Nguồn: http://thegioinguoiviet.net/
Hàng nghìn dân vẫn bị cô lập sau một tuần mưa lũ
Một tuần sau ngày mưa lũ ập đến, Lào Cai vẫn còn 30 xã bị cô lập do
đường sạt lở. Đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã thông, nhưng 5 đôi tàu
khách mỗi ngày phải chạy chậm so với biểu đồ ít nhất một giờ.
|
Trên quốc lộ 70, lũ cùng bùn đất đã chôn chiếc ôtô từ Yên Bái đi Lào Cai. (Ảnh: Cao Hiền)
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai, cho biết,
đến hôm nay đường từ trung tâm huyện Bát Xát, Bảo Yên, Sapa tới khoảng
30 xã vẫn chưa đi lại được.
"Lũ phá hủy hàng trăm tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ. Chúng tôi
không đủ người để rải khắp các tuyến, trước mắt chỉ có thể tập trung
sửa chữa, khai thông những tuyến chính. Còn đường giao thông liên xã
thì phải huy động sức dân", ông Dũng giải thích.
UBND tỉnh Lào Cai ước tính thiệt hại về vật chất do cơn lũ lịch sử là
985 tỷ đồng, trong đó giao thông chiếm 50%. "Đất sạt lở thì chỉ cần san
lấp, nhưng 189 cầu cống bị sập trôi thì phải cần phải nhiều năm nữa khi
có kinh phí mới xây lại được", ông Dũng nói.
Tại Yên Bái, ước tính trong 80 tỷ đồng thiệt hại do mưa lũ thì giao
thông là 47 tỷ đồng. Hiện các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông liên
huyện, liên xã đã được thông. "Nhưng chỉ là thông tạm, phục vụ nhu cầu
trước mắt. Về lâu dài cần đầu tư sửa chữa toàn bộ", Giám đốc Sở Giao
thông Vận tải Vũ Văn Quỳnh cho biết.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được thông từ đêm 12/8, nhưng đến
nay tàu chưa thể chạy đúng biểu đồ (8-10 giờ). Đoạn qua Yên Bái, tàu
chỉ chạy với tốc độ 10 km mỗi giờ nên 4 đôi tàu Hà Nội - Lào Cai, một
đôi Hà Nội - Yên Bái đều cán đích chậm hơn bình thường 1-2 giờ.
|
Nhiều tuyến đường liên xã bị khoét sâu do mưa lũ. (Ảnh: Cao Hiền)
"Tình trạng tàu đến ga cuối chậm phải kéo dài hết tuần. Sang tuần sau,
khi nền đường được gia cố chắc chắn, tàu mới có thể chạy đúng biểu đồ",
ông Trần Gia Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường
sắt Hà Nội, cho biết.
Đợt mưa lũ ngoài việc phá hủy nền đường, còn làm 60 toa xe, 4 đầu máy
bị ngập nước, gây hư hỏng hệ thống điện và phần mềm chạy máy. "Một nửa
số toa xe cao cấp bị hư hỏng, cần đưa về sửa chữa nên tạm thời chúng
tôi thiếu loại xe này", ông Tiến nói.
Phó giám đốc Tiến đánh giá, phải từ năm 1968 đến nay, tuyến đường sắt
phía Tây mới bị thiệt hại nặng nề như thế. Trước đây, mưa lũ chỉ làm
hỏng nền đường qua đoạn Bảo Thắng (Lào Cai). Nhưng đợt này thì suốt từ
ga Yên Bái đến Lào Cai đều bị hư hại. 4 đoàn tàu bị ngập nước.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trung ương,
đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc có 127 người chết, số người mất
tích đã giảm xuống còn 34. Trong đó, tỉnh Lào Cai có 51 người chết, 28
người mất tích. Tỉnh Yên Bái có 38 người chết, 3 người mất tích. (Theo
Hồng Khánh)
Hải Lộc, Thanh Hoá: Phí an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai:
Chính phủ miễn... xã vẫn thu
Là một xã ven biển kém phát triển có tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 60%, vậy
nhưng, chỉ trong 3 năm gần một tỷ đồng đã bị lãnh đạo UBND xã Hải Lộc
chi sai nguyên tắc, hoặc bỏ ngoài sổ sách.
|
Bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc trong buổi làm việc với PV
Thậm chí, một số khoản phí đóng góp của nhân dân đã được Thủ tướng
Chính phủ miễn giảm cho dân nhưng vẫn bị UBND xã Hải Lộc trưng thu.
Biết sai, nhưng vẫn làm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định miễn hai
loại phí an ninh quốc phòng và phí phòng chống thiên tai đối với nhân
dân trong cả nước được bắt đầu từ ngày 1/1/2008. Ngày 14/8/2007, Chủ
tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 2429/QĐ-UBND về việc
miễn thu hai loại phí trên đối với các tổ chức cá nhân trong toàn tỉnh.
Nhưng từ đầu năm 2008, UBND xã Hải Lộc vẫn tiến hành thu của dân hai
loại phí này, bất chấp các văn bản chỉ đạo trên.
Để hợp thức, lãnh đạo UBND xã Hải Lộc đã có “sáng kiến” thay đổi tên
gọi của hai khoản thu này từ “phí” thành “quỹ” an ninh quốc phòng và
quỹ phòng chống thiên tai, rồi tiến hành thu của nhân dân với mức
60.000 đồng/hộ/năm (đối với quỹ ANQP), 2.000 đồng/khẩu/năm (quỹ PCTT).
Tổng số tiền thu được từ hai loại quỹ lên gần 100 triệu đồng.
Trong buổi làm việc với PV, bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch UBND xã Hải
Lộc ngụy biện rằng, việc làm trên xuất phát từ tình hình thực tế của
địa phương, cũng như nhiệm vụ chi của năm 2008 mà ngân sách xã không đủ
khả năng cân đối chi trả. Từ đó, lãnh đạo xã tiến hành “trưng cầu dân
ý” và tiến hành thu hai loại “quỹ” này trên nguyên tắc tự nguyện, được
HĐND xã Hải Lộc thông qua.
Theo bà Huyên: “UBND xã Hải Lộc đã tổ chức hội nghị Ủy ban mở rộng ngày
11/1/2008 và lập phương án huy động nhân dân đóng góp, nhằm giúp địa
phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội”. Thậm chí bà Huyên
còn “nại” ra lý do để thu hai loại quỹ này: “Các anh thấy đấy, phụ cấp
của công an viên quá thấp nên chúng tôi mới phải lập phương án thu thêm
hai loại trên nhằm mục đích phụ giúp một phần lương cho họ. Chúng tôi
biết thu như vậy là sai, không đúng với chỉ đạo của cấp trên nhưng cũng
không còn cách nào khác nên đành liều”.
Khi chúng tôi đề nghị bà Chủ tịch UBND xã giải thích rõ nghĩa giữa hai
từ “phí” và “quỹ” mà lãnh đạo địa phương đã thu của nhân dân xã Hải Lộc
trong năm 2008 với số tiền lên đến gần 100 triệu đồng, thì chỉ nhận
được lời giải thích: “Mục đích của chúng tôi là tốt. Cái khó bó cái
khôn, chúng tôi không nghĩ việc thay đổi tên các khoản thu này là lách
luật, mà chỉ mong có thêm một phần kinh phí trợ giúp cho các hoạt động
của xã và bù đắp một phần lương cho công an viên trong xã”.
Gần một tỷ đồng sai phạm
Mặc dù được liệt vào một trong những xã nghèo nhất huyện Hậu Lộc, nhưng
nhìn vào tổng số tiền sai phạm trong 3 năm (từ 2004-2007) của UBND xã
Hải Lộc nhiều người không khỏi giật mình. Theo các tài liệu mà PV Báo
thu thập được, tổng số tiền sai phạm khoảng lên đến 968 triệu đồng,
được dàn trải trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tiền sai phạm về quản
lý ngân sách và các loại quỹ là 295 triệu đồng; về xây dựng cơ bản là
108 triệu đồng; về việc huy động vốn sai nguyên tắc và sử dụng kinh phí
không đúng mục đích khắc phục bão lụt là 334 triệu đồng; số tiền sai
phạm trong công tác giải phóng mặt bằng đê kè Y Vích là 230 triệu
đồng...
Trong đó, liên quan đến những sai phạm về quản lý sử dụng ngân sách cho
thấy địa phương đã sử dụng một số nguồn thu chưa hợp pháp, chi vượt chế
độ định mức nhà nước quy định như chi hội nghị, tiếp khách, lễ tết...
Đã có một số khoản thu, chi trích thưởng bỏ ngoài ngân sách lên đến 131
triệu đồng.
Làm việc với PV sáng ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Hoằng - Phó Chủ tịch
UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Việc UBND xã Hải Lộc tự thu hai loại quỹ
an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai, dù biến tướng tên gọi thế
nào cũng không phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. Trong thời gian qua, UBND huyện Hậu
Lộc đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo đối với các xã, thị trấn trong
huyện không được thu các khoản phí trên. Theo đó, đối với quỹ an ninh
quốc phòng là do ngân sách Nhà nước cấp theo chế độ định mức đã được
quy định. Với quỹ phòng chống thiên tai, UBND huyện đã có văn bản chỉ
đạo kể từ ngày 1/1/2008, việc huy động vật tư, lực lượng phòng chống
bão lụt thực hiện bằng hiện vật, vật tư, lực lượng tại chỗ. Nghiêm cấm
việc huy động đóng góp bằng tiền của nhân dân”.
Liên quan đến những sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính tại UBND
xã với số tiền lên đến 968 triệu đồng, ông Hoằng cho biết sẽ có ý kiến
chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thu hồi số tiền sai phạm trên nộp
về ngân sách nhà nước. Tuỳ mức độ sai phạm sẽ bị xử lý đối với các tổ
chức, cá nhân liên quan.
Theo Quốc Tuấn
Cô bé 14 tuổi kể về 5 ngày bị ép bán dâm
Trong ngôi nhà lụp xụp trên phố Bạch Mai (Hà Nội), Nguyệt tóc ép, áo
phông tím, trông xinh xắn và phổng phao so với tuổi 14. Cô bé kể với
chúng tôi về 5 ngày bị má mì khống chế, ép "tiếp khách".
Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm, bên trong đồ đạc bừa bộn. Dọn mấy cuốn
truyện tranh trên ghế, Nga, chị gái Nguyệt cho biết, gia đình mới thuê
nhà này được hai tháng. Chiều 14/8, lần đầu tiên sau khi được giải cứu,
Nguyệt mới bước ra khỏi nhà.
Bác Thủy, hàng xóm cho biết, bố mẹ Nguyệt bán ốc luộc cả ngày, tối
khuya mới về. Gia đình không có quan hệ với hàng xóm. Thi thoảng cô bé
lại bị mẹ đuổi ra đầu ngõ đánh.
Theo công an, bố Nguyệt từng đi cai nghiện. Cô bé này có sở thích chơi
game online và thường xuyên ngồi ở hàng net. 12 tuổi, Nguyệt đã từng bỏ
nhà đi. Khi cô bé mất tích 5 ngày, người nhà không hề thông báo với cơ
quan chức năng.
Nga cho biết, sau 5 ngày Nguyệt không về nhà, gia đình định lên công an
phường khai báo thì Nguyệt đột ngột trở về. "Hồi đó em bận thi tốt
nghiệp THPT không có thời gian kèm cặp, bố mẹ thì mải kiếm ăn. Đến khi
Nguyệt bỏ học gia đình mới biết", Nga nói.
Kể về đêm 29/7, khi bị 2 má mì Quỳnh Anh và Phương ép đi bán dâm,
Nguyệt cúi gằm mặt. "Em nghĩ Quỳnh Anh và Phương đều là chỗ quen biết
(qua một người bạn trai) nên đồng ý gặp gỡ, uống nước. Ai ngờ, đến đây
họ dọa và ép em phải tiếp khách nếu không sẽ bị đánh".
Ngừng giây lát, Nguyệt kể tiếp: "Nghe lời đe dọa, em hoảng sợ đành chấp
nhận lên xe cùng họ đến một nhà nghỉ trên đường Tam Trinh. Xong việc,
hai chị đó lại áp tải em về một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Đức Cảnh
giao cho Quỳnh "Bip", một gái bán dâm chuyên nghiệp trông giữ". Những
ngày sau, cô đươc đưa đến một phòng trọ và bị các má mì thay phiên canh
phòng.
Sau vụ môi giới thành công đó, để có tiền tiêu xài, hai má mì trẻ tuổi
tiếp tục lên mạng buông những lời mời hấp dẫn: "Gái trẻ, giá rẻ...
500.000 đồng mỗi lượt". Khi khách cắn câu, họ điều Nguyệt đến các điểm
hẹn.
Theo lời khai của các nhân vật liên quan, chỉ trong 5 ngày đã có hàng
chục khách tìm đến đường dây môi giới này. Những lần khách đăng kí
đông, không chỉ Nguyệt, Quỳnh "Bip" ngay má mì Phương cũng sẵn sàng
phục vụ. Nguyệt kể, trong 5 lần bị ép bán dâm, có 2 lần cô bị khách
"chê" vì nhỏ tuổi.
"Những ngày đó, em muốn quay về nhà nhưng không tìm được cách thoát.
May có anh ấy, nếu không chưa biết cuộc sống em ra sao", cô bé kể về vị
khách đã báo tin cho gia đình, đưa cô ra khỏi ổ mại dâm.
Chia sẻ với chúng tôi, Nguyệt cho biết, cô muốn quên đi những ngày kinh
hoàng vừa qua và mong muốn được quay lại học nhưng sợ không theo kịp
bạn bè. Mẹ cô thì khuyên đi làm thợ phụ cho các tiệm cắt tóc để phụ
giúp gia đình.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Anh Tuấn
|