đánh dấu 15 năm không thi hành nổi những điều  nói về “công tác thanh niên trong thời kỳ mới” ghi trong Nghị quyết 04-NQ/HNTW, ngày 14 tháng 01 năm 1993 khoá đảng VII, thời Đỗ Mười.

Hãy so sánh để thấy : Nếu thời 1993 đảng này nói “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên. Các cấp uỷ từ trung ương đến cơ sở có chương trình công tác thanh niên trong nhiệm kỳ, lãnh đạo các cơ quan nhà nước xây dựng luật pháp, chính sách, chương trình kế hoạch công tác thanh niên. Các tổ chức đảng chăm lo củng cố Đoàn, xây dựng mặt trận thanh niên và đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong thanh niên. Đảng viên phải là người lãnh đạo, là tấm gương, là người bạn của giới trẻ”  thì  trong Nghị quyết 25 (năm 2008), đảng cũng lập lại y trang :  “Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Đảng đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên hành động, xác định các chuẩn mực cho thanh niên phấn đấu; xây dựng các tấm gương điển hình tiêu biểu cho thanh niên học tập và noi theo. Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên.”

Nhưng đảng CSVN đã  lãnh đạo Thanh niên ra sao? Hãy nghe Bí thư Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hiệp nói với Báo Điện tử Trung ương Đảng (24-3-08) : “Đoàn thanh niên là tổ chức tập hợp thanh niên mà thanh niên lại không đi theo thì tổ chức Đoàn không thể và không phải là xung kích. Làm sao để tập hợp thanh niên luôn là câu hỏi lớn bởi chúng ta đã cố gắng đi tìm giải pháp, kết quả thì đã khá lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đây cũng là suy nghĩ, là trăn trở của rất nhiều các bạn đoàn viên, thanh niên tiên tiến cũng như của chính đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn.

Hiện cả nước có 37% thanh niên đang sinh hoạt trong các tổ chức Đoàn, Hội như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Doanh nghiệp trẻ. Có địa phương đã tập hợp được khoảng 60%. Đây là tín hiệu vui nhưng vẫn còn gần 2/3 số thanh niên không sinh hoạt trong một tổ chức Đoàn, Hội nào.”

Không phải chỉ có Thanh niên không mấy tha thiết tham gia đoàn, hội, tổ chức của đảng mà ngay nhiều tầng lớp cán  bộ lãnh đạo đảng cũng không thích gắn bó với công tác Thanh niên do đảng yêu cầu.

Nguyễn Hoàng Hiệp nói tiếp : “Cần khẳng định rằng chủ trương, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về thanh niên đã rõ nhưng những hành động, chính sách cụ thể hoá những chủ trương đó ở các cấp chính quyền cơ sở thì còn rất hạn chế.

Ở Nhật Bản, các cấp chính quyền đều có một phòng Thanh niên. Phòng này có nhiệm vụ tham mưu với chính quyền các chính sách về thanh niên gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn ở nước ta, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và cũng chưa đánh giá được đúng vai trò của tổ chức Đoàn.”


Than phiền của Hoàng cũng được Nghị quyết 25 xác nhận : “Nhận thức của một bộ phận không ít cấp uỷ đảng cán bộ, đảng viên về thanh niên và công tác thanh niên chưa đầy đủ, nhiều mặt còn khoán trắng cho Đoàn; tổ chức chỉ đạo thiếu tập trung; đánh giá thanh niên còn theo kinh nghiệm, cảm tính, gia trưởng, thiếu tin tưởng thanh niên; một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất không là tấm gương để thanh niên học tập và noi theo. Một bộ phận gia đình ít quan tâm, thiếu giáo dục và nêu gương đối với con cháu.”

Nghị quyết của Kỳ họp Trung ương 7 (khóa X, 09-18/7/08) còn than phiền : “- Quản lý nhà nước về công tác thanh niên còn nhiều bất cập; bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên và cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác thanh niên chưa rõ ràng. Chưa gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với mục tiêu phát triển thanh niên. - Công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, hoạt động văn hoá, thể thao, báo chí, xuất bản có nhiều khuyết điểm, yếu kém nhưng chậm khắc phục đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ thanh niên…”

 “…Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thanh niên; khả năng chi phối và ảnh hưởng của Đoàn, Hội trong thanh niên chưa sâu rộng, tỉ lệ tập hợp thanh niên thấp, tính tiên phong; gương mẫu của cán bộ đoàn, hội và đoàn viên, hội viên chưa cao. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhiều địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác thanh niên tác thanh niên sự kết hợp giữa gia đình – nhà trường - xã hội trong giáo dục thanh niên còn hạn chế…”

Vậy 15 năm trước đây, đảng CSVN, Khóa VII,  đã nói về tình trạng này như thế nào trong Nghị quyết 4?  Hãy cùng đọc : “Bước vào giai đoạn mới của cách mạng, công tác vận động thanh niên chưa đổi mới kịp thời. Khuyết điểm lớn là thiếu nhận thức sâu sắc vai trò của thanh niên và nội dung công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Xử lý các vấn đề thanh niên không sát đúng với tâm lý và những nhu cầu mới của thanh niên. Một số cán bộ, đảng viên lớn tuổi còn thiếu tôn trọng, thiếu niềm tin vào thanh niên. Tình trạng thoái hoá, biến chất cùng với sự hạn chế về năng lực của nhiều đảng viên đã làm cho niềm tin của tuổi trẻ đối với Đảng bị giảm sút. Công tác thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển Đảng.

Lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng còn chung chung. Nhà nước còn chậm trễ trong thể chế hoá nghị quyết của Đảng, thiếu đầu tư thích đáng và chưa có tổ chức chuyên trách về công tác thanh niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có cố gắng, song bước vào thời kỳ mới đã bộc lộ nhiều nhược điểm, thiếu sót. Vai trò và ảnh hưởng của Đoàn trong thanh niên bị giảm sút. Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên và giáo dục thiếu niên, nhi đồng còn hạn chế. Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và nhiều gia đình chưa quan tâm đầy đủ đến việc chăm sóc, giáo dục thanh, thiếu niên.”


Vậy khoảng cách 15 năm giữa hai Nghị quyết,  thái độ của Thanh niên đối với đảng có khác nhau chăng, hay chính cán bộ đảng đã dậm chân tại chỗ để  nhìn Thanh niên bỏ rơi đảng?

LÊN ÁN THANH NIÊN

Nhưng sau khi phê bình cán bộ và các tổ chức xã hội không tích cực trong công tác Thanh niên, đảng CSVN đã nhận xét về Thanh niên ra sao?

Nghị quyết 25 ngày 25-7 (2008) lên án Thanh niên : “Tuy nhiên,một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỉ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.”

15 năm trước đây, Nghị quyết 4 ngày 14-1-93 của Khóa 7 cũng chỉ trích lớp trẻ : “Một bộ phận thanh niên ít quan tâm sinh hoạt chính trị, coi thường truyền thống cách mạng, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Một số dao động, thiếu niềm tin ở chủ nghĩa xã hội.   Một bộ phận thanh niên có xu hướng chạy theo lối sống không lành mạnh, coi thường giá trị nhân văn, kỷ cương, đạo lý, mắc nhiều tệ nạn xã hội. Tình trạng mê tín dị đoan tăng lên.  Không ít thanh niên vẫn mang tâm lý thụ động, ỷ lại từ thời kỳ bao cấp; tâm lý lao động và khả năng nghề nghiệp chưa chuyển kịp với nền kinh tế thị trường.”

Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng oán trách thanh niên trên Tạp chí Cộng sản điện tử (Số 15 (159) năm 2008).  Sang nói : “Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin và ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật; sống thực dụng, quá coi trọng vật chất, thiếu kính trọng người lớn tuổi, ít quan tâm tới gia đình. Một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ học vấn còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng trong lao động và hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm có chiều hướng gia tăng.”

Nhưng đảng CSVN có  trách  nhiệm gì trong tình trạng “xuống cấp” của Thanh niên không ? Tất nhiên không ai khác ngoài đảng và nhà nước CSVN phải trả gía cho tình trạng chậm tiền, tụt hậu của  Thanh niên từ 1975 cho đến nay.  Số học sinh trên cả nước chỉ vì nghèo mà  phải bỏ học trong  kỳ I năm học 2007-2008 đã  vượt  hơn 119 nghìn  là lỗi của ai ?  Báo Nhân Dân của đảng từng viết: “Ngày 11/3 (08), Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng trẻ em ồ ạt bỏ học chủ yếu là do thiếu chăm sóc, phối hợp của các địa phương.”

Tại "Hội nghị Diên Hồng" về nền giáo dục tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày  10-11/4 (2008),  các Nhà mô phạm được báo chí trong nước gọi là  “Các ''đại thụ'' ngành giáo dục” đã không ngại đưa ra kết luận làm đau lòng mọi người. Họ viết : ““Qua 4 cuộc hội thảo, các ý kiến đều nhất trí đi đến cải cách giáo dục. Thực trạng giáo dục hiện nay bất hợp lý, chất lượng thấp kém khiến chúng ta không hài lòng. Bằng chứng là các sản phẩm chúng ta đưa ra xã hội đều có chất lượng không cao…. Chúng ta quá nặng nề về giáo dục chính trị nhưng nhân cách, cách đối nhân xử thế của các em trong xã hội lại không được quan tâm đến nơi đến chốn.”

Đó là chưa kể đến thảm trạng học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay không biết nhiều hoặc có em không quan tâm đến môn học lịch sử nước nhà.  Đã thế, nhiều học sinh còn cả gan bịa đặt ra lịch sử như Báo Tiền Phong  viết  trong số báo ra  ngày 16-6-2007.

Dưới đầu đề  “Những bài thi lịch sử cười ra nước mắt”, Báo  này viết: “Có thí sinh trả lời: "Rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công, giặc bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc". Thậm chí, Lê Lợi cũng trở thành anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp...”

 “Một thí sinh khác lại viết: "Chiến dịch Hồ Chí Minh 1970, quân ta tiến vào Him Lan, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E... Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari năm 1972".


 “Cũng câu hỏi về chiến dịch Hồ Chí Minh, có thí sinh trả lời: "...Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc".

Như vậy thì đảng trách ai, học sinh hay cha mẹ các em, hay  vì đảng chỉ biết đào tạo học sinh, sinh viên và thanh niên thành các hạt nhân của đảng mà ra nông nỗi này ?

Nghị quyết 25 đã chứng minh tâm địa của đảng : “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ...Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”

 “….Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội…. Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước… Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên…”


 “…Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên, phấn đấu đạt tỉ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên. Bố trí, sử dụng cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực nhằm tăng nhanh tỉ lệ cán bộ trẻ trong cơ cấu các cơ cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ Trung ương đến các cấp ở địa phương so với hiện nay.”

Trong lĩnh vực giáo dục, thay vì giúp học sinh, sinh viên có cơ hội và phương tiện mở mang trí tuệ trong các môi trường khoa học, kỹ thuật để mở mang đất nước thì đảng CSVN lại ra lệnh  trong Nghị quyết 25 phải nhồi nhét Thanh niên bằng cách : “Đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ động hơn công tác chính trị, tư tưởng; nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng thanh niên; kịp thời đấu tranh, tuyên truyền làm rõ các âm mưu, luận điệu sai trái, giúp thanh niên hiểu và tích cực đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.”

Năm 1993, đàng CSVN cũng viết trong Nghị quyết 4  : “Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức,thực sự là đội dự bị của Đảng. Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn, nhất là đoàn cơ sở. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn, nhất là cán bộ đoàn cơ sở. Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên trong các tổ chức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt. Chăm lo xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các hình thức tập hợp, giáo dục nhi đồng.”

Nhưng công tác  đào tạo “đội dự bị” cho đảng chưa đi đến đâu vì đảng có qúa  ít người để Thanh niên  nhìn vào noi  gương.  Ngược lại đảng đã để cho Thanh niên nhìn thấy quá nhiều “người xấu, việc xấu” như cán bộ lãnh đạo không học mà vẫn có bằng; không làm việc vất vả bằng dân mà vẫn có nhà lầu, xe hơi và có dư tiền gửi con ra nước ngoài du học; hay tài cán không bằng ai nhưng biết chạy chức, chạy quyền mà được thăng chức, lên lương.

Nhiều cấp lãnh đạo Đảng cũng đã dậy cho Thanh niên biết “ăn gian nói dối”  từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như các thầy, cô giáo đã làm trong việc bảo nhau nâng điểm tốt nghiệp cho học sinh để nhà trường đạt tiêu chuẩn thi đua, để cho Hiệu trưởng được cấp trên khen thưởng thì thấy, cô mới có việc làm!

Tệ nạn thi thay, mua bán đề thi, tốt nghiệp điểm cao 100 phần trăm mà học lực không đủ tiêu chuẩn là chuyện không  đáng quan tâm đối với Bộ Chính trị và các viên chức có trách nhiệm trong ngành Giáo dục.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học “Việt kiều”  Nguyễn Đăng Hưng, sau hơn 12 năm tận tụy giúp đào tạo nhiều chuyên viên cấp cao về Khoa học cho Việt Nam,  đã  nhận xét  về nền giáo dục hiện nay của nhà nước Cộng sản : “Tôi và phần đông các giáo sư ngoại quốc rất khổ tâm về trình độ ngoại ngữ, sự yếu kém về thực tập nhất là tư duy thực tiễn, thói quen ỷ lại, tính thụ động của học viên, và cuối cùng là sự giới hạn của kiến thức phổ thông của học viên… Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về giáo dục và đào tạo bắt đầu đã trên ba thập kỷ qua! Tôi có cảm tưởng đã có những phản ứng ngược không ngờ được, mà nguyên do là các chương trình dạy nhồi nhét hiện nay tại Việt Nam.” (Trích Báo Người Viễn Xứ, 03/08/2006)

Quan sát “nhức nhối” của Giáo sư Hưng không được đảng và nhà nước CSVN quan tâm nên không ai ngạc nhiên khi thấy Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có những lời phát biểu “nắm đầu thanh niên”  trên Tạp chí Cộng sản điện tử (Số 15 (159) năm 2008).

Sang nói rằng : “Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người "vừa hồng, vừa chuyên" theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Đảng đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên hành động; xác định các chuẩn mực cho thanh niên phấn đấu; xây dựng các tấm gương điển hình tiêu biểu cho thanh niên học tập và noi theo”.  Với lập luận “phủ đầu” như thế, liệu Thanh niên Việt Nam có đường nào thoát khỏi “nanh vuốt” của đảng không,  hay ai cũng phải chui  đầu vào rọ để có miếng cơm, manh áo?

Nhưng kinh nghiệm của 15 năm giữa hai Nghị quyết đảng VII và đảng X đã cho thấy Thanh niên Việt Nam ngày nay, thế hệ của Thế kỷ 21, không còn biết sợ hãi và không  dễ gì bị đánh lừa vì họ đã nhìn thấy ánh sáng văn minh  bên ngoài khung cửa nhà tù của chế độ CSVN. -/-

Phạm Trần
(08/08)
Category: Chính trị | Views: 1583 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 1
1 dung triet  
0
cs la mot bon lua doi bao luc va doi tra mafia

Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 548
Khách: 548
Thành Viên: 0